Sự xuất hiện ngày càng nhiều của những con tàu trọng tải lớn vào cảng biển Hải Phòng đã đòi hỏi luồng hàng hải tại đây cần thêm chiều và thêm sâu.
Theo Cảng vụ Hàng hải Hải Phòng, chỉ tính trong 2 tháng đầu năm 2021, số lượng tàu biển đến Hải Phòng lên đến 2.862 lượt chuyến, tăng 11% so với cùng kỳ năm 2020. Số lượng tàu dự kiến vào cảng xếp dỡ hàng hóa trong tháng 3/2021 là hơn 1.460 lượt chuyến. Dự kiến ước cả quý I/2021, tàu biển đến Hải Phòng lên đến 4.327 lượt chuyến, tăng 289 lượt chuyến so với quý I/2020, tương ứng với mức tăng 7%. Sự tăng trưởng về lượng hàng hóa và lượng tàu qua cảng, đặc biệt là những tàu có trọng tải lớn đã cho thấy hoạt động logistics ngày càng phát triển, cũng như sức hấp dẫn “không thể chối từ” của khối cảng tại Hải Phòng.
Bất cập từ luồng một chiều
Tuy nhiên, thực tế hiện nay, luồng tàu vào cảng biển Hải Phòng chủ yếu là những đoạn luồng một chiều, đặc biệt là nơi đặt phần lớn số cảng tại Hải Phòng như đoạn kênh Hà Nam, Bạch Đằng sông Cấm. Điều này khiến công tác điều động phương tiện ra vào các cảng gặp nhiều khó khăn.
Theo một số doanh nghiệp cảng biển, tuyến luồng vào các bến cảng khu vực Hải Phòng là tuyến luồng một chiều. Mặc dù chuẩn tắc thiết kế được đảm bảo nhưng do mật độ lưu thông lớn, các tàu vẫn phải neo đậu chờ “nốt” trước khi vào cảng làm hàng. Điều này ảnh hưởng không nhỏ đến hiệu quả khai thác của các cầu bến cảng cũng như các doanh nghiệp cảng biển.
Bên cạnh luồng một chiều, việc nạo vét luồng tàu vào cảng biển Hải Phòng để đảm bảo độ sâu cũng đang gặp nhiều bất cập. Đơn cử, tuyến luồng lớn nhất, sâu nhất trong hệ thống luồng hàng hải Hải Phòng là luồng Lạch Huyện hiện nay cũng đang bị sa bồi. Theo thiết kế luồng để xây dựng cảng cửa ngõ quốc tế Hải Phòng, đoạn luồng Lạch Huyện đạt độ sâu từ -16 đến -14 m.
Với độ sâu này, luồng Lạch Huyện hoàn toàn có thể đón tàu có thể đạt đến 160 nghìn tấn. Nhưng không phải lúc nào tuyến luồng Lạch Huyện cũng đạt đủ độ sâu này. Ngoài ra, một trong những vướng mắc trong quá trình nạo vét luồng tàu vào cảng biển Hải Phòng hiện nay là khu vực đổ thải. Với khoảng 2.000 m3 nạo vét mỗi năm, nơi đổ chứa bùn đất nạo vét đang là vấn đề lớn.
Đi tìm lời giải
Chia sẻ với Diễn đàn Doanh nghiệp, ông Bùi Văn Quỳ - Phó TGĐ Cty Tân Cảng Sài Gòn cho biết, để đón được tàu như thế nào thì nó phụ thuộc vào nhiều yếu tố, trong đó yếu tố về luồng hàng hải rất quan trọng, tức là phải đạt độ sâu đảm bảo cho những con tàu. Hiện nay, cảng HICT thiết kế đưa ra là -14,5m, chúng tôi đang thử nghiệm đón tàu tới 133 nghìn tấn. Tới đây nữa, sau khi nạo vét xong, có thể xin thử nghiệm đón những con tàu lên tới 160 nghìn tấn, tương đương với 14 nghìn TEU. Còn vấn đề nạo vét luồng và luồng sâu như thế nào để đón những con tàu lớn như ở khu vực Cái Mép, Thị Vải thì đòi hỏi cần có sự nghiên cứu kỹ về độ sâu, nó thích ứng được với thiết kế của những con tàu lớn trên thế giới hiện nay.
Thực tế, sự thay đổi căn bản về tuyến luồng và độ sâu luồng sẽ tạo ra sức bật mới cho cảng biển Hải Phòng. Tuy nhiên, đây cũng là một bài toán khó đặt ra đối với hệ thống cảng biển Hải Phòng. Hải Phòng hiện có 44 bến cảng với 42 doanh nghiệp khai thác bến cảng. Một năm, có khoảng 10.000 tàu qua lại xuất nhập hàng. Luồng tàu vào cảng biển Hải Phòng từ phao số 0 đến sông Cấm có 3 đoạn chính gồm: đoạn Lạch Huyện, kênh Hà Nam và Bạch Đằng sông Cấm. Việc nâng cấp từ luồng hàng hải một chiều thành luồng hai chiều được cho là sẽ tạo điều kiện để lượng tàu và hàng hóa đến cảng biển Hải Phòng thuận tiện, tránh ách tắc giao thông trên luồng.
Ngoài ra, đối với vận tải biển, chỉ cần độ sâu luồng lạch, khu nước tăng thêm chục cm thì cơ hội cho những con tàu cập cảng với khối lượng hàng hóa lớn sẽ rộng mở. Các doanh nghiệp cảng biển cũng tiết kiệm chi phí vận chuyển; tàu từ biển đến thẳng cảng, không cần qua trung chuyển, san tải hàng hóa hay chờ đợi đến “nốt”.
Theo ông Nguyễn Anh Vũ - Giám đốc Cảng vụ Hải Phòng, luồng vận tải tại Hải Phòng là luồng một chiều, chiều rộng chỉ khoảng 80 m, độ sâu cũng hạn chế cho những tàu vận tải lớn. Việc tìm ra những mấu chốt sẽ giúp các tàu vận tải lớn qua lại tuyến luồng thuận lợi. Cũng theo ông Vũ, thủy triều thực tế tại cảng Hải Phòng thường xuyên cao hơn bảng thủy triều tính toán. Do vậy, ngoài bảng thủy triều được công bố hằng năm, các cảng có thể lợi dụng thủy triều thực để khai thác tối đa luồng hàng hải khi điều động tàu. Với tàu 1-2 vạn tấn, nếu tăng mớn 20cm có thể tăng mỗi chuyến tàu được 100 container, làm lợi khá nhiều cho doanh nghiệp.
Hiện tại, Hải Phòng mới “nắn” đoạn luồng từ bến phà Bính đến hạ lưu cầu Kiền 200m để nâng cao độ sâu, tận dụng độ sâu tự nhiên cho toàn tuyến luồng hàng hải Vật Cách; lắp đặt thước đo mực nước thủy triều thực tế tại luồng sông Cấm, tận dụng độ sâu tự nhiên trên luồng hàng hải Hải Phòng để điều động tàu ra vào cảng trong khu vực sông Cấm được linh hoạt.
Diễn đàn Doanh nghiệp sẽ tiếp tục thông tin!
Có thể bạn quan tâm