TÌM LỐI RA CHO DỆT MAY: (Bài 3) Mở lối từ FTA

HẠNH LÊ 22/12/2022 04:50

Việt Nam đã tham gia 15 Hiệp định thương mại tự do (FTA) với ưu đãi thuế suất lớn nhưng doanh nghiệp dệt may hiện vẫn chưa tận dụng tốt, hạn chế việc mở rộng thị trường xuất khẩu.

>>>TÌM LỐI RA CHO DỆT MAY: (Bài 1) Sức ép đè nặng

Tăng sức chống chịu trước những bất định

Dù chịu ảnh hưởng của suy thoái nhưng May 10 là một trong số ít đơn vị có đơn hàng để duy trì sản xuất đến quý 4 năm nay và sang tháng đầu năm sau. Có được điều này nhờ doanh nghiệp này tận dụng hiệu quả FTA thế hệ mới như CPTPP, EVFTA và chuẩn bị để khai thác hiệp định RCEP. Do vậy, đơn hàng và sản lượng xuất khẩu của May 10 được cân bằng trong các thị trường của FTA trên. Trong đó, thị trường Mỹ chiếm khoảng 40 - 45%; châu Âu khoảng 30 - 35%; Nhật Bản khoảng 10 - 15%; còn lại là các thị trường khác.

Tuy nhiên, số doanh nghiệp dệt may tận dụng và khai thác hiệu quả các FTA để gia tăng đơn hàng, mở rộng thị trường xuất khẩu lại chưa nhiều. Theo đánh giá của Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương), trong 3 năm thực hiện CPTTP, các doanh nghiệp dệt may tận dụng trên 10% lợi thế CPTTP gia tăng xuất khẩu sang các nước thành viên. Tương tự như vậy, với EVFTA, các doanh nghiệp dệt may tận dụng siêu ưu đãi mới chỉ đạt được 15% trên tổng kim ngạch xuất khẩu EU - tỷ lệ thấp so với các ngành nghề, lĩnh vực khác.

Duy trì sản xuất, giữ khách hàng là mục tiêu quan trọng nhất của ngành dệt may hiện nay

Duy trì sản xuất, giữ khách hàng là mục tiêu quan trọng nhất của ngành dệt may hiện nay

Yêu cầu đổi mới đang trở nên cấp thiết hơn bao giờ hết với các doanh nghiệp dệt may. Đổi mới để đáp ứng các tiêu chuẩn khắt khe của FTA, mở rộng thị trường xuất khẩu, tìm kiếm đơn hàng; đồng thời thúc đẩy hình hành chuỗi sản xuất khép kín từ thượng nguồn đến cắt may thành phẩm, nâng cao giá trị gia tăng cho ngành. Ngoài tận dụng lợi thế về thuế, công nghệ, ông Nguyễn Xuân Dương - Chủ tịch Hội đồng quản trị Tổng công ty may Hưng Yên nhấn mạnh, cần nhìn rộng đến cạnh tranh địa chính trị, doanh nghiệp dệt may chỉ làm một khâu như hiện nay sẽ chịu tác động nặng nề, trong đó có việc giảm giá đơn hàng, giảm số lượng đơn đặt hàng mạnh như hiện nay.

Trao đổi về những khó khăn trong khai thác các FTA, bà Đỗ Thị Thu Hương - Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) cho biết, ngoài một số nước thành viên của CPTTP có hiệp định song phương và đa phương với Việt Nam như Nhật Bản, New Zealand… với một số điều kiện hưởng thuế suất dễ hơn thì hiệp định CPTTP và EVFTA đều có những yêu cầu là vải phải sản xuất ở trong các khu vực FTA. Các doanh nghiệp dệt may chưa tuân thủ được các quy tắc xuất xứ để tận hưởng ưu đãi do hiện ngành đang nhập 43 - 45% nguyên liệu từ Trung Quốc.

Để nâng dần tỷ lệ nội địa hoá, góp phần chủ động nguyên liệu, đã có một số doanh nghiệp đầu tư phát triển ngành vải nhưng quy mô chưa lớn, chưa đáp ứng được yêu cầu. Tập đoàn Dệt may Việt Nam đã giao cho một số doanh nghiệp ở nhóm làm vải dệt kim xây dựng chuỗi giá trị từ sợi, dệt, nhuộm hoàn tất và xuất khẩu.

“Đứng trên vai người khổng lồ”

Tuy nhiên, theo ông Nguyễn Xuân Dương, dệt kim dễ hơn dệt thoi. Muốn nâng cao tỷ lệ nội địa hoá, con đường đi của các doanh nghiệp dệt may phải bắt tay cùng với các doanh nghiệp ngành vải để xây dựng chuỗi và mở rộng thị trường trên cơ sở hỗ trợ thêm của Nhà nước do ngành vải đầu tư cần vốn lớn và công nghệ cao như xây dựng khu công nghiệp dệt may, đầu tư hệ thống xử lý nước thải… Chỉ khi bỏ vốn đầu tư hạ tầng để phát triển ngành vải, trong những năm tới doanh nghiệp dệt may tự chủ 70-80% nguyên phụ liệu thì lúc đó các vấn đề khó khăn của ngành dệt may hiện nay mới có thể giải quyết được một cách căn cơ, mở rộng thị trường và tận dụng lợi thế về thuế do các FTA mang lại.

>>>TÌM LỐI RA CHO DỆT MAY: (Bài 2) Thích ứng với điều kiện kinh doanh mới

Chủ động nguyên liệu sản xuất đáp ứng tiêu chí xuất xứ sản phẩm là yêu cầu bắt buộc để các doanh nghiệp tận dụng FTA

Chủ động nguyên liệu sản xuất đáp ứng tiêu chí xuất xứ sản phẩm là yêu cầu bắt buộc để các doanh nghiệp tận dụng FTA

Từ thực tế trên, ở giai đoạn khó khăn hiện nay, ông Lê Tiến Trường - Chủ tịch HĐQT tập đoàn Dệt may Việt Nam cho biết, tập đoàn tập trung vào sản xuất nguyên liệu nhiều hơn là sản xuất may mặc vì đây là khâu đầu thực hiện xanh hóa, trang bị điện mặt trời để đáp ứng tiêu chuẩn 20% năng lượng sử dụng trong nhà máy là năng lượng xanh. Đây là những tiêu chuẩn mới mà thế giới đưa ra, đòi hỏi doanh nghiệp phải tăng năng lực trong chuẩn bị sản xuất, chuẩn bị năng lượng, nguyên liệu đáp ứng các yêu cầu tới năm 2024 sẽ đưa vào các báo cáo kiểm toán độc lập liên quan đến phát triển xanh khi doanh nghiệp tham gia vào chuỗi cung ứng toàn cầu.

Với các doanh nghiệp vừa và nhỏ, ông Huỳnh Thanh Điền - Hội Dệt may Thêu đan TP Hồ Chí Minh cho rằng, các doanh nghiệp này cần xác định thế mạnh ở công đoạn nào để có phương án kinh doanh hợp lý, tập trung cạnh tranh ở công đoạn đó. Ngoài ra, cần đẩy mạnh các phương thức xuất khẩu tại chỗ như xuất khẩu qua các sàn thương mại điện tử toàn cầu, bắt đầu từ những đơn hàng nhỏ để có thể dần tiếp cận với các thị trường lớn, khó tính. 

Để phát triển ngành vải, ngoài câu chuyện về đầu tư và thu hút đầu tư, Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu Đỗ Thị Thu Hương đề cập vai trò kết nối của doanh nghiệp. Khi Việt Nam ký kết hiệp định với Nhật Bản hay hiệp định ASEAN - Việt Nam và sau này là hiệp định với EU, với Anh, quy tắc xuất xứ bước thêm một bước, đề nghị 2 công đoạn, từ vải trở đi.

Tuy nhiên, với hiệp định với Nhật Bản và ASEAN - Nhật Bản, dù quy tắc xuất xứ yêu cầu 2 công đoạn nhưng tỷ lệ tận dụng ưu đãi dệt may trong hai hiệp định cộng lại khoảng 80% nhờ tận dụng nguồn vải từ trong nước, từ các nước ASEAN và Nhật Bản. Qua câu chuyện Nhật Bản, Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu Đỗ Thị Thu Hương mong muốn các doanh nghiệp dệt may khi thực hiện các FTA như CPTPP, EVFTA cần tăng cường kết nối, tìm kiếm các nguồn cung vải sợi trong nước và khu vực để tận dụng tốt hơn lợi thế về thuế để gia tăng xuất xứ.

Còn nữa... 

Có thể bạn quan tâm

  • Ngành dệt may sẽ chờ phục hồi trong năm 2024?

    Ngành dệt may sẽ chờ phục hồi trong năm 2024?

    00:01, 17/12/2022

  • Hiệp hội Dệt may tỉnh Thanh Hóa phát huy vai trò kết nối

    Hiệp hội Dệt may tỉnh Thanh Hóa phát huy vai trò kết nối

    09:48, 10/12/2022

  • Doanh nghiệp dệt may “co kéo” để giữ lao động

    Doanh nghiệp dệt may “co kéo” để giữ lao động

    04:30, 29/11/2022

  • Sớm phê duyệt Chiến lược phát triển dệt may

    Sớm phê duyệt Chiến lược phát triển dệt may

    03:00, 14/11/2022

  • Cảnh báo doanh nghiệp ngành dệt may giảm tỷ trọng

    Cảnh báo doanh nghiệp ngành dệt may giảm tỷ trọng

    04:00, 01/10/2022

  • Doanh nghiệp dệt may đang cố gắng duy trì đèn sáng trong xưởng

    Doanh nghiệp dệt may đang cố gắng duy trì đèn sáng trong xưởng

    00:06, 22/09/2022

(0) Bình luận
Nổi bật
Mới nhất
TÌM LỐI RA CHO DỆT MAY: (Bài 3) Mở lối từ FTA
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO