Chuyên đề

"Tin tốt" và "cần theo dõi" từ việc cắt giảm lãi suất của Fed

Lê Mỹ 21/09/2024 05:05

Việc cắt giảm lãi suất mạnh tay của Fed có thể là "con dao 2 lưỡi" với kinh tế Việt Nam. Ở khía cạnh khác, chứng khoán cũng chưa hẳn sẽ được hưởng lợi ngay.

Quyết định cắt giảm lãi suất 50 điểm cơ bản (0,5%) của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed), là sự "điều chỉnh chính sách dần về trung lập", theo quan điểm của Chủ tịch Jerome Powell. Tuy nhiên ở mức này, nhiều nhà đầu tư vẫn có phần lo lắng với câu hỏi "vì sao kinh tế Mỹ ổn định mà Fed" lại mạnh tay, song nhìn chung các chuyên gia cho rằng nhiều nền kinh tế và các NHTW sẽ hồ hởi. Bởi đây là một tín hiệu định hướng để các loại lãi suất khác giảm theo Fed trở nên rõ ràng hơn trong thời gian tới.


ty gia
Fed cắt giảm lãi suất là tin tốt, nhưng đồng thời vẫn còn phải theo dõi các diễn biến trong thời gian tới - Ảnh minh họa: T.L

Dù vậy, trong quan điểm của chuyên gia VinaCapital, việc Fed cắt giảm lãi suất 50 điểm cơ bản là việc đối mặt với lạm phát giảm và những dấu hiệu rõ ràng cho thấy nền kinh tế Mỹ đang chậm lại. "Việc cắt giảm lãi suất lần này của Fed là con dao hai lưỡi đối với kinh tế Việt Nam, vì giá trị đồng USD giảm sẽ làm giảm áp lực mất giá lên đồng VND, nhưng nền kinh tế Mỹ chậm lại sẽ ảnh hưởng đến tăng trưởng GDP của Việt Nam", VinaCapital nhận định.

Trước tiên là tin tốt. Đầu năm 2024, VND đã mất giá gần 5% so với đầu năm, buộc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) phải thắt chặt chính sách tiền tệ bằng cách hút bớt thanh khoản khỏi hệ thống. Một số chuyên gia còn dự đoán NHNN sẽ tăng lãi suất chính sách của Việt Nam thêm 50 điểm cơ bản vào cuối năm nay. Những diễn biến này đã giúp hỗ trợ giá trị của đồng VND, nhưng áp lực mất giá của các tỷ giá ngoại tệ trong khối ASEAN chỉ thực sự giảm bớt từ cuối tháng 6 khi kỳ vọng về việc Fed cắt giảm lãi suất bắt đầu tăng lên.

Bien dong ty gia
Biến động tỷ giá trong 5 ngày tính đến 20/9/2024 (AM EDT), USD Index đang phục hồi nhẹ, giao dịch quanh vùng 100,7. (Nguồn: MarketWatch)

Thị trường hiện kỳ vọng Fed sẽ cắt giảm lãi suất hơn 100 điểm cơ bản trong năm nay và thêm 100 điểm cơ bản nữa vào năm sau, điều này đã khiến đồng VND tăng gần 4% kể từ cuối tháng 6, cùng với sự tăng giá từ 7-10% của đồng Ringgit Malaysia, Baht Thái và Rupiah Indonesia. Việc đồng Rupiah Indonesia tăng giá mạnh đã giúp ngân hàng trung ương nước này cắt giảm lãi suất 25 điểm cơ bản trong tuần này xuống còn 6%.

"Chúng tôi không kỳ vọng NHNN sẽ làm điều tương tự, nhưng hiện tại không có khả năng NHNN sẽ tăng lãi suất, vì mức mất giá của VND hiện chỉ còn dưới 1,5% so với đầu năm, vẫn nằm trong “vùng an toàn” của NHNN", các chuyên gia VinaCapital phân tích.

Điều đáng lo ngại hơn, theo VinaCapital, là ý nghĩa của việc cắt giảm lãi suất đối với tình trạng của nền kinh tế Mỹ. Như nhà quản lý quỹ này đã đề cập trước đó, xuất khẩu nói chung và xuất khẩu sang Mỹ nói riêng (tăng gần 30% trong 8 tháng đầu năm 2024) là yếu tố quan trọng nhất thúc đẩy tăng trưởng GDP của Việt Nam trong năm nay. Vì vậy, nền kinh tế Mỹ chậm lại có khả năng làm giảm nhu cầu tiêu dùng của Mỹ đối với các sản phẩm "Made in Vietnam" như máy tính xách tay, điện thoại di động và các hàng hóa khác.

"Do đó, tăng trưởng GDP của Việt Nam trong năm 2025 sẽ phải dựa vào các yếu tố nội tại để bù đắp tác động của nền kinh tế Mỹ đang chậm lại. May mắn thay, Chính phủ có nhiều công cụ có thể sử dụng để thúc đẩy nền kinh tế, chẳng hạn như tăng cường chi tiêu cho cơ sở hạ tầng và thúc đẩy sự phục hồi của lĩnh vực bất động sản".

Theo VinaCapital với thông tin từ các nguồn tin khác, có khả năng khối lượng giao dịch bất động sản tại Việt Nam sẽ tăng tới 35% so với cùng kỳ năm trước trong 9 tháng đầu năm 2024. Tập trung vào hai lĩnh vực này sẽ trực tiếp thúc đẩy nền kinh tế, và một thị trường bất động sản sôi động hơn chắc chắn sẽ cải thiện tâm lý tiêu dùng và chi tiêu của người dân, vốn có phần bị trầm lắng trong năm 2024.

"Dù không ngạc nhiên về việc Fed cắt giảm lãi suất, nhưng chúng tôi lo ngại về ý nghĩa của quy mô cắt giảm này đối với nền kinh tế Mỹ. Chúng tôi đã nhiều lần nhấn mạnh quan điểm rằng sự thúc đẩy GDP của Việt Nam hiện tại từ tăng trưởng xuất khẩu có thể sẽ giảm dần trong năm tới, và động thái của Fed về cơ bản đã xác nhận điều đó. Tăng cường chi tiêu cho cơ sở hạ tầng và đẩy nhanh sự phục hồi của thị trường bất động sản là hai công cụ mạnh mẽ mà Chính phủ có thể sử dụng để tránh những tác động tiêu cực từ sự sụt giảm tăng trưởng xuất khẩu", chuyên gia VinaCapital cho biết.

Đồng thuận quan điểm, TS Đinh Thế Hiển, Chuyên gia Kinh tế cũng cho rằng về mặt chính sách, việc Fed cắt giảm lãi suất giúp Việt Nam giảm áp lực tỷ giá, ổn định chính sách ngoại hối và sản xuất.

Theo TS Đinh Thế Hiển, trong 3 năm qua, Fed đã duy trì biên độ lãi suất cao nhất trong hơn 20 năm, ở vùng 5,25-5,5%. Khoảng chênh lệch lãi suất còn quá lớn của của đô la Mỹ gây khó khăn đối với các NHTW đang cố gắng kiểm soát giá cả tiêu dùng. Đồng nội tệ yếu hơn có thể gây lạm phát vì làm tăng chi phí hàng hóa nhập khẩu, vốn được tính theo đồng đô la Mỹ. Với quyết định cắt giảm lãi suất 0,5%, áp lực tỷ giá với nhiều NHTW đều đã giảm trong đó có Việt Nam.

"Với việc cắt giảm mạnh lãi suất của Fed, sẽ giúp tỷ giá USD/VND tiếp tục hạ nhiệt, vừa trực tiếp giúp chi phí hàng nhập khẩu giảm, giảm gánh nặng nợ vay nước ngoài và còn giúp Việt Nam ổn định tiền tệ, giảm lãi suất huy động và cho vay, hỗ trợ vốn cho doanh nghiệp", TS Hiển nói.

Về dài hạn, ông cho rằng với tác động từ chính sách hạ lãi suất đồng USD của Fed, nguồn vốn nước ngoài sẽ hướng vào Việt Nam trong thời gian tới, tuy nhiên việc hưởng lợi trong ngắn hạn là chưa rõ rệt.

"Về lý thuyết, khi Fed cắt lãi suất khiến trái phiếu Mỹ không còn ưu thế, nguồn vốn sẽ chuyển dịch một phần vào các thị trường khác, trong đó có Việt Nam. Nhưng trong giai đoạn cuối năm 2024, nguồn vốn này vẫn chưa chuyển dịch nhiều", ông nhấn mạnh.

(0) Bình luận
Nổi bật
Mới nhất
"Tin tốt" và "cần theo dõi" từ việc cắt giảm lãi suất của Fed
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO