Những tháng cuối năm 2023, tỉnh Thái Nguyên đang chạy đua nước rút dốc toàn lực đẩy nhanh GPMB các dự án trọng điểm, giải ngân 100% vốn đầu tư công.
>>>Thái Nguyên, Cuba và Hoa Kỳ: Thúc đẩy xúc tiến đầu tư, thương mại
Xử lý dứt điểm những vướng mắc liên quan đến công tác GPMB
Xử lý dứt điểm những vướng mắc liên quan đến công tác GPMB thực hiện các dự án trọng điểm của tỉnh Thái Nguyên - Đây là chỉ đạo của ông Trịnh Việt Hùng, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Thái Nguyên, tại buổi kiểm tra tiến độ thực hiện các dự án trọng điểm trên địa bàn tỉnh, ngày 21/11/2023.
Đối với tuyến đường liên kết, kết nối các tỉnh Thái Nguyên - Bắc Giang - Vĩnh Phúc, đến nay BQL Dự án ĐTXD các công trình giao thông tỉnh đã nhận bàn giao mặt bằng được 225,7/226ha, còn vướng 5/2.924 hộ dân. Trong đó, trên địa bàn TP. Phổ Yên còn vướng mắc 3/2.516 hộ; huyện Đại Từ còn vướng mắc 02/408 hộ. Giá trị khối lượng xây lắp hoàn thành/giá trị hợp đồng là 709/2.545 tỷ đồng (đạt 28%); lũy kế giá trị đã giải ngân và vốn được cấp là 2.335/2.570 tỷ đồng, đạt 91%.
Đối với Dự án xây dựng sân vận động Thái Nguyên đang được triển khai thi công hạng mục san nền trên phần diện tích đã được bàn giao mặt bằng là 14,3ha.
Qua kiểm tra cho thấy các dự án trọng điểm của tỉnh đang được triển khai tích cực, đảm bảo tiến độ thi công và giải ngân nguồn vốn. Tuy nhiên vẫn còn một số vướng mắc trong công tác GPMB do một số hộ dân chưa bàn giao mặt bằng và các công trình hạ tầng kỹ thuật (chủ yếu là đường điện) gây khó khăn khi triển khai thi công, ảnh hưởng tới tiến độ của các dự án…
Tại buổi kiểm tra, Chủ tịch UBND tỉnh Trịnh Việt Hùng ghi nhận và đánh giá cao tiến độ thi công, giải ngân nguồn vốn đầu tư công tại các dự án. Ông cũng yêu cầu các địa phương liên quan cần tiếp tục tập trung giải quyết dứt điểm những khó khăn, vướng mắc trong công tác GPMB, kết hợp tuyên truyền, vận động để người dân đồng thuận, nhất trí với chủ trương chung.
Đối với các đơn vị thi công cần tập trung nhân lực, vật tư, máy móc thiết bị để đẩy nhanh tiến độ thi công các công trình đảm bảo kế hoạch.
Thái Nguyên tăng tốc giải ngân vốn đầu tư công
Tiếp tục đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công, tạo cú hích phục hồi kinh tế. Năm 2022, tỉnh Thái Nguyên đã lọt Top 10 địa phương đứng đầu cả nước về tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công. Tuy nhiên, tác động từ tình hình kinh tế thế giới vẫn là những thách thức đặt ra đối với các địa phương trong việc hoàn thành kế hoạch giải ngân vốn đầu tư công và đáp ứng Chương trình phục hồi kinh tế - xã hội sau đại dịch. Để có giải pháp điều hành linh hoạt, hiệu quả công tác giải ngân vốn đầu tư công, UBND tỉnh Thái Nguyên đã ban hành nhiều văn bản chỉ đạo liên quan. Trong đó có Chỉ thị số 07/CT-UBND ngày 14/4/2023 về các nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm đẩy mạnh phân bổ, giải ngân vốn đầu tư công, thực hiện 03 chương trình mục tiêu quốc gia năm 2023, thực hiện Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội.
Việc phân bổ, giải ngân vốn đầu tư công được tỉnh tiếp tục xác định là nhiệm vụ chính trị trọng tâm và được lãnh đạo tỉnh chỉ đạo quyết liệt ngay từ đầu năm. Năm 2023, tổng kế hoạch vốn đầu tư công của tỉnh Thái Nguyên là trên 8.367 tỷ đồng (bao gồm trên 7.863 tỷ đồng do Thủ tướng Chính phủ giao và trên 504 tỷ đồng địa phương giao thêm), phân bổ cho 80 dự án thuộc các ngành, lĩnh vực cấp tỉnh quản lý. Trong đó, có 30 dự án có tổng mức đầu tư trên 100 tỷ đồng (gồm 12 dự án trọng điểm). Tỉnh đã tập trung bố trí vốn để đẩy nhanh tiến độ các công trình, dự án, đặc biệt là các công trình giao thông trọng điểm.
Theo đó, Chủ tịch UBND tỉnh đã ban hành Quyết định số 700/QĐ-UBND về việc thành lập Tổ công tác đôn đốc, tháo gỡ khó khăn vướng mắc, đẩy nhanh giải ngân vốn đầu tư công năm 2023. Đại diện Cơ quan Thường trực Tổ công tác, ông Hà Văn Dương, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư thông tin: Từ khi thành lập Tổ công tác đến nay, các thành viên trong Tổ đã tích cực thực hiện các nhiệm vụ được Chủ tịch UBND tỉnh giao, tập trung hướng dẫn, đôn đốc, kiểm tra, giám sát việc thực hiện Kế hoạch đầu tư công năm 2023; kiểm tra các công trình, dự án trọng điểm, các dự án có tỷ lệ giải ngân thấp; tổ chức rà soát, tổng hợp khó khăn, vướng mắc; phân tích nguyên nhân của những khó khăn, vướng mắc trong quá trình triển khai thực hiện dự án đầu tư công; đề xuất và kiến nghị các giải pháp tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc nhằm thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công, nâng cao hiệu quả sử dụng vốn; định kỳ hằng tháng tổng hợp, báo cáo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, UBND tỉnh về tiến độ thực hiện các dự án, trong đó đặc biệt chi tiết với dự án sử dụng vốn ngân sách trung ương, các dự án Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, các dự án có tổng mức đầu tư từ 100 tỷ đồng trở lên.
Tại Công văn số 2962/UBND-TH ngày 21/6/2023 của UBND tỉnh về đẩy mạnh phân bổ, giải ngân kế hoạch đầu tư vốn ngân sách nhà nước năm 2023, Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu: Các sở, ban, ngành, địa phương có chế tài xử lý, luân chuyển các chủ đầu tư, BQL dự án, tổ chức, cá nhân cố tình cản trở, làm chậm tiến độ giao vốn và giải ngân vốn đầu tư công; thực hiện thanh toán vốn cho dự án ngay khi có khối lượng nghiệm thu theo quy định; chịu trách nhiệm toàn diện trước UBND tỉnh, Chủ tịch UBND tỉnh về việc chậm phân bổ, giải ngân kế hoạch đầu tư vốn NSNN năm 2023 dẫn tới không hoàn thành mục tiêu giải ngân theo kế hoạch được giao. Chủ tịch UBND tỉnh Thái Nguyên yêu cầu: Thủ trưởng các sở, ban, ngành, địa phương và chủ đầu tư phải chịu trách nhiệm toàn diện trước UBND tỉnh về kết quả giải ngân vốn đầu tư công năm 2023.UBND tỉnh sẽ xem xét kiểm điểm trách nhiệm của tập thể, người đứng đầu, cá nhân có liên quan trong trường hợp đơn vị có tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công đến ngày 30/9/2023 đạt dưới 50%.
Đối với nguồn vốn ODA như Dự án phát triển tổng hợp đô thị động lực TP. Thái Nguyên, các giải pháp để đảm bảo tiến độ giải ngân theo cam kết với Ngân hàng Thế giới cũng đang được chủ đầu tư tập trung thực hiện. Việc giải ngân thanh toán vốn được quan tâm đẩy mạnh, nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho các nhà thầu. Ông Tạ Văn Thán, Phó Giám đốc Ban Quản lý Dự án phát triển tổng hợp đô thị động lực TP. Thái Nguyên cho biết: Một mặt chúng tôi chỉ đạo thi công trên công trường, một mặt chỉ đạo kiểm tra, giám sát, hướng dẫn để nhà thầu thực hiện các hồ sơ, thủ tục thanh toán vốn, không để chậm trễ việc thanh toán ảnh hưởng đến nguồn cung vật liệu trên công trường.
Những tháng cuối năm 2023, tỉnh tiếp tục xác định đây là một trong những nhiệm vụ trọng tâm và chỉ đạo các sở, ngành, địa phương tập trung khắc phục khó khăn, phấn đấu hoàn thành mục tiêu giải ngân kế hoạch vốn được giao. Theo báo cáo, lũy kế thanh toán vốn đầu tư công của tỉnh đến cuối tháng 10 đạt trên 5.348 tỷ đồng, bằng 66% kế hoạch vốn do Thủ tướng Chính phủ giao. Việc lập, phân bổ vốn đầu tư công đảm bảo quy định; nhiều dự án, công trình đầu tư công hoàn thành và đưa vào sử dụng phát huy hiệu quả. Các dự án, công trình trọng điểm đảm bảo bố trí đủ vốn, thi công đạt tiến độ đề ra.
Ban Quản lý dự án ĐTXD các công trình giao thông tỉnh là đơn vị được giao vốn đầu tư công lớn nhất tỉnh năm 2023 cam kết sẽ giải ngân 100% vốn được giao. Từ đầu năm đến nay, nhiều công trình, dự án quy mô lớn được hoàn thành, đưa vào sử dụng, đem lại hiệu quả tích cực, như: Dự án Phát triển tổng hợp đô thị động lực TP. Thái Nguyên; dự án Đường vành đai 4-Vùng Thủ đô (đoạn tuyến từ QL 37 đến cầu vượt sông Cầu, H Phú Bình); nâng cấp, cải tạo ĐT.266, ĐT.261...
Với quyết tâm không để tình trạng chậm giải ngân xảy ra trên địa bàn tỉnh, thực hiện nghiêm các chỉ đạo của Chính phủ và hướng dẫn của Bộ Tài chính, UBND tỉnh Thái Nguyên đã chỉ đạo Sở Tài chính, Sở Kế hoạch và Đầu tư, Kho bạc Nhà nước Thái Nguyên và các đơn vị có liên quan phối hợp tổ chức thực hiện tốt và chấp hành nghiêm túc kỷ luật, kỷ cương trong công tác quản lý điều hành ngân sách.
Đồng thời, UBND tỉnh Thái Nguyên cũng chỉ đạo các sở, ngành, địa phương, chủ đầu tư, ban quản lý dự án chủ động, tích cực và quyết liệt trong thi công, nghiệm thu khối lượng thực hiện, khẩn trương hoàn thiện hồ sơ, thủ tục gửi Kho bạc Nhà nước Thái Nguyên kiểm soát, thanh toán vốn để đẩy nhanh tiến độ giải ngân.
Đối với các dự án đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt quyết toán dự án hoàn thành, các dự án bố trí kế hoạch vốn để thu hồi vốn ứng trước, các dự án hoàn thành bàn giao đưa vào sử dụng trước ngày 31/12/2022 được bố trí kế hoạch vốn đầu tư công năm 2023, khẩn trương hoàn thiện hồ sơ để thực hiện giải ngân sớm.
Xác định giải ngân đầu tư công là nhiệm vụ chính trị quan trọng, các cấp, các ngành phải điều hành chủ động, linh hoạt, kịp thời và hiệu quả, làm việc nào dứt điểm việc đó, không để kéo dài, gây ách tắc, lãng phí nguồn lực - đó là chỉ đạo của Chủ tịch UBND tỉnh và cũng là giải pháp để các cấp, ngành, địa phương trong tỉnh cụ thể hóa một trong những nhiệm vụ chính trị quan trọng, nhằm đáp ứng yêu cầu phát triển của địa phương.
Có thể bạn quan tâm
Tỉnh Thái Nguyên: Hỗ trợ phát triển nguồn nhân lực cho DNNVV sử dụng nguồn ngân sách Trung ương năm 2023
22:07, 17/11/2023
Hội thảo bàn giải pháp nâng cao chất lượng, hiệu quả PAR Index, SIPAS tổ chức tại tỉnh Thái Nguyên
20:49, 13/11/2023
Thái Nguyên và hành trình “xanh hóa” các khu công nghiệp
21:14, 31/10/2023
Thái Nguyên: Công nghiệp là trụ cột tăng trưởng kinh tế
08:10, 22/10/2023
Phổ Yên (Thái Nguyên): Đẩy mạnh chuyển đổi số, xây dựng chính quyền điện tử
06:31, 18/10/2023