Ngày 15/12/2023, tại Quảng Ninh, Hội đồng kết nối kinh tế tiểu vùng trục cao tốc phía Đông đã tổ chức hội nghị tổng kết hoạt động năm 2023 triển khai hoạt động năm 2024.
>>>Kết nối kinh tế trục cao tốc phía Đông: Vạn sự khởi đầu nan
>>>Hình thành hệ sinh thái giữa các khu công nghiệp thuộc trục cao tốc phía Đông
Tham dự hội nghị có ông Phạm Tấn Công – Chủ tịch VCCI; lãnh đạo 4 địa phương Hải Phòng, Quảng Ninh, Hải Dương, Hưng Yên.
Một năm thành công
Thỏa thuận Kết nối kinh tế trục cao tốc phía Đông (VEHEC) bắt đầu triển khai từ tháng 7/2022 đến nay với sự đồng thuận của bốn địa phương, gồm TP Hải Phòng, tỉnh Quảng Ninh, tỉnh Hải Dương, tỉnh Hưng Yên và sự tham gia điều phối của Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI).
Tốc độ tăng trưởng tổng sản phẩm trên địa bàn năm 2023 của 4 địa phương trong Kết nối kinh tế trục cao tốc phía Đông ước tính đều tăng trưởng trên 8% so với cùng kỳ năm trước. Cụ thể, dự báo tăng trưởng tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) năm 2023 của các tỉnh, thành phố gồm Thành phố Hải Phòng, tỉnh Quảng Ninh, tỉnh Hải Dương, và tỉnh Hưng Yên lần lượt là 10,34%, 11,02%, 8,16% và 10,05%.
Quảng Ninh là địa phương có tăng trường GRDP cao nhất vùng Đồng bằng sông Hồng và đứng thứ 3 cả nước. Đây cũng là năm thứ 9 liên tiếp mà tỉnh đạt mức tăng trưởng GRDP trên 10%. TP Hải Phòng có tỷ lệ tăng trưởng GRDP cao thứ hai trong khu vực Đồng bằng sông Hồng, đứng thứ 5 cả nước. Tăng trưởng GRDP của Hưng Yên và Hải Dương cũng đều thuộc top 20 địa phương có kết quả tốt nhất, với giá trị lần lượt là 10,05% và 8,16%.
Tăng trưởng tổng sản phẩm trên địa bàn của khu vực công nghiệp – xây dựng đạt mức tốt so với cùng kỳ năm 2022. Ước tính đến hết năm 2023, TP. Hải Phòng có mức tăng trưởng GRDP trong khu vực công nghiệp – xây dựng ở mức 11,54%, cao nhất trong số 4 địa phương của Kết nối VEHEC. Ba tỉnh còn lại cũng duy trì mức tăng trưởng GRDP cao ở khu vực này, đều cao hơn 6% so với cùng kỳ năm 2022. Đây là một kết quả tích cực trong bối cảnh hoạt động công nghiệp – xây dựng của cả nước đã trải qua một năm 2023 đầy khó khăn do bối cảnh kinh tế bất lợi ở cả trong và ngoài nước.
Tăng trưởng GRDP ở khu vực dịch vụ cũng ghi nhận mức cải thiện đáng kể. Cả 4 địa phương đều có mức tăng trưởng GRDP nhóm ngành dịch vụ từ 7% trở lên so với cùng kỳ năm 2022. Trong đó, Hải Phòng, Quảng Ninh và Hưng Yên tăng trưởng đều trên 10%, gần gấp đôi so với tốc độ tăng trưởng bình quân của cả nước.
Chỉ số sản xuất công nghiệp của bốn địa phương thuộc Kết nối VEHEC đều cải thiện hơn 6 điểm phần trăm, và cao hơn đáng kể so với trung bình cả nước (1%). Chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) của thành phố Hải Phòng ước tính tăng 13,52% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tăng trưởng 13,45%, ngành khai khoáng tăng 41,41% so với cùng kỳ năm trước.
Chỉ số sản xuất công nghiệp của tỉnh Quảng Ninh tăng trưởng khoảng 10,09% so với cuối năm 2022. Các giá trị tương ứng của tỉnh Hải Dương và Hưng Yên lần lượt là 7,9% và 6,06%. Điều đáng chú ý là ngành công nghiệp chế biến – chế tạo ở cả 4 địa phương đã có sự phục hồi rõ rệt so với những tháng đầu năm 2023 và có mức tăng trưởng cùng kỳ vượt trội so với tăng trưởng trung bình toàn quốc (1,1%). Trong đó, Quảng Ninh và Hải Phòng có sự cải thiện kết quả IIP ấn tượng với giá trị lần lượt là 19,19% và 13,45%.
Kết quả kim ngạch xuất khẩu hàng hóa năm 2023 phản ánh sự khó khăn đến từ nhu cầu sụt giảm trên thị trường quốc tế, đặc biệt trong Quý I/2023. Mặc dù Quảng Ninh và Hải Phòng vẫn duy trì được tăng trưởng kim ngạch xuất khẩu hàng hóa (với mức tăng lần lượt 12,9% và 6,9%), nhưng tốc độ tăng có dấu hiệu chậm lại. Tăng trưởng kim ngạch xuất khẩu của Hải Dương khá khiêm tốn (1,12%); trong khi đó, Hưng Yên chứng kiến mức sụt giảm đáng kể (-15%). Những ngành hàng đối diện với khó khăn về xuất khẩu nhiều nhất trong năm 2023 có thể kể đến như các ngành hàng sản xuất điện thoại và linh kiện, sản xuất thép, máy móc phụ tùng, dệt may – da giày, và các sản phẩm gỗ.
Tỉnh Hưng Yên là địa phương có mức tăng vốn đầu tư phát triển toàn xã hội cao nhất trong các địa phương thuộc Kết nối VEHEC. Theo ước tính, tổng vốn đầu tư phát triển toàn xã hội của tỉnh Hưng Yên trong năm 2023 ước đạt khoảng 68793 tỷ đồng, tăng 24,71% so với cùng kỳ năm trước với sự tăng trưởng mạnh ở cả ba khu vực: khu vực vốn nhà nước, khu vực vốn ngoài nhà nước, và khu vực vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài.
Tỉnh Hải Dương có tổng vốn đầu tư phát triển toàn xã hội đến cuối năm 2023 ước đạt 60955 tỷ đồng, tăng 15% so với cùng kỳ năm trước. Thành phố Hải Phòng có mức tổng vốn đầu tư toàn xã hội năm 2023 đạt khoảng 191000 tỷ đồng, tăng 11,45% so với cùng kỳ năm trước. Trong khi đó, tổng vốn đầu tư toàn xã hội năm 2023 của tỉnh Quảng Ninh ước đạt 104217 tỷ đồng, tăng 10% so với cùng kỳ năm 2022.
Cần những giải pháp bền vững
Tính đến thời điểm cuối năm 2023, cả 4 tỉnh/thành phố trong Kết nối VEHEC đều có những kết quả tích cực trong thu hút nguồn vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài. Tổng vốn đầu tư cấp mới của tiểu vùng dự báo sẽ đạt mức khoảng 8,15 tỷ USD, bằng gần một nửa tổng vốn FDI đăng ký mới của cả nước. Theo báo cáo tình hình kinh tế xã hội năm 2023 của Thành phố Hải Phòng, giá trị vốn FDI đăng ký mới trong năm 2023 đạt khoảng 3,5 tỷ USD, tăng 68% so với năm 2022, vượt xa mục tiêu thu hút 2 tỷ USD ban đầu của Thành phố.
Tuy nhiên, có thể thấy do tác động của nhiều yếu tố bất lợi từ bối cảnh quốc tế lẫn bối cảnh trong nước, nhiều doanh nghiệp trên địa bàn 4 tỉnh/thành phố thuộc Kết nối VEHEC đang gặp rất nhiều khó khăn. Số lượng doanh nghiệp tạm ngừng hoạt động có thời hạn, tạm ngừng hoạt động chờ giải thể và doanh nghiệp đã giải thể tăng đáng kể trong năm qua.
Đặc biệt tại Hải Phòng, một trong những trung tâm kinh tế quan trọng của cả nước, số doanh nghiệp trở lại hoạt động giảm 28,88% so với năm 2022. Trong khi đó, số doanh nghiệp tạm ngừng hoạt động lại gia tăng 28,55%. Điều này là chỉ báo đáng chú ý về “sức khỏe” của cộng đồng doanh nghiệp và cho thấy rằng cộng đồng doanh nghiệp cần những hỗ trợ mạnh mẽ hơn nữa trong năm 2024 sắp đến.
Phát biểu tại hội nghị, Chủ tịch VCCI – Phạm Tấn Công đã ghi nhận và đánh giá cao sự kết nối cũng như kết quả 4 địa phương đã đạt được. Chủ tịch VCCI nhấn mạnh, “Để phát triển bền vững, các tỉnh cần những giải pháp hiệu quả hơn nữa đồng thời đề xuất 9 nhóm hoạt động mới nhằm không chỉ thúc đẩy hợp tác kinh tế mà còn tập trung vào phát triển bền vững hơn. Trong đó tập trung vào ba hoạt động mới so với năm 2023. Một là, “Hội thảo về môi trường đầu tư kinh doanh xanh cấp vùng” sẽ tập trung vào việc xây dựng môi trường đầu tư hấp dẫn và thân thiện với môi trường; Hai là, “Diễn đàn doanh nghiệp VEHEC” sẽ tạo điều kiện cho các doanh nghiệp trong vùng gặp gỡ, chia sẻ kinh nghiệm và tìm kiếm cơ hội hợp tác. Ba là, “Báo cáo kinh tế thường niên của vùng năm 2024” sẽ cung cấp thông tin cập nhật và phân tích sâu rộng về tình hình kinh tế của vùng, đưa ra bức tranh rõ nét với các khuyến nghị cụ thể để giúp các địa phương tham khảo trong định hình chính sách và hướng đi phù hợp trong tương lai’’.
Cũng tại hội nghị đã diễn ra lễ ra mắt Hội đồng doanh nghiệp vùng và nghi lễ chuyển giao nhiệm vụ đồng chủ tịch hội đồng VEHEC cho tỉnh Quảng Ninh.
Có thể bạn quan tâm