Chiến sự Israel - Hamas; Sự trỗi dậy của Ấn Độ; Hội nghị Thượng đỉnh Mỹ - Trung Quốc; Thỏa thuận COP28... là những sự kiện nổi bật đáng chú ý trong năm 2023.
>> Lộ diện tác động của xung đột Israel - Hamas tới kinh tế châu Âu
Ngày 7/10, các tay súng thuộc Phong trào Hồi giáo Hamas bất ngờ tấn công vào lãnh thổ của Israel, khiến gần 1.400 người Do Thái thiệt mạng và khoảng 240 người khác bị bắt giữ làm con tin. Quân đội Israel ngay sau đó đã xúc tiến chiến dịch không kích và tấn công trên bộ vào Dải Gaza nhằm đáp trả Hamas, khiến gần 21.000 người Palestine thiệt mạng và gia tăng thêm nỗi lo cuộc khủng hoảng nhân đạo lan ra diện rộng.
Nhờ nỗ lực ngoại giao của cộng đồng quốc tế, hai bên đã thực thi thỏa thuận ngừng bắn 7 ngày, bắt đầu từ ngày 24/11. Tuy nhiên, giao tranh tái diễn ngay khi thỏa thuận ngừng bắn kết thúc sáng 1/12.
Hội nghị lần thứ 28 các bên tham gia Công ước khung của Liên Hợp Quốc về biến đổi khí hậu (COP28) đã tạo bước đột phá lớn khi lần đầu tiên đưa vấn đề cắt giảm nhiên liệu hóa thạch vào tuyên bố chung.
Sau gần ba thập kỷ tổ chức hội nghị thượng đỉnh về khí hậu, các nước đã đạt được sự thống nhất về việc dần chuyển dịch khỏi các nguồn năng lượng hóa thạch, nhằm thực hiện mục tiêu phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050.
Nhóm các nền kinh tế mới nổi BRICS đã công bố kế hoạch mở rộng lớn nhất trong lịch sử nhóm, khi Argentina, Ai Cập, Ethiopia, Iran, Saudi Arabia và Các tiểu vương quốc Arab thống nhất (UAE) được mời gia nhập khối này. Đây được xem là một thắng lợi dành cho nỗ lực của Trung Quốc trong việc đưa BRICS trở thành một đối trọng với G7 - câu lạc bộ của các nền công nghiệp phát triển.
Các thành viên mới sẽ nâng tỷ trọng của BRICS trong GDP toàn cầu từ 32% hiện nay lên 37% nếu tính theo đồng giá sức mua.
Số liệu thống kê về kinh tế Trung Quốc tháng 11 cho thấy sự phục hồi kinh tế nước này vẫn đương đầu với sức ép từ nhu cầu yếu và cuộc khủng hoảng bất động sản kéo dài. Ngoài ra, nền kinh tế Trung Quốc vẫn đang đương đầu với niềm tin tiêu dùng và niềm tin kinh doanh ở mức thấp, nhu cầu suy yếu, cũng như môi trường địa chính trị có nhiều biến động.
Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) tuần này nâng dự báo tăng trưởng GDP của Trung Quốc năm 2023 lên 5,4%, nhờ các chính sách hỗ trợ mạnh tay của giới chức. Trung Quốc đã nới lỏng chính sách tiền tệ và giảm hạn chế với việc mua nhà để bình ổn thị trường bất động sản.
Những nỗ lực của Trung Quốc trong việc làm trung gian cho một thỏa thuận giữa Iran và Saudi Arabia đã giúp hai bên nhất trí tái thiết lập quan hệ ngoại giao sau nhiều năm thù địch gây đe dọa sự ổn định và an ninh ở vùng Vịnh, thậm chí châm ngòi xung đột ở Trung Đông từ Yemen tới Syria.
Hai bên đồng ý cho mở lại đại sứ quán và các văn phòng đại diện ngoại giao trong thời hạn tối đa là 2 tháng, cũng như thực hiện những thỏa thuận hợp tác kinh tế và an ninh đã ký kết hơn 20 năm trước. Cộng đồng quốc tế đã đánh giá cao sự kiện này và cho rằng, việc hai nước khôi phục quan hệ ngoại giao có thể góp phần ổn định toàn bộ khu vực.
>> COP28 đã thành công hay thất bại?
Nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong Un và Tổng thống Nga Vladimir Putin gặp gỡ nhau tại vùng Viễn Đông Nga vào hôm 13/9 và tham dự cuộc họp kéo dài tới 5 tiếng đồng hồ ở sân bay vũ trụ Vostochny.
Tuy nhiên, không có thỏa thuận nào được công bố sau hội đàm Nga - Triều Tiên. Phát ngôn viên điện Kremlin, Dmitry Peskov cho hay, hai nhà lãnh đạo không ký bất cứ thỏa thuận nào trong quá trình hội đàm. Mặc dù vậy, việc ông Kim Jong-un và Tổng thống Putin nói chuyện trực tiếp với nhau là tín hiệu phản ánh mối quan hệ ngày càng gần gũi giữa hai nước.
Ngày 15/11, Tổng thống Mỹ Joe Biden và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã có cuộc gặp trực tiếp bên lề Tuần lễ Cấp cao Diễn đàn Hợp tác kinh tế châu Á – Thái Bình Dương (APEC) 2023, diễn ra tại San Francisco (Mỹ). Cuộc gặp được diễn ra sau chín tháng kể từ khi khinh khí cầu do thám của Trung Quốc bị Mỹ bắn hạ.
Tại cuộc hội nghị, hai bên đã tìm kiếm sự hợp tác chặt chẽ hơn để đối phó với biến đổi khí hậu. Dù một số bất đồng giữa hai nước được cải thiện, song xu hướng cạnh tranh Mỹ - Trung Quốc trên tất cả các lĩnh vực và tại các khu vực trọng yếu vẫn được nhận định sẽ tiếp tục diễn biến phức tạp.
Các quốc gia ở châu Phi, đặc biệt là ở vịnh Guinea và khu vực Trung Phi, tiếp tục đối mặt với các mối đe dọa an ninh phức tạp. Trong đó, 2 cuộc đảo chính do lực lượng quân sự cầm đầu đã xảy ra ở Niger và Gabon đã tạo ra nhiều hệ lụy nghiêm trọng, làm suy yếu thể chế dân chủ ở lục địa này, tác động tiêu cực đến kinh tế, sự chia rẽ và gia tăng nguy cơ khủng bố.
Theo Liên Hợp Quốc, sự bất ổn ở Trung Phi đã khiến khoảng 42 triệu người cần được hỗ trợ, với 2,6 triệu người phải sơ tán trong nước.
Dữ liệu từ Liên Hợp Quốc cho thấy, vào tháng 4/2023 Ấn Độ đã soán ngôi Trung Quốc trở thành quốc gia có dân số đông nhất thế giới. Vào tháng 8, Ấn Độ đã gia nhập câu lạc bộ gồm các quốc gia đã đưa tàu vũ trụ lên mặt trăng một cách an toàn, nhấn mạnh tham vọng khoa học và công nghệ của nước này.
Trong khi đó, năm 2022 cũng đánh dấu mốc cho việc Ấn Độ trở thành nền kinh tế lớn thứ 5 thế giới, thay thế vị trí của Anh. Với nền kinh tế có đà tăng trưởng lớn, Ấn Độ được kỳ vọng sẽ trở thành động lực cho kinh tế thế giới giai đoạn tiếp theo.
Bốn năm sau khi đại dịch Covid-19 bắt đầu, kinh tế thế giới vẫn chưa hồi phục trở lại quỹ đạo tăng trưởng trước đại dịch. Theo báo cáo Triển vọng kinh tế thế giới tháng 10/2023 của IMF, tăng trưởng kinh tế toàn cầu năm 2023 dự báo đạt 3,0% (thấp hơn mức tăng 3,5% năm 2022) và sẽ giảm nhẹ xuống mức 2,9% vào năm 2024.
Cuộc cạnh tranh chiến lược và địa chính trị giữa Mỹ và Trung Quốc đã chia rẽ nền kinh tế toàn cầu thành hai khối; Các hợp tác kinh tế, tài chính bị chia cắt; cuộc xung đột giữa Nga - Ukraine và Israel - Hamas cùng các hiện tượng thời tiết cực đoan xảy ra thường xuyên hơn do biến đổi khí hậu cũng ảnh hưởng đến nền kinh tế toàn cầu.
Có thể bạn quan tâm
Điều gì thúc đẩy Trung Quốc chuyển đổi mô hình tăng trưởng?
03:30, 29/12/2023
Kinh tế Trung Quốc tiếp tục "giảm tốc" năm 2024?
03:30, 27/12/2023
Lộ diện tác động của xung đột Israel - Hamas tới kinh tế châu Âu
03:00, 12/12/2023
COP28: "Nóng" vấn đề xung đột Israel – Hamas
03:00, 04/12/2023
Xung đột Hamas - Israel: Dư chấn dài hạn với Trung Đông
03:30, 02/12/2023