Một trong những vấn đề thu hút sự chú ý của dư luận thời gian qua là giá đất tại các vùng ven và các huyện ven thành phố đã bị đẩy lên quá cao trong dự thảo bảng giá đất điều chỉnh trước đó. Tuy nhiên, tại dự thảo mới nhất, mức giá đất tại các khu vực này đã được điều chỉnh giảm đáng kể.
Theo dự thảo cũ, đường Song Hành Quốc lộ 22 có giá đất 71 triệu đồng/m2, gấp hơn 50 lần giá cũ là 1,4 triệu đồng/m2 khi chưa tính đến hệ số điều chỉnh giá đất. Tại bảng giá đất điều chỉnh vừa ban hành, giá đất tại khu vực này chỉ còn 32,2 triệu đồng/m2.
Đáng lưu ý, giá đất thương mại, dịch vụ đã được điều chỉnh giảm sâu. Ví dụ giá đất thương mại, dịch vụ tại đường Đồng Khởi điều chỉnh mới có giá thuê là xấp xỉ 550 triệu đồng/m2 nhân với tỉ lệ phần trăm từ 0,25% đến 3% (vẫn đang chờ quyết định của UBND TP), trong khi so với bảng giá theo quyết định 02/2020 thì có giá hơn 9 triệu đồng.
Tương tự, giá đất sản xuất kinh doanh (bao gồm cả đất khu công nghiệp, cụm công nghiệp, khoáng sản; đất cơ sở sản xuất phi nông nghiệp); đất quốc phòng, an ninh; đất công cộng; đất xây dựng trụ sở cơ quan, đất công trình sự nghiệp; đất phi nông nghiệp khác... cũng được điều chỉnh giảm.
Giá đất nông nghiệp được điều chỉnh bằng cách lấy giá đất nông nghiệp theo Quyết định 02/2020 nhân (x) với hệ số từ 2,5 - 2,7. Từ đó, giá đất nông nghiệp chỉ tăng nhẹ so với giá cũ.
Hội đồng Thẩm định Bảng giá đất TP HCM cho biết, tại các tờ trình trước đây, Sở TN&MT sử dụng dữ liệu giá đất nông nghiệp tính bồi thường trên địa bàn thành phố để đề xuất giá đất nông nghiệp là chưa phản ánh đầy đủ giá đất nông nghiệp thuần túy cho hoạt động trồng trọt, sản xuất.
Sở này cũng đã xây dựng bảng giá đất đối với đất nông nghiệp trên cơ sở giá đất nông nghiệp quy định tại Quyết định 02/2020 nhân với hệ số điều chỉnh giá đất (hệ số K) theo Quyết định số 56/2023 nhằm đảm bảo ổn định cho hoạt động sản xuất nông nghiệp là phù hợp. Điều này cũng không ảnh hưởng đến trường hợp Nhà nước thu hồi đất vì khi đó, người bị thu hồi đất sẽ được xác định giá đất cụ thể theo giá thị trường để tính bồi thường.
Đối với đất ở, Sở TN&MT cũng thực hiện thu thập thông tin giá đất từ cơ sở dữ liệu giá và giá đất chuyển nhượng thị trường và căn cứ tình hình kinh tế - xã hội thực tiễn của thành phố để đề xuất bảng giá đất đối với đất ở phù hợp với từng quận, huyện và TP Thủ Đức. Đồng thời, sở đã rà soát, cân đối các mức giá đối với các vị trí giáp ranh giữa các quận, huyện, TP Thủ Đức và các đoạn đường, tuyến đường trên cùng một địa bàn.
Theo các chuyên gia, việc bảng giá đất có điều chỉnh giảm so với bảng giá đất điều chỉnh công bố vào tháng 7/2024 là một tín hiệu tích cực, thể hiện sự lắng nghe của cơ quan xây dựng bảng giá đất tại TP HCM.
Bảng giá đất được xây dựng trên nguyên tắc của thị trường nên được đẩy lên cao so với mức cũ, điều này có thể tạo áp lực lên người dân đóng tiền sử dụng đất. Dù vậy, người bị thu hồi đất sẽ "dễ thở" hơn, giảm khiếu nại liên quan đến đất đai và giúp các dự án hạ tầng trọng điểm được đẩy nhanh.
Theo ông Lê Hoàng Châu - Chủ tịch HoREA, bảng giá đất lần này sẽ không tác động đến các dự án bất động sản đang triển khai vì tiền sử dụng đất tính theo giá thị trường. Tuy nhiên, đối với các dự án doanh nghiệp phải đi đền bù đất của dân trong thời gian tới, chi phí mua đất sẽ tăng lên. Do vậy cần có chính sách giảm nghĩa vụ tài chính cho người dân khi chuyển mục đích sử dụng đất từ đất nông nghiệp lên đất ở, chuyển mục đích đối với đất nông nghiệp xen kẽ trong khu dân cư hiện hữu, đất của người dân dính quy hoạch…