Sở Giao thông vận tải TP.HCM vừa đề xuất xây dựng sân bay nhỏ tại Cần Giờ và Thủ Đức để phục vụ nhu cầu khách du lịch.
Xây dựng sân bay nhỏ…
Theo đó, tại cuộc họp mới đây về góp ý các nội dung liên quan quy hoạch mạng lưới đường bộ, đường sắt, sân bay. Sở Giao thông vận tải TP.HCM đã đề xuất xây dựng sân bay nhỏ tại Cần Giờ và Thủ Đức để phục vu nhu cầu khách du lịch.
Theo ông Vương Quang Hưng - Trưởng Phòng quản lý xây dựng công trình giao thông đường bộ - Sở Giao thông vận tải TP.HCM, cho biết đây là một ý tưởng được đưa ra thảo luận tại cuộc họp lấy ý kiến về quy hoạch mạng lưới đường bộ, đường sắt, sân bay thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 của khu vực TP.HCM.
Theo ông Hưng, đề xuất này xuất phát từ thực tiễn hiện Cần Giờ đang quy hoạch khu sinh thái, dịch vụ du lịch cao cấp. Do đó, các loại hình giao thông cần xây dựng theo hướng hiện đại, trong đó cần tính đến có sân bay cỡ nhỏ để đáp chuyên cơ riêng của các doanh nhân, tỉ phú...
Mặt khác, sân bay này không phải là sân bay quốc tế, sân bay đề xuất ở Cần Giờ chỉ có thể đáp được chuyên cơ tư nhân, thủy phi cơ, trực thăng, các thiết bị bay cỡ nhỏ phục vụ cho một nhóm người, ví dụ như tỉ phú hay các đại gia, trực thăng cứu hộ, cứu nạn...
Lý giải về việc đề xuất xây dựng sân bay, ông Hưng cho rằng, trước đây huyện Cần Giờ đã được quy hoạch là 1 trong 4 khu đô thị mới của TP, tương lai sẽ phát triển mạnh mẽ về dịch vụ, kinh tế, xã hội. Việc xây dựng sân bay sẽ hỗ trợ rất nhiều trong công tác triển khai hoạt động cứu hộ, cứu nạn, phòng cháy chữa cháy và phát triển kinh tế. Và sau này các khu đô thị Thủ Đức, Củ Chi cũng cần phải có sân bay trực thăng sử dụng cho việc phòng cháy chữa cháy, cứu hộ cứu nạn. "Chúng ta bàn và góp ý về quy hoạch nên phải tính trước các phương án trong tương lai. Việc đưa ra ý tưởng để các chuyên gia thảo luận, nghiên cứu nhằm hướng tới xây dựng mạng lưới giao thông của TP ngày càng hiện đại và tốt hơn" - ông Hưng nói.
… và nên… xã hội hoá
Bình luận về sự cần thiết trong đề xuất xây dựng sân bay nhỏ tại Cần Giờ và Thủ Đức, ông Lương Hoài Nam, thành viên Hội đồng Tư vấn giao thông đô thị TP.HCM, cho rằng: chúng ta đang bàn đến đô thị Thủ Đức, hướng tới trung tâm tài chính trong khu vực thì chắc chắn cần phải xây dựng sân bay trực thăng.
Đối với huyện Cần Giờ, khu vực này đang phát triển du lịch cao cấp, chắc chắn phải có sân bay trực thăng.
Cũng theo ông Nam, sân bay chuyên dùng đường băng chỉ 2km, tư nhân có thể đầu tư được thì nên ủng hộ để xây dựng. Do đó, cơ quan nhà nước cần thống nhất với nhau hình thành quy hoạch, cấp phép cho sân bay chuyên dùng. Ở Trung Quốc trong kế hoạch 5 năm từ 2015-2020, họ đã xây hơn 2.800 sân bay như thế để đảm bảo nơi nào cũng có sân bay - ông Nam nói.
Trước đó, Sở GTVT cũng đề xuất nghiên cứu bổ sung 1 số sân bay trực thăng tại các điểm thuận lợi trên địa bàn TP.HCM như Củ Chi, Thủ Đức; Nghiên cứu dời sân bay Tân Sơn nhất đến các điểm thuận lợi cho kết nối đô thị như Củ Chi... Đồng thời, cập nhật quy hoạch xây dựng đường nối Trần Quốc Hoàn đến Cộng Hòa, cập nhật các tuyến metro kết nối sân bay Tân Sơn Nhất và sân bay Long Thành để làm cơ sở pháp lý nhanh chóng triển khai thực hiện ngay trong giai đoạn 2021 - 2030.
Tháng 6/2020, Chính phủ đã đồng ý điều chỉnh diện tích Khu đô thị lấn biển Cần Giờ từ 600 ha lên 2.870 ha với tổng mức đầu tư hơn 217.000 tỉ đồng. Dự án nằm tại xã Long Hòa và thị trấn Cần Thạnh, huyện Cần Giờ, do Công ty CP Đô thị Du lịch Cần Giờ làm chủ đầu tư. Trong đó, vốn chủ sở hữu hơn 32.500 tỉ đồng (chiếm 15% tổng mức đầu tư); còn lại là vốn vay thương mại. Thời hạn thực hiện dự án 50 năm. TP HCM đang triển khai nhiều đầu việc để thực hiện dự án này.
Có thể bạn quan tâm
05:30, 18/03/2021
13:33, 17/03/2021
05:00, 13/03/2021
14:20, 12/03/2021
04:30, 11/03/2021
04:00, 05/03/2021
11:00, 04/03/2021
11:00, 03/03/2021