TP.HCM: Doanh nghiệp gặp khó khi đưa nông sản Việt sạch đến người tiêu dùng

C. Thương 21/12/2018 11:00

Quy trình sản xuất còn nhỏ lẻ, khâu phân phối còn nhiều hạn chế… là một trong những nguyên nhân khiến các doanh nghiệp nông sản Việt Nam khó đem sản phẩm sạch đến tay người tiêu dùng.

Doanh nghiệp gặp nhiều khó khăn khi đưa nông sản Việt sạch đến tay người tiêu dùng

Doanh nghiệp gặp nhiều khó khăn khi đưa nông sản Việt sạch đến tay người tiêu dùng

Doanh nghiệp than khó

Theo đại diện nhiều doanh nghiệp nông sản trên địa bàn TP.HCM, hiện nay do quy trình sản xuất cũng như chất lượng sản phẩm từ người nông dân khi đến doanh nghiệp chưa đồng đều, nhiều nơi sản xuất với mô hình nhỏ lẻ, điều này khiến doanh nghiệp cũng gặp nhiều khó khăn trong việc đảm bảo và phân phối sản phẩm đến tay người tiêu dùng.

Ông Nguyễn Huy Hoàng, Giám đốc Thương mại Kantar Worldpanel Việt Nam cho biết, các sản phẩm nông sản Việt Nam còn mắc lỗi ở khâu nhãn mác sản phẩm, vì vậy đối với nhà sản xuất, nông dân cần chú ý nhãn mác sản phẩm cần rõ ràng, cung cấp tuyên truyền các lợi ích sức khỏe từ sản phẩm cho người tiêu dùng hiểu rõ; đa dạng các loại sản phẩm chế biến tươi sống lẫn sản phẩm đã qua sơ chế nhằm đáp ứng nhu cầu tiện lợi của khách hàng; tích cực đầu tư vào các mô hình mua sắm tiện lợi như: siêu thị nhỏ, giao hàng nhanh, dịch vụ đặt hàng trọn gói… để đưa thực phẩm sạch đến tận tay người tiêu dùng và phục vụ mọi lúc mọi nơi.

Có thể bạn quan tâm

  • Nông sản Việt cần nâng “chất” để thích ứng FTA

    12:30, 21/12/2018

  • Nông sản Bắc Kạn "tấn công" thị trường Hà Nội

    00:21, 20/12/2018

  • "Cửa" nào cho nông sản Việt vào Australia?

    01:02, 19/12/2018

  • Quảng bá các sản phẩm nông sản an toàn của Lào Cai tại Hà Nội

    11:48, 18/12/2018

  • Đầu tư sản xuất nông sản sạch tại Việt Nam: Mỏ vàng hay… hang hổ?

    05:10, 08/12/2018

  • Tạo chuỗi liên kết trong sản xuất và tiêu thụ nông sản trên nền tảng blockchain

    17:58, 06/12/2018

  • Làm gì để nông sản không phải qua nhiều kênh trung gian?

    14:17, 06/12/2018

Cũng liên quan đến vấn đề này, ông Nguyễn Đình Tùng, Giám đốc Công ty Vina T&T, để giải quyết khó khăn khâu sản xuất nhỏ lẻ, các đơn vị, doanh nghiệp cần xây dựng các HTX nhằm liên kết nông dân với nhau cũng như liên kết giữa nông dân với các nhà doanh nghiệp xuất khẩu. Hiện nay, Việt Nam chủ yếu xuất khẩu các sản phẩm nông sản thô, chưa qua chế biến, vì vậy các doanh nghiệp xuất khẩu cần tập trung nghiên cứu nhu cầu của thị trường nhập khẩu để hướng dẫn, phối hợp với người nông dân tạo sản phẩm nông sản đạt tiêu chuẩn hướng đến nhu cầu xuất khẩu đi được nhiều nước.

Cần liên kết chuỗi sản xuất

Một trong những nguyên nhân khiến hàng nông sản Việt sạch khó đến tay người tiêu dùng là do chưa có chuỗi liên kết trong khâu phân phối cũng như quy trình sản xuất. Theo các chuyên gia, hàng nông sản Việt cần có chuỗi liên kết để tạo thuận lợi cho hàng hóa sạch có điều kiện đến tay người tiêu dùng.

Theo ông Nguyễn Quốc Toản, Quyền Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng Nông lâm - Thủy sản (Bộ NN-PTNT), trong năm 2018, ngành nông nghiệp Việt Nam chịu nhiều thách thức từ thiên tai, biến đổi khí hậu, thương mại tự do… kéo theo các sản phẩm nông sản sạch cũng gặp khó khăn không ít. Nhiều loại nông sản sạch của Việt Nam vẫn chưa tìm được chỗ đứng trên thị trường, quy mô sản xuất và tiêu thụ manh mún, nhỏ lẻ và chưa đáp ứng hết nhu cầu của người tiêu dùng.

Nguyên nhân của tình trạng trên xuất phát từ việc Việt Nam đã theo đuổi nền nông nghiệp hóa học từ vài chục năm nay, song hệ thống kiểm soát còn kém hiệu quả. Hệ lụy của tình trạng quản lý sử dụng thuốc bảo vệ thực vật kém hiệu quả trong sản xuất nông nghiệp khiến môi trường đất bị phá hủy, cây trồng kháng thuốc và tình trạng thực phẩm không an toàn tác động trực tiếp đến sức khỏe người tiêu dùng… Sản xuất còn khá manh mún, nhỏ lẻ khiến khâu phân phối cũng gặp khó khăn. Chưa kể giá thành sản phẩm nông sản sạch khá cao (do chi phí sản xuất nông sản sạch cao gấp nhiều lần so với sản xuất thông thường), trong khi thị trường tiêu thụ còn hạn chế khiến nhiều doanh nghiệp chưa mạnh dạn đầu tư vào phân phối sản phẩm nông sản sạch.

Vì vậy, để phát triển nông sản Việt sạch, ông Toản cho rằng, trước tiên cần hướng tới văn minh tiêu dùng trong thực phẩm, xã hội ngày càng đòi hỏi thực phẩm phải có truy xuất nguồn gốc, minh bạch ATTP, đòi hỏi về đổi mới phương thức cung ứng sản phẩm tới tay người tiêu dùng và yêu cầu xuyên suốt của bất cứ một sản phẩm nào, đó là chất lượng sản phẩm nông sản sạch được nâng cao hơn.

Cũng liên quan đến vấn đề nêu trên, ông Nguyễn Phước Trung, Giám đốc Sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn TP.HCM cho biết, hiện nay, TP.CM đã cấp giấy chứng nhận cho 187 cơ sở tham gia chuỗi sản xuất an toàn, cũng như tiếp tục thực hiện đề án truy xuất nguồn gốc đối với thịt, trứng, rau. TP.HCM cũng đã triển khai 10 chợ phiên an toàn. Tiêu chí để các đơn vị, doanh nghiệp, HTX đưa sản phẩm vào các chợ phiên này phải đạt chứng nhận tiêu chuẩn VietGap và tiêu chuẩn về ATTP. Doanh số đạt được của 10 chợ phiên là hơn 15 tỷ đồng/năm.

Được biết, Hiện nay, Việt Nam có gần 1.000 chợ truyền thống loại 1, hơn 300 siêu thị, 1.096 chuỗi phân phối, 1.426 sản phẩm và 3.174 điểm bán sản phẩm đã kiểm soát theo chuỗi nông sản thực phẩm an toàn. Vì vậy, đã đến lúc người tiêu dùng cần có lựa chọn tiêu dùng thông minh để hình thành một văn hóa kinh doanh thông minh. Người tiêu dùng thông minh chính là thị trường thông minh, từ đó sẽ quyết định người sản xuất thông minh.

(0) Bình luận
Nổi bật
Mới nhất
TP.HCM: Doanh nghiệp gặp khó khi đưa nông sản Việt sạch đến người tiêu dùng
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO