Bất động sản

TP HCM: Dòng vốn cho bất động sản tiếp tục khởi sắc

Vi Anh 07/09/2024 15:22

Tín dụng nhà ở (gồm nhà ở xã hội, nhà ở thương mại, nhà ở khác) chiếm tỷ trọng cao nhất với khoảng 57% trong tổng dư nợ tín dụng bất động sản.

phia-nam-28be97618922d19562622202988115fd.jpg
Đến cuối tháng 7/2024, tổng dư nợ tín dụng bất động sản tại TP HCM đạt trên 1 triệu tỷ đồng. Ảnh: VA

Cho vay bất động sản tiếp tục tăng

Đến cuối tháng 7/2024, tổng dư nợ tín dụng bất động sản trên địa bàn TP HCM đạt trên 1 triệu tỷ đồng, chiếm 27,6% trong tổng dư nợ tín dụng và tăng 5,5% so với cuối năm 2023 (cao hơn mức tăng chung của tín dụng trên địa bàn, 7 tháng đầu năm tín dụng chung trên địa bàn tăng 3,9%).

Trong đó, dư nợ cho vay nhà ở xã hội đạt 2.543 tỷ đồng, tăng 78% so với cuối năm 2023. Tín dụng nhà ở (gồm nhà ở xã hội, nhà ở thương mại, nhà ở khác) chiếm tỷ trọng cao nhất với khoảng 57% trong tổng dư nợ tín dụng bất động sản.

Bên cạnh đó, tín dụng bất động sản phục vụ sản xuất kinh doanh gồm cho vay phát triển hạ tầng khu công nghiệp - khu chế xuất; cho vay xây dựng văn phòng, cao ốc; xây dựng nhà hàng, khách sạn khu du lịch... đều đạt tốc độ tăng trưởng khá. Dư nợ cho vay phát triển hạ tầng khu công nghiệp - khu chế xuất đạt 48.392 tỷ đồng, tăng 18,4%; cho vay văn phòng cao ốc đạt 24.041 tỷ đồng, tăng 14% so với cuối năm 2023.

Việc giải ngân tín dụng cho nhà ở xã hội gia tăng là một tín hiệu tích cực cho thị trường bất động sản
Việc giải ngân tín dụng cho nhà ở xã hội gia tăng là một tín hiệu tích cực cho thị trường bất động sản.

Theo đại diện Ngân hàng Nhà nước chi nhánh TP HCM, tăng trưởng tín dụng bất động sản trên địa bàn gắn với xu hướng tăng trưởng của thị trường.

Đặc biệt, dư nợ tín dụng phân khúc nhà ở xã hội tăng cao nhất đã cho thấy sự quan tâm của thị trường. Dư nợ phân khúc này tăng mạnh là bởi từ đầu năm đến hết tháng 7, các tổ chức tín dụng ở TP HCM đã tăng cường giải ngân cho vay các dự án nhà ở xã hội trên địa bàn. Trong đó, giải ngân cho vay từ gói 120.000 tỷ đồng đạt 170 tỷ đồng với dự án nhà ở cho công nhân thuê tại TP Thủ Đức.

Kì vọng tăng nguồn cung nhờ nhà ở xã hội

Việc giải ngân tín dụng cho nhà ở xã hội gia tăng là một tín hiệu tích cực cho thị trường bất động sản TP HCM vốn đang khan hiếm nguồn cung giá rẻ.

Thực tế, tình trạng dư thừa nguồn cung sản phẩm hạng sang có giá rất cao khiến người dân có nhu cầu ở thực khó tiếp cận được nhà ở có giá phải chăng.

Như ông Huỳnh Thanh Khiết - Phó Giám đốc Sở Xây dựng TP HCM cho biết, phân khúc chung cư đang chứng kiến sự tăng giá đều đặn hơn so với các phân khúc khác. Trong giai đoạn này, giá tăng liên tục với tỷ lệ trung bình 15 - 20%/năm. Ngay cả ở phân khúc bình dân, mỗi m2 năm 2015 có giá 25 - 35 triệu đồng thì đến năm 2023 đã lên 40-60 triệu đồng.

Phân khúc nhà ở xã hội được kỳ vọng sẽ là giải pháp “hạ nhiệt” giá chung cư, tuy nhiên những năm gần đây chưa thực sự thu hút nhà đầu tư vì nhiều nguyên nhân. Trong đó, khó khăn về tiếp cận dòng vốn ưu đãi là một trong những trở ngại lớn.

Theo báo cáo của Bộ Xây dựng trình Chính phủ mới đây cho thấy, giải ngân gói ưu đãi 120.000 tỷ đến nay vẫn chậm. Việc giải ngân gói tín dụng 120.000 tỷ chậm bởi còn ít ngân hàng tham gia. Ngoài 4 ngân hàng quốc doanh (Vietcombank, BIDV, Vietinbank, Agribank) mới chỉ có thêm 4 ngân hàng thương mại khác (TPBank, VPBank, MBBank, Techcombank) tham gia chương trình này.

Bởi vậy, để tiếp tục tăng tốc phân khúc này, Bộ Xây dựng đã kiến nghị Ngân hàng Nhà nước chỉ đạo khuyến khích các ngân hàng khác tham gia gói 120.000 tỷ đồng và xem xét giảm lãi suất và nâng thời hạn cho vay đối với gói tín dụng này.

(0) Bình luận
Nổi bật
Mới nhất
TP HCM: Dòng vốn cho bất động sản tiếp tục khởi sắc
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO