Đường Vành đai 3 khi hoàn thành sẽ góp phần kết nối liên vùng đẩy nhanh tốc độ phát triển các cụm công nghiệp, dịch vụ du lịch, kết nối các TP vệ tinh của TP.HCM theo hướng đô thị đa tâm.
>>Yêu cầu đẩy nhanh tiến độ triển khai vành đai 3 TP.HCM
Đó là chia sẻ của ông Lương Minh Phúc - Giám đốc Ban quản lý các công trình giao thông TP.HCM (TCIP), với DĐDN xoay quanh kế hoạch khởi công, triển khai dự án đường Vành đai 3 đảm bảo đúng hẹn.
- Thưa ông, hiện TP.HCM đã lê kế hoạch bố trí vốn để sẵn sàng khởi công, triển khai dự án đường Vành đai 3 để đảm bảo đúng hẹn ra sao?
Tính đến nay, dự án Vành đai 3 TP.HCM được bố trí 13.500 tỉ đồng để phục vụ công tác bồi thường và khởi công gói thầu xây lắp. Trong đó, yêu cầu được TP đặt ra là phải giải ngân khoảng 10.000 tỉ đồng trước ngày 30/6/2023.
Có thể nói, dự án Vành đai 3 là giấc mơ và ấp ủ của TP.HCM trong suốt 13 năm qua và đến nay đang dần dần thành hiện thực. Bởi, tầm quan trọng của dự án đường Vành đai 3 khi hoàn thành không chỉ rút ngắn thời gian lưu thông giữa các địa phương, mà tuyến đường này còn giúp tăng tính kết nối liên vùng nhằm đẩy nhanh tốc độ phát triển các cụm công nghiệp, dịch vụ, du lịch, đô thị hóa nông thôn… dọc tuyến, kết nối các TP vệ tinh của TP.HCM, góp phần hình thành trung tâm theo hướng đô thị đa tâm.
Đặc biệt, dự án chiếm tới 80% tỷ lệ giải ngân nhóm hạ tầng giao thông triển khai bằng ngân sách TP trong năm 2023. Do đó, hiện TP.HCM đang dồn toàn lực cho mục tiêu Vành đai 3 khởi công đúng hẹn. Song, do khối lượng công việc rất lớn nên dịp 30/4 – 1/5 vừa qua, các đơn vị “không nghỉ lễ” để tập trung đẩy nhanh tiến độ công việc để hoàn thành được mục tiêu này.
Hiện hai dự án thành phần 1, 2 (xây lắp và giải phóng mặt bằng) thuộc dự án Vành đai 3 TP.HCM đoạn qua địa bàn TP cơ bản đáp ứng tiến độ theo yêu cầu của Chính phủ. Đối với dự án thành phần 2 (giải phóng mặt bằng qua địa bàn TP.HCM) có 1.683 trường hợp bị ảnh hưởng với diện tích thu hồi đất hơn 412,5ha.
Theo mốc tiến độ đề ra, TP phấn đấu bàn giao 70% diện tích mặt bằng của các gói thầu xây lắp khởi công trước ngày 30/6/2023 và cơ bản bàn giao diện tích còn lại trước ngày 31/12/2023.
- Đường Vành đai 3 đi qua nhiều tỉnh, thành và có nhiều nút giao. Vậy để đồng bộ với dự án, sự phối hợp của TP.HCM với các địa phương khác ra sao, thưa ông?
Đúng vậy, mấu chốt quan trọng để dự án đường Vành đai 3 khi hoàn thành có thể đưa vào sự dụng ngay và phát huy tác dụng chính là sự hoàn thiện giữa các nút giao để kết nối, động bộ với các tuyến cao tốc.
Bởi, từ điểm đầu Vành đai 3 là cao tốc TP.HCM - Mộc Bài (Tây Ninh), cao tốc TP.HCM - Thủ Dầu Một - Chơn Thành (Bình Phước). Hiện các địa phương này cũng đang dốc lực triển khai dự án. Song song với việc "chạy nước rút" mạng lưới cao tốc, thì Vành đai 3 TP.HCM cũng đang được cả hệ thống chính trị của TP vào cuộc với quyết tâm “đẩy nhanh các công trình nối từ "nhà" ra "ngõ" để kết nối cùng nhịp với các dự án liên vùng”. Đặc biệt, để đảm bảo tính đồng bộ phát huy tác dụng và tính hiệu quả của dự án đường Vành đai 3 thì phải kể tới 2 dự án như: Dự án mở rộng QL50 và nút giao An Phú, mới khởi công vào ngày cuối cùng của năm 2022.
Trong đó, dự án QL50 sau khi hoàn thành sẽ tạo thành một trục nối kết cửa ngõ TP với Long An và các tỉnh miền Tây; kết nối với tuyến cao tốc Bến Lức - Long Thành và tuyến Vành đai 3 TP.HCM trong tương lai. Như vậy, từ cửa ngõ phía Nam TP, người dân còn có thể qua QL50 đi về sân bay quốc tế Long Thành (Đồng Nai), về các tỉnh miền Đông và miền Tây trong vùng kinh tế trọng điểm phía Nam.
Tương tự, nút giao An Phú trong tương lai sẽ kết nối đường sắt cao tốc TP.HCM - Nha Trang, đường sắt nhẹ từ TP.HCM đi Cảng hàng không quốc tế Long Thành, tuyến metro số 2 từ Bến Thành qua Thủ Thiêm... Hiện TP.HCM đang phối hợp tích cực với các địa phương để đảm bảo triển khai dự án đúng tiến độ đề ra.
- Tiền đã sẵn sàng, công tác GPMB cũng đã được chuẩn bị. Vậy điều lo lắng nhất trong lúc này để dự án hoàn thành đúng tiến độ và không bị đứt gãy trong quá trình triển khai là gì, thưa ông?
Như chúng ta đã thấy, vừa qua, Quốc hội và Chính phủ rất quan tâm tới việc triển khai các dự án đầu tư công, đặc biệt là các dự án giao thông trọng điểm. Thậm chí, nếu địa phương nào chậm giải ngân vốn đầu tư công thì người đứng đầu sẽ bị kiểm điểm trách nhiệm.
Và trong lộ trình này, không chỉ TP.HCM dồn lực cho hạ tầng giao thông, đô thị, mà các tỉnh như: Đồng Nai, Bình Dương, Bình Phước cùng các tỉnh miền Tây cũng đang rất khẩn trương đẩy nhanh tiến độ triển khai các dự án hạ tầng giao thông. Do đó, việc lo lắng không kém gì công tác GPMB trong lúc này chính là nguyên vật liệu phục vụ cho các dự án. Bởi, đối với dự án thành phần 1 (xây lắp), hiện nhu cầu về vật liệu xây dựng cần thiết cho dự án là rất lớn, khoảng 14,8 triệu m3 gồm đất, cát đắp, cát xây dựng. Vì vậy, để đảm bảo nguồn cung vật liệu, hiện TCIP đã kiến nghị UBND TP thành lập tổ công tác rà soát, điều phối nguồn vật liệu xây dựng cung cấp cho dự án đường Vành đai 3 TP.HCM. Trong đó, giao nhiệm vụ tổ công tác khẩn trương phối hợp với các đơn vị liên quan và địa phương xây dựng kế hoạch khảo sát thực tế tại các mỏ. Lập danh sách các mỏ khoáng sản đang khai thác có trữ lượng đáp ứng nhu cầu dự án và danh sách các mỏ dự phòng để báo cáo UBND TP.
Hiện nay, theo kết quả khảo sát và làm việc với các địa phương trong vùng, nhu cầu về nguồn đá xây dựng và đất đắp nền đường cơ bản đã đáp ứng nhu cầu của dự án. Tuy nhiên, đối với với vật liệu cát xây dựng và đặc biệt cát đắp nền đường còn thiếu so với nhu cầu của dự án.
"Do đó, để đảm bảo được điều này thì Bộ Tài nguyên và Môi trường cần sớm chủ trì phối hợp với Bộ Giao thông vận tải, Bộ Xây dựng và các địa phương khu vực đồng bằng sông Cửu Long sớm xem xét, giải quyết các vướng mắc về nguồn vật liệu cát đắp cho các dự án; chủ trì hướng dẫn các địa phương thủ tục khai thác mỏ vật liệu cung cấp cho dự án theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính - Trưởng Ban Chỉ đạo Nhà nước các công trình, dự án quan trọng quốc gia, trọng điểm ngành giao thông vận tải tại Thông báo số 368/TB-VPCP ngày 02 tháng 12 năm 2022".
Bên cạnh đó,việc khẩn trương áp dụng mô hình thông tin công trình (BIM): Thực hiện Nghị quyết số 57/2022/QH14 của Quốc hội, dự án áp dụng các công nghệ tiên tiến, hiện đại, bảo đảm yêu cầu an toàn, đồng bộ, chất lượng và hiệu quả; Khuyến khích ứng dụng công nghệ cao trong tổ chức thi công, thích ứng với biến đổi khí hậu; Thực hiện hình thức thu phí tự động không dừng trong khai thác, vận hành.
"Hiện các địa phương đang nghiên cứu áp dụng BIM cho dự án. Tuy nhiên đến thời điểm hiện tại các quy định về việc áp dụng BIM như: đơn giá, định mức, công tác thẩm định, phê duyệt … chưa được chính thức ban hành. Vì vậy, TCIP đã đề nghị UBND TP.HCM kiến nghị Thủ tướng Chính phủ thông qua lộ trình áp dụng BIM theo đề xuất của Bộ Xây dựng tại tờ trình số 51/TTr-BXD ngày 05/12/2022 làm cơ sở áp dụng; đồng thời kiến nghị Bộ Xây dựng ban hành định mức, đơn giá áp dụng BIM và hướng dẫn các cơ quan đơn vị liên quan thực hiện đảm bảo đồng bộ trong quá trình triển khai".
- Xin cảm ơn ông!
Có thể bạn quan tâm