Đây là một trong những nội dung đề xuất của Sở Giáo dục và Đào tạo TP.HCM tại buổi làm việc với lãnh đạo UBND TP.HCM về kế hoạch năm học 2021-2022 diễn ra mới đây.
>>>TP.HCM sẽ hoàn thiện kế hoạch mở cửa trường học trong tuần này
Theo đó, tại buổi làm việc, Sở Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) TP.HCM báo cáo về lộ trình mở cửa trường học như sau:
Đầu tháng 12, các trường tổ chức tập huấn cán bộ, giáo viên, nhân viên công tác phòng, chống dịch trong tình hình mới. Trước ngày 5/12, các trường tổ chức họp phụ huynh học sinh khối 9, khối 12. Phụ huynh các khối khác sẽ họp sau theo lộ trình mở dần việc học trực tiếp. Từ ngày 10/12, học sinh trở lại trường học trực tiếp, trong đó học sinh khối 9 và khối 12 đi học trước và mở dần các khối lớp khác.
Lộ trình dự kiến này được xây dựng trên tinh thần báo cáo sơ kết về tổ chức dạy học trực tiếp thí điểm tại xã đảo Thạnh An (H.Cần Giờ), công tác chuẩn bị cơ sở vật chất các cơ sở giáo dục từng được trưng dụng để phục vụ công tác phòng, chống dịch COVID-19 và hoàn thành chiến dịch tiêm vắc xin cho học sinh từ 12 - 17 tuổi.
Với lộ trình dự kiến nói trên, UBND TP Thủ Đức và các quận, huyện xây dựng kế hoạch mở cửa trường học, đón học sinh đi học trở lại theo cấp độ dịch như sau:
Cấp độ 1: Tổ chức dạy học trực tiếp, đảm bảo quy định về phòng, chống dịch COVID-19 theo hướng dẫn của Bộ GD-ĐT, Bộ Y tế , UBND TP.HCM và Sở GD-ĐT TP.HCM.
Cấp độ 2: Tổ chức dạy học trực tiếp, đảm bảo quy định về phòng chống dịch Covid-19 theo hướng dẫn của Bộ GD-ĐT, Bộ Y tế, UBND TP.HCM và Sở GD-ĐT TP.HCM về thời gian, số lượng học sinh, ngừng một số hoạt động, kết hợp với dạy, học trực tuyến và qua truyền hình…Củng cố các điều kiện hạ tầng công nghệ thông tin , trang thiết bị, phương tiện để sẵn sàng chuyển sang các hình thức dạy học khác khi dịch bệnh diễn biến phức tạp.
Đối với các địa bàn được xác định dịch ở cấp 3 (nguy cơ cao): Tổ chức dạy học trực tiếp kết hợp với dạy học trực tuyến, trên truyền hình. Căn cứ điều kiện thực tế, các địa phương quyết định kế hoạch dạy học cho từng lớp, khối lớp. Với bậc học phổ thông, ưu tiên dạy trực tiếp các lớp 1, lớp 2, lớp 6, lớp 9 và lớp 12.
Khi tổ chức dạy học trực tiếp cho học sinh, học viên, sinh viên bố trí lệch ca, lệch giờ; không tập trung đông người, giãn cách tối đa, đảm bảo giới hạn về số người học/lớp theo Bộ tiêu chí đánh giá an toàn Covid trong ngành Giáo dục.
Đối với các địa bàn được xác định ở cấp độ 4 (nguy cơ rất cao): Tổ chức hình thức dạy học trực tuyến, trên truyền hình, giao bài tự học.
Với bậc học mầm non và phổ thông, giáo viên hướng dẫn phụ huynh hỗ trợ, giúp đỡ trẻ em, học sinh học tập, vui chơi tại nhà theo hình thức phù hợp. Phối hợp với phụ huynh để hướng dẫn học sinh sử dụng hiệu quả, an toàn các thiết bị phục vụ học tập trực tuyến, học qua truyền hình. Các trường có phương án chuyển tài liệu học tập đến những học sinh còn thiếu thiết bị học tập trực tuyến, học qua truyền hình trong thời gian học sinh chưa đi học trở lại.
>>>TP.HCM: Học sinh sẽ đến trường học trực tiếp từ tháng 12?
Theo Sở GD-ĐT TP.HCM, số lượng học sinh 12-17 tuổi đã tiêm vắc xin phòng COVID-19 mũi 1 là hơn 574.000 em, đạt gần 94%. Hiện một số quận, huyện đang triển khai tiêm bổ sung cho những em chưa tiêm mũi 1. Công tác tiêm vắc xin mũi 2 cho trẻ từ 12-17 tuổi sẽ diễn ra từ 22 đến 28/11.
Tại buổi làm việc này, ông Phan Văn Mãi - Chủ tịch UBND TP.HCM cho biết, năm học 2021-2022 bị ảnh hưởng khá nhiều bởi dịch COVID-19, kết quả thực hiện nhiệm vụ năm học bị ảnh hưởng.
Chủ tịch UBND TPHCM Phan Văn Mãi đề nghị Sở GD-ĐT TP.HCM rà soát lại kế hoạch năm học, sắp xếp các nhiệm vụ còn lại để kiểm tra, đôn đốc thực hiện đảm bảo kết quả cao nhất trong thực hiện các nhiệm vụ năm học.
Trong quá trình triển khai nhiệm vụ năm học, ngành giáo dục và đào tạo cần lưu ý bám sát các quy định, hướng dẫn của Bộ GD-ĐT để triển khai các nhiệm vụ, song song với việc chủ động, năng động, sáng tạo để triển khai các hoạt động phù hợp thực tiễn tại TP.HCM.
Người đứng đầu chính quyền TP.HCM mong muốn ngành giáo dục và đào tạo TP.HCM phải là một trong những ngành đi đầu trong chuyển đổi số, hướng đến xây dựng giáo dục thông minh. Trong đó, chú trọng đào tạo tư duy sáng tạo và hội nhập quốc tế cho học sinh; tiến hành đổi mới các hoạt động theo hướng thiết thực, mạnh dạn loại bỏ những hoạt động không hiệu quả, rườm rà, hình thức.
“Cần chuẩn bị sẵn sàng các điều kiện an toàn về cơ sở vật chất, đảm bảo tiêm đủ 2 mũi vaccine cho học sinh và giáo viên, sau đó ít nhất 14 ngày mới mở cửa trường học đón học sinh. Chuẩn bị các phương án, quy trình xử lý khi có tình huống nghi nhiễm, ưu tiên tổ chức dạy học trực tiếp đối với học sinh khối 9 và 12, lứa tuổi các em đủ lớn để chủ động xử lý các tình huống”, Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi nhấn mạnh. Đồng thời, ông cho biết, nếu giữa tháng 12/2021, các điều kiện chuẩn bị đều đảm bảo thì có thể mở cửa trường học thí điểm tổ chức dạy học trực tiếp cho học sinh khối 9 và 12 ở những vùng tình hình dịch được kiểm soát.
Có thể bạn quan tâm
TP.HCM kiến nghị rút ngắn thời gian cách ly xuống còn 7 ngày
15:20, 19/11/2021
TP.HCM đề xuất đón khách quốc tế từ tháng 12
00:00, 19/11/2021
Lễ tưởng niệm những người mất do COVID-19 được truyền hình trực tiếp từ TP.HCM và Hà Nội
18:04, 17/11/2021
TP.HCM: Nhiều dịch vụ được hoạt động trở lại theo cấp độ dịch
11:18, 17/11/2021
TP.HCM cần lấy lại vị thế trên mọi phương diện!
12:48, 16/11/2021