TP Hồ Chí Minh vừa thông qua Nghị quyết điều chỉnh mức thu phí sử dụng hạ tầng, cảng biển bắt đầu áp dụng từ 1/8 nhằm khuyến khích vận tải đường thủy nội địa phát triển.
https://diendandoanhnghiep.vn/vai-tro-phan-bien-chinh-sach-cua-cac-hiep-hoi-226965.html
Gỡ rối đúng thời điểm
HĐND Thành phố Hồ Chí Minh vừa thông qua Nghị quyết số 07/2022/NQ-HĐND ngày 7/7/2022 về việc sửa đổi, bổ sung khoản 1, khoản 2 và khoản 3 Điều 1 Nghị quyết số 10/2020/NQ-HĐND ngày 09/12/2022 về Ban hành mức thu phí sử dụng công trình, kết cấu hạ tầng, công trình dịch vụ, tiện ích công cộng trong khu vực cửa khẩu, cảng biển trên địa bàn TP.Hồ Chí Minh có hiệu lực thi hành từ ngày 01/8/2022.
Theo đó, khoản 3 Điều 1 đã được sửa đổi, bổ sung như sau: “… b) Miễn thu phí đối với hàng tạm nhập tái xuất, hàng gửi kho ngoại quan, hàng quá cảnh, hàng chuyển khẩu, hàng xuất khẩu, hàng nhập khẩu vào cảng và rời cảng bằng phương tiện thủy nội địa hoạt động trên các tuyến đường thủy theo Hiệp định giữa Chính phủ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam và Chính phủ Hoàng gia Campuchia về vận tải đường thủy; c) Giảm 50% mức phí với hàng tạm nhập tái xuất, hàng tạm xuất tái nhập, hàng gửi kho ngoại quan, hàng quá cảnh, hàng chuyển khẩu, hàng xuất khẩu, hàng nhập khẩu được vận chuyển vào cảng và rời cảng bằng phương tiện thủy nội địa hoạt động trên các tuyến đường thủy”. Ngoài ra, mức phí hàng hóa xuất, nhập khẩu mở tờ khai tại Thành phố Hồ Chí Minh hay địa phương khác cũng được điều chỉnh cùng một mức thu.
Trong thư cảm ơn gửi tới Uỷ ban Tài chính - Ngân sách Quốc hội, Hiệp hội doanh nghiệp liên quan đến vận tải đường thủy nội địa (gồm Hiệp hội Doanh nghiệp dịch vụ Logistics Việt Nam, Hiệp hội Đại lý, Môi giới và Dịch vụ Hàng hải Việt Nam, Hiệp hội Chủ hàng Việt Nam, Hội Vận tải thủy Việt Nam và Hiệp hội Chủ tàu Việt Nam) khẳng định: Đây là quyết định đúng đắn, kịp thời của HĐND Thành phố Hồ Chí Minh. Qua đó đã giúp các doanh nghiệp giải quyết một phần khó khăn trong giai đoạn thực hiện Nghị quyết số 128 của Chính phủ “Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19”, góp phần vào việc giảm chi phí logistics, nâng cao năng lực cạnh tranh cho nền kinh tế nói chung cũng như hoạt động kinh doanh của các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ logistics của Việt Nam.
Đánh giá sự quan tâm và hành động kịp thời của Quốc hội trong việc lắng nghe, tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp vận tải thuỷ, Hiệp hội nhấn mạnh: “Dưới sự chỉ đạo cụ thể của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đã có văn bản gửi HĐND TP Hồ Chí Minh về việc “thu phí sử dụng hạ tầng cảng biển đối với hàng hóa được vận tải bằng phương tiện thủy nội địa trên địa bàn”, góp phần quan trọng để HĐND Thành phố ra nghị quyết sửa đổi, bổ sung nêu trên. Sự kiên quyết này còn thể hiện việc Quốc hội đã lắng nghe và giải quyết kịp thời các ý kiến chính đáng của cử tri, thể hiện rõ vai trò giám sát tối cao của Quốc hội”.
Kịp thời lắng nghe kiến nghị của doanh nghiệp
Trước đó, Hiệp hội doanh nghiệp liên quan đường thủy nội địa đã có văn bản gửi Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ và Uỷ ban Tài chính - Ngân sách Quốc hội phản ánh bất cập việc TP Hồ Chí Minh và TP Hải Phòng thu phí sử dụng công trình, dịch vụ tiện ích công cộng trong khu vực cửa khẩu cảng biển không đúng đối tượng với hàng hóa được vận chuyển bằng phương tiện đường thủy nội địa.
Cụ thể, đề cập đến việc doanh nghiệp gặp khó khăn do hàng hóa vận tải bằng đường thủy nội địa phải đóng phí sử dụng hạ tầng khu vực cửa khẩu cảng biển tại Hải Phòng (thu từ năm 2017) và TP Hồ Chí Minh (thu từ 01/4/2022). Hội Vận tải thủy nội địa Việt Nam cho rằng, việc thu phí của hai thành phố này là chưa đúng đối tượng, trái với quy định tại Điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên.
Vì vậy, kiến nghị không tiếp tục thu phí sử dụng hạ tầng khu vực cửa khẩu cảng biển đối với hàng hóa được vận chuyển bằng phương tiện thủy nội địa giữa Việt Nam và Campuchia theo Hiệp định giữa Chính phủ nước CHXHCN Việt Nam và Chính phủ Hoàng gia Campuchia về vận tải đường thủy. Chính sách thu phí này làm tăng chi phí logistics cho các doanh nghiệp, ảnh hưởng đến khả năng cạnh tranh của hàng hoá Việt Nam.
Đặc biệt, việc áp dụng thu phí không thúc đẩy vận tải thủy nội địa phát triển. Trong khi đó, Việt Nam và nhất là khu vực Đồng bằng sông Cửu Long rất có lợi thế về thuỷ nội địa, hiện vẫn chưa được khai thác phù hợp tiềm năng.
Đồng quan điểm, ông Trịnh Doãn Trường Giang, Tổ trưởng tổ Miền Bắc phòng Marketing Tân cảng Sài Gòn lý giải thêm: Hiện nay, hầu hết các cảng khu vực Hải Phòng đều không có bến riêng cho khai thác sà lan. Việc khai thác sà lan thường đem lại lợi ích nhỏ so với việc khai thác tàu nên sà lan thường phải chờ cầu rất lâu. Đề nghị quy hoạch một trung tâm logistics chuyên khai thác sà lan tại khu vực cảng Đình Vũ, đảm bảo chính sách thông thoáng đối với việc vận chuyển hàng hóa từ Hub chính này tới các cảng/ICD/kho trong khu vực.
Hiện nay hàng từ các kho khi xuất cảng được yêu cầu đảm bảo trong vòng 24/48h phải hạ xuống cảng xuất. Tuy nhiên, đối với hàng chuyển cảng, thông qua phương án thủy nội địa, nhằm đảm bảo lượng Cont trên sà lan cũng như hạn chế lượng hàng hạ bãi chờ xuất sớm tại cảng xuất, đảm bảo việc lưu thông hàng hóa. Những mặt hàng kho cần hạ tạm tại cảng xếp hàng phía trong và đưa ra cảng xuất hàng theo kế hoạch tàu cập thực tế. Điều này muốn thực hiện được cần được cơ quan hải quan hỗ trợ việc xác nhận hàng từ kho trong vòng 24/48h chỉ cần đưa xuống "cảng xếp hàng" thay vì "cảng xuất hàng" như hiện nay. Đối với hàng chuyển cảng do thay đổi cảng xuất tàu, cần có sự đồng bộ về thủ tục hải quan giữa các chi cục nhằm giám sát và hỗ trợ khách hàng khi có nhu cầu chuyển cảng.
“Nhà nước cần thông qua một số chính sách như giảm phí cơ sở hạ tầng đối với hàng hóa đi 100% thông qua đường thủy nội địa. Nạo vét các điểm nghẽn trên các tuyến thủy nội địa, nâng cao tĩnh không một số cầu trọng điểm trên các tuyến vận tải thủy nội địa. Cần có những quy định thúc đẩy các cảng sông, tạo điều kiện cho phương tiện thủy nội địa”, ông Giang nhấn mạnh.
Có thể bạn quan tâm