Sự phát triển quá nhanh của loại hình GrabBike (xe ôm) khiến nhiều tuyến xe buýt tại TP HCM phải hủy tuyến, tạm ngưng hoạt động.
GrabBike phát triển ồ ạt
Theo đại diện Sở GTVT TP HCM, cho biết: Hoạt động dịch vụ vận tải hành khách công cộng đặc biệt là xe buýt trong năm 2018 đang gặp rất nhiều khó khăn vì sự xuất hiện và phát triển quá nhanh của laoij hình GrabBike. Cụ thể, chỉ tính từ đầu năm 2018 đến nay, Sở GTVT TP HCM đã phải cho tạm ngưng hoạt động nhiều tuyến buýt vì nhu cầu đi lại trên tuyến thấp, không đảm bảo chi phí duy trì hoạt động gồm: Tuyến buýt có trợ giá từ Công viên 23.9 - Tân Phú - Bến xe An Sương và ngược lại do Hợp tác xã Vận tải liên tỉnh và Du lịch Việt Thắng đảm nhận; Tuyến số 40 từ Bến xe Miền Đông - Bến xe Ngã Tư Ga do Hợp tác xã Vận tải Đông Nam đảm nhận đều phải tạm ngưng vì không có khách.
Ngoài ra, 2 tuyến buýt số 37 từ Cảng quận 4 - Nhơn Đức do Hợp tác xã Vận tải số 26 đảm nhận; Tuyến số 60 từ Bến xe An Sương - Khu công nghiệp Lê Minh Xuân, do Hợp tác xã vận tải 19.5 đảm nhận cũng đã tạm ngưng hoạt động bắt từ đầu tháng 10 này.
Cũng theo đại diện SGTVT TP HCM, việc xuất hiện loại hình xe mô tô sử dụng ứng dụng công nghệ kết nối hành khách với lái xe GrabBike phát triển ồ ạt và quá nhanh, dẫn tới việc cạnh tranh rất nhiều với xe buýt từ vận chuyển hành khách cho tới hàng hóa đang là là vấn đề hết sức khó khắn đối với đơn vị quản lý lẫn HTX. Có thể nói đây là một trong những vấn đề nan giải, và là nguyên nhân dẫn đến ảnh hưởng về doanh thu, kèm theo đó là những phát sinh chi phí đầu tư xe, gây ra gánh nặng về khoản vay cho các hợp tác xã là vấn đề hết sức trăn trở.
Cạnh tranh cả hàng hóa?
Đại diện Sở GTVT TP HCM cho biết thêm, hiện nay ngoài việc khó khăn vì bị GrabBike cạnh tranh gay gắt về hành khách, các HTX còn bị cả áp lực cạnh tranh về vận chuyển hàng hóa. Bên cạnh đó, các HTX vận tải xe buýt còn gặp phải nhiều khó khăn khác như: Các vấn đề về hạ tầng, bến bãi, mạng lưới… do đô thị thành phố chưa hoàn chỉnh, mô hình quản lý hiện nay cũng còn nhiều khó khăn đang cần phải tập trung giải quyết.
Ngoài ra, xe buýt còn phát sinh thêm một số khó khăn do định mức giá xe buýt chưa được cập nhật kịp thời dẫn tới không có lợi nhuận. Do đó, Sở GTVT đã tham mưu trình lên UBND thành phố sửa đổi, bổ sung đề án đầu tư xe buýt giai đoạn 2014 - 2017 và theo dõi chỉ đạo của UBND Thành phố về đề án “tăng cường vận tải hành khách công cộng kết hợp với kiểm soát sử dụng phương tiện cơ giới cá nhân tham gia giao thông trên địa bàn TP HCM, họp giải quyết bổ sung dự toán chi ngân sách trợ giá xe buýt năm 2018… để các HTX yên tâm hoạt động, phục vụ nhu cầu đi lại của người dân thành phố, góp phần giảm ùn tắc giao thông trong đô thị.