Trường hợp cấp cứu; các lực lượng làm công tác phòng, chống dịch; phương tiện vận chuyển hàng hoá thiết yếu; phương tiện đưa đón công nhân được hoạt động sau 18 giờ.
UBND TP.HCM yêu cầu mọi người dân hạn chế tối đa ra đường, các cửa hàng, cơ sở kinh doanh phải đóng cửa từ 18 giờ đến 6 giờ hàng ngày, từ 26/7 đến hết ngày 1/8/2021.
Chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Thành Phong vừa ký ban hành văn bản khẩn Số: 2490/UBND-VX về tăng cường các biện pháp giảm mật độ lưu thông trên đường. Theo UBND TP.HCM, thực hiện Chỉ thị số 12-CT/TU và Công văn số 2468/UBND-VX về tăng cường mạnh mẽ các biện pháp thực hiện giãn cách xã hội toàn Thành phố theo tinh thần Chỉ thị số 16 của Thủ tướng Chính phủ.
Bên cạnh các nội dung đã quy định, để thực hiện triệt để hơn nữa việc giảm mật độ lưu thông trên đường, UBND TP.HCM yêu cầu mọi người dân trên địa bàn Thành phố hạn chế tối đa ra đường, các cửa hàng, cơ sở kinh doanh phải đóng cửa từ 18 giờ đến 6 giờ hàng ngày.
Trừ các trường hợp gồm: cấp cứu, các lực lượng làm công tác phòng, chống dịch hoặc các lực lượng hỗ trợ theo yêu cầu điều phối để phòng, chống dịch bệnh của cơ quan chức năng, chính quyền địa phương; cán bộ, phóng viên, biên tập viên các cơ quan báo, đài thực hiện nhiệm vụ chính trị trên địa bàn Thành phố, bao gồm cả công tác phát hành báo; lực lượng công nhân vệ sinh môi trường đô thị; xử lý sự cố về: điện, nước, hệ thống thông tin và hạ tầng kỹ thuật;
Các phương tiện vận chuyển hàng hóa thiết yếu; phương tiện đưa đón lực lượng thực hiện nhiệm vụ phòng, chống dịch; phương tiện đưa đón công nhân tại các doanh nghiệp đang thực hiện "1 cung đường - 2 điểm đến"; phương tiện vận chuyển vật tư phục vụ sản xuất, hàng hóa xuất nhập khẩu; các cửa hàng bán lẻ xăng dầu ở 12 cửa ngõ chính của Thành phố được phép hoạt động.
Đối với việc đi mua lương thực, thực phẩm thiết yếu, UBND Thành phố đề nghị các địa phương triển khai việc phát phiếu theo hộ gia đình, theo ngày chẵn - lẻ, chia khung giờ đi mua để giảm thiểu tối đa mật độ tiếp xúc giữa người với người.
UBND TP.HCM giao Công an Thành phố phối hợp với Sở Công thương, Sở Giao thông Vận tải, Sở Y tế, Sở Thông tin và Truyền thông, UBND các quận, huyện và TP Thủ Đức và các cơ quan liên quan thống nhất, hướng dẫn cụ thể về nhận diện lực lượng, phương tiện được phép lưu thông sau 18 giờ.
UBND Thành phố giao Công an Thành phố, Bộ Tư lệnh Thành phố, UBND TP Thủ Đức và các quận, huyện tổ chức các trạm, chốt để ngăn cách và tổ chức tuần tra, kiểm soát 24/24 giờ các tuyến đường liên phường việc chấp hành quy định tại khu dân cư, trên đường phố và xử lý thật nghiêm các trường hợp vi phạm, tạm giữ hành chính trong trường hợp chống đối người thi hành công vụ.
Đối với các tổ chức, cá nhân cố tình vi phạm để dịch bệnh lây lan, gây hậu quả nghiêm trọng, cơ quan chức năng tiến hành khẩn trương điều tra, khởi tố vụ án hình sự nếu có đủ yếu tố cấu thành tội phạm.
Tại hội nghị mở rộng lần thứ 7 của Ban Chấp hành Đảng bộ TP.HCM tối 25/7, Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Văn Nên cho biết, trong 15 ngày tới, TP.HCM sẽ triển khai 7 biện pháp đồng bộ, tạo điều kiện để cán bộ và người dân thực hiện các biện pháp siết chặt theo Chỉ thị 16, đồng thời xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm, cụ thể:
Một là, người dân ai ở nhà đó, chính quyền chăm lo lương thực, thực phẩm, phải tổ chức chặt chẽ trên từng nẻo đường, không để ùn tắc giao thông, xử lý linh hoạt, mềm dẻo.
Hai là, triển khai các biện pháp phù hợp để phát hiện F0, tư vấn hướng dẫn, hỗ trợ tận tình, chăm sóc chu đáo người bệnh để hạn chế tử vong. Ngành y tế hoàn thiện cơ chế vận hành thông suốt từ khi phát bệnh đến chuyển viện, nằm viện của người bệnh.
Ba là, phối hợp chặt chẽ các hoạt động bảo trợ xã hội, kịp thời hỗ trợ người khó khăn, tuyệt đối không để ai thiếu ăn thiếu mặc. Hiện có nhiều nguồn hỗ trợ lương thực, thực phẩm, nhu yếu phẩm, thuốc men đông, tây y từ nhiều nơi gửi về nên cần phối hợp nhuần nhuyễn, phân phối kịp thời, hiệu quả.
Bốn là, tổ chức tiếp nhận, mua và tiêm vắc xin COVID-19 nhanh nhất có thể đến các đối tượng. Hiện vắc xin không có nhiều nhưng kế hoạch cần dự trù để khi vắc xin có nhiều thì tổ chức tiêm sớm nhất đến các đối tượng đang chờ.
Năm là, củng cố hoạt động truyền thông, đảm bảo công khai, minh bạch, kịp thời để mọi tổ chức, cá nhân nâng cao ý thức chấp hành các biện pháp giãn cách; không chủ quan, xem thường nhưng cũng không hốt hoảng, lo sợ. Trong đó, phối hợp chặt chẽ với các cơ quan báo chí cung cấp thông tin chính xác, đồng bộ để tránh nhiễu thông tin.
Sáu là, các cơ quan chức năng khẩn trương phối hợp với bộ ngành chuẩn bị các phương án, kịch bản ca bệnh gia tăng để không bị động.
Bảy là, chuẩn bị chiến lược lâu dài bảo vệ sinh kế người dân, sức sống doanh nghiệp, tạo mọi điều kiện thuận lợi cho phục hồi kinh tế, xã hội ngay khi tình hình dịch bệnh được kiểm soát.
Có thể bạn quan tâm
Người dân tại TP HCM không được tiếp xúc với các hộ gia đình xung quanh
00:01, 25/07/2021
Bộ Y tế sẽ cấp 1 triệu viên Xuyên tâm liên điều trị COVID-19 cho TP.HCM
00:00, 25/07/2021
25 tấn rau củ quả chuyển từ Tiền Giang đã có mặt tại TP.HCM
10:17, 24/07/2021
NÓNG: TP.HCM tăng cường Chỉ thị 16, người dân không được ra khỏi nhà
10:56, 23/07/2021
Bộ Xây dựng lập Tổ công tác đặc biệt phòng, chống dịch COVID-19 tại TP.HCM
16:39, 20/07/2021
TP.HCM sẽ tiêm 3 loại vaccine COVID-19 đợt 5 ra sao?
09:22, 20/07/2021