Kinh tế

TP HCM sẽ trở thành siêu đô thị vào năm 2030

Đình Đại 04/01/2025 03:50

Đến năm 2030, TP HCM sẽ trở thành siêu đô thị với 11 triệu dân, GRDP bình quân đầu người đạt 385 - 405 triệu đồng, tương đương 14.800 - 15.400 USD.

tphcm.png
Đến năm 2030, TP HCM sẽ trở thành siêu đô thị với 11 triệu dân - Ảnh minh họa.

GRDP bình quân khoảng 8,5 - 9,0%/năm

Theo Quy hoạch TP HCM thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 vừa được Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính phê duyệt, dự báo quy mô dân số thực tế thường trú của TP HCM đến năm 2030 là khoảng 11 triệu người; đến năm 2050 là khoảng 14,5 triệu người.

Thành phố phấn đấu tốc độ tăng trưởng GRDP bình quân đạt khoảng 8,5 - 9,0%/năm trong giai đoạn 2021 - 2030. Đến năm 2030, GRDP bình quân đầu người theo giá hiện hành đạt 385 - 405 triệu đồng, tương đương 14.800 - 15.400 USD.

Tỷ trọng bình quân trong GRDP của khu vực dịch vụ trên 60%, khu vực công nghiệp - xây dựng khoảng 27% (trong đó công nghiệp chế biến chế tạo khoảng 21%), khu vực nông, lâm, thủy sản khoảng 0,4%;

TP HCM đặt mục tiêu sẽ trở thành đô thị toàn cầu, văn minh, hiện đại, nghĩa tình, năng động sáng tạo; là thành phố có nguồn nhân lực chất lượng cao, dịch vụ - công nghiệp hiện đại, đầu tàu về kinh tế xanh, kinh tế số, xã hội số, trung tâm kinh tế, tài chính, thương mại - dịch vụ, văn hóa, giáo dục, khoa học - công nghệ của cả nước, hội nhập quốc tế sâu rộng, có vị thế nổi trội trong khu vực Đông Nam Á, tốc độ tăng trưởng kinh tế và GRDP bình quân đầu người thuộc nhóm đứng đầu cả nước và vượt qua ngưỡng thu nhập cao.

Để thực hiện được các mục tiêu trên, Thành phố đặt ra các nhiệm vụ trọng tâm như: Hoàn thiện thể chế, chính sách, điều kiện thuận lợi để tạo ra bước chuyển có tính đột phá trong phát triển kinh tế xã hội của Thành phố; Phát triển kinh tế nhanh, bền vững, đẩy mạnh áp dụng các mô hình: kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, kinh tế số, kinh tế chia sẻ,… tập trung phát triển kinh tế đô thị, kinh tế biển…

Song song với đó là các đột phá trong hoàn thiện thể chế, chính sách, đổi mới mô hình tăng trưởng, chuyển dịch cơ cấu kinh tế, nâng cao sức cạnh tranh và hiệu quả quản trị đô thị; Đột phá trong huy động các nguồn lực đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng, tái cấu trúc không gian hệ thống đô thị, nâng cao hiệu quả sử dụng đất, tăng cường liên kết vùng, phát triển các ngành kinh tế và đảm bảo an sinh xã hội, hoàn thiện, phát triển mô hình khu công nghiệp - đô thị - dịch vụ; quy hoạch không gian dọc sông Sài Gòn để phát triển du lịch xanh kết hợp đảm bảo an ninh nguồn nước;

Đột phá trong phát triển công nghệ cao, chuyển đổi xanh, chuyển đổi số, nguồn nhân lực chất lượng cao và xây dựng đội ngũ doanh nghiệp chiến lược, trong đó chú trọng thu hút các dự án đầu tư bảo đảm đầy đủ cả ba yếu tố: công nghệ tiên tiến, bảo vệ môi trường và sử dụng nguồn nhân lực chất lượng cao.

Phát triển các ngành chủ lực

Bên cạnh đó, Thành phố đặt trọng tâm phát triển các ngành ưu tiên số 1 bao gồm: Công nghiệp công nghệ cao, công nghiệp năng lượng xanh, logistics, dịch vụ số (gồm thông tin và truyền thông) và đổi mới sáng tạo, dịch vụ tài chính, du lịch; Ngành ưu tiên số 2 bao gồm: Bán lẻ hiện đại/ thương mại, dịch vụ chuyên nghiệp, giáo dục và y tế.

Đối với các ngành quan trọng như nông, lâm, ngư nghiệp, TP HCM đặt mục tiêu phát triển Nông nghiệp phát triển bền vững trên cơ sở phát huy tiềm năng, lợi thế, cơ cấu lại, nâng cao hiệu quả sản xuất và chất lượng sản phẩm, đóng vai trò trung tâm trong chuỗi giá trị sản xuất nông nghiệp của khu vực.

Phát triển nông nghiệp đô thị, nông nghiệp sinh thái, nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao. Xây dựng và phát triển nông thôn mới toàn diện, bền vững gắn với phát triển đô thị, công nghiệp chế biến và du lịch.

Tỷ trọng nông, lâm, ngư nghiệp trong GRDP khoảng 0,4%, trong đó giá trị sản xuất: nông nghiệp khoảng 66,7% (dịch vụ nông nghiệp khoảng 16%); lâm nghiệp khoảng 0,3%; thủy sản khoảng 33%.

tphcm1.jpg

Với ngành công nghiệp - xây dựng, Thành phố đặt mục tiêu phát triển theo hướng phát triển công nghệ cao, sáng tạo, kinh tế số, kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, lựa chọn sản phẩm, công đoạn có giá trị gia tăng cao tham gia chuỗi giá trị khu vực và toàn cầu; chuyển đổi hoạt động các khu công nghiệp, khu chế xuất hiện hữu sang mô hình khu công nghiệp - đô thị - dịch vụ;

Tỷ trọng công nghiệp - xây dựng trong GRDP là 27%, trong đó giá trị sản xuất công nghiệp đạt khoảng 22% (công nghiệp chế biến, chế tạo đạt trên 90%). Tốc độ tăng trưởng giá trị gia tăng công nghiệp đạt bình quân từ 9%-10%/năm, trong đó công nghiệp chế biến, chế tạo từ 9%-11%/năm.

Với ngành thương mại - dịch vụ, với mục tiêu xây dựng TP HCM trở thành trung tâm kinh tế, tài chính, thương mại, dịch vụ lớn của cả nước và khu vực với các ngành dịch vụ cao cấp, hiện đại. Phát triển dịch vụ có chất lượng và giá trị gia tăng cao trong các lĩnh vực tài chính - ngân hàng, bảo hiểm, chứng khoán, bất động sản, thương mại điện tử, công nghệ thông tin, viễn thông, khoa học, công nghệ, du lịch, văn hóa thể thao, giáo dục, y tế, logistics;

Các ngành thương mại, dịch vụ giữ vai trò nòng cốt trong việc phát triển kinh tế của Thành phố: tỷ trọng ngành thương mại dịch vụ đạt trên 60% GRDP; tốc độ tăng trưởng trong giai đoạn 2021-2030 đạt 8,6%/năm. Trong đó, thương mại tăng trưởng trên 10%/năm; logistics tăng trưởng trên 10%/năm; tài chính - ngân hàng tăng trưởng trên 12%/năm; thông tin truyền thông tăng trưởng khoảng 12-15%/năm; du lịch tăng trưởng trên 8,5%; 13 triệu lượt khách du lịch quốc tế và 50 triệu lượt khách du lịch nội địa; tốc độ tăng trưởng ngành công nghiệp văn hóa bình quân khoảng 12%/năm, doanh thu các ngành công nghiệp văn hóa đóng góp khoảng 7-8% GRDP Thành phố.

Ngoài ra, các mô hình kinh tế khác như kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, ki h tế số, kinh tế chia sẻ và kinh tế biển cũng được Thành phố ưu tiên phát triển. Trong đó, kinh tế xanh, Thành phố thực hiện Nghị quyết 98, xây dựng các cơ chế ưu đãi, thu hút đầu tư theo nhiều cấp, hướng tới cả nền kinh tế xanh tổng thể lẫn ưu đãi cho các lĩnh vực ưu tiên về Năng lượng tái tạo, Hydro sạch, Giao thông và vận tải sạch, Giải pháp công nghiệp xanh. Trong khi đó, với kinh tế tuần hoàn, Thành phố đặt mục tiêu trở thành trung tâm dẫn đầu của cả nước cho việc áp dụng và thực hành kinh tế tuần hoàn vào hoạt động sản xuất, kinh doanh và tiêu dùng…

3 tiểu vùng và 10 trục không gian phát triển

Theo Quy hoạch, không gian kinh tế - xã hội các quận huyện, TP Thủ Đức phát triển chia thành 3 tiểu vùng với 9 phân vùng. Cụ thể:

Tiểu vùng đô thị trung tâm giữ vai trò là hạt nhân thúc đẩy phát triển TP HCM, vùng kinh tế trọng điểm phía Nam và vùng Đông Nam Bộ. Trong thời kỳ quy hoạch bao gồm 16 quận, được chia thành 04 phân vùng: trong đó phân vùng 1 là Quận 1; phân vùng 2 bao gồm các quận 3, 4, 5, 6, 10, 11, Phú Nhuận; phân vùng 3 bao gồm các quận 7, 8, 9, Gò Vấp, Bình Thạnh, Tân Bình, Tân Phú; phân vùng 4 bao gồm các quận 12, Bình Tân.

Tiểu vùng thành phố Thủ Đức là đô thị loại 1, đô thị song hành giữ vai trò là cực tăng trưởng mới, đô thị sáng tạo, tương tác cao và hạt nhân thúc đẩy kinh tế - xã hội của Thành phố.

Tiểu vùng ngoại thành bao gồm 5 huyện sẽ đẩy mạnh đô thị hóa, hình thành các đô thị vệ tinh kiểu mới, đáng sống, hỗ trợ cho sự phát triển của đô thị trung tâm, gắn kết với phát triển nông nghiệp, đô thị sinh thái và nông thôn mới.

Đến năm 2030, tiểu vùng này được chia thành 5 phân vùng gồm Củ Chi, Hóc Môn, Bình Chánh, Nhà Bè và Cần Giờ. Tầm nhìn đến năm 2050, tiểu vùng này được sắp xếp lại thành 04 phân vùng gồm phân vùng Củ Chi - Hóc Môn; phân vùng Bình Chánh; phân vùng Nhà Bè - Quận 7; và phân vùng Cần Giờ. Ranh giới các phân vùng trên sẽ được làm chính xác khi lập quy hoạch và đề án sắp xếp lại các đơn vị hành chính cấp huyện và cấp xã.

Các tiểu vùng, trung tâm và các hoạt động kinh tế - xã hội được liên kết thông qua 10 trục gồm 9 trục không gian chủ đạo và 1 trục không gian ven biển gồm: 04 Trục Đông - Tây: Trục ven Sông Sài Gòn – Huỳnh Tấn Phát; QL22 - Trường Chinh - CMT8 - Nguyễn Hữu Thọ; Quốc lộ 13 – vành đai 2 - trục động lực phát triển mới phía Tây Cần Giờ; Tỉnh lộ 10 – vành đai 2 – trục qua Long An (song song QL 50).

05 Trục Bắc – Nam: Trục QL1A (xa lộ Đại Hàn); Trục qua sân bay (Phạm Văn Đồng – trục qua Long An); Võ Văn Kiệt; Nguyễn Văn Linh; Trần Đại Nghĩa – sân bay Long Thành. Đồng thời, hình thành 01 trục không gian ven biển Cần Giờ kết nối Gò Công Đông- Cần Giờ - Bà Rịa Vũng Tàu - Đồng Nai.

Quy hoạch TP HCM cũng đưa ra phương án phát triển các loại hình nhà ở đa dạng, tỉ lệ các phân khúc phù hợp với nhu cầu của các nhóm dân cư có thu nhập khác nhau.

Bố trí quỹ đất xây dựng nhà ở xã hội theo quy định. Khuyến khích thu hút đầu tư của các thành phần kinh tế thực hiện các dự án nhà ở, đặc biệt là nhà ở xã hội. Quy hoạch, đầu tư xây dựng nâng cấp kết cấu hạ tầng đồng bộ tại các khu dân cư hiện hữu.

Phát triển các khu đô thị tập trung gắn với mô hình phát triển đô thị theo định hướng phát triển giao thông công cộng có tốc độ cao (TOD), các trung tâm sản xuất công nghiệp, các khu công nghệ cao. Khuyến khích, thu hút đầu tư từ các thành phần kinh tế tham gia các dự án di dời, tái định cư nhà ở ven kênh rạch, các dự án cải tạo, xây dựng lại chung cư cũ.

(0) Bình luận
Nổi bật
Mới nhất
TP HCM sẽ trở thành siêu đô thị vào năm 2030
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO