TP HCM cần triển khai đồng bộ các giải pháp để hỗ trợ doanh nghiệp thích ứng, linh hoạt, an toàn, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19; tăng cường hỗ trợ doanh nghiệp tiếp cận nguồn lực sản xuất, vốn...
>>PCI - “thước đo” thái độ của chính quyền
Đó là chia sẻ của ông Đậu Anh Tuấn - Trưởng ban Pháp chế Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), Giám đốc Dự án Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI), tại buổi tọa đàm về nâng cao Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) TPHCM do UBND TPHCM tổ chức ngày 16/12/2021.
Giải quyết những điểm nghẽn
Đáng chú ý, tại buổi tọa đàm về nâng cao Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) TPHCM do UBND TPHCM tổ chức, nhiều đại biểu cho rằng, thủ tục hành chính dù đã được nỗ lực cải thiện nhưng vẫn gây khó cho doanh nghiệp và người dân.
Ông Đậu Anh Tuấn cho biết, những điểm nghẽn trong các thủ tục đầu tư, xây dựng, đất đai, thuế, bảo hiểm xã hội ở TP HCM vẫn tồn tại. Bên cạnh đó, tính minh bạch thông tin liên quan đến thủ tục hành chính hoặc thông tin hỗ trợ cho hoạt động sản xuất, kinh doanh cho doanh nghiệp chưa cao.
Lấy ví dụ về nhưng tồn tại, ông Tuấn dẫn chứng hàng loạt chỉ số thành phần “khiêm tốn” của TPHCM trong PCI, như: Doanh nghiệp khó tiếp cận thông tin đầu tư công, quy hoạch sử dụng đất, thậm chí phải “biết ông này, bà kia” mới được tiếp cận thông tin. Đáng nói, nhiều doanh nghiệp phản ánh phải chờ cả tháng mới được gặp chính quyền, thời gian giải quyết chậm, thái độ cán bộ khó chịu…
Trưởng Ban Pháp chế VCCI cũng chỉ ra một trong những vấn đề quan trọng ảnh hưởng đến PCI là khoảng cách giữa chính sách và thực thi rất lớn. Do vậy, đề nghị TP triển khai bộ chỉ số DDCI để thúc đẩy PCI cao hơn.
Đặc biệt, để cải thiện PCI TPHCM và tạo điều kiện tốt nhất cho doanh nghiệp dễ dàng tiếp cận các dịch vụ hành chính công, TP HCM cần triển khai 6 giải pháp, cụ thể:
Hỗ trợ doanh nghiệp thích ứng linh hoạt, an toàn, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19; tăng cường hỗ trợ doanh nghiệp tiếp cận các nguồn lực sản xuất vốn, lao động, công nghệ; thường xuyên rà soát sửa đổi hoặc kiến nghị sửa đổi các quy trình và thủ tục hành chính còn bất hợp lý, trong đó tập trung vào việc đơn giản hóa quy định, thủ tục.
Đồng thời, tiếp tục nỗ lực cải cách hành chính với trọng tâm là các lĩnh lực thủ tục liên ngành về đầu tư, xây dựng, đất đai, môi trường và lĩnh vực xuất nhập khẩu; thực hiện chuyển đổi số mạnh mẽ trong hoạt động của chính quyền để tăng cường hiệu quả cung cấp dịch vụ công, tăng cường tính minh bạch thông tin và giảm thiểu hiện tượng nhũng nhiễu trong xử lý thủ tục hành chính. Cuối cùng là tăng cường trách nhiệm của người đứng đầu trong công tác chỉ đạo, kiểm tra việc thực hiện kỷ luật, kỷ cương hành chính; thực hiện nghiêm túc việc xử lý trách nhiệm cá nhân và trách nhiệm liên đới đối với người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị - ông Tuấn lưu ý.
>>“Sứ giả” của PCI
Cần phân cấp, phần quyền
Đồng quan điểm, phát biểu tại tọa đàm, đại diện Ban quản lý (BQL) các khu chế xuất và công nghiệp TP (BQLKCX – KCN), thông tin: Hằng năm BQLKCX – KCN thực hiện tới 88% thủ tục hành chính trước thời hạn, còn lại là đúng hạn, không có trễ hạn. Tuy nhiên, thời gian gần đây, các văn bản luật mới đã làm ảnh hưởng đến cơ chế một cửa này. Đơn cử, Luật Môi trường ra đời thì việc đánh giá tác động môi trường, giấy xác nhận bảo vệ môi trường vẫn còn đang ở các địa phương hoặc ở Sở TN&MT mà chưa được phân cấp trở lại cho BQLKCX – KCN, khiến doanh nghiệp phàn nàn rất nhiều, trong khi các thủ tục này trước đây BQLKCX – KCN đều giải quyết trước thời hạn.
Chưa kể, việc doanh nghiệp thực hiện dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4 cũng có bất cập. Chẳng hạn, doanh nghiệp muốn xin giấy phép lao động đi nước ngoài nhưng có đến 100 bộ hồ sơ. Nếu phải scan cả trăm bộ này, công chứng để gửi hồ sơ lên môi trường mạng thì sẽ rất mất thời gian.
Do đó, “nếu muốn nâng PCI của TP lên thì việc đầu tiên là phải phân cấp, phân quyền mạnh mẽ hơn cho các sở, ban, ngành; quận, huyện đối với các nội dung mà TP chủ động được” - đại diện BQLKCX – KCN nói.
Những việc cần làm ngay
Liên quan đến những phản ánh và giải pháp mà ông Tuấn đưa ra, ông Võ Văn Hoan - Phó Chủ tịch UBND TP HCM, nhìn nhận, việc cải cách thủ tục hành chính đã được triển khai nhưng tại nhiều sở ban ngành, quận huyện vẫn chưa hiệu quả.
Bên cạnh đó, việc ứng dụng công nghệ thông tin trong dịch vụ công vẫn còn nửa vời, thực hiện song song trực tuyến và trực tiếp khiến doanh nghiệp và người dân gặp khó. "Thông tin chuyên ngành trên trang các sở ban ngành rất cũ, có trang trong 3 tháng không có thông tin mới. Hay như vấn đề người dân, doanh nghiệp quan tâm nhất là quy hoạch sử dụng đất nhưng không biết tìm xem ở đâu" – ông Hoan nêu.
Do đó, theo ông Hoan, việc cải thiện PCI là việc cần phải làm ngay vì đây chính là tiếng lòng của người dân và doanh nghiệp. Do vậy, sở ngành có liên quan phải xây dựng kế hoạch cải thiện và khắc phục những tiêu chí chưa tốt gửi về Sở KH-ĐT tổng hợp, làm cơ sở để thành phố ban hành thực hiện vào tháng 1-2022. Trong đó, kế hoạch phải chỉ rõ giải pháp triển khai cụ thể, đồng thời có hướng dẫn rõ cho chính quyền địa phương cùng thực hiện. Các quận huyện cần có những phản biện, ý kiến về những giải pháp mà sở ngành đưa ra để nâng cao hiệu quả triển khai.
Trong đó, nhiệm vụ của Sở KH-ĐT phối hợp viện nghiên cứu xây dựng đề án cải thiện chỉ số đánh giá năng lực điều hành cấp sở, ban, ngành và địa phương thuộc tỉnh (DDCI) trình UBND thành phố phê duyệt.
Song song đó, phối hợp với Sở Nội vụ đánh giá kết quả thực hiện DCCI của các quận huyện - "đây cũng là cơ sở để đánh giá năng lực cấp trưởng, cấp phó địa phương" – ông Hoan nhấn mạnh.
Có thể bạn quan tâm
16:14, 17/12/2021
05:00, 09/12/2021
14:29, 26/11/2021
18:10, 24/11/2021