Đầu tư

TP.HCM: Tiếp tục chạy đua tiến độ với các dự án đầu tư công

Bài và Ảnh: Hương Giang 22/08/2024 00:30

Các dự án đầu tư công, đặc biệt là dự án đường vành đai 3, vành đai 4 TP.HCM sẽ có ý nghĩa quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội của các tỉnh thuộc vùng Đông Nam Bộ và vùng kinh tế trọng điểm phía Nam.

Đó là khẳng định của lãnh đạo các cơ quan ban ngành TP.HCM về ý nghĩa và tầm quan trọng trong việc đẩy nhanh tiến độ các dự án đầu tư công, đặc biệt là dự án đường vành đai 3 và vành đai 4 TP.HCM.

vanh đai 3.1
Ông Bùi Hòa An - Phó giám đốc Sở Giao thông vận tải TP.HCM: Dự án đường vành 3 và vành đai 4 TP.HCM có ý nghĩa quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội.

Đẩy nhanh tiến độ

Theo ông Bùi Hòa An - Phó giám đốc Sở Giao thông vận tải TP.HCM, đường vành 3 và đường vành đai 4 TP.HCM có ý nghĩa quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội của các tỉnh thuộc vùng Đông Nam Bộ, vùng kinh tế trọng điểm phía Nam và có tính kết nối giao thông liên vùng rất quan trọng trong giải quyết vận chuyển hàng hóa, giảm chi phí logistics.

Vì vậy, việc đẩy nhanh tiến độ nghiên cứu, chuẩn bị và triển khai đầu tư các tuyến đường này sẽ góp phần đảm bảo tính đồng bộ, hiệu quả về tính kinh tế - kỹ thuật là rất rần thiết.

Cũng theo ông Bùi Hoà An, dự án xây dựng đường vành đai 4 TP.HCM dài 207km, đi qua năm tỉnh thành, bao gồm: Bà Rịa - Vũng Tàu (18,23km), Đồng Nai (45,54km), Bình Dương (47,45km), TP.HCM (17,3km) và Long An (78,3km). Đây là dự án có tổng mức đầu tư rất lớn (ước tính khoảng 128.063 tỉ đồng), kỹ thuật phức tạp, đi qua nhiều địa phương nên cần có các cơ chế chính sách đặc thù để đẩy nhanh tiến độ triển khai các dự án. Vì vậy, Sở GTVT TP.HCM đã tham mưu UBND TP.HCM báo cáo, đề xuất Thủ tướng Chính phủ báo cáo Quốc hội thông qua các cơ chế, chính sách đặc thù áp dụng chung cho toàn bộ tuyến đường vành đai 4 TP.HCM.

Trong đó, tập trung vào các nhóm cơ chế chính sách về nguồn vốn, quy hoạch, khai thác khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường, trình tự, thủ tục, thẩm quyền thẩm định và quyết định đầu tư các dự án xây dựng đường vành đai 4, đồng thời về quản lý công trình sau đầu tư và quyết toán đầu tư và một số cơ chế khác. Đặc biệt, các vấn đề này được tháo gỡ sẽ góp phần đẩy nhanh tiến độ làm dự án trong giai đoạn 2025 – 2028.

“Đối với dự án đường vành đai 3 dài 76km được các địa phương TP.HCM, Đồng Nai, Bình Dương, Long An khởi công từ tháng 6-2023. Dự án này đặt mục tiêu sẽ thông xe phần cao tốc cuối năm 2025 và hoàn thành toàn bộ dự án vào năm 2026. Việc hoàn thành sớm đường vành đai 3 không chỉ là minh chứng cho lời hứa với người dân về một dự án kiểu mẫu, mà còn là sự đóng góp vào nỗ lực chung của cả nước, quyết tâm đưa vào khai thác 3.000km cao tốc vào năm 2025”, ông Bùi Hoà An nhấn mạnh.

Đảm bảo nguồn cát san lấp

Liên quan tới tiến độ đường vành đai 3, ông Lương Minh Phúc - Giám đốc Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông TP.HCM (TCIP), cho biết nhu cầu cát hiện nay tập trung ở gói thầu đường vành đai phía tây dự án đường vành đai 3 (Củ Chi, Hóc Môn, Bình Chánh).

vành đai 3
Dự án đường vành đai 3 dài 76km được các địa phương TP.HCM, Đồng Nai, Bình Dương, Long An khởi công từ tháng 6-2023. Dự án này đặt mục tiêu sẽ thông xe phần cao tốc cuối năm 2025 và hoàn thành toàn bộ dự án vào năm 2026.

“TCIP đã yêu cầu nhà thầu làm liên tục những hạng mục thi công không bị ảnh hưởng bởi cát như mố trụ, đúc dầm, gác dầm, cầu vượt sông... để đảm bảo tiến độ. Hiện nay tình hình cát san lấp cho dự án đã và đang có những tín hiệu tích cực. Các tỉnh Tiền Giang, Vĩnh Long, Bến Tre đang triển khai để cung cấp cát cho TP.HCM làm đường vành đai 3”, ông Phúc thông tin.

Cũng theo ông Phúc, nhiệm vụ đầu tiên và trọng tâm mà TP.HCM đề ra là phải đưa đến công trường dự án đường vành đai 3 TP.HCM khoảng 2 triệu m3 cát trong tháng 8/2024. Và đến nay đạt khoảng 700.000m3. Bên cạnh đó, tập trung phối hợp với 3 địa phương nêu trên để hoàn tất các thủ tục, đảm bảo nguồn 10 triệu m3 cát cung cấp ổn định trong thời gian tới.

"Như vậy có thể khẳng định: đến nay, tiến độ cấp phép theo cam kết của 3 địa phương với khối lượng trên là đáp ứng nhu cầu và tiến độ thi công của dự án đường vành đai 3. TCIP sẽ tiếp tục phối hợp chặt chẽ với các bộ ngành trung ương, các sở ngành, đơn vị liên quan và các địa phương để đảm bảo hoàn thành dự án đường vành đai 3 đúng theo tiến độ vào cuối năm 2025 và thông xe vào năm 2026", ông Phúc khẳng định.

Liên quan vấn đề hỗ trợ cát cho các dự án giao thông trọng điểm phía Nam, trong đó có đường vành đai 3 TP.HCM, ông Đoàn Văn Phương - Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Tiền Giang, cho biết sau các buổi làm việc, tỉnh Tiền Giang đã thống nhất mở ba mỏ cát với tổng trữ lượng khoảng 16 triệu m3, gồm: Vàm Cái Thia, Hòa Khánh 1 và Hòa Hưng 3 để phục vụ các dự án giao thông trọng điểm. Trong đó, dự án đường vành đai 3 TP.HCM sẽ nhận được 6 triệu m3, trước mắt trong năm 2024 sẽ nhận khoảng 3 triệu m3.

Cũng theo ông Phương, hiện các mỏ này đang trong giai đoạn đánh giá tác động môi trường. Sau khi hoàn tất các thủ tục, dự kiến trong tháng 9/2024 sẽ chính thức khai thác và cung cấp cát cho các dự án. Các mỏ cát trên đã bị dừng khai thác, thăm dò từ năm 2013.

Đến nay trước nhu cầu bức thiết về nguồn cát lấp, tỉnh Tiền Giang đã mở lại ba mỏ đầu tiên nhưng có nhiều điều kiện kèm theo, như mỏ phải mở cách bờ 200m, khai thác mỏ phải kết hợp chỉnh dòng chảy để tránh sạt lở, nguồn thu sẽ ưu tiên đầu tư cho các công trình chống sạt lở...

(0) Bình luận
Nổi bật
Mới nhất
TP.HCM: Tiếp tục chạy đua tiến độ với các dự án đầu tư công
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO