Sở Công thương TP HCM vừa tổ chức hội thảo ghi nhận ý kiến các chuyên gia kinh tế, doanh nghiệp về việc xây dựng đề án "Định vị sản phẩm xuất khẩu tiêu biểu của TP HCM”.
Theo ông Nguyễn Ngọc Hòa, Phó Giám đốc Sở Công Thương, cho biết TP HCM là một trong những cửa ngõ giao thương và hội nhập kinh tế quốc tế, thúc đẩy phát triển kinh tế khu vực phía Nam nói riêng và cả nước nói chung.
Vấn đề chuyển dịch cơ cấu ngành theo hướng tăng trưởng mức độ tinh vi và nâng cao giá trị gia tăng của sản phẩm được TP HCM nhận diện và thực hiện từ những năm 2000 với 4 ngành công nghiệp mũi nhọn và 9 nhóm ngành dịch vụ; gần đây là các chương trình chuyển dịch xuất khẩu giai đoạn 2008-2011 và giai đoạn 2011- 2015. Tuy nhiên, kết quả mang lại không như kỳ vọng.
Mục tiêu của đề án "Định vị sản phẩm xuất khẩu tiêu biểu của TP HCM” này nhằm xây dựng cái nhìn toàn diện về hoạt động xuất nhập khẩu của thành phố, xác định đâu là sản phẩm chủ lực, nhóm ngành có tính cạnh tranh cao trong thế giới hội nhập hiện nay, từ đó xây dựng chính sách. Đến thời điểm hiện tại, nhóm nghiên cứu chưa đưa ra câu trả lời cụ thể thành phố cần chọn sản phẩm nào làm chủ lực mà chỉ đưa ra những kịch bản phát triển. Vì vậy cần thêm các ý kiến đóng góp của các chuyên gia để xây dựng đề án cụ thể. Sau khi thành phố lựa chọn kịch bản phát triển, nhóm nghiên cứu sẽ hoàn thiện và cụ thể hóa đề án.
Có thể bạn quan tâm
11:00, 30/08/2018
05:02, 30/08/2018
11:02, 26/08/2018
15:03, 22/08/2018
Góp ý về đề án này, TS Đinh Công Khải, Viện trưởng Viện Chính sách công thuộc Trường Đại học Kinh tế TP HCM, chỉ ra rằng mô hình tăng trưởng xuất khẩu đang tăng theo chiều rộng và chạy theo thị trường, thiếu định hướng chiến lược phát triển. Nền sản xuất và xuất khẩu có năng lực cạnh tranh thấp, phương thức sản xuất chủ yếu là gia công, chưa tham gia sâu vào chuỗi giá trị toàn cầu. Do đó, tăng trưởng xuất khẩu của TP HCM hoàn toàn bị dẫn dắt từ những biến động thị trường thế giới, rất khó để hoạch định và triển khai hiệu quả các chiến lược hay chương trình chuyển dịch cơ cấu hàng xuất khẩu. Bên cạnh đó, TP chưa xác định được những ngành hay cụm ngành có tiềm năng tăng trưởng xuất khẩu cao, đủ năng lực cạnh tranh; các chương trình hỗ trợ chuyển dịch cơ cấu và phát triển xuất khẩu trong những năm trước vẫn còn dàn trải, thiếu cơ sở.
Theo TS Khải, đề án "Định vị sản phẩm xuất khẩu tiêu biểu của TP HCM” mới bàn về sản phẩm hàng hóa mà chưa tính tới sản phẩm dịch vụ. Thành phố có nên sản xuất sản phẩm cụ thể hay tìm cách tạo ra giá trị gia tăng cho sản phẩm? Ông cho rằng thành phố không nên cố đi tìm xem mình sản xuất sản phẩm cụ thể nào đó mà nên xây dựng vị thế là trung tâm tạo ra chuỗi giá trị. Điều này có nghĩa nên thay đổi tư duy, không nên bàn chiến lược phát triển riêng của thành phố mà nên tính tới việc phát triển theo vùng kinh tế, trong đó có vai trò đầu tàu của thành phố. Trước đây thành phố đã nhiều lần xác định sản phẩm chiến lược, chủ lực nhưng không thành công do không tính đến sự liên kết phát triển vùng và tách rời các mục tiêu dài hạn. Đây là điều mà đề án cần tính đến.