Ngành điện tử là một trong những ngành có mức độ hội nhập toàn cầu hóa mạnh nhất và đang đặt ra nhiều thách thức về trách nhiệm xã hội trong lao động.
Để tăng tính hiệu quả, các công ty đa quốc gia thực hiện gia công ở nước ngoài và thuê gia công các khâu ít quan trọng và hình thành nên chuỗi giá trị.
Chuỗi giá trị và hệ lụy
Những chuỗi giá trị này có ý nghĩa quan trọng với cả các nước phát triển và đang phát triển vì tiềm năng tăng trưởng và tạo việc làm. Các chuỗi giá trị này được cấu thành từ các loại hình doanh nghiệp khác nhau các doanh nghiệp ở trong mối quan hệ quyền lực không cân xứng. Ở đó, các công ty điều phối hàng đầu (thông thường là từ các nước phát triển) chiếm vị trí thống trị và có quyền lực hơn những doanh nghiệp khác trong chuỗi, với vai trò tổ chức và cơ cấu các doanh nghiệp.
Sự tập trung các chức năng và quá trình kinh tế tại những địa phương nhất định thông qua sự chuyên môn hóa theo ngành dọc đã dẫn tới sự gia tăng cạnh tranh đáng kể. Trong đó, một số doanh nghiệp địa phương thích ứng thông qua các biện pháp cắt giảm chi phí làm ảnh hưởng đến điều kiện lao động. Kiểu “cuộc chạy đua xuống đáy” về lâu dài sẽ có tác hại đối với sinh kế của người lao động, năng lực hoạt động của doanh nghiệp và các mục tiêu phát triển của quốc gia, tác động tiêu cực nghiêm trọng đối với công chúng, mà rút cục có thể ảnh hưởng xấu đến uy tín doanh nghiệp của các nhà điều phối hàng đầu trong chuỗi sản xuất và làm phương hại đến năng lực hoạt động kinh doanh nói chung
Vì vậy, cần thực hành trách nhiệm xã hội trong lao động có hiệu quả nhằm: Giảm rủi ro danh tiếng, hình thành nên phương thức thực hành kinh doanh cốt lõi, có tính chất bền vững và chuyên nghiệp.
Đối thoại là chìa khóa
Thúc đẩy thực hành trách nhiệm xã hội trong kinh doanh và trong lĩnh vực lao động của ngành điện tử thông qua đẩy mạnh đối thoại trong nội bộ doanh nghiệp, giữa các doanh nghiệp với nhau theo cơ cấu ba bên mở rộng
Thực tế cho thấy đối thoại là chìa khóa thúc đấy thực hành trách nhiệm xã hội trong kinh doanh và trong lĩnh vực lao động. Theo đó, đối thoại cần được xúc tiến ở ba cấp độ bao gồm: (1) đối thoại giữa người lao động và người sử dụng lao động (nội bộ doanh nghiệp), (2) đối thoại giữa các doanh nghiệp thông qua mối quan hệ qua lại giữa các doanh nghiệp và (3) đối thoại theo cơ chế ba bên mở rộng.
Đối thoại trong nội bộ doanh nghiệp chủ yếu liên quan đến mối quan hệ giữa người sử dụng lao động và người lao động. Những đối thoại như vậy cần được thể chế hóa dưới hình thức tổ chức công đoàn của người lao động.
Đối thoại giữa các doanh nghiệp chủ yếu chú trọng thúc đẩy mối quan hệ bền chặt và lâu dài dựa trên sự tin cậy và cam kết giữa các doanh nghiệp với nhau. Điều quan trọng ở đây là khả năng cạnh tranh của doanh nghiệp trực tiếp bắt nguồn từ hiệu suất của cả chuỗi cung ứng, mà điều này chỉ có thể có được thông qua đối thoại hiệu quả giữa doanh nghiệp và nhà cung ứng của họ. Mặc dù các cam kết như vậy ban đầu rất tốn kém chi phí cho các doanh nghiệp đa quốc gia (DNĐQG), nhưng xét về dài hạn nó sẽ mang lại lợi ích cho cả DNĐQG và doanh nghiệp địa phương.
Cấp độ về đối thoại ba bên mở rộng đề cập đến sự tham gia của các nhân tố phi truyền thống bao gồm đại diện của người lao động, người sử dụng lao động và chính phủ. Cần xét đến sự tham gia của đại diện các DNĐQG khi vị thế của họ trong cơ cấu ba bên của quốc gia còn mờ nhạt.
Hài hòa mối quan tâm của các bên liên quan hướng đến thực hành trách nhiệm xã hội trong kinh doanh và trong lĩnh vực lao động là vấn đề mấu chốt, có thể đạt được bằng cách thể chế hóa và thúc đẩy việc tuân thủ quy định thông qua cam kết chung giữa các bên liên quan đạt được từ các cuộc đối thoại ở cả ba cấp độ.