Hãy đến một làng ở bên kia bãi sông của xã Phù Long, làng ấy với muôn sắc ngan ngát những hương hoa. Từ đây mỗi sáng từng gánh hoa, như thể nhuộm sắc thắm cho những con phố khi trở mình thức giấc.
>>>Nam Định: Ứng dụng khoa học công nghệ cao để phát triển nông nghiệp xanh
Trải nghiệm...
Theo chị Nguyễn Thu Thủy – Xuân Trường – Nam Định cho biết: Cuối thu thời điểm cuối tháng 10 và đầu tháng 11 tôi cùng bạn bè đến trải nghiệm tại làng hoa Phù Long đứng lặng bên bãi sông, dõi mắt về phía xa xa. Từng cơn gió bấc lồng lộng thổi, mang theo mùi cỏ tươi, mùi phù sa nồng đượm. Nắng đông vàng rực rỡ, sóng sánh như mật ong chảy tràn trên những luống cúc chi đang độ đẹp nhất. Lại thêm một mùa hoa rực rỡ. Đứng giữa bạt ngàn bông hoa Cúc Chi lại thấy quên hết mọi mệt mỏi.
Còn anh Vũ Văn Nguyện – Du khách Thái Bình cho biết: Trên chuyến đò mang hoa sang phố bán của người dân địa phương bạn có thể ngắm làng nhỏ ven sông và nghe kể chuyện của những người dân cần mẫn với những vụ hoa nối tiếp nhau, cung cấp nguồn hoa tươi cho thành phố, mới thấy cuộc sống rất thanh bình.
Theo anh Trần Thanh Bình – Công ty Travel tour Vàng: Mùa hoa cúc chi, loài hoa bé xinh kết thành từng chùm rực rỡ, tưởng như gom hết nắng của trời thu. Hoa cúc chi vàng tươi như những đóa mặt trời nho nhỏ trong giá rét ngày đầu đông se sắt. Màu vàng dịu dàng, lung linh như những đốm nắng nhảy múa, khiến lòng người chợt thấy bâng khuâng một niềm vui tinh khôi. Hương thơm của hoa cúc chi cũng rất đặc biệt, thoang thoảng giản dị nhưng đằm sâu, quyến rũ khó tả.
Theo anh Bình, thứ hương thơm êm ái, dịu nhẹ, tinh khiết như nắng mai len lỏi vào ký ức khiến người ta phải bay bổng, yêu thương êm đềm, cộng với vẻ đẹp chịu thương chịu khó của người con gái làng hoa với vầng trán lấm tấm mồ hôi, khuôn mặt ửng hồng dưới vành nón trắng và đôi quang gánh đầy ắp những bó cúc đủ màu còn mướt sương đêm.
Nhắc đến những địa danh trồng hoa nổi tiếng của vùng đồng bằng Bắc Bộ, không thể không nhắc đến làng hoa Phù Long, xã Nam Phong (thành phố Nam Định). Không chỉ là vùng trồng hoa nổi tiếng, đây còn là điểm đến quen thuộc của những du khách yêu thích thiên nhiên, yêu thích hoa, cây cảnh...
Làng hoa bốn mùa
Theo sử sách cũ, làng hoa được hình thành nhằm phục vụ hành cung Thiên Trường nên rất nhiều nghệ nhân của nghề hoa, cây cảnh tập trung về đây để có được những bông hoa đẹp nhất, cây cảnh đặc sắc nhất tiến cung. Rồi thú chơi hoa cũng được “xã hội hóa” trở thành một nét văn hóa đặc trưng của người dân Thành Nam với một số loài hoa trở thành thương hiệu như loài cúc long tu (những cánh hoa như râu rồng)…
Trước đây, làng Phù Long chỉ trồng hoa theo mùa, số lượng ít nên chỉ có những ngày chợ phiên, ngày tuần hoặc vào những dịp lễ, Tết. Khoảng hai chục năm gần đây, thực hiện chủ trương chuyển đổi sản xuất, khai thác thế mạnh thổ nhưỡng của địa phương chuyển đổi cơ cấu cây trồng, người dân năng động nắm bắt nhu cầu thị trường để làm giàu, diện tích trồng hoa ở Phù Long không ngừng được mở rộng, mùa nào hoa ấy, nhưng nhiều nhất vẫn là hoa cúc.
Khoảng chục năm trở lại đây, người làng hoa chuyển sang tập trung trồng hoa cúc, hoa hồng và huệ tây. Vài năm nay, một số hộ đã đầu tư vốn lớn để trồng các loại hoa giá trị cao như lay-ơn, ly. Mỗi loại được trồng theo vùng: hoa cúc ở các xóm Mỹ Lợi 1 và 2; còn các xóm Mỹ Tiến 1 và 2 thì lại trồng nhiều hoa hồng; xóm Nhất Thanh sát sông Đào thì trồng đa dạng huệ, cúc, hồng, ly, lay-ơn... Hoa Phù Long nở bốn mùa, trở thành sản phẩm hàng hóa phổ biến, không chỉ đáp ứng nhu cầu người chơi trong tỉnh mà còn được cung ứng đi Hà Nội, Ninh Bình, Thanh Hóa…
Ngày nay, ngoài trồng hoa ở Phù Long còn có rất nhiều du khách đến đây trải nghiệm mua hoa, ngắm hoa. Những du khách này đã góp phần nâng cao thu nhập cho người dân địa phương, nhiều hộ đã vươn lên làm giàu ngay trên chính mảnh đất quê hương. Theo chị Trần Lan Anh – Tiền Hải – Thái Bình: Đến làng Phù Long vào những ngày mùa thu, cả làng hoa như tấm thảm gấm trải ra trong nắng ban mai trong vắt.
Chị Lan Anh cho biết thêm: Đến đây trải nghiệm, tôi được tận mắt trải nghiệm những tỉ mẩn nhặt từng ngọn cỏ, hái từng lá sâu, tưới cây, tỉa cành... rồi cùng trải nghiệm mang hoa sang sông bằng đò ngang.
Theo người dân bản địa cho biết, trước đây có nhiều chuyến đò chở hoa sang sông mỗi sáng. Giờ phương tiện vận chuyển hoa sẵn hơn, nên những chuyến đò hoa thưa thớt dần, ngày còn có một chuyến.
Theo lãnh đạo xã Phù Long: Toàn xã có gần 100 mẫu, trong đó xóm Phù Long 1 trên 60 mẫu và Phù Long 2 khoảng 15-20 mẫu. Loài hoa được trồng chủ yếu ở Phù Long là cúc với nhiều loại khác nhau như cúc vàng, cúc trắng, cúc xinh (màu xanh, đỏ, vàng, tím), cúc đỏ (trắng tuyết, chi xanh, đỏ cờ, chi đỏ, tím thạch bích); ngoài ra còn có các loại hồng vàng, đỏ, thạch thảo… xen kẽ. Một số loại hoa như ly, đồng tiền, tuylip, huệ, kèn… cũng được một số gia đình trong thôn trồng với vốn đầu tư lớn và công chăm sóc đặc biệt hơn. Nghề trồng hoa đòi hỏi khá nhiều công phu, từ công đoạn làm đất trồng hoa, chăm bón đến bắc giàn, vẽ nụ.
Ngoài các loại hoa quen thuộc, dễ chăm sóc, làng Phù Long còn có vườn đầu tư nhà công nghệ để trồng những loại hoa khó chăm sóc nhưng giá trị cao hơn như hoa lan hồ điệp, hoa ly... Cần mẫn trên từng luống hoa, mỗi mùa hoa cứ thế nối tiếp nhau.
Trong một tương lai gần làng hoa Phù Long sẽ được nhiều du khách biết đến, để người dân nơi đây sẽ đặt vào đó biết bao nhiêu ước vọng, niềm tin, họ bỏ vào đó công sức để làm đẹp cho đời.
Có thể bạn quan tâm