Đó là chia sẻ của ông Phạm Gia Túc – Bí thư tỉnh Nam Định tại buổi làm việc với Tập đoàn Phát triển Năng lượng Gulf (Thái Lan) để tìm hiểu cơ hội đầu tư tại Nam Định.
>>>Nam Định: Thúc đẩy hợp tác với Singapore
Tập đoàn Phát triển Năng lượng Gulf (Thái Lan) vừa có buổi làm việc với tỉnh Nam Định để tìm hiểu cơ hội đầu tư Trung tâm điện khí LNG và Kho cảng LNG đầu mối khu vực phía Bắc. Tại buổi làm việc, ông Panawit Sidejchayabhon - Tổng Giám đốc Gulf Việt Nam giới thiệu khái quát về quy mô, tiềm lực của Tập đoàn.
Ông Panawit Sidejchayabhon và khẳng định, Tập đoàn có nhu cầu đầu tư Trung tâm điện khí LNG công suất 1.500-3.000MW và Kho cảng LNG đầu mối khu vực phía Bắc tiếp nhận tàu 200 nghìn m3 tại Nam Định. Tập đoàn Gulf cũng đã tìm hiểu, tiếp cận và đi đến sơ bộ thống nhất việc thoả thuận với Tập đoàn Taekwang (Hàn Quốc) (đơn vị chủ đầu tư dự án Nhà máy Nhiệt điện Nam Định 1) về việc hai Tập đoàn cùng hợp tác hoặc Tập đoàn Taekwang chuyển đổi cho Tập đoàn Gulf đầu tư dự án Nhiệt điện Nam Định 1 theo hướng chuyển đổi từ nhiệt điện than sang nhiệt điện khí LNG.
Tập đoàn Gulf đề xuất tỉnh Nam Định chủ trì một cuộc họp để Tập đoàn Gulf và Tập đoàn Taekwang báo cáo sâu hơn về việc chuyển đổi giữa hai nhà đầu tư. Quỹ đất để đầu tư một dự án điện khí LNG chỉ cần khoảng 100ha, trong khi diện tích tỉnh quy hoạch cho đầu tư Nhà máy Nhiệt điện Nam Định 1 là gần 300ha. Vì vậy tại quỹ đất còn lại, Tập đoàn Gulf đề xuất tỉnh tạo điều kiện để Tập đoàn tiếp tục khảo sát, đầu tư thêm một dự án điện khí LNG số 2, thiết lập 1 Trung tâm năng lượng điện khí LNG.
Đồng thời đầu tư 1 kho cảng LNG đầu mối khu vực phía Bắc với mục đích hỗ trợ các dịch vụ tiện ích phục vụ hoạt động của Trung tâm năng lượng điện khí LNG và cung ứng thêm các dịch vụ logistic về điện khí cho các doanh nghiệp cùng ngành tại các địa phương trong khu vực miền Bắc.
Đến hết tháng 8/2023, tỉnh Nam Định đã cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư mới và điều chỉnh tăng vốn cho 24 dự án (bao gồm 18 dự án đầu tư trong nước và 6 dự án FDI) với tổng số vốn đăng ký khoảng 1.270 tỷ đồng và 141,3 triệu USD. Đặc biệt, Nam Định đã đón làn sóng đầu tư lớn từ các tập đoàn nước ngoài như: Tập đoàn Quanta Computer Inc; Tập đoàn JiaWei; Tập đoàn Sunrise Material"
Ông Somsak Chutanan - Cố vấn cấp cao của Tập đoàn Gulf đánh giá Nam Định là địa điểm phù hợp cho nhu cầu đầu tư các dự án năng lượng điện do: Nam Định gần các trung tâm phụ tải điện của miền Bắc (Hà Nội, Hải Phòng, Bắc Ninh); gần các trung tâm công nghiệp có nhu cầu lớn đối với gas như Hà Nội, Hải Phòng, Bắc Ninh và thuận tiện trong chia sẻ, cung ứng LNG đến các khu vực LNG Thái Bình, Nghi Sơn, Quỳnh Lập.
Bên cạnh đó, miền Bắc Việt Nam hiện đang thiếu điện vào mùa cao điểm và dự báo vẫn tiếp tục thiếu điện, do đó việc Tập đoàn Gulf đề xuất chủ trương đầu tư là đúng trúng nhu cầu. Tổng Giám đốc Gulf Việt Nam và đại diện các đơn vị thành viên của Tập đoàn Gulf cũng mong muốn tỉnh hỗ trợ trong tìm hiểu cơ hội đầu tư; tạo điều kiện thuận lợi nếu Tập đoàn quyết định đầu tư dự án tại Nam Định.
Sau khi nghe Tập đoàn Phát triển Năng lượng Gulf (Thái Lan) giới thiệu về tiềm năng quy mô dự án, ông Phạm Đình Nghị - Chủ tịch UBND tỉnh cũng giới thiệu về tiềm năng, lợi thế của Nam Định.
Theo ông nghị Nam Định là tỉnh trung tâm phía Nam đồng bằng sông Hồng, Nam Định rất thuận lợi trong kết nối đến các trung tâm kinh tế lớn. Tỉnh đã và đang ngày càng hoàn thiện cơ sở hạ tầng phục vụ phát triển kinh tế, hạ tầng giao thông.
Đặc biệt các dự án giao thông kết nối liên vùng dự kiến sẽ hoàn thiện đầu tư trong vòng 3 năm tới sẽ góp phần giúp Nam Đinh ngày càng rút ngắn khoảng cách đến các sân bay Hà Nội, cảng biển Hải Phòng. Nam Định cũng có nhiều nhân lực trong độ tuổi lao động, chất lượng cao do luôn giữ vị trí đầu trên toàn quốc về giáo dục đào tạo. Nam Định có 72km bờ biển, nhiều tiềm năng về nắng, gió, thuận lợi cho phát triển năng lượng.
Tỉnh cũng đẩy mạnh cải cách hành chính, nâng cao năng lực hỗ trợ nhà đầu tư. Hiện tỉnh đã và đang ngày càng có nhiều doanh nghiệp quy mô toàn cầu đầu tư các dự án lớn, công nghệ cao, gia tăng nhanh nhu cầu sử dụng điện trên địa bàn.
Ông Nghị cũng khẳng định, khi triển khai dự án Nhiệt điện Nam Định 1, tỉnh đã quy hoạch quỹ đất gần 300ha thuộc đất phát triển dự án năng lượng bao gồm các mục đích sử dụng đầu tư nhà máy nhiệt điện, bến cảng, kho bãi. Do đó công năng sử dụng rất phù hợp với nhu cầu đầu tư thêm các dự án của Tập đoàn. Tỉnh giao Sở Kế hoạch và Đầu tư làm đầu mối hỗ trợ Tập đoàn trong mọi phần việc liên quan; trước mắt Tập đoàn cần sớm thực hiện thành công việc thoả thuận phương thức hợp tác đầu tư hoặc chuyển đổi chủ đầu tư dự án Nhiệt điện Nam Định 1 với Tập đoàn Taekwang; từ đó có căn cứ để tỉnh hỗ trợ Tập đoàn phù hợp, hiệu quả.
Theo ông Phạm Gia Túc – Bí thư tỉnh Nam Định: Việc hợp tác hoặc chuyển đổi chủ đầu tư dự án Nhiệt điện Nam Định 1 từ nhiệt điện than sang nhiệt điện khí của Tập đoàn chắc chắn sẽ thành công do việc chuyển đổi đã được tỉnh và Tập đoàn Taekwang đề xuất với các bộ, ngành Trung ương, Thủ tướng Chính phủ. Đây cũng là phương án phù hợp với chủ trương chuyển đổi, phát triển theo Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 (Quy hoạch điện VIII).
Đồng thời ông Túc cũng khẳng định phát triển năng lượng tái tạo, khí hóa lỏng cũng là một trong những lĩnh vực tỉnh Nam Định ưu tiên thu hút đầu tư. Tỉnh đang đề xuất bổ sung cảng khí hoá lỏng; khẩn trương hoàn tất Quy hoạch kinh tế - xã hội tỉnh giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn 2050, từ đó sẽ sớm công khai và làm căn cứ đẩy mạnh thu hút đầu tư các dự án, trong đó có các dự án năng lượng tái tạo, khí hoá lỏng.
Vì vậy, Nam Định hiểu rõ về đầu tư nhà máy nhiệt điện, khí hoá lỏng cũng như chủ động được các phần việc, phương án hỗ trợ Tập đoàn thuận lợi nhất trong triển khai đầu tư, vận hành sản xuất, kinh doanh. Ông Túc cam kết, Nam Định sẽ tạo mọi điều kiện hỗ trợ để Tập đoàn cũng như tất cả các doanh nghiệp trong và ngoài nước thuận lợi tối đa theo khuôn khổ pháp luật, trong tất cả các khâu từ xúc tiến, thực hiện thủ tục, đầu tư dự án cho đến vận hành, phát triển sản xuất, kinh doanh.
Có thể bạn quan tâm