(DDDN) - Dữ liệu của MBS cho thấy các doanh nghiệp bất động sản đã huy động khoảng 32.600 tỷ đồng thông qua trái phiếu doanh nghiệp trong 7 tháng qua, lãi suất bình quân lên tới 12%/ năm.
Theo dữ liệu của Hiệp hội trái phiếu Việt Nam (VMBA), tháng 7 vừa qua có 21 đợt phát hành trái phiếu doanh nghiệp, với tổng giá trị 13.612 tỷ đồng. Bất động sản vẫn là "á quân" của cuộc đua trái phiếu, chiếm 22,3% tổng khối lượng phát hành.
Trong khi đó, theo ghi nhận của MSB, lãi suất trái phiếu nhóm ngành này bình quân lên tới 12%/năm, kỳ hạn cũng ngắn hơn, chỉ khoảng 2,7 năm.
Như vậy, lãi suất trái phiếu bất động sản đã cao hơn gấp đôi trái phiếu của các ngân hàng, và cũng cao gấp đôi so với lãi suất ngân hàng cùng kỳ hạn.
Ghi nhận từ Sở giao dịch chứng khoán Hà Nội, trong nửa đầu năm, một đơn vị là Công ty TNHH Khu đô thị mới Trung Minh đã phát hành thành công 3 lô trái phiếu với lãi suất 12,5%, tổng giá trị 1.800 tỷ đồng, kỳ hạn 60 tháng.
Trước đó, hồi tháng 6, CTCP tập đoàn Khải Hoàn Land cũng đã phát hành mã trái phiếu KHGH2429001 với tổng giá trị huy động 250 tỉ đồng. Lãi suất cố định 12,5%/năm cho kỳ tính lãi đầu tiên, các kỳ tính lãi còn lại sẽ tính lãi suất bằng lãi suất tiền gửi tiết kiệm dành cho khách hàng cá nhân kỳ hạn 13 tháng lĩnh lãi cuối kỳ của HDBank cộng biên độ 4,5%/năm.
Tuy nhiên, theo MSB, các doanh nghiệp bất động sản vẫn đang tiếp tục gặp khó khăn về nguồn vốn khi thị trường vẫn chưa “rã băng” và áp lực đáo hạn dồn dập.
Báo cáo của MBS cho thấy, tỷ lệ chậm trả trái phiếu tiếp tục tăng nhanh, khi nhiều doanh nghiệp đối mặt với gánh nặng đáo hạn lớn. Tháng 7 ghi nhận thêm 3 doanh nghiệp công bố chậm thanh toán tiền gốc, nâng tổng số chậm trả lên tới 116 doanh nghiệp.
Theo tính toán của MSB, tổng giá trị trái phiếu doanh nghiệp chậm trả các nghĩa vụ thanh toán ước vào khoảng gần 210.000 tỷ đồng, chiếm 21% dư nợ toàn thị trường, trong đó nhóm bất động sản tiếp tục chiếm tỷ trọng lớn nhất, khoảng 68%.
Những tháng còn lại của năm nay, tổng giá trị trái phiếu sẽ đến hạn là gần 131.000 tỷ đồng, hơn 41% số này thuộc nhóm bất động sản.
Tuy nhiên, theo Luật Nhà ở 2023 có hiệu lực từ 1/8, việc huy động vốn thông qua phát hành trái phiếu để thực hiện dự án đầu tư xây dựng nhà ở phải đáp ứng các điều kiện:
Thứ nhất, chủ đầu tư dự án cần huy động vốn phải đáp ứng điều kiện phát hành trái phiếu và tuân thủ trình tự, thủ tục phát hành trái phiếu theo quy định của pháp luật về chứng khoán, pháp luật về doanh nghiệp; trường hợp huy động vốn từ nhà đầu tư nước ngoài còn phải đáp ứng quy định nhà đầu tư nước ngoài góp vốn, mua cổ phần, phần vốn góp của tổ chức kinh tế theo quy định của pháp luật về đầu tư.
Thứ hai, đã lựa chọn được chủ đầu tư dự án xây dựng nhà ở theo quy định của pháp luật về nhà ở.
Thứ ba, trường hợp chủ đầu tư đã thế chấp một phần hoặc toàn bộ dự án hoặc đã thế chấp nhà ở trong dự án và đã đăng ký thế chấp theo quy định mà phát hành trái phiếu để huy động vốn cho việc đầu tư xây dựng phần dự án hoặc nhà ở đã thế chấp thì phải thực hiện thủ tục xóa đăng ký thế chấp hoặc rút bớt tài sản thế chấp theo quy định của pháp luật về đăng ký biện pháp bảo đảm trước khi phát hành trái phiếu quy định tại khoản này.
Theo bà Nguyễn Thị Thanh Tú - Chuyên gia phân tích SSI Research, quy định mới kỳ vọng sẽ góp phần nâng cao tiêu chuẩn của thị trường trái phiếu bất động sản, đưa thị trường phát triển minh bạch hơn.
Còn theo ông Nguyễn Quốc Hiệp - Chủ tịch Hiệp hội Nhà thầu xây dựng Việt Nam (VACC), thời gian tới, việc các doanh nghiệp "quá đà" trong việc phát hành trái phiếu để "ôm dự án" sẽ được siết chặt hơn.