Đang hiển thị
Tỉnh thành khác
Trong tháng 1/2024, chỉ có 4 công ty phát hành trái phiếu doanh nghiệp (TPDN) - con số khiêm tốn nhưng sôi động hơn so với cùng kỳ năm 2023, và dù vậy vẫn còn khoảng cách với thời "bùng nổ" phát hành.
>>>4 lý do cho kỳ vọng thị trường trái phiếu doanh nghiệp sôi động năm 2024
Tổng giá trị 4 giao dịch phát hành từ 4 doanh nghiệp trị giá đạt 6,45 nghìn tỷ, bao gồm:
Công ty cổ phần Đầu tư Hạ tầng Kỹ thuật Thành phố Hồ Chí Minh (CII) phát hành 2,8 nghìn tỷ đồng trái phiếu chuyển đổi, có kỳ hạn 10 năm với lãi suất 10%/năm cho 4 quý đầu tiên và sau đó thả nổi với mức lãi bù 2,5% cao hơn lãi suất tham chiếu và trái chủ có quyền chuyển đổi sang cổ phiếu với mức giá 10 nghìn/cổ phiếu.
Tập đoàn Vingroup (VIC) phát hành thành công 2 nghìn tỷ đồng trái phiếu ra công chúng với kỳ hạn 3 năm và lãi suất cố định 15%/năm cho năm đầu tiên và sau đó thả nổi với mức bù 4,5% cao hơn lãi suất tham chiếu.
Công ty Cổ phần Đầu tư và Phát triển Vận tải, một doanh nghiệp chưa đại chúng, phát hành thành công 450 tỷ đồng trái phiếu riêng lẻ với kỳ hạn 3 năm và lãi suất 6,5%/năm.
Công ty TNHH MTV BOT Ninh Thuận phát hành 1,2 nghìn tỷ đồng trái phiếu riêng lẻ kỳ hạn 9,75 năm và lãi suất 10,5%/năm. Trong đó, nổi bật có trái phiếu của CII với đặc điểm có tính chuyển đổi thành cổ phiếu đã thu hút sự tham gia của hơn 4 nghìn nhà đầu tư cá nhân trong nước, chiếm 80,14% tổng số lượng chào bán.
Dữ liệu của FiinRatings ghi nhận mặc dù giá trị phát hành trong tháng 1/2024 khá khiêm tốn, nhưng nếu so với cùng kỳ năm 2023, tổng giá trị phát hành cũng chỉ ở mức 490 tỷ đồng. Nhìn xa hơn về những giai đoạn năm 2021 và 2022, thì tổng giá trị chào bán thành công trong tháng 1/2024 này còn quá khiêm tốn, khi đó đang ở trong giai đoạn rất sôi động với tổng giá trị phát hành ở mức tương ứng là 10,4 nghìn tỷ đồng (2021) và 19,7 nghìn tỷ đồng (2022).
>>>Sửa đổi Thông tư 16/2021: Nhiều tác động với thị trường trái phiếu doanh nghiệp
Trên thị trường thứ cấp tại HNX, trong tháng 1/2024, tổng giá trị giao dịch trái phiếu riêng lẻ đạt tổng giá trị giao dịch 74,5 nghìn tỷ đồng (giảm 24,5% so với mức bình quân tháng 12-2023), tức thanh khoản hàng ngày đạt 3,4 nghìn tỷ đồng/phiên (giảm 31% so với bình quân tháng 12/2023).
Trong khi đó trái phiếu ra công chúng đạt tổng giá trị giao dịch 9 nghìn tỷ đồng trong tháng 1/2024 và thanh khoản bình quân ngày đạt 391 tỷ đồng và là mức khá ổn định trong thời gian nhiều năm qua. Trái phiếu ngân hàng vẫn là nhóm được giao dịch sôi động nhất và cả các kỳ hạn ngắn cũng như dài hạn, thậm chí trên 7 năm, báo cáo mới của FiinRatings ghi nhận.
Trong thời gian tới, theo thông tin thông tin hiện hành, một số doanh nghiệp có kế hoạch phát hành trái phiếu bao gồm chủ yếu là các ngân hàng như HBBank, VietBank và hai doanh nghiệp trong ngành bất động sản bao gồm Vingroup và Tổng công ty Đầu tư và Phát triển (DIG).
Hiện hữu rủi ro với áp lực trái phiếu đáo hạn
Khối Phân tích và Nghiên cứu Tín dụng của FiinRatings nhận định, rủi ro đến từ những vấn đề đã phát sinh trong các năm qua vẫn còn hiện hữu và cụ thể là áp lực đáo hạn trái phiếu doanh nghiệp trong năm 2024 này.
Tính đến 2 tháng 2 năm 2024, trong tổng số 1,24 triệu tỷ đồng TPDN đang lưu hành, hiện có khoảng 1,1 triệu tỷ đồng là trái phiếu riêng lẻ. Trong đó, nếu loại bỏ 384,5 nghìn tỷ trái phiếu ngân hàng, thì số dư trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ đang lưu hành là 722,78 nghìn tỷ phát hành bởi các tổ chức phi ngân hàng.
Trong số này, nhóm chuyên gia phân tích lưu ý đến rủi ro đến từ: (i) trái phiếu bất động sản có số dư ở mức 382,0 nghìn tỷ; (ii) trái phiếu ngành xây dựng và vật liệu ở mức 72,5 nghìn tỷ và (iii) trái phiếu ngành du lịch & giải trí ở mức 75,8 nghìn tỷ.
"Đây là những ngành theo chúng tôi vẫn còn gặp nhiều khó khăn và quan trọng hơn là chất lượng các tổ chức phát hành đã huy động trong các năm trước về cơ bản ở mức thấp và có nhiều công ty dự án với tiềm lực tài chính còn mỏng hoặc mới đi vào hoạt động", các chuyên gia nhận định.
Cũng theo thống kê, tổng giá trị trái phiếu riêng lẻ đến hạn (sau khi đã thực hiện giãn hoặc tái cơ cấu, bao gồm cả theo Nghị định 08) ở cho cả 3 nhóm ngành trên hiện mức 186,6 nghìn tỷ đồng năm 2024 (trong đó bất động sản 135,9 ngàn tỷ, xây dựng và vật liệu 27,3 nghìn tỷ và du lịch & giải trí 24,3 nghìn tỷ) và trong năm 2025 là 159 nghìn tỷ.
Trong một báo cáo cập nhật về thị trường vốn nợ của Việt Nam, phát hành ngày 7/2, nhóm chuyên gia FiinRatings cũng khẳng định chính vì vậy, nói riêng với khối doanh nghiệp bất động sản, áp lực thanh toán được dự kiến khó được giải tỏa khi thị trường chưa phục hồi hoàn toàn, vướng mắc pháp lý vẫn tiếp diễn vì độ trễ chính sách, và các doanh nghiệp cần thời gian để cân đối lại dòng tiền hoạt động. Rủi ro chậm trả của thị trường cũng sẽ gia tăng do một số điều khoản gia hạn trong Nghị định 08 đã hết hiệu lực lẫn áp lực từ các đợt phát hành TPDN có cam kết mua lại trong năm 2024.
Có thể bạn quan tâm
Kỳ vọng thị trường trái phiếu doanh nghiệp lấy lại đà tăng trưởng
05:06, 01/01/2024
Sửa đổi Thông tư 16/2021: Nhiều tác động với thị trường trái phiếu doanh nghiệp
12:00, 31/12/2023
Cân nhắc lộ trình thích hợp xếp hạng tín nhiệm doanh nghiệp phát hành trái phiếu
03:30, 29/12/2023
Có cần thiết “siết” ngay thị trường trái phiếu doanh nghiệp?
03:33, 27/12/2023
"