Những góc khuất trong ngành giáo dục thời nào cũng có, nhưng bây giờ là lúc đạo đức nhà giáo là chuyện được quan tâm thì đâu đó còn có nhiều điều đáng quan ngại.
Facebook của tôi có kết bạn với một người khá nổi tiếng, anh là lãnh đạo một cơ quan truyền thông lớn nghỉ ngang giữa chừng. Tôi còn quá nhỏ bé để anh phải biết đến nhưng tôi biết anh khá nhiều…qua Facebook.
Mạng xã hội có hàng triệu người nổi tiếng để tìm đến và theo dõi họ hoặc kết bạn, nhưng tôi ấn tượng vì anh là chủ nhân của chương trình từ thiện mang tên “cơm có thịt” cho trẻ em vùng cao. Nói đến đây chắc nhiều người biết anh là ai.
Tôi nhớ đến “cơm có thịt” là bởi sáng nay vừa đọc báo thấy một trường mầm non ở miền Tây Nam Bộ, có dấu hiệu chia chác tiền ăn của các cháu mẫu giáo, như mô tả của một phụ huynh “mấy ngày liền tôi đưa con đi học muộn đều thấy các cháu chỉ ăn sáng với mì và nước súp, rất ít thịt và rau củ” [VnExpress. Thứ năm, 5/7/2018, 13:23 (GTM+ 7)]
Và kết quả thật là buồn, nhà trường đã tự thỏa thuận với phụ huynh thu thêm tiền mà không báo cáo cấp trên, bức xúc hơn tiền thu được đem chia cho giáo viên, cán bộ trong trường. Trong số đó, người có lương tâm đã làm đơn phản ánh.
Họ bất chấp những đứa trẻ ăn gì, đủ no hay không. Xin được hỏi, đó có phải là lối suy nghĩ của những người được thiên hạ tôn trọng xưng bằng thầy, bằng cô hay không?
Thực tế một chút, 27 ngàn đồng/ngày không thể đòi hỏi gì nhiều trong thời buổi vật gia leo thang, vì thế mà thay bữa sáng bằng mì tôm quả thật xót lòng. Nhưng mà, khoản tiền họ chia nhau từ đâu mà có? Như báo chí phản ánh đã có người vì đạo đức mà làm đơn phản ánh tức là có chuyện chẳng ngay.
Có thể bạn quan tâm
|
Người Việt tiêu thụ mỗi năm tới 5 tỷ gói mì ăn liền, nhiều thứ 4 thế giới. Mì gói là “phao cứu sinh” cho tầng lớp thu nhập thấp ở nông thôn, vùng núi. Nhưng xét trong bối cảnh giáo dục là quốc sách, trẻ em là đối tượng cần quan tâm nhất, đứng cạnh bên những đề án giáo dục mấy ngàn tỷ thì bát mì điểm tâm của học sinh mẫu giáo có lay động đến những người có trách nhiệm?
Chuyện lạm thu trong trường học không phải là điều gì đó gây bất ngờ, bởi nó quá phổ biến, đủ các khoản trời ơi đất hỡi không thể nào liệt kê ra hết. Nhà trường biến thành nỗi sợ hãi cho gia đình nghèo đầu năm học, không ít cuộc họp phụ huynh trở thành diễn đàn tiền bạc.
Giới trẻ, trong đó đương nhiên có cả những em nhỏ mẫu giáo đang gặp phải nhiều tai ương từ người lớn, từ đe dọa sự an toàn thân thể bằng đòn roi, đến cả thứ vô hình như chương trình “thí điểm” biến học trò thành “chuột bạch” như trong phòng thí nghiệm mà chẳng mấy ai giật mình hoảng sợ.
Có những người chỉ vì lương tâm không quản ngại núi cao rừng sâu mang đến cho trẻ em những chiếc áo ấm cũ, nỗ lực để chén cơm của các cháu có thêm miếng thịt. Cũng có những người vì lương tâm cằn cỗi mà toan tính đến cả miếng ăn của học sinh.
Vì nghèo vật chất hay nghèo lương tâm?
Lần mò trên từng trang báo tôi còn thấy những vụ còn kinh thiên động địa hơn, không phải ấu dâm, bạo hành mà chính là vì đồng tiền, từ kế toán đến hiệu trưởng phải hầu tòa.
Mất niềm tin vào một vài giáo viên lắm lúc chỉ mang tính cá nhân nhưng mất niềm tin vào nhà trường còn nguy hiểm gấp nhiều lần. Đó là sự thất bại cay đắng của giáo dục nhân cách, đạo đức người làm nghề.
Ở những nơi như trường mầm non các em còn quá nhỏ để nhận biết được mưu sâu kế hiểm của người lớn, nhìn vào những ánh mắt ngây thơ trong sáng ai đó có thấy ám ảnh day dứt vì hành động của mình?