Chỉ tiêu vi sinh như e.coli, coliform, tổng vi khuẩn hiếu khí... được chuyên gia đánh giá là chỉ tiêu bắt buộc, phản ánh toàn diện về chất lượng thực phẩm lại không được tiến hành kiểm nghiệm.
Ngày 19/3, sau khi kết quả kiểm nghiệm mẫu thịt gà và xương gà được công bố, phụ huynh Trường Thanh Khương rất bức xúc. Theo đó, kết quả công bố từ Ban Quản lý an toàn thực phẩm (ATTP) Bắc Ninh về kiểm nghiệm mẫu thịt gà tại Trường mầm non Thanh Khương (huyện Thuận Thành, Bắc Ninh) cho thấy, mẫu thực phẩm đạt các chỉ tiêu về an toàn thực phẩm.
Việc thực hiện lấy mẫu và bảo quản, vận chuyển do cán bộ lấy mẫu có chứng chỉ đào tạo lấy mẫu thực phẩm thực hiện theo đúng quy định.
Mẫu thực phẩm được kiểm nghiệm tại Viện Kiểm nghiệm an toàn vệ sinh thực phẩm quốc gia - đơn vị kiểm nghiệm có đủ năng lực kiểm nghiệm theo quy định để thực hiện phân tích, đánh giá các chỉ tiêu an toàn thực phẩm.
Kết quả kiểm nghiệm mẫu thịt gà và xương gà tại Trường mầm non Thanh Khương của Viện Kiểm nghiệm an toàn vệ sinh thực phẩm cho thấy 2 mẫu thực phẩm (xương gà và thịt gà thái miếng) đạt các chỉ tiêu về an toàn thực phẩm.
Tuy nhiên, trao đổi với Tuổi Trẻ Online, một chuyên gia về thực phẩm chia sẻ bản kết quả kiểm nghiệm mẫu thịt gà và xương gà lấy tại Trường mầm non Thanh Khương (huyện Thuận Thành, Bắc Ninh) chưa đủ đánh giá sản phẩm an toàn do chưa được kiểm tra về các chỉ tiêu vi sinh.
Theo chuyên gia này, đơn vị kiểm nghiệm được gửi mẫu là Viện Kiểm nghiệm an toàn thực phẩm quốc gia đã kiểm tra các chỉ tiêu về hàm lượng protein, lipit, kim loại nặng (chì, cadimi), dư lượng kháng sinh.
Tuy nhiên, với sản phẩm thịt gà bị đánh giá về cảm quan là mủn, không tươi thì cần kiểm nghiệm các chỉ tiêu vi sinh như e.coli, coliform, tổng vi khuẩn hiếu khí... mới có thể đánh giá toàn diện về chất lượng. Nhưng vì lý do gì chưa rõ, đơn vị gửi mẫu đã không đề nghị đánh giá các chỉ tiêu này.
Có cùng quan điểm, một chuyên gia độc lập khác chia sẻ trong trường hợp tương tự, chỉ tiêu về vi sinh là chỉ tiêu bắt buộc phải kiểm tra. Tuy nhiên, không biết vì lý do gì Ban quản lý an toàn thực phẩm tỉnh Bắc Ninh lại không gửi đánh giá các chỉ tiêu này.
Có thể bạn quan tâm
17:25, 19/03/2019
16:24, 19/03/2019
15:30, 19/03/2019
10:44, 19/03/2019
05:00, 19/03/2019
Điều đáng nói, đây chỉ là mẫu thịt gà và xương gà còn lại của ngày 5/3. Trong khi đó, mẫu thịt lợn ngày 14 và 20/2 được phụ huynh ghi lại và chia sẻ trên mạng xã hội có dấu hiệu nhiễm sán gạo lại không được lưu giữ?
Trả lời về vấn đề này, Cục trưởng An toàn vệ sinh thực phẩm Nguyễn Thanh Phong khẳng định, quy định là phải lưu mẫu, việc không lưu là vi phạm pháp luật. Các cơ sở vi phạm về quy định lấy mẫu, người chế biến thực phẩm, nguồn gốc thực phẩm, vệ sinh trang thiết bị... đều vi phạm. "Nhưng nếu mẫu chín thì đừng đi xét nghiệm sán. Phải xét nghiệm những yếu tố mà nhiệt không làm thay đổi được", ông Phong nói.