Cần cụ thể hoá hoạt động trong việc phân chia 26.000 tỷ như thế nào, để từ đó, có cái nhìn tổng quan về sự phân bổ ngân sách và doanh nghiệp tự ước lượng được khả năng tiếp cận của mình.
Tới đây, Việt Nam dự kiến sẽ tung ra gói hỗ trợ trị giá 26 nghìn tỷ đồng, tương đương 1,1 tỷ USD hỗ trợ người lao động và doanh nghiệp gặp khó khăn trước làn sóng COVID-19 mới bùng phát. Tuy nhiên, để triển khai gói hỗ trợ sao cho hiệu quả và thiết thực lại là vấn đề cần bàn. Diễn đàn Doanh nghiệp đã có cuộc phỏng vấn TS. Mạc Quốc Anh, Tổng thư ký Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa TP. Hà Nội xoay quanh chủ đề này.
- Xin ông cho biết, thực tế khó khăn mà các doanh nghiệp đang gặp phải hiện nay như thế nào?
Dịch COVID-19 diễn ra với bốn giai đoạn bùng phát mạnh mẽ, khiến các doanh nghiệp cũng bị ảnh hưởng nặng nề. Trong đó, ảnh hưởng trực tiếp là các doanh nghiệp liên quan đến các ngành dịch vụ, vận tải, hàng không, nhà hàng khách sạn, du lịch,... Kéo theo đó là sự ảnh hưởng gián tiếp của những ngành phụ trợ như trong ngành khách sạn, những đơn vị về giặt là, cung cấp hoá mỹ phẩm, phục vụ ăn uống cũng chịu tác động giống như một hiệu ứng dây chuyền.
Đặc biệt, sức mua trên thị trường hiện nay đã giảm tối đa, thậm chí có những dòng sản phẩm mà người dân không còn mua nữa, có những sản phẩm giảm sâu như may mặc, da giày,... Ngược lại, có một số ngành tăng trưởng mạnh như công nghệ và điện tử, do đáp ứng các nhu cầu tại nhà tăng cao.
Bên cạnh đó, dịch bệnh xảy ra làm tăng giá các nguyên liệu do chuỗi cung ứng trên toàn cầu bị đứt gãy, đơn cử như tăng giá về cước vận tải, vận chuyển khiến cho các yếu tố đầu vào gặp khó khăn. Có thể thấy, các yếu tố khách quan và nội tại đã tác động kép đến hoạt động sản xuất kinh doanh của nhiều doanh nghiệp.
Trong khi đó, ở các tỉnh thành nhiều địa phương áp dụng các Chỉ thị về chống dịch chưa đồng bộ, có những nơi không khách quan và gây cản trở giao thương giữa tỉnh nọ với tính kia. Điều này ảnh hưởng đến vận chuyển hàng hóa, ách tắc lưu thông, không chuyển kịp thời đến nơi phân phối, bị lưu kho, quá hạn sử dụng dẫn đến sản phẩm kém chất lượng, kéo theo giá thành của các doanh nghiệp giảm mạnh.
Trong Hiệp hội chúng tôi, doanh thu của nhiều doanh nghiệp sụt giảm tương đối lớn, có những công ty giảm tới 90% và không phát sinh các đơn hàng mới, số lượng doanh nghiệp ngưng hoạt động từ 6 tháng đến một năm là khá nhiều. Cũng có những doanh nghiệp chuyển đổi cơ cấu, loại hình kinh doanh và không ít doanh nghiệp đã tuyên bố giải thể để tìm cho mình con đường mới.
Những doanh nghiệp trong lĩnh vực vận tải có tỷ lệ giải thể cao, vì hầu như các phương tiện vận tải đều vay và thế chấp ở hệ thống ngân hàng, mà phương tiện dừng hoạt động thì họ không có nguồn thu để trả gốc và trả lãi. Trong khi đó, đều là tài sản cố định, khấu hao nhanh, chẳng hạn như ô tô, thời gian khấu hao từ 5-7 năm mà COVID -19 hiện nay đã mất hai năm, chưa biết khi nào kết thúc. Phương án bán rẻ tài sản để trả nợ, tránh nợ chồng nợ, lãi chồng lãi được nhiều doanh nghiệp ưu tiên.
- Làm thế nào để các gói hỗ trợ 26.000 tỷ đồng có thể triển khai hiệu quả và thiết thực, đến đúng đối tượng một cách nhanh chóng, thưa ông?
Đối với hỗ trợ trong đại dịch, có hai khía cạnh, đó là hỗ trợ về tài khóa và hỗ trợ về tài chính. Doanh nghiệp rất cần hai gói bao gồm: Gói ngắn hạn để hỗ trợ kịp thời như một chiếc máy thở, tạo cơ hội cho doanh nghiệp vượt khó nhanh khi bị giãn cách, buôn bán đình trệ, không có doanh thu; Gói dài hạn, cần hoãn, giãn thuế, cắt bỏ tối đa một số khoản phí, lệ phí. Tại sao lại cần hai gói này, vì để thụ hưởng được chính sách sẽ mất rất nhiều thời gian. Chúng ta đều thấy, gói hỗ trợ năm 2020, nhiều doanh nghiệp không có cơ hội được tiếp cận bởi nhiều lý do, mặc dù ngân sách tương đối lớn.
Theo tôi, điều quan trọng nhất là hỗ trợ cũng cần đúng đối tượng, bằng cách chia nhóm các doanh nghiệp, các ngành nghề để triển khai. Ví dụ, ngành nghề nào khó khăn trong trước mắt, nhưng sau khi hết khó khăn có khả năng phục hồi được không, hay càng bơm tiền lại càng chết yểu, vì chưa biết khi nào dịch bệnh mới chấm dứt. Cụ thể hoá hoạt động trong việc phân chia 26.000 tỷ như thế nào, để từ đó, có cái nhìn tổng quan về sự phân bổ ngân sách và doanh nghiệp tự ước lượng được khả năng tiếp cận của mình.
Ngoài ra, cần đánh giá khả năng hấp thụ và sử dụng các khoản hỗ trợ của doanh nghiệp đến đâu. Bên cạnh đó, các thủ tục pháp lý, điều kiện để nhận hỗ trợ nên cắt giảm một cách tối đa. Có những thủ tục đi làm mất vài tuần đến hai tháng mới xong thì lúc này, các doanh nghiệp đã rất chán nản, mất công để nhận được 100-200 triệu có “bõ” không, hay đến khi phá sản mới thấy rót tiền về thì đã muộn.
- Theo ông, ngoài việc bơm tiền hỗ trợ, Chính phủ nên quan tâm và hỗ trợ thêm về những vấn đề gì để thúc đẩy hoạt động của doanh nghiệp?
Thứ nhất, bơm tiền hỗ trợ chỉ là giải pháp tạm thời, tôi nghĩ Chính phủ cần rà soát, kiểm tra, đánh giá các điều kiện kinh doanh, thủ tục hành chính, vì hiện nay “virus trì trệ” ở một số cơ quan quản lý đang có dấu hiệu tái diễn. Từ năm 2015-2020, Thủ tướng Chính phủ, các Bộ, ngành, địa phương đều hết sức quyết liệt trong vấn đề này nhưng từ 2020 đến nay, dường như mọi thứ bắt đầu trì trệ trở lại, giải quyết chậm chạp với các lý do liên quan đến phòng, chống dịch bệnh. Căn cơ nhất của phục hồi kinh tế vẫn phải là điều hành chính sách, điều kiện kinh doanh không được lơ là.
Thứ hai, hiện nay vốn trong ngân hàng rất nhiều nhưng không giải ngân được, vậy phải có giải pháp nào để giải phóng được các nguồn vốn đang tồn đọng trong hệ thống ngân hàng. Cũng biết là ngân hàng có nhiều chính sách cắt giảm lãi suất trong thời gian qua để doanh nghiệp tiếp cận nguồn vốn giá rẻ, không nhảy nhóm nợ. Nhưng thực chất sự tiếp cận vẫn rất khó khăn, trong khi ngân hàng lại không chấp nhận rủi ro, nên rất cần phương án khai thông dòng vốn cho doanh nghiệp.
Thứ ba, hiện nay mới chỉ có 24% các doanh nghiệp Việt Nam tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu. Cho nên, Chính phủ cần xem đẩy mạnh liên kết hợp tác giữa các doanh nghiệp FDI, doanh nghiệp nhỏ và vừa, doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo, làng nghề,... để làm sao họ trao đổi sử dụng hàng hóa của nhau. Đề nghị các doanh nghiệp FDI có các chương trình đào tạo, huấn luyện sử dụng sản phẩm của Việt Nam và đẩy ra thế giới, vì các doanh nghiệp này toàn mang sản phẩm từ nước họ vào Việt Nam, thì doanh nghiệp nội sẽ bị mất vị thế. Việt Nam đã có nhiều ký kết hợp tác đa phương, song phương, ký kết trong các khối thương mại như TPP, CPTPP, FTA, rồi các khối của Nhật, Hàn, Mỹ, EU,... với những lợi thế này, cần tận dụng các lợi thế này để đẩy mạnh sâu rộng hoạt động của doanh nghiệp.
Xin cảm ơn ông!
Có thể bạn quan tâm