Triển vọng tín nhiệm Việt Nam có đáng ở mức Ba3?

Lê Mỹ 19/12/2019 11:00

Việc giữ nguyên xếp hạng tín nhiệm quốc gia của Việt Nam ở mức Ba3, điều chỉnh triển vọng xuống tiêu cực (negative) như thông báo của Moody's có vẻ đã bỏ qua nhiều yếu tố tích cực...

Moody’s Investors Service (Moody’s) thông báo giữ nguyên xếp hạng tín nhiệm quốc gia của Việt Nam ở mức Ba3 đối với các khoản phát hành bằng đồng nội tệ và ngoại tệ và các khoản vay cao cấp không được bảo đảm, điều chỉnh triển vọng xuống tiêu cực (negative) hôm qua 18/12.

Tổ chức xếp hạng tín nhiệm ghi nhận việc Việt Nam tập trung giám sát và phối hợp để đảm bảo các nghĩa vụ trả nợ được bố trí nguồn và xử lý thủ tục thanh toán kịp thời, rủi ro tái diễn tình trạng chậm trả nợ giảm đáng kể.

Trong thông cáo phát đi cùng ngày, Bộ Tài chính đánh giá cơ sở Moody’s đưa ra quyết định bắt nguồn từ nhận định vẫn tiềm ẩn rủi ro, tuy không còn đáng kể của việc chậm trả nghĩa vụ nợ gián tiếp của Chính phủ trong bối cảnh chưa có những giải pháp rõ ràng để cải thiện công tác phối hợp giữa các cơ quan liên quan, cũng như tăng cường tính minh bạch về quản lý nợ được Chính phủ bảo lãnh.

Ngoài Moody's, Việt Nam vẫn được nhiều tổ chức dự báo triển vọng tăng trưởng kinh tế tích cực dài hạn so với nhiều quốc gia trong khu vực. Nguồn xếp hạng: WB T12/2019

Ngoài Moody's, Việt Nam vẫn được nhiều tổ chức dự báo triển vọng tăng trưởng kinh tế tích cực dài hạn so với nhiều quốc gia trong khu vực. Nguồn xếp hạng: WB T12/2019

Theo Bộ Tài chính, việc Moody’s hạ triển vọng tín nhiệm của Việt Nam chỉ dựa trên sự việc riêng lẻ đối với nghĩa vụ nợ dự phòng của Chính phủ mà bỏ qua thành tựu toàn diện Việt Nam đã đạt được trong phát triển kinh tế - xã hội, cải thiện khả năng chống chọi với các cú sốc bên ngoài và nâng cao tính bền vững danh mục nợ công, là không xác đáng.

Bộ nhìn nhận rằng tín hiệu của Moody’s đưa ra về việc tiếp tục theo dõi hồ sơ tín dụng của Việt Nam với triển vọng tiêu cực là không tương xứng với chỉ đạo kịp thời cũng như với hàng loạt các biện pháp mà Chính phủ, Bộ Tài chính và các cơ quan liên quan trong thời gian qua để cải thiện công tác phối hợp hành chính trong việc thanh toán nghĩa vụ nợ dự phòng của Chính phủ, đảm bảo không gây tổn thất cho bên cho vay. 

Có thể bạn quan tâm

  • Moody's nâng bậc xếp hạng tín nhiệm của HDBank lên B1

    10:07, 31/10/2018

  • WB “mong Việt Nam nỗ lực gấp đôi”

    15:45, 11/10/2019

  • WB: Tâm lý nhà đầu tư cải thiện khi CPTPP và EVFTA được ký kết

    10:41, 21/07/2019

  • Tăng hạng xếp hạng tín nhiệm quốc gia Việt Nam sau gần một thập kỷ

    06:34, 08/04/2019

  • Moody’s nâng xếp hạng tín nhiệm VIB lên B1

    07:33, 03/11/2018

Bộ Tài chính cũng khẳng định Chính phủ Việt Nam luôn trả nợ đúng hạn theo cam kết. Quan điểm này cũng thể hiện rõ qua việc Chính phủ Việt Nam đã chủ động thực hiện trách nhiệm của người bảo lãnh trong việc thanh toán, ngay cả khi chưa nhận được yêu cầu chính thức của bên cho vay. Thủ tướng  chỉ đạo Bộ Tài chính, các bộ, ngành và cơ quan liên quan đảm bảo bố trí nguồn và thực hiện nghĩa vụ trả nợ khi đến hạn.

Trong giai đoạn tới, Chính phủ Việt Nam sẽ tiếp tục theo đuổi mục tiêu củng cố vững chắc nền tảng kinh tế vĩ mô, nâng cao năng lực nội tại của nền kinh tế, đẩy mạnh cải cách thể chế và khơi thông nguồn lực để một mặt đảm bảo khả năng trả nợ, duy trì bền vững nợ công và an ninh tài chính quốc gia trong khi vẫn đảm bảo nguồn lực để phát triển.

Bộ Tài chính cùng các cơ quan liên quan trong thời gian tới sẵn sàng cung cấp thông tin minh bạch và đưa ra các minh chứng thuyết phục về việc Chính phủ nghiêm túc thực hiện cam kết trả nợ. Bộ tin rằng Moody’s, các tổ chức xếp hạng tín nhiệm cũng như tổ chức quốc tế khác sẽ có thông tin đầy đủ và cơ sở xác thực để đưa ra nhìn nhận đúng đắn, tích cực về hồ sơ tín dụng của Việt Nam.

Cần lưu ý rằng việc đánh giá hồ sơ tín dụng quốc gia của các hãng xếp hạng tín nhiệm lớn trên toàn cầu, là một trong những cơ sở quan trọng để các tổ chức/ định chế đầu tư xác định phương hướng và giá vốn đầu tư cho các tài sản nợ do Chính phủ đó phát hành. Ở cấp độ vĩ mô, đó là trái phiếu Chính phủ, trái phiếu địa phương, các loại trái phiếu Chính phủ bảo lãnh...

Ở cấp độ doanh nghiệp, đặc biệt khối ngân hàng và các tập đoàn, doanh nghiệp lớn, đó cũng là chỉ báo để các tổ chức có cơ hội triển khai thành công các đợt huy động vốn với chi phí hợp lý, không quá mức đắt đỏ. Xếp hạng tín nhiệm Chính phủ càng cao, nghĩa vụ trả nợ càng đảm bảo, chi phí lãi suất bên huy động phải trả càng thấp và ngược lại. 

Điều đáng nói hơn là trong khi Moody's thông báo giữ nguyên đánh giá triển vọng tiêu cực đối với Việt Nam sau một thời gian theo dõi, thì nửa năm trước, Fitch Ratings lại đã có thông báo nâng triển vọng tín nhiệm quốc gia Việt Nam từ mức "ổn định" lên "tích cực". Mức xếp hạng của Việt Nam theo đó được Fitch xếp vẫn duy trì ở "BB".

Lý do để Fitch nâng tín nhiệm đến từ ghi nhận Việt Nam có sự cải thiện về quản lý kinh tế. Điều này thể hiện trong việc củng cố bộ đệm bên ngoài từ thặng dư tài khoản vãng lai, mức nợ Chính phủ giảm, tốc độ tăng trưởng kinh tế cao và lạm phát ổn định. 

Cụ thể theo Fitch, Chính phủ Việt Nam tiếp tục quyết liệt thực hiện cam kết củng cố tài khóa và kiềm chế nợ công, và đã thành công trong việc đưa nợ Chính phủ từ mức 53% GDP năm 2016 xuống khoảng 50,5% GDP vào cuối năm 2018. Tổ chức này kỳ vọng nợ Chính phủ của Việt Nam sẽ tiếp tục giảm xuống còn khoảng 46% GDP vào năm 2020. 

Bên cạnh đó, kết quả xếp hạng này còn ghi nhận sự đóng góp của việc kìm hãm bội chi ngân sách thấp hơn dự toán, thực hiện chủ trương siết chặt cấp bảo lãnh Chính phủ cho các khoản vay mới, cũng như tốc độ tăng trưởng GDP danh nghĩa cao và thâm hụt tài khóa thấp hơn. Tỷ giá cũng được xem là điểm sáng của Việt Nam với dự trữ chung tăng cao, VND giữ được sức mạnh ổn định trong bối cảnh nhiều đồng tiền mất sự linh hoạt trước tác động tăng giá của đồng USD...

Không chỉ Fitch, Standard & Poor's (S&P) cũng nâng xếp hạng quốc gia dài hạn của Việt Nam từ BB- lên BB, với triển vọng ổn định. Xếp hạng tín nhiệm ngắn hạn được giữ nguyên ở B vào tháng 4 năm nay. 

Ngoài ra, dự báo về 2020, một số các định chế quốc tế gần nhất cũng vừa "chấm điểm" cao khi dự báo triển vọng kinh tế Việt Nam. Cách đây 2 ngày, hôm 17/12, World Bank đã công bố báo cáo Điểm lại, cập nhật tình hình kinh tế thường niên Việt Nam, trong đó dự báo tăng trưởng GDP năm 2019 là 6,8%. Trong 3 năm tới, tốc độ tăng trưởng được dự báo quanh mức 6,5% - thấp hơn so với mức tăng trưởng hiện tại nhưng được đánh giá là lạc quan trong bối cảnh chuyển động kinh tế toàn cầu vẫn phức tạp và khó lường vào chu kỳ 3 năm tới.

(0) Bình luận
Nổi bật
Mới nhất
Triển vọng tín nhiệm Việt Nam có đáng ở mức Ba3?
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO