Sau hơn 10 năm lỗi hẹn, tháng 12/2019 vừa qua, Mobifone đã hoàn tất việc kiểm tra toàn bộ 26 cơ sở nhà đất của tổng công ty này, đang chờ cơ quan chức năng xem xét, phê duyệt.
Tại Quyết định 26/2019/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ (ngày 15-8-2019) phê duyệt danh mục doanh nghiệp thực hiện cổ phần hóa đến hết năm 2020 nêu rõ: Tập đoàn Bưu chính - Viễn thông Việt Nam (VNPT) và Tổng công ty Viễn thông MobiFone sẽ cổ phần hóa theo hình thức Nhà nước nắm giữ tỷ lệ trên 50% đến dưới 65% vốn điều lệ.
Khởi động từ 2005
MobiFone là nhà mạng đầu tiên của Việt Nam và trong một thời gian dài được xem là nhà mạng dẫn đầu Việt Nam về mọi mặt. Có rất nhiều thuận lợi, thế nhưng câu chuyện CPH mạng MobiFone thực sự là câu chuyện nhiều trắc trở. MobiFone “khởi động” kế hoạch CPH từ năm 2005 khi hoàn tất bản hợp đồng đối tác liên doanh giữa VNPT và Comvik (Thụy Điển). Lúc đó, Chính phủ đã yêu cầu và Bộ TT-TT phải CPH MobiFone.
Năm 2006 MobiFone đã chọn Credit Suisse làm nhà tư vấn đưa ra nhiều phương án định giá, dự kiến công bố nhà đầu tư chiến lược đầu năm 2008 và IPO vào cuối năm nhưng kế hoạch bất thành.
Kỳ vọng của nhà đầu tư tiếp tục đổ dồn vào lộ trình gia nhập WTO, thời điểm mở cửa ngành viễn thông năm 2009 cho phép các đối tác tham gia thị trường với tỉ lệ nắm giữ đến 49%. Tuy nhiên hàng loạt các cuộc “hôn phối” thất bại, từ FPT - EVN, SPT - SK Telecom, VimpelCom - Gtel... Những tên tuổi quen thuộc khác cũng rút dần các hoạt động tại Việt Nam.
Mãi đến khi tách khỏi Tập đoàn VNPT vào tháng 8/2014, MobiFone đã khởi động lại quá trình CPH.
Tháng 9/2015, MobiFone chọn nhà tư vấn CPH là Công ty Chứng khoán Bản Việt. Bản Việt sẽ chịu trách nhiệm tư vấn định giá và phát hành cổ phiếu lần đầu ra công chúng cho nhà mạng này. Tháng 6/2014, Công ty cổ phần Chứng khoán TP HCM ước tính giá trị MobiFone khoảng 3,4 tỷ USD và thậm chí có thể tăng lên hơn 4 tỷ USD nếu doanh thu và lợi nhuận tiếp tục tăng sau khi thực hiện phát hành cổ phiếu ra công chúng lần đầu vào năm 2016 - 2017.
Thế nhưng, câu chuyện mua AVG đã “đánh chìm” kế hoạch CPH MobiFone. Tháng 1/2016, MobiFone phát thông cáo về việc mua 95% cổ phần AVG nhưng không nói đến giá trị thương vụ. Khi báo chí - truyền thông đề cập vấn đề này, lãnh đạo MobiFone lúc đó cho biết đây là “tài liệu mật” nên không công khai. Thương vụ này bị phát lệnh thanh tra toàn diện từ đầu tháng 8/2016 và đến tháng 9/2016, Thanh tra Chính phủ công bố quyết định thanh tra.
Khi đó, phía Thanh tra Chính phủ cho biết thời hạn thanh tra trong vòng 50 ngày. Đến giữa tháng 11/2016, dưới nhiều sức ép, MobiFone đã công bố thông tin hoạt động liên quan đến thương vụ mua 95% cổ phần của AVG, vốn trước đó được xem là “tài liệu mật”. Đáng chú ý nhất là việc MobiFone đã chi khoảng 8.889 tỷ đồng để sở hữu AVG. Quá trình thanh tra dự án này không phải 50 ngày như kế hoạch ban đầu, mà phải đến ngày 14/3/2018 (tức là hơn 16 tháng), Thanh tra Chính phủ mới chính thức công bố kết luận thanh tra vụ việc này.
Theo Thanh tra Chính phủ, những vi phạm, làm trái quy định, thiếu trách nhiệm trong dự án này đã dẫn đến nguy cơ hiện hữu thiệt hại nghiêm trọng vốn của Nhà nước tại MobiFone khoảng 7.006 tỷ đồng, trong đó thiệt hại do mua nợ phải trả của AVG 1.134 tỷ đồng; việc thực hiện đầu tư dự án đã trực tiếp ảnh hưởng tiêu cực đến hoạt động kinh doanh viễn thông, làm sụt giảm lớn hiệu quả kinh doanh ngay từ năm 2016 và nhiều năm tiếp theo, trong đó lợi nhuận hoạt động tài chính năm 2016 đã giảm so với năm 2015 là 321,7 tỷ đồng; số lỗ lũy kế đến 31/12/2017 là 1.982,7 tỷ đồng; đồng thời ảnh hưởng tiêu cực đến việc CPH MobiFone.
Rục rịch "lên nòng"
Hồi tháng 6/2019, Mobifone đã hoàn thiện phương án sắp xếp lại, xử lý nhà đất, trình Ủy ban quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp đồng thời thực hiện kiểm tra thực trạng toàn bộ các lô đất. Đến đầu tháng 12/2019 Mobifone đã hoàn tất việc kiểm tra toàn bộ 26 cơ sở nhà đất.
Song song với công việc này, Mobifone đã phối hợp với Tổ giúp việc Ban chỉ đạo cổ phần hóa thực hiện các công việc chuẩn bị cho công tác cổ phần hóa tổng công ty như: rà soát hồ sơ pháp lý về tài sản, nguồn vốn, công nợ; rà soát các hồ sơ pháp lý về đất đai; lập phương án sắp xếp lại, xử lý nhà đất của Mobifone; tiến hành xây dựng kế hoạch chiến lược 2020-2025 và tầm nhìn đến 2030; tiến hành thủ tục thuê công ty luật để hỗ trợ, tư vấn Mobifone lập phương án lựa chọn thầu quốc tế tư vấn cổ phần hóa tuân thủ các qui định của pháp luật; làm việc với các đơn vị tư vấn, ngân hàng và các tổ chức tài chính để có cơ sở lập dự toán chi phí cổ phần hóa.
Một trong những nhiệm vụ trọng tâm năm 2019 của Mobifone là triển khai phương án cơ cấu lại để điều chỉnh tổng thể mô hình các đơn vị thuộc tổng công ty nhằm mục tiêu tinh gọn bộ máy, tăng hiệu quả và phục vụ tốt công tác bán hàng.
Bên cạnh đó, tổng công ty cũng điều chỉnh chức năng nhiệm vụ, cơ cấu tổ chức các ban chức năng và các đơn vị trực thuộc trong khối kỹ thuật - công nghệ; ban hành mô hình các đơn vị an ninh mạng của tổng công ty.
Mobifone cũng trình Ủy ban quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp phê duyệt chủ trương tổ chức lại các ban quản lý dự án của tổng công ty; triển khai hợp nhất cơ quan tham mưu của Đảng ủy với các đơn vị chuyên môn có chức năng, nhiệm vụ tương đồng của tổng công ty theo Quy định số 69-QĐ/TW.
Về thoái vốn ngoài ngành, năm 2019, Mobifone đã tiếp tục triển khai công việc này. Ngày 10/5/2019, Mobifone đã hoàn thành thoái vốn hơn 7 triệu cổ phần bằng hình thức thoái vốn cổ phần đã niêm yết trên sàn HoSE, tổng số tiền thu về từ bán cổ phần là 153,3 tỷ đồng.
Cần đẩy nhanh hơn nữa công tác cổ phần hóa
Các nhà đầu tư nhận định đề án tái cơ cấu VNPT là kết quả tối ưu cho MobiFone vì không phải nhận kèm nhiều công ty con và tài sản thua lỗ như dự tính trước đó (MobiFone gánh khoản nợ 1.600 tỉ đồng từ tập đoàn sau chia tách). MobiFone tập trung vào những tài sản trực thuộc sẽ thuận lợi cho việc chuẩn bị.
Một yếu tố thuận lợi khác là nhờ hạch toán độc lập từ mô hình BCC nên các chỉ số tài chính của MobiFone cũng thúc đẩy việc IPO nhanh hơn (dự kiến 2016-2017). “Động thái này tháo gỡ bế tắc cản trở quá trình IPO MobiFone trong 8-9 năm qua,” công ty chứng khoán TP.HCM (HSC) nhận định.
Trả lời trên Forbes, chuyên gia Hoàng Ngọc Diệp cho rằng: “Cơ hội mới của MobiFone là vô cùng lớn. Đặc biệt trong thị trường còn thiếu vắng các dịch vụ cao cấp, đòi hỏi năng lực công nghệ vượt trội và tính bảo mật cao như nền tảng cho chính phủ điện tử/y tế giáo dục điện tử, các hệ thống quản lý tập trung về ngành giao thông vận tải, eCommerce/mCommerce, kết nối ngân hàng và thanh toán...
Có thể bạn quan tâm
12:08, 28/12/2019
16:58, 24/09/2019
03:04, 07/09/2019
16:42, 28/08/2019
00:00, 18/08/2019
Theo ông Diệp, những cơ hội đó chỉ hiện thực hóa khi MobiFone được cấp quyền phát triển hạ tầng độc lập, tạo nền tảng cung ứng dịch vụ linh hoạt ra thị trường. “Thị trường chờ đợi và có thể nghi ngờ khả năng MobiFone có được quyền cung cấp hạ tầng đến mức mạng WAN (mạng dữ liệu băng rộng kết nối các mạng đô thị - MAN) hay không”.
Cách thức để MobiFone tạo thế chân vạc với Viettel và VNPT trên thị trường như kỳ vọng theo các chuyên gia còn cần sự thay đổi lớn về chính sách phát triển hạ tầng viễn thông để giải quyết những bất cập trong quản lý ngành, đặc biệt đối với những công ty viễn thông nhà nước không nắm 100% vốn. “MobiFone chỉ có thể phát huy hết sở trường sau cổ phần hóa khi có một môi trường sinh thái và hành lang pháp lý hoàn thiện cho cả thị trường viễn thông cùng ý chí phát triển của chính MobiFone,” ông Diệp nói.
Nhận định về việc cổ phần hóa các doanh nghiệp viễn thông, Tiến sĩ Võ Trí Thành - nguyên Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu và Quản lý kinh tế trung ương cho rằng, việc cổ phần hóa thu hút đối tác chiến lược có năng lực, công nghệ, đặc biệt có mô hình quản trị tiên tiến sẽ giúp doanh nghiệp cạnh tranh phát triển hơn.
Theo ông Vũ Hoàng Liên - Chủ tịch Hiệp hội Internet Việt Nam, MobiFone có tiềm lực mạnh về nhân lực, công nghệ, hạ tầng mạng lưới. MobiFone dù đang gặp thách thức lớn, nhưng cơ hội vẫn rõ nét vì sở hữu tài nguyên tần số, hệ thống hạ tầng mạng lưới mạnh và đội ngũ nhân lực giỏi... Do vậy, dù doanh thu, lợi nhuận giảm, nhưng đó không phải là bản chất. “Tôi cho rằng cổ phần hóa sẽ giúp MobiFone có thể hồi phục nhanh chóng. Nhưng, cũng cần tính toán khi định giá để không bị mất giá trị của một thương hiệu lớn này” - ông Vũ Hoàng Liên nhấn mạnh.