Quỹ tiền tệ Quốc tế khuyến nghị, chính sách tiền tệ của Trung Quốc nên có sự điều chỉnh trong bối cảnh lạm phát tăng cao và nền kinh tế còn trì trệ, liên quan đến các nguồn lực không được sử dụng.
>> Tính khả thi của chiến lược "Zero Covid" mà Trung Quốc kiên quyết theo đuổi
Dự báo tăng trưởng giảm
Các nhà phân tích cho biết, tăng trưởng kinh tế của Trung Quốc có thể sẽ xấu đi trong năm tới, do rủi ro thất thoát từ thị trường bất động sản gia tăng và cách tiếp cận không khoan nhượng của Chính phủ đối với COVID-19, có thể ảnh hưởng đến tình hình trong những tháng tới.
Theo Andrew Fennell, Giám đốc cấp cao của công ty xếp hạng tín nhiệm Fitch Ratings, sự bùng phát gần đây của biến thể Delta đã dẫn đến việc hạn chế đi lại và đóng cửa ở một số thành phố tại Trung Quốc, làm cản trở các hoạt động kinh tế, trong khi lập trường cứng rắn của Bắc Kinh đối với lĩnh vực bất động sản, vốn đóng góp 14% vào tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của quốc gia này, sẽ tiếp tục làm chậm tăng trưởng trong những tháng tới.
“Nhiều quốc gia đã bắt đầu coi COVID-19 như một căn bệnh đặc hữu, trong khi Trung Quốc tiếp tục chiến dịch Zero Covid, do đó, sẽ có nhiều thách thức hơn trong tương lai đối với nền kinh tế nước này. Trong những tháng gần đây, Chính phủ đang dần nới lỏng các chính sách kinh tế vĩ mô, nhưng đó là một động thái thận trọng để đối phó với phản ứng của thị trường bất động sản”, Fennell nói thêm.
Theo số liệu thống kê, kinh tế Trung Quốc đã tăng 4,9% trong quý 3/2021 so với cùng kỳ năm trước và giảm so với mức tăng 7,9% trong quý 2. Trước đó, Fitch đã cắt giảm dự báo tăng trưởng của Trung Quốc vào năm 2021 từ 8,4% xuống 8,1%, đồng thời hạ dự báo tăng trưởng GDP năm 2022 xuống 5,2% từ 5,5%.
Cùng với đó, ngân hàng đầu tư Mỹ Morgan Stanley cũng cảnh báo rằng, tăng trưởng quý 4 của Trung Quốc có thể giảm xuống 3,3%, điều này sẽ kéo tốc độ tăng trưởng trung bình hai năm xuống 4,9% từ 5,2% trong ba quý đầu năm và thấp hơn tiềm năng tăng trưởng đáng có.
“Chúng tôi cho rằng, Bắc Kinh sẽ tạm dừng để cân bằng giữa tăng trưởng và quản lý nợ… và chúng tôi kỳ vọng sẽ có nhiều chính sách hỗ trợ tăng trưởng hơn vào năm 2022. Thực tế, Bắc Kinh chưa bao giờ bỏ lỡ mục tiêu tăng trưởng trong một năm cải tổ chính trị”, Robin Xing, Chuyên gia kinh tế trưởng về Trung Quốc tại Morgan Stanley, cho biết.
Vị chuyên gia cũng tin rằng, Bắc Kinh sẽ thực hiện cắt giảm thuế và trợ cấp vì tiêu dùng, đồng thời thúc đẩy đầu tư vào các dự án năng lượng sạch, chẳng hạn như điện gió và điện mặt trời. Việc đầu tư vốn vào cơ sở hạ tầng và sản xuất có thể giúp bù đắp sự chậm lại trong lĩnh vực bất động sản.
Còn Fitch thì kỳ vọng Trung Quốc sẽ có thêm các biện pháp hỗ trợ chính sách vĩ mô vào cuối năm nay, bao gồm cắt giảm hơn nữa tỷ lệ dự trữ bắt buộc, nhằm giải phóng thanh khoản vào hệ thống liên ngân hàng và thúc đẩy tăng trưởng tín dụng.
Ông Yu Yongding, Nhà nghiên cứu cấp cao của Học viện Khoa học Xã hội Trung Quốc cho rằng, Trung Quốc nên đặt mục tiêu tăng trưởng GDP ít nhất 6% và tập trung vào chi tiêu cơ sở hạ tầng vào năm 2022. Tại sao cần đặt mục tiêu tăng trưởng không quá thấp? Nhà nghiên cứu cũng lý giải, Trung Quốc vẫn còn dư địa để mở rộng hơn nữa các chính sách kinh tế vĩ mô của mình, thông qua các chính sách tài khóa và tiền tệ mở rộng, để tăng tốc độ tăng trưởng của đầu tư cơ sở hạ tầng.
“Mục tiêu tăng trưởng cao, hợp lý cho năm 2022 có thể thúc đẩy niềm tin vào thị trường và với nền kinh tế do nhà nước chỉ đạo, đồng thời đưa ra những định hướng rõ ràng hơn cho các Bộ và chính quyền địa phương khi lập kế hoạch đầu tư”, ông Yu Yongding phân tích.
>> Trung Quốc “đi ngược” khiến thế giới lo lắng
Các chính sách hỗ trợ rời rạc
Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) cho biết, Trung Quốc đang được thúc giục để thực hiện nhiều chính sách hỗ trợ hơn, trong bối cảnh rủi ro và bất ổn xung quanh đại dịch COVID-19 như tiêu dùng và các lỗ hổng tài chính.
“Sự phục hồi của Trung Quốc đang tiến triển tốt, nhưng nó không cân bằng và động lực đang chậm lại, ngay cả khi rủi ro giảm giá đang tích tụ”, Geoffrey Okamoto, Phó Giám đốc điều hành thứ nhất của IMF nói.
Nhận xét của ông được đưa ra sau khi kết thúc tham vấn và đánh giá hoạt động về sự phát triển kinh tế - tài chính của các quốc gia, cũng như các chính sách tài chính của họ, hoạt động này được diễn ra thường niên. Ông cũng nói thêm, để đảm bảo tăng trưởng cân bằng, bao trùm và xanh, các chính sách kinh tế vĩ mô cần được hỗ trợ.
IMF ước tính trong ấn bản tháng 10 về “Triển vọng Kinh tế Thế giới” rằng, tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của Trung Quốc sẽ tăng 8% trong năm nay và 5,6% cho năm 2022. Mỗi ước tính đều giảm 0,1 điểm phần trăm so với tháng 7. Điều này cũng làm dấy lên những lo ngại ngày càng tăng từ các nhà phân tích trong nước và nhà đầu tư nước ngoài, khi con số tăng trưởng đã giảm xuống 4,9% trong quý 3 từ 7,9% trong quý trước.
Các thách thức liên quan đến bất động sản, COVID-19 và nhiều bất ổn vẫn tồn tại trong bối cảnh kinh tế Trung Quốc gặp nhiều khó khăn. Tâm lý thị trường cũng trở nên yếu đi khi cuộc khủng hoảng nợ của Evergrande gây ra làn sóng chao đảo, ảnh hưởng tiêu cực đến sự tăng trưởng của thị trường bất động sản.
IMF cũng đánh giá, việc xóa nợ tài sản và thắt chặt quy định đối với nhóm Big Tech đã làm gia tăng sự không chắc chắn về chính sách và các rủi ro tài chính cần được giải quyết một cách rõ ràng và có phối hợp. Đồng thời, các quan chức IMF cho biết, chính sách tài khóa vốn có tính chất điều chỉnh đáng kể khi Bắc Kinh tìm cách giải quyết nợ tiềm ẩn và điều tiết tốt hơn các phương tiện tài trợ của chính quyền địa phương, nhưng hiện tạm thời chuyển sang lập trường trung lập và tập trung vào việc tăng cường các biện pháp bảo vệ xã hội bằng việc thúc đẩy đầu tư xanh.
Trong khi đó, chính sách tiền tệ của Trung Quốc nên có sự điều chỉnh, trong bối cảnh lạm phát tăng cao và nền kinh tế vẫn còn trì trệ, liên quan đến các nguồn lực trong nền kinh tế không được sử dụng.
Từ các dữ liệu chỉ ra, chỉ số giá sản xuất tháng 10 của Trung Quốc tăng 13,5% so với cùng kỳ năm ngoái - mức cao nhất trong hơn hai thập kỷ. Lạm phát tiêu dùng đạt mức cao nhất trong một năm là 1,5%, nhưng vẫn nằm trong mức mục tiêu kiểm soát hàng năm là 3%. Tăng trưởng năng suất giảm, áp lực trong mối quan hệ kinh tế với Hoa Kỳ và lực lượng lao động thu hẹp được coi là những trở ngại dài hạn đối với tăng trưởng của Trung Quốc. Việc đẩy mạnh cải cách cơ cấu theo đó là “chìa khóa” để nâng cao năng suất và thay đổi tăng trưởng chất lượng cao về lâu dài.
“Việc thực hiện đồng thời các cải cách quan trọng bổ sung, bao gồm mở cửa hơn nữa thị trường trong nước, cải cách các doanh nghiệp nhà nước và đảm bảo tính cạnh tranh với các doanh nghiệp tư nhân, cùng thúc đẩy đầu tư xanh và tăng cường bảo trợ xã hội, sẽ hỗ trợ quá trình chuyển đổi sang tăng trưởng chất lượng cao của Trung Quốc” IMF nói thêm.
Có thể bạn quan tâm
05:00, 23/11/2021
14:37, 22/11/2021
06:00, 22/11/2021
04:44, 20/11/2021
05:18, 12/11/2021