Trung Quốc thường được biết đến là điểm đến của các doanh nghiệp toàn cầu, nhưng mức độ đầu tư ra nước ngoài của nước này không hề ít.
Sự lớn mạnh của kinh tế Trung Quốc bắt đầu dưới thời ông Đặng Tiểu Bình sau sự kiện “ngoại giao bóng bàn” năm 1972. Suốt nhiều thập kỷ, nước này trở thành “thỏi nam châm” hút vốn đầu tư toàn cầu lớn nhất. Tất cả các dòng vốn đều tìm cách đến Trung Quốc để khai thác cơ hội gia tăng giá trị.
Nhưng bối cảnh hiện nay đã khác. Trung Quốc lại trở thành nhà đầu tư hàng đầu, họ bắt đầu chuyển cơ sở sản xuất ra bên ngoài đất nước. Nếu như trước đây nguồn vốn đầu tư của Trung Quốc chủ yếu đổ vào hạ tầng theo sáng kiến “Vành đai và Con đường” thì nay chủ yếu tập trung vào sản xuất, phân phối hàng hóa.
Hơn 60% các công ty nước ngoài của Trung Quốc nằm ở châu Á, trong khi khoảng một nửa số khoản đầu tư diễn ra trong các lĩnh vực công nghệ, truyền thông và viễn thông, sản xuất tiên tiến, chăm sóc sức khỏe & khoa học đời sống.
Trong hai thập kỷ qua, đầu tư ra nước ngoài của Trung Quốc đã cho thấy sự tăng trưởng mạnh mẽ và bền vững, trong giai đoạn 2022-2023 đạt 163 tỷ đô la Mỹ. Riêng năm 2023, dòng vốn từ cường quốc châu Á lên tới 80,11 tỷ đô la Mỹ. Chỉ trong 7 tháng đầu năm nay, đã có tổng cộng 5.100 doanh nghiệp có vốn đầu tư của Trung Quốc được thành lập tại 152 quốc gia và khu vực trên toàn cầu.
Điều đáng chú ý là doanh nghiệp Trung Quốc không còn mặn mà với các thương vụ mua bán sáp nhập, hoạt động này đã giảm 14% xuống còn 11,7 tỷ đô la Mỹ trong nửa đầu năm 2023, đánh dấu mức thấp nhất trong 10 năm.
Một thống kê sơ bộ cho thấy hiện nay Trung Quốc sở hữu gần 50.000 doanh nghiệp trải dài trên 190 quốc gia và khu vực trên toàn thế giới, trong đó 13% ở Bắc Mỹ và 10,2% ở châu Âu. Đáng chú ý, khoảng 16.000 doanh nghiệp, tương đương 34% được thành lập tại các quốc gia nằm trong sáng kiến “Vành đai và Con đường”.
Hai năm gần đây, đầu tư Trung Quốc tại châu Mỹ đang bùng nổ với rất nhiều nhà máy sản xuất ô tô điện, đặc biệt ở Canada và Mexico, hai thị trường cận biên Mỹ, đang có những cam kết rất thuận lợi về thương mại.
Ngược lại, doanh nghiệp Trung Quốc bắt đầu thoái khỏi Mỹ từ năm 2017, trước khi thương chiến Mỹ-Trung nổ ra, giảm từ 46 tỷ đô la Mỹ vào năm 2016 xuống dưới 5 tỷ đô la Mỹ vào năm 2022. Điều này phản ánh chính xác mối quan hệ giữa hai cường quốc đang ở mức ảm đạm nhất kể từ thập niên 70.
Trong số 18 lĩnh vực đầu tư ra nước ngoài, khai khoáng và kim loại tăng đáng kể 111%, phần lớn tập trung vào các khoáng sản có tính chiến lược, phục vụ cho ngành công nghiệp bán dẫn, năng lượng tái tạo, xe điện.
Trong khi đó, 75% các giao dịch chăm sóc sức khỏe và khoa học đời sống diễn ra ở Bắc Mỹ, 64% đầu tư vào hàng tiêu dùng diễn ra ở châu Á và 32% ở Châu Đại Dương.
Đóng góp của doanh nghiệp Trung Quốc ở nước ngoài rất lớn, tạo ra 75 tỷ đô la Mỹ tiền thuế sở tại, 2,5 triệu việc làm, đã thúc đẩy 256,6 tỷ đô la Mỹ vào hoạt động nhập khẩu và xuất khẩu hàng hóa.
Tuy nhiên ở một số nơi trên thế giới, vốn đầu tư Trung Quốc không được nhìn nhận một cách tích cực. Đây là kết quả sau khi nhiều quốc gia lâm tình trạng nợ nần; xung đột lợi ích khai thác tài nguyên thiên nhiên và những cảnh báo về an ninh quốc gia được đưa ra bởi phương Tây.