Trung Quốc "mạnh tay" đầu tư xanh vào ASEAN

CẨM ANH 23/10/2023 03:30

Trung Quốc đang không ngừng tăng cường đầu tư vào lĩnh vực công nghệ xanh tại ASEAN.

>> ASEAN BAC 2023: Vị thế Đông Nam Á - Dấu ấn Việt Nam

Trung Quốc là

Trung Quốc đang là nước đầu tư mạnh mẽ nhất vào ASEAN trong lĩnh vực công nghệ xanh

Trong bài phỏng vấn với tờ Nikkei Asia, Thứ trưởng Ngoại giao Indonesia Pahala Mansury cho biết rằng Trung Quốc đang tăng nguồn vốn đầu tư mới vào các dự án kinh doanh quan trọng ở các quốc gia ASEAN, trở thành nước dẫn đầu trong số các cường quốc kinh tế trên thế giới đang tìm cách tham gia nhiều hơn vào khu vực này.

Đầu tháng 9, Indonesia, nước chủ tịch ASEAN năm nay, đã tổ chức Diễn đàn ASEAN - Ấn Độ-Thái Bình Dương (AIPF) đầu tiên nhằm huy động nguồn tài trợ công và tư nhân để thúc đẩy hợp tác và phát triển kinh tế nhiều hơn, đồng thời giảm căng thẳng địa chính trị ở khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương.

Tại Diễn đàn, ASEAN đã đưa ra ít nhất 93 dự án trị giá 38,2 tỷ USD cho các nước đối tác của khối. Khu vực này cũng đã công bố 73 dự án tiềm năng khác trị giá 17,8 tỷ USD. Ông Mansury tiết lộ rằng Trung Quốc, Mỹ, Anh, Pháp và Australia đang đóng góp nhiều nhất cho 93 dự án này, đồng thời nói thêm rằng Bắc Kinh dự kiến sẽ trở thành nhà đầu tư lớn nhất của các dự án nói chung.

Hiện nay, ASEAN đang ưu tiên 4 lĩnh vực chính cho sự phát triển của khu vực: cơ sở hạ tầng xanh, nền kinh tế kỹ thuật số, tài chính bền vững và du lịch. Ông Mansury cho biết: “Chúng tôi tin rằng các chủ đề này sẽ thúc đẩy tăng trưởng, không chỉ trong khu vực ASEAN mà còn trong khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương”.

Ông không nêu chi tiết quốc gia nào sẽ đầu tư vào dự án nào, nhưng cho biết ASEAN đặt mục tiêu hoàn thành các dự án vào năm 2025.

Ông Mansury lưu ý rằng ASEAN đang tìm cách đa dạng hóa nguồn đầu tư ngoài Trung Quốc và nhấn mạnh: "Chúng tôi muốn kêu gọi đầu tư từ tất cả các quốc gia khác". Indonesia sẽ chuyển quyền Chủ tịch luân phiên của khối cho Lào vào năm tới, ông Mansury cho biết: "Chúng tôi hy vọng rằng Lào sẽ tiếp tục tổ chức sự kiện AIPF."

Có thể thấy, đầu tư xanh đang gắn kết ASEAN gần hơn với Trung Quốc khi ngành công nghệ xanh của Trung Quốc nhìn thấy cơ hội ngày càng tăng trong khu vực. 

Từ khai thác đất hiếm ở Myanmar và chế biến vật liệu pin ở Indonesia, đến sản xuất tấm pin mặt trời ở Malaysia và sản xuất xe điện ở Thái Lan, các công ty Trung Quốc đang ngày càng hoạt động tích cực trong các ngành công nghiệp carbon thấp mới nổi ở Đông Nam Á. Các tên tuổi lớn như gã khổng lồ ô tô điện BYD, nhà sản xuất pin Contemporary Amperex Technology (CATL), nhà sản xuất tấm pin mặt trời JinkoSolar và nhà sản xuất tuabin gió Goldwind đều đang tăng cường đầu tư vào các nước trong khu vực.

Ông Alex Whitworth, Giám đốc nghiên cứu của công ty tư vấn năng lượng Wood, cho biết: “Quy mô thị trường nội địa khổng lồ và chuỗi cung ứng của Trung Quốc trong lĩnh vực công nghệ xanh dường như đang trên quỹ đạo tăng trưởng bền vững, khiến quốc gia này khó bị các đối thủ toàn cầu khác thay thế".

Dòng đầu tư của Trung Quốc phần lớn được các nước hoan nghênh khi các quốc gia đang phải đối mặt với áp lực ngày càng tăng trong việc giảm phát thải cacbon. Trong khi đó, nỗ lực của một số nước Đông Nam Á nhằm thu hút nguồn vốn từ phương Tây trong lĩnh vực này lại mang lại kết quả tương đối ít.

>> Mở rộng "cánh cửa" kinh tế ASEAN

Sản xuất tấm pin năng lượng mặt trời đang là lĩnh vực doanh nghiệp Trung Quốc quan tâm đầu tư tại ASEAN

Sản xuất tấm pin năng lượng mặt trời đang là lĩnh vực doanh nghiệp Trung Quốc quan tâm đầu tư tại ASEAN

Đặc biệt, cách tiếp cận ngoại giao khí hậu của Trung Quốc tập trung nhiều hơn vào khía cạnh thương mại, không giống như cách tiếp cận phân phối tài trợ của các nước phương Tây, điển hình là cho các dự án quy mô nhỏ.

Về phần mình, các công ty Trung Quốc coi khu vực này là nơi thân thiện về mặt chính trị để đặt cơ sở sản xuất ở nước ngoài. Bên cạnh đó, một số công ty có vốn đầu tư của Trung Quốc ở Đông Nam Á cũng có thể tận dụng các mối quan hệ thương mại thuận lợi hơn của các nước ASEAN với phương Tây.

Tuy nhiên, các chuyên gia nhận định, những khoản đầu tư này có thể là một điều may mắn và cũng là thách thức cho Đông Nam Á khi làm sâu sắc thêm sự phụ thuộc kinh tế của khu vực vào Trung Quốc trong bối cảnh quốc gia này đang mở rộng tầm ảnh hưởng chính trị.

Theo Emil Radhiansyah, giảng viên quan hệ quốc tế tại Đại học Paramadina của Indonesia, sự phụ thuộc kinh tế ngày càng tăng vào Trung Quốc cũng có thể trở thành nguồn gốc gây căng thẳng trong nội bộ các nước ASEAN, trong bối cảnh khối này đang ngày càng rạn nứt vì cuộc khủng hoảng chính trị ở Myanmar.

Có thể bạn quan tâm

  • ASEAN BAC 2023: Vị thế Đông Nam Á - Dấu ấn Việt Nam

    ASEAN BAC 2023: Vị thế Đông Nam Á - Dấu ấn Việt Nam

    02:00, 01/10/2023

  • Điều gì cuốn hút các doanh nghiệp ASEAN vào châu Phi?

    Điều gì cuốn hút các doanh nghiệp ASEAN vào châu Phi?

    03:30, 27/09/2023

  • “Cú hích” từ ASEAN QR code

    “Cú hích” từ ASEAN QR code

    12:00, 23/09/2023

  • Việt Nam và dấu ấn tại ASEAN BAC 2023

    Việt Nam và dấu ấn tại ASEAN BAC 2023

    13:43, 21/09/2023

  • Củng cố tiềm năng tăng trưởng của ASEAN

    Củng cố tiềm năng tăng trưởng của ASEAN

    11:00, 17/09/2023

(0) Bình luận
Nổi bật
Mới nhất
Trung Quốc "mạnh tay" đầu tư xanh vào ASEAN
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO