Trung Quốc muốn gì khi đưa hơn 1.600 tàu cá ra Biển Đông?

LAM SONG 17/08/2020 15:57

Ngay sau khi lệnh cấm đánh bắt cá do Trung Quốc đơn phương áp đặt ở Biển Đông và biển Hoa Đông hết hiệu lực, hơn 16.000 tàu cá Trung Quốc đã ồ ạt tràn xuống Biển Đông.

Tàu cá Trung Quốc luôn ra khơi theo từng nhóm lớn - Ảnh chụp màn hình SCMP

Tàu cá Trung Quốc luôn ra khơi theo từng nhóm lớn - Ảnh chụp màn hình SCMP

Lệnh cấm đánh bắt cá mùa hè do Trung Quốc đơn phương áp đặt tại khu vực Biển Đông đã hết hiệu lực vào ngày 16/8.

Trước khi hơn 1.600 tàu cá Trung Quốc ồ ạt tràn xuống Biển Đông, nhiều làng chài phía nam Trung Quốc đã làm lễ trước khi ra biển. Theo đó, trên các cảng cá, hoạt động chuyển lương thực diễn ra tấp nập song song với các màn múa lân. 

Trong thông báo phát ngày 16/8, chính quyền Hải Nam cho biết "sẽ sử dụng hệ thống định vị Bắc Đẩu để liên tục phát các cảnh báo tránh va chạm tới tàu cá trên Biển Đông".

Trung Quốc đã đơn phương áp đặt các biện pháp cấm đánh bắt hải sản trên Biển Đông và biển Hoa Đông hồi tháng 5/2020 với lý do bảo vệ nguồn lợi hải sản. Hành động của Trung Quốc đã vấp phải sự phản đối mạnh của Việt Nam khi khu vực cấm đánh bắt nằm trong vùng biển của Việt Nam.

Tại buổi họp báo hôm 8/5, Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Lê Thị Thu Hằng nêu rõ: “Việt Nam có đầy đủ bằng chứng lịch sử và cơ sở pháp lý khẳng định chủ quyền của mình đối với quần đảo Hoàng Sa và quần đảo Trường Sa phù hợp luật pháp quốc tế”. 

"Là quốc gia ven Biển Đông và thành viên Công ước của Liên Hiệp Quốc về Luật Biển năm 1982, Việt Nam có chủ quyền, quyền chủ quyền và quyền tài phán tại các vùng biển của mình được xác lập phù hợp Công ước đồng thời cũng được hưởng các quyền lợi hợp pháp khác trên biển theo quy định của Công ước" - bà Lê Thị Thu Hằng khẳng định.

Người phát ngôn Bộ Ngoại giao nhấn mạnh: "Việt Nam bác bỏ quyết định đơn phương này của phía Trung Quốc. Trong bối cảnh quốc tế và khu vực hiện nay, Việt Nam đề nghị phía Trung Quốc không làm phức tạp thêm tình hình Biển Đông".

Cùng thời điểm này, các chuyên gia quốc tế cũng đã lên tiếng chỉ trích lệnh cấm đánh bắt mà Trung Quốc đơn phương áp đặt ở Biển Đông, sau hàng loạt các hoạt động bồi đắp, bành trướng trong khu vực.

Ông Gregory Poling - Giám đốc Sáng kiến Minh bạch Hàng hải châu Á thuộc CSIS khẳng định Trung Quốc đã phá hủy khoảng 40.000 mẫu rạn san hô để xây dựng các đảo nhỏ. Dẫn số liệu từ báo chí Philippines, ông Poling cho biết, năm ngoái, các hoạt động thu hoạch ngao khổng lồ của tàu thuyền Trung Quốc đã làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến các rạn san hô quanh bãi cạn ở Biển Đông.

Trong khi đó, ông Hunter Stires - Trung tâm Nghiên cứu Lịch sử Hàng hải Mỹ John B. Hattendorf (thuộc Đại học Hải chiến Mỹ) nhận định: “Trung Quốc gây tai tiếng với việc ‘lát gạch’ trên hơn 3.200 mẫu rạn san hô để tạo ra một loạt đảo nhân tạo được quân sự hóa ở quần đảo Trường Sa”.

Ông Hunter Stires nói thêm rằng hoạt động đánh bắt bằng lưới cào của các đội tàu đánh cá khổng lồ của Trung Quốc đã phá hủy những vùng đáy biển ở vùng đặc quyền kinh tế của các quốc gia khác. Trung Quốc thậm chí đã dùng tàu lắp hệ thống chân vịt để phá hủy các rạn san hô ở bãi cạn Scarborough (mà Philippines tuyên bố chủ quyền) với mục tiêu là đánh bắt loài ngao khổng lồ đang bị đe dọa tuyệt chủng.

Ông Hunter Stires cho rằng đằng sau “lệnh cấm đánh bắt cá” là ý đồ của Trung Quốc tiến tới một trật tự “khép kín, không tự do và theo chủ nghĩa Đại Hán (tức là coi Trung Quốc là trung tâm của thế giới )” ở Biển Đông. “Để biến tầm nhìn tham vọng của mình thành hiện thực, Trung Quốc đang nỗ lực áp đặt tham vọng và luật pháp của nước mình lên ngư dân của các quốc gia khác”. - Ông Hunter Stires nói thêm.

Trung Quốc đã đơn phương áp đặt lệnh cấm đánh bắt cá trên Biển Đông từ năm 1999 nhưng theo Tân Hoa xã, "chưa năm nào nghiêm khắc như năm nay". Truyền thông nhà nước Trung Quốc cho biết một loạt công nghệ mới đã được sử dụng để giám sát lệnh cấm từ định vị vệ tinh, giám sát thông qua video trực tiếp và big data.

Theo phân tích của các chuyên gia, mặc dù lệnh cấm này của Trung Quốc đánh thẳng vào nhu cầu khai thác hải sản của ngư dân các nước trong vùng, nhưng thực tế đây là một trong những mắt xích quan trọng trong mưu đồ độc chiếm Biển Đông.

Một mặt, Trung Quốc muốn thể hiện việc thực thi chủ quyền một cách liên tục trong vùng biển đường lưỡi bò mà Bắc Kinh tuyên bố yêu sách. Đến năm 2009, Trung Quốc đệ trình lên tổng thư ký Liên Hợp Quốc Công hàm số CML/17/2009 có bản đồ đường lưỡi bò. Dù yêu sách này được chứng minh “không thể chối cãi” là không có giá trị pháp lý sau phán quyết của Tòa Trọng tài 2016, nhưng Bắc Kinh duy trì “mùa cấm đánh bắt” để bảo lưu sự phi pháp của họ.

Mặt khác, Trung Quốc muốn các nước “làm quen” với “mùa cấm đánh bắt”. Trong khi Trung Quốc thất thế trên mặt trận pháp lý, nước này đẩy mạnh việc sử dụng các lực lượng hải quân, hải cảnh, dân quân biển (hay tàu cá có vũ trang) để đe dọa, va đâm, ép buộc ngư dân các nước từ bỏ các ngư trường. Việc này đánh vào tâm lý để tạo thói quen đối với ngư dân các nước rằng “hễ tháng 5 về thì đừng vào Biển Đông”. Về mặt thực địa, nếu ngư dân các nước sợ hãi và tránh né thì Trung Quốc sẽ chiếm thế thượng phong, tạo đà thể chế hóa sự quản lý.

Mặc dù đã bị Việt Nam và nhiều nước trên thế giới phản đối, song Trung Quốc vẫn từng bước thực hiện tham vọng của mình. Việc đưa hơn 1.600 tàu cá tràn xuống Biển Đông mới đây là một minh chứng rõ ràng cho sự ngang ngược, bất chấp luật pháp quốc tế của Trung Quốc.

Chính vì vậy, ngoài việc phản đối và tuyên truyền cách hành xử sai trái của Trung Quốc cho cả thế giới đều biết, Việt Nam nói riêng và các nước khu vực nói chung cần phải nâng cao năng lực quốc phòng và dân sự trên biển. Trong đó, các đội tàu cá phải được hiện đại hóa, sành sỏi các giải pháp, kịch bản ứng phó các tàu Trung Quốc.

Bên cạnh đó, các quốc gia nên tuần tra chung để hỗ trợ, bảo vệ hoạt động đánh cá hợp pháp của ngư dân. Việc chia sẻ thông tin tình báo để cùng nhau phối hợp ứng phó với Trung Quốc dựa trên tinh thần luật pháp quốc tế là vô cùng quan trọng.

Có thể bạn quan tâm

  • Cái giá phải trả cho âm mưu chiếm đoạt Biển Đông của Trung Quốc

    06:50, 15/08/2020

  • “Cây gậy" và "củ cà rốt” trên Biển Đông

    06:20, 05/08/2020

  • Điều gì đằng sau lập trường cứng rắn của Úc về Biển Đông?

    07:00, 04/08/2020

  • Việt Nam nên ứng phó thế nào với xung đột trên Biển Đông?

    07:10, 01/08/2020

  • Nước Mỹ hành động gì sau tuyên bố bác bỏ yêu sách của Trung Quốc ở Biển Đông?

    06:58, 29/07/2020

  • ASEAN đã sẵn sàng “đứng lên” trước Trung Quốc ở Biển Đông?

    07:20, 25/07/2020

  • Mỹ bác bỏ yêu sách của Trung Quốc ở Biển Đông: Không chỉ là tuyên bố suông!

    03:00, 23/07/2020

(0) Bình luận
Nổi bật
Mới nhất
Trung Quốc muốn gì khi đưa hơn 1.600 tàu cá ra Biển Đông?
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO