Có những cái “chết” không phải vì bệnh, mà đã đến lúc chúng phải được “tái cơ cấu” để phù hợp với tân chính sách, mục tiêu 100 năm lần thứ 2.
>>Evergrande vỡ nợ và bài học cho Việt Nam
Vỡ nợ trong nền kinh tế thị trường vốn xảy ra như cơm bữa, nhưng đạt đến con số nợ trên 300 tỷ USD như “đại gia” bất động sản Trung Quốc, Evergrande quả là xưa nay hiếm. Là một doanh nghiệp tư nhân, Evergrande lấy tiền ở đâu? Huy động bằng cách nào?
Không chỉ là Evergrande, mà hệ thống doanh nghiệp Trung Quốc rất dồi dào tiền bạc, sẵn sàng nhận lệnh của Nhà nước đi đầu tư, cho vay khắp thế giới thông qua hai Ngân hàng Eximbank và CDB. Môt câu hỏi như cũ, nhưng lớn hơn: Làm thế nào để Trung Quốc, một quốc gia đang phát triển (cách đây gần 1 thập kỷ) có thể trở thành thế lực tài chính hùng mạnh khi cả thế giới chìm trong khủng hoảng tài chính? Tiền ở đâu ra? Huy động bằng cách nào?
Nhiều năm qua, Trung Quốc luôn duy trì trên 800 triệu người trong độ tuổi lao động - hay nói cách khác có khối lượng người khổng lồ làm ra tiền, chưa kể hàng chục triệu người cao tuổi, hưu trí thu nhập đều đặn hàng tháng.
Chính sách an sinh của Trung Quốc được thiết kế để người dân bỏ tiền vào ngân hàng, đó là một khung khổ ép buộc dựa trên vỏ bọc luật pháp, thể chế. Nói đúng hơn, chính người dân Trung Quốc chi trả cho giấc mơ đại cường, tài trợ vô điều kiện cho mộng bành trướng mang tên Trung Hoa.
Các ngân hàng Eximbank, CDB tự huy động vốn bằng cách phát hành trái phiếu cho ngân hàng thương mại mua. Một cách làm đối nghịch với FED, thường xuyên thu mua trái phiếu, nới lỏng định lượng (QE) để ổn định lãi suất, giúp doanh nghiệp và người dân dễ tiếp cận với tín dụng hơn.
Theo một nghiên cứu của tác giả cuốn sách “Đạo quân Trung Quốc thầm lặng” Joan Pablo Cadernal, người dân Trung Quốc tiết kiệm khoảng 40% thu nhập của họ. Đặc tính người Hoa vốn rất thích kinh doanh kiếm tiền và tiết kiệm. Đây cũng là lý do giúp giải thích vì sao các cộng đồng người Hoa trên thế giới rất giàu có và đoàn kết.
Số tiền gửi khổng lồ này kết hợp với các điều kiện mà những chuyên gia kinh tế gọi là “áp chế tài chính”, người gửi tiền chịu lãi suất rất thấp, giúp tạo ra dòng vốn rất cạnh tranh cho nhà băng.
Chính phủ Trung Quốc kiểm soát chặt chẽ dịch vụ tài chính trong nước, người dân không có nhiều lựa chọn kênh đầu tư. Chủ biên cuốn sách nói trên kết luận “Tổn thất tài chính mà người dân Trung Quốc gánh chịu trùng khớp với nhu cầu của doanh nghiệp Trung Quốc sử dụng số tiền này để đầu tư”.
Những ngân hàng đầy ắp tiền mặt giúp doanh nghiệp dễ dàng tiếp cận với giá rất rẻ. Evergrande là một trong số đó, họ sinh ra và lớn lên trong môi trường đầy ắp tiền nên đã vay rất rất nhiều tiền đầu tư ngoài ngành như xe điện, giải trí, dịch vụ,…
>>Evergrande đã tìm ra lối thoát cửa tử
Lượng tiền cơ sở trong nền kinh tế nên giữ không quá lệch pha so với nhu cầu tiền tệ, nhu cầu tiền tệ được quyết định bởi giá cả hàng hóa. Nhưng Trung Quốc đã sử dụng “đòn bẩy tài chính” để hiện thực hóa “đại nhảy vọt”.
Những Evergrande, Alibaba, Tencent, Ant từng một thời là “con cưng” của nền kinh tế Trung Quốc, là cánh tay đắc lực phục vụ chiến lược “để một số người giàu lên trước” do ông Đặng Tiểu Bình đề xuất.
Bây giờ ông Tập Cận Bình muốn định vị dấu ấn của chính mình bằng khẩu hiệu “thịnh vượng chung”, theo nghĩa hẹp “lấy của nhà giàu chia cho người nghèo”. Bắt buộc khối kinh tế tư nhân chơi theo luật mới, trách nhiệm chính trị cao hơn, do Đảng cộng sản Trung Quốc vẽ ra chứ không phải do thị trường quyết định.
Từ năm ngoái, Bắc Kinh bắt đầu “bẻ tay chân” của những doanh nghiệp khổng lồ, một loạt “sếp” lớn tư nhân bị “phong sát”. Có thể nói, những tập đoàn ấy - “chết” không phải vì bệnh, mà đã đến lúc chúng phải được “tái cơ cấu” để phù hợp với tân chính sách, mục tiêu 100 năm lần thứ 2.
Có thể bạn quan tâm