Hội nghị toàn thể lần thứ 6 BCH TW Đảng Cộng sản Trung Quốc khóa XIX đã thông qua Nghị quyết lịch sử thứ 3 sau 100 năm thành lập.
>>Trung Quốc sẽ "thống nhất" Đài Loan?
Diễn đàn Doanh nghiệp đã có cuộc trao đổi với TS. Phạm Sỹ Thành - Giám đốc Chương trình Nghiên cứu Chiến lược Mekong- Trung Quốc, Học viện Nông nghiệp Việt Nam xung quanh vấn đề này.
- Các chuyên gia cho rằng Nghị quyết lần này của Đảng Cộng sản Trung Quốc sẽ giúp ông Tập Cận Bình củng cố quyền lực bằng cách thiết lập tầm nhìn đối với Trung Quốc trước thềm Đại hội năm tới. Quan điểm của ông về vấn đề này như thế nào?
Kể từ Đại hội 18 cho đến nay, vai trò cá nhân của ông Tập Cận Bình với tư cách là Tổng Bí thư Đảng Cộng sản (ĐCS) Trung Quốc và Chủ tịch nước đã liên tục được củng cố về mặt pháp định. Đầu tiên, từ Đại hội 19, tư tưởng của ông Tập đã được đưa vào khẩu hiệu rất quan trọng của ĐCS Trung Quốc.
Thứ hai, việc sửa đổi Hiến pháp cho phép ông Tập Cận Bình duy trì chức vụ Chủ tịch nước vô thời hạn. Điều đó cho thấy ông Tập đã có vị trí lịch sử trong ĐCS Trung Quốc.
Ngoài ra, Hội nghị Trung ương 6 là dịp để ông Tập củng cố địa vị cá nhân nhưng trong vai trò một kiến trúc sư mở ra "kỷ nguyên mới" trong quá trình phát triển của ĐCS Trung Quốc. Điều này được thể hiện rất rõ trong Thông cáo Hội nghị Trung ương 6, nhấn mạnh sự lãnh đạo của ông Tập là "yếu tố then chốt đối với công cuộc phục hưng vĩ đại của dân tộc Trung Hoa" và cần đánh giá lại lịch sử Đảng để kiên định duy trì vai trò hạt nhân của ông Tập trong BCHTW và toàn Đảng.
Nghị quyết lần này cũng vạch ra những đường hướng mới giúp Trung Quốc thực hiện "mục tiêu 100 năm" lần hai.
- Yếu tố nào khắc họa rõ nét sự khác biệt giữa Nghị quyết lần này với hai Nghị quyết được ban hành vào năm 1945 và 1981, thưa ông?
Có 3 điểm khác biệt rất đáng chú ý giữa Nghị quyết lần này và hai Nghị quyết trước đó.
>>Trung Quốc đã bành trướng đến mức nào? (Bài 1)
Đầu tiên, tiêu đề của Nghị quyết thời đại Tập Cận Bình đề cập đến "thành tựu và kinh nghiệm" thay vì "một số vấn đề" về lịch sử Đảng như trong tiêu đề Nghị quyết thời Mao Trạch Đông và Đặng Tiểu Bình. Thay đổi này cho thấy ông Tập Cận Bình muốn công chúng trong và ngoài nước đề cao thành tựu trong quá khứ và xây dựng các kế hoạch hướng đến tương lai.
Thứ hai, các Nghị quyết trước đây khôi phục tính chính danh cho vai trò lãnh đạo của ĐCS đối với sự phát triển của Trung Quốc. Còn với Nghị quyết thứ 3, Trung Quốc xác định họ đang bước vào "thời kỳ cơ hội chiến lược" để Trung Quốc có thể "mạnh lên" trong hành trình phục hưng dân tộc Trung Hoa. Với tính chất đó, ông Tập khắc họa mình là người mở rộng ảnh hưởng của tính chính danh của ĐCS.
Thứ ba, ĐCS sẽ lãnh đạo để đưa Trung Quốc trở lại trung tâm vũ đài chính trị thế giới. Chiến lược đối ngoại này sẽ trao cho Bắc Kinh cơ hội nhấn mạnh và ca ngợi quá trình tăng trưởng kinh tế những thập kỷ qua, cũng như lập trường ngoại giao quyết liệt và tham vọng quân sự tăng cao.
- Với việc kêu gọi thúc đẩy “thịnh vượng chung” và “tự chủ”, Trung Quốc sẽ định hướng như thế nào đối với nền kinh tế nước này, cũng như các thành phần kinh tế, doanh nhân, thưa ông?
Với vấn đề “tự chủ” cho thấy sự thiếu hụt của công nghệ lõi khiến nền kinh tế Trung Quốc phải lệ thuộc rất nhiều vào phương Tây trong ngành bán dẫn, công nghệ trí tuệ nhân tạo hay các ngành liên quan đến vật liệu y tế hiện đại…
Trong khi đó, sáng kiến “thịnh vượng chung” nhằm giảm bất bình đẳng kinh tế được đề cập đến như một mục tiêu phải hoàn thành năm 2049.
Mặc dù thông điệp của Hội nghị Trung ương 6 tập trung vào ý thức hệ tư tưởng và học thuyết nhưng phần nào hé lộ khuynh hướng mà Trung Quốc sẽ phát triển theo quỹ đạo trong thời gian tới. Đó có thể là khuynh hướng tập trung vào phân phối lại tài sản giữa các tầng lớp, nhấn mạnh ưu tiên tự chủ công nghệ, đề cao sự dẫn dắt lãnh đạo của Đảng trong các tổ chức kinh tế và tiếp tục duy trì đường lối kinh tế đối ngoại mang tính chất cạnh tranh hơn.
Chính sách thịnh vượng chung sẽ tạo ra nhiều trở lực nhất định đối với kinh tế Trung Quốc, đặc biệt là khu vực kinh tế tư nhân. Với chính sách này, Trung Quốc có thể làm gia tăng quy mô của tầng lớp trung lưu và tạo ra lực hấp dẫn nhất định đối với các nước xuất khẩu hàng hoá, đặc biệt là hàng hoá chất lượng cao. Điều này cũng hàm ý rằng, yêu cầu hàng hoá được nhập khẩu vào Trung Quốc sẽ khắt khe hơn.
Từ năm 2000 đến nay, số lượng doanh nghiệp tư nhân hợp tác hoặc được góp cổ phần bởi quỹ nhà nước đã tăng từ 45.000 – 135.000 doanh nghiệp. Và số vốn quỹ nhà nước đầu tư cho các doanh nghiệp công nghệ tư nhân này cũng tăng từ 14% - 35%. Điều này cho thấy nền kinh tế Trung Quốc đang chuyển hướng và tạo ra sự cạnh tranh gay gắt đối với các tập đoàn và các doanh nghiệp nhỏ nằm ngoài chiến lược dài hạn này.
Quan điểm của Trung Quốc tại Hội nghị Trung ương 6 khoá 19 đã hoàn toàn thay đổi và cho rằng những cạnh tranh với Mỹ là căng thẳng thường trực và không thể tránh khỏi. Từ đó, Trung Quốc đã đề ra những quan điểm mới về an ninh quốc gia tổng hợp và điều này cho thấy, Trung Quốc sẵn sàng hợp tác nhưng cũng không ngại cạnh tranh trực diện để bảo vệ những lợi ích cốt lõi của quốc gia hoặc những lợi ích họ cần phải bảo vệ.
Điều này hàm ý rằng, cục diện kinh tế và trật tự quan hệ quốc tế thời kỳ hậu chiến tranh lạnh có thể diễn biến theo hướng gia tăng những căng thẳng về địa chính trị không chỉ đối với khu vực Châu Á- Thái Bình Dương mà còn đối với những khu vực khác, không chỉ trong lĩnh vực kinh tế mà còn cả trong các định chế đa phương hoặc các diễn đàn đa phương và các thể chế toàn cầu.
Có thể bạn quan tâm
05:00, 25/11/2021
05:20, 24/11/2021
05:02, 24/11/2021
04:00, 24/11/2021
22:19, 23/11/2021