Trung Quốc đang xây dựng một loạt xưởng Lỗ Ban trên khắp châu Phi và châu Á như một phần trong nỗ lực mở rộng sức mạnh mềm của mình.
Hiện có 33 xưởng Lỗ Ban (được đặt theo tên của một nghệ nhân bậc thầy tại Trung Quốc) trải rộng trên 29 quốc gia, cung cấp dịch vụ đào tạo trong các lĩnh vực từ công nghệ sản xuất tiên tiến đến ẩm thực và y học Trung Quốc.
Theo Bộ Giáo dục Trung Quốc, hơn 10.000 sinh viên từng học tại các trung tâm đã tốt nghiệp với bằng cấp từ các trường đại học trực thuộc và hơn 22.000 người đã được đào tạo nghề tại các xưởng Lỗ Ban.
Chương trình này lần đầu tiên được triển khai tại Thái Lan vào năm 2016, với một học viện cung cấp đào tạo trong lĩnh vực cơ điện, xe năng lượng mới và kỹ thuật "Internet vạn vật", theo sáng kiến của chính quyền thành phố Thiên Tân.
Từ đó, dự án này được coi là một dự án quốc gia dưới sự giám sát của Bộ Giáo dục, sẽ mang tiêu chuẩn, mô hình, thiết bị và chương trình giáo dục nghề nghiệp của Trung Quốc đến các quốc gia tham gia.
Cơ quan viện trợ nước ngoài chính của Trung Quốc gần đây cho biết Xưởng Lỗ Ban tại Ethiopia có trụ sở tại Addis Ababa đã được Liên minh châu Phi chỉ định là trung tâm đào tạo kỹ năng chất lượng cao cho toàn bộ lục địa châu Phi.
“Cho đến nay, xưởng Lỗ Ban đã thực hiện thành công 5 chương trình đào tạo, mang lại lợi ích cho gần 200 tài năng giáo dục nghề nghiệp từ Ethiopia, Kenya, Tanzania và các quốc gia khác”, Cơ quan Hợp tác Phát triển Quốc tế Trung Quốc viết trong một bài đăng gần đây trên Facebook.
Wallelgn Yonas Akele, một trong những giáo viên tại xưởng Lỗ Ban cho biết: “Những gì chúng tôi dạy tại xưởng rất thực tế và sinh viên ở đây có thể phát triển toàn diện cả về mặt trí tuệ và kỹ năng thực tế”.
Ông Wallelgn nói thêm, hơn 300 sinh viên trong độ tuổi từ 20 đến 28 đang theo học các chương trình nghề khác nhau tại xưởng Lỗ Ban tại Addis Ababa. “Sau khi tốt nghiệp, tôi tin tưởng rằng họ có thể dễ dàng tìm được việc làm tại các công ty công nghệ ở Ethiopia”, ông cho biết.
Giới quan sát cho biết, các thiết bị tại xưởng Lỗ Ban được Trung Quốc tài trợ và các hướng dẫn viên kỹ thuật người Trung Quốc đã hướng dẫn cách sử dụng các thiết bị đó cho giáo viên. Điều này góp phần giúp Trung Quốc quảng bá công nghệ và tiêu chuẩn của mình sang các nước đang phát triển.
Bên cạnh đó, không giống như Viện Khổng Tử, nơi cung cấp chương trình giáo dục tiếng Trung nhưng phải đối mặt với sự giám sát chặt chẽ ở các nước phương Tây, các xưởng Lỗ Ban phải đối mặt với ít thách thức hơn.
Zhao Zhiqun, một chuyên gia về giáo dục nghề nghiệp tại Đại học Sư phạm Bắc Kinh cho biết: “Giáo dục nghề nghiệp có lợi thế cố hữu trong việc thúc đẩy trao đổi và hợp tác nước ngoài khi tập trung vào các kỹ năng, giảm sự nhạy cảm và thúc đẩy việc làm”.
Chuyên gia này cũng nói thêm, các xưởng Lỗ Ban có thể có tác động tích cực đến việc đạt được bình đẳng xã hội và thịnh vượng kinh tế ở các nước đang phát triển thông qua việc đào tạo nhân tài trong các lĩnh vực quan trọng; cũng như xây dựng hình ảnh tích cực và có trách nhiệm của Trung Quốc như một quốc gia lớn trong lĩnh vực ngoại giao.
"Trên thực tế, hợp tác quốc tế trong đào tạo giáo dục bậc tiểu học và trung học chịu ảnh hưởng sâu sắc bởi các yếu tố ý thức hệ, khiến việc phối hợp trong môi trường quốc tế phức tạp ngày nay trở nên khó khăn", ông Zhao cho biết.
Giáo dục nghề nghiệp được tích hợp chặt chẽ với phát triển kinh tế. Đặc biệt, trọng tâm của giáo dục nghề nghiệp của Trung Quốc tại các xưởng Lỗ Ban cũng phần nào phục vụ các doanh nghiệp Trung Quốc khi mở rộng thị trường ra nước ngoài, bằng cách bồi dưỡng nguồn nhân lực địa phương hiểu ngôn ngữ và văn hóa Trung Quốc, đồng thời sở hữu kỹ năng chất lượng cao.