Trung Quốc đang dần tăng cường tổ chức các phái đoàn doanh nghiệp ra nước ngoài, cố gắng phục hồi lại chuỗi cung ứng vốn đã bị đứt gãy từ một vài năm nay.
>>COVID-19 lại thử thách khả năng của Trung Quốc
Hiện nay, nhu cầu tìm kiếm khách hàng mới đang trở nên cấp bách hơn với các doanh nghiệp Trung Quốc khi chứng kiến thị phần sản phẩm của mình tại Hoa Kỳ bị thu hẹp kể từ khi chính quyền Trump áp đặt mức thuế 25% đối với hàng hóa nhập khẩu từ Trung Quốc.
“Không chỉ Mỹ, nhu cầu từ châu Âu cũng đang giảm. Chiến sự Nga- Ukraine và cuộc khủng hoảng năng lượng đang ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất, kinh doanh của chúng tôi,” một số doanh nghiệp Trung Quốc trao đổi với SCMP.
Do nỗ lực củng cố ngành công nghiệp trong nước cùng sự gián đoạn sản xuất do các biện pháp kiểm soát đại dịch nghiêm ngặt của Trung Quốc đã thúc đẩy Mỹ và châu Âu tìm kiếm của các nhà cung cấp thay thế. Theo dữ liệu từ Descartes, một công ty tư vấn hậu cần, nhập khẩu container của Mỹ trong tháng 10/2022 đã tăng 0,2% so với tháng 9. Nhưng nhập khẩu container từ Trung Quốc giảm 5,5%. Sự sụt giảm nhập khẩu của Mỹ từ Trung Quốc được bù đắp bằng sự gia tăng từ Thái Lan, Hàn Quốc, Nhật Bản và các nước khác.
Chính quyền tại các tỉnh, địa phương tại Trung Quốc đang đẩy mạnh tổ chức các phái đoàn doanh nghiệp ra nước ngoài nhằm tìm kiếm thêm các đơn đặt hàng xuất khẩu cũng như đầu tư nước ngoài vốn đã giảm mạnh do chính sách zero Covid của nước này trong những năm vừa qua.
Trong hai tháng qua, các quan chức chính phủ Trung Quốc đã đi cùng các nhà xuất khẩu và nhà sản xuất từ các tỉnh Chiết Giang, Giang Tô và Quảng Đông - là những trung tâm xuất khẩu lớn - và từ các vùng trọng điểm kinh tế lớn như Tứ Xuyên và Sơn Đông để tham dự các hội chợ thương mại và xây dựng các mối quan hệ mới ở Châu Âu, Trung Đông, các nước Châu Á khác và Châu Phi. Đây là chuyến công du nước ngoài đầu tiên của các quan chức này kể từ khi dịch COVID-19 lần đầu tiên xuất hiện vào cuối năm 2019.
Theo ông Gao Zhendong, một nhà đầu tư và tư vấn cho các doanh nghiệp Trung Quốc tìm kiếm cơ hội đầu tư vào lĩnh vực công nghiệp và tài chính ở các nước Đông Nam Á trong những năm gần đây cho biết trên SCMP: “Đó là một tín hiệu cần thiết và tích cực đối với các nhà đầu tư, các nhà sản xuất, xuất khẩu trên cả nước. Chúng tôi mong đợi một sự bùng nổ lớn hơn trong các hoạt động thương mại như vậy vào đầu năm 2023.”
>>Trung Quốc mở cửa, doanh nghiệp Việt Nam cần chú ý gì?
Ngoài việc trợ cấp một số chi phí chuyến bay và khách sạn, các chuyến đi do chính quyền Trung Quốc tổ chức gần đây cũng đảm bảo rằng việc xin thị thực sẽ diễn ra suôn sẻ và sẽ có các chuyến bay khứ hồi. Điều này rất quan trọng đối với những người đang cân nhắc việc mạo hiểm ra nước ngoài.
Theo khảo sát một số doanh nghiệp của Trung Quốc, mở rộng thị trường ở Trung Đông và Đông Nam Á là mục tiêu chính của các doanh nghiệp. Chính vì vậy, chính quyền các tỉnh, địa phương đang nỗ lực kết nối với một số nước như Indonesia, Việt Nam và khu vực Trung Đông để tổ chức các buổi tiếp xúc doanh nghiệp trực tiếp ngay từ những ngày đầu năm 2023.
Mặc dù vậy, các nhà xuất khẩu và một số chuyên gia kinh tế cho biết, những "vết sẹo" do thời gian dài bị cô lập vì COVID-19 có thể không được xóa mờ ngay lập tức, đặc biệt là trong bối cảnh nhu cầu từ các nền kinh tế phát triển đang suy giảm do suy thoái kinh tế đang dần manh nha xuất hiện và quá trình đa dạng hóa chuỗi cung ứng khỏi Trung Quốc đang tăng tốc.
“Sẽ cần có thời gian để Trung Quốc "vá" lại chuỗi cung ứng. Quá trình này sẽ không diễn ra nhanh chóng", ông Christian Roeloffs, đồng sáng lập kiêm Giám đốc điều hành của Container xChange nhận định và cho biết thêm: “Thế giới sẽ tiếp tục chứng kiến những nỗ lực nhằm đa dạng hóa nguồn cung ứng bên ngoài Trung Quốc".
Chuyên gia này đánh giá, khi làn sóng dịch COVID-19 trở nên nghiêm trọng hơn và làm gián đoạn các hoạt động sản xuất, chính phủ Trung Quốc cần phải hành động nhiều hơn nữa để khôi phục niềm tin của khách hàng nước ngoài vào chuỗi cung ứng.
“Điều đó cần rất nhiều sự chuẩn bị và hỗ trợ từ chính phủ Trung Quốc để các doanh nghiệp nước ngoài có thể thấy rằng chính phủ Trung Quốc đã đưa ra các chính sách thực tế hơn để đảm bảo rằng chuỗi cung ứng sẽ không bị gián đoạn và đứt gãy", ông Roeloffs nói.
Có thể bạn quan tâm