Việc Trung Quốc cho phép thí điểm đánh thuế bất động sản đã một lần nữa khiến dư luận xới lại sắc thuế đã “lỡ hẹn” hàng thập kỷ tại Việt Nam.
Ủy ban Thường vụ Đại hội đại biểu Nhân dân toàn quốc (tức Quốc hội) Trung Quốc cho biết nước này sẽ thí điểm đánh thuế bất động sản ở một số khu vực. Quốc vụ viện (tức Chính phủ) Trung Quốc sẽ xác định khu vực nào tham gia chương trình thí điểm này và các chi tiết khác.
Theo Tân Hoa xã, thuế bất động sản sẽ áp dụng với tất cả các loại bất động sản nhà ở và không phải nhà ở tại các vùng thí điểm (ngoại trừ một số loại hình nhà ở nông thôn). Người nộp thuế là người giữ quyền sử dụng đất và chủ sở hữu nhà ở. Đề án thí điểm dự kiến kéo dài 5 năm sau khi Quốc vụ viện Trung Quốc công bố các chi tiết.
Theo quan sát của giới chuyên gia, hiện nay Trung Quốc đang đẩy mạnh các biện pháp chống đầu cơ bất động sản. Từ lâu, Trung Quốc đã cân nhắc việc áp thuế bất động sản (BĐS) trên toàn quốc để kiểm soát bong bóng bất động sản của nước này và kiềm chế tình trạng đầu cơ nhà ở quá mức.
Thông tin về động thái này của Trung Quốc, hãng tin Reuters cho biết giá nhà trung bình ở Trung Quốc đã tăng hơn 2.000% kể từ khi tư nhân hóa thị trường nhà ở vào những năm 1990, theo đó, giá cả so với thu nhập của người dân ở nhiều thành phố trên cả nước cao hơn nhiều so với các thành phố phương Tây như New York và London, nơi giá BĐS vốn đã được coi là quá cao.
Các chuyên gia nhận định việc Trung Quốc đưa ra đề xuất này vào thời điểm nhạy cảm khi thị trường BĐS của Trung Quốc đang chịu áp lực rất lớn sau các khoản nợ khó đòi từ Chính phủ và những rắc rối tài chính của một trong những nhà phát triển BĐS lớn nhất quốc gia - China Evergrande khiến doanh số bán nhà ở đã giảm 17% trong tháng 9 và giá nhà giảm lần đầu tiên sau 6 năm, trang tin Bloomberg đưa tin.
Trước động thái trên của Trung Quốc, các chuyên gia trong nước chia sẻ nhận định về khả năng chưa có tác động ngay lập tức đến chính sách trong nước nhưng ít nhiều sẽ “phả” sức nóng giúp tái khởi động lại một chính sách vốn cũng đã dang dở nhiều năm qua tại Việt Nam đó là việc đánh thuế tài sản và bất động sản.
Liên quan đến chính sách thuế tài sản đã nhiều lần lỡ hẹn, cụ thể, từ cuối năm 2009, Dự án Luật Thuế nhà, đất gồm 15 điều đã được Bộ Tài chính đưa ra lấy ý kiến và dự kiến sẽ có thể thông qua tại kỳ họp tháng 5/2010, thế nhưng vì nhiều lý do khác nhau dự án luật thuế nhà đất đã “lỡ hẹn” đến nay.
Là một chuyên gia đã có quan điểm khá rõ ràng về việc cần thiết đổi mới toàn diện Luật thuế bất động sản, GS. TSKH Đặng Hùng Võ, Nguyên Thứ trưởng Bộ Tài nguyên Môi trường cho rằng hệ thống thuế về bất động sản ở Việt Nam đang được đánh giá là không hiệu quả, nguồn thu từ thuế đất quá thấp và thuế không trở thành công cụ điều tiết thị trường.
Theo GS. Đặng Hùng Võ hiện nay theo quy định, không đánh thuế vào tài sản gắn liền với đất mà mới chỉ đánh thuế sử dụng đất, trong đó thuế sử dụng đất nông nghiệp gần như đã bãi bỏ hoàn toàn và thuế sử dụng đất phi nông nghiệp chỉ thu ở mức thấp với thuế suất cơ bản 0,03% giá trị đất đai theo bảng giá của nhà nước (tại các nước công nghiệp tỷ suất thuế cơ bản thường từ 1-1,5% giá trị thị trường).
“Đối với thuế về chuyển quyền bất động sản, Việt Nam đã chuyển sang thuế thu nhập từ chuyển quyền nhưng trên thực tế vẫn thu theo thuế chuyển quyền ở mức 2% giá trị chuyển quyền tính theo bảng giá của nhà nước. Các sắc thuế về bất động sản như vậy chỉ tạo nên khoảng 8% tổng thu từ đất, khoảng 0,8% tổng thu ngân sách nhà nước và khoảng 1,6% tổng thu ngân sách địa phương. Mọi ý nghĩa của thuế bất động sản đều không đạt được, kể cả tạo nguồn thu cho ngân sách nhà nước cho đến các chức năng điều tiết thị trường bất động sản như đầu cơ, sốt giá…” - GS. Đặng Hùng Võ nhận định.
Mặc dù còn nhiều ý kiến trái chiều nhưng theo các chuyên gia, việc ban hành Luật Thuế Tài sản là cần thiết nhằm thu đúng, thu đủ mọi khoản thu vào ngân sách Nhà nước và chống đầu cơ thao túng thị trường nhà đất.
Mới đây, tại phiên họp Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nhắc tới nội dung thu thuế tài sản và gợi ý Thanh Hóa thí điểm, nếu thành công có thể nghiên cứu áp dụng cho Hà Nội, TP HCM.
Tại một tọa đàm do Đại học Kinh tế Quốc dân và Tổng cục Quản lý đất đai, Bộ Tài nguyên và Môi trường tổ chức vào đầu tháng 7/2021 các diễn giả và chuyên gia đã thống nhất quan điểm cần sớm nghiên cứu để đưa ra dự án Luật thuế tài sản.
Phân tích về nguyên nhân việc dự thảo một sắc thuế được cho là phổ biển ở các nước nhưng lại nhiều lần “lỡ hẹn” tại Việt Nam, các chuyên gia cho rằng dự thảo Luật Thuế tài sản năm 2018 không nằm ở độ khó, phức tạp, hay nhạy cảm… mà là một số nội dung điều chỉnh chưa phù hợp và thiếu sự quyết tâm.
Chia sẻ quan điểm về sự cần thiết của việc đánh thuế tài sản, bất động sản, ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội BĐS TP.HCM cho rằng trong bối cảnh Việt Nam vẫn còn gặp không ít khó khăn trong quản lý tài sản dân cư, thị trường BĐS chưa thực sự minh bạch, hệ thống quản lý nhà đất và các giao dịch BĐS còn chưa đầy đủ thì việc tính thuế trên tất cả các tài sản không phân biệt thứ nhất, thứ hai có thể là phương án phù hợp hơn cả.
Liên quan đến việc đánh thuế người sở hữu nhiều nhà đất, ông Châu cho rằng nguyên tắc là người sở hữu nhà đất dùng để ở thì chịu mức thuế thấp nhất. Người sở hữu nhiều nhà đất mà không dùng để ở hoặc không sử dụng để sản xuất, kinh doanh thì chịu mức thuế suất lũy tiến tùy theo số lượng nhà đất sở hữu. Trong trường hợp thị trường BĐS bị đầu cơ có thể áp dụng thuế suất rất cao để triệt tiêu ý chí đầu cơ.
“Sắc thuế này sẽ điều chỉnh và định hướng hành vi mua, bán, chuyển nhượng nhà, đất trên thị trường BĐS hướng đến mục tiêu phát triển lành mạnh, ổn định, vừa đáp ứng đúng nhu cầu thực (mua nhà để ở) của người tiêu dùng, vừa đáp ứng nhu cầu đầu tư kinh doanh của nhà đầu tư thứ cấp (mua nhà đất để đầu tư, cho thuê), vừa vẫn giải quyết được nhu cầu cất giữ tài sản bằng nhà, đất của người dân”, ông Châu phân tích.
Có thể bạn quan tâm
La liệt biệt thự bỏ hoang: Giải pháp đánh thuế là cần thiết
05:00, 07/06/2021
Khó đánh thuế biệt thự bỏ hoang
17:00, 05/06/2021
Đánh thuế biệt thự bỏ hoang: Triệt tiêu đầu cơ, tránh lãng phí tài nguyên đất
05:40, 03/06/2021
Đánh thuế biệt thự bỏ hoang: Nói dễ, khó làm
06:00, 02/06/2021
Đánh thuế cho thuê căn hộ có khả thi?
14:15, 10/05/2021
Khu đô thị “hoang hóa” tại Hà Nội: Đánh thuế để tránh… “đầu cơ”
14:03, 29/04/2021
Đánh thuế hàng năm để trị “sốt đất”
05:00, 16/04/2021