Theo TS. Nguyễn Trí Hiếu, chỉ số ít trong số 100 P2P Lending có thể đáp ứng các tiêu chí mà Dự thảo về cơ chế thử nghiệm có kiểm soát cho Fintech (Sandbox) đã đề ra.
Theo ông, Sandbox sẽ tác động đến thị trường Fintech ra sao, đặc biệt trong lĩnh vực P2P Lending - một trong những kênh cung ứng vốn mới đang được đánh giá rất cao nhưng cũng khá phức tạp về quản lý trên thị trường hiện nay?
Cho vay ngang hàng - P2P Lending (P2P) đã xuất hiện ở Việt Nam một cách rầm rộ từ khoảng 5 năm trở lại đây, nhưng đến nay vẫn chưa có những qui định pháp lý cụ thể và điều này đã phát sinh “không gian” cho các hành vi lừa đảo và tín dụng đen.
Sandbox mà NHNN đang đề xuất là bước khởi đầu để các cơ quan chức năng quan sát sự vận hành của P2P và từ đó dự thảo những qui định pháp luật để điều chỉnh hoạt động đặc thù này. Một doanh nghiệp (DN) được phép tham gia Sandbox được xem là sự chấp thuận của cơ quan chức năng cho phép hoạt động một cách hợp lệ, ít nhất trong thời gian thử nghiệm. Còn DN không nằm trong danh sách có thể bị thị trường đánh giá thấp hoặc được xem là “ngoài vòng kiểm soát”.
Điều này có nghĩa Sandbox sẽ gián tiếp phân loại những công ty P2P Lending đang hoạt động trên thị trường thuộc diện “hợp lệ” hay “không hợp lệ”, và đó là một tín hiệu quan trọng cho nhà đầu tư và bên đi vay khi quyết định tham gia vào hoạt động này.
Cơ chế thử nghiệm Sandbox cho Fintech đã được áp dụng tại nhiều quốc gia ra sao và theo ông, Việt Nam có thể học hỏi hay rút kinh nghiệm được gì từ các quốc gia này?
P2P xuất phát từ nước Anh và đã được phổ biến tại nhiều quốc gia trong vòng 10 năm qua. Hoạt động này phát triển một cách mạnh mẽ tại các quốc gia đang phát triển, đặc biệt là tại khu vực Châu Á, trong đó Trung Quốc là nơi có mức độ phát triển nhanh và mạnh nhất.
Đối với các quốc gia có hệ thống ngân hàng truyền thống “bảo thủ” như Mỹ thì P2P không phát triển mạnh, vì các giới hạn của luật lệ và sự quản lý chặt chẽ của các cơ quan quản lý ngành tài chính ngân hàng.
Thực tế, Việt Nam có thể rút kinh nghiệm và học hỏi trong lĩnh vực P2P từ các quốc gia trong khu vực như Singapore, Malaysia và Trung Quốc…Nếu như hoạt động P2P được kiểm soát chặt chẽ tại Singapore và Malaysia, thì tại Trung Quốc lại bị buông lỏng dẫn đến nhiều công ty P2P phá sản, ngưng hoạt động.
Vẫn còn nhiều tranh luận xung quanh các tiêu chí để xét duyệt DN tham gia Sandbox trong dự thảo của NHNN. Ý kiến của ông về các tiêu chí này?
Các công ty P2P muốn tham gia chương trình Sandbox phải đáp ứng 6 tiêu chí đã được Dự thảo đề ra. Tuy nhiên, những tiêu chí này chưa cụ thể: Ví dụ tiêu chí DN phải đưa ra những giải pháp lần đầu tiên được áp dụng tai Việt Nam, phải có tính sáng tạo cao mang lại lợi ích cho người sử dụng, phải được quản lý rủi ro tốt…là những khái niệm mang tính định tính, có thể đưa ra những cách hiểu và giải thích khác nhau.
Mặt khác, dự thảo này lại không đề ra những cấp độ hoạt động trong lĩnh vực P2P. Theo tôi, doanh nghiệp P2P đang hoạt động tại Việt Nam có thể tạm phân loại theo 4 cấp độ sau đây: chỉ kết nối nhà đầu tư và bên vay (1); có thẩm định khả năng trả nợ hay hoàn vốn của bên vay (2); có qui định lãi suất, phí, thời gian vay, phương pháp trả nợ và các qui định khác liên quan đến nhà đầu tư và bên vay (3); công ty P2P không những kết nối mà được ủy thác vốn và cho vay có giới hạn (4).
Các công ty tham gia Sandbox phải tự phân loại hoạt động của mình theo các cấp độ, và trên cơ sở đó phải xây dựng các sản phẩm và quy trình vận hành cụ thể. Từ những thông tin này, NHNN sẽ duyệt hồ sơ xin tham gia Sandbox của các đơn vị.
Một thiếu sót khác trong Dự thảo là không đề cập đến việc DN P2P có được truy cập thông tin tín dụng với CIC (Trung tâm Thông tin tín dụng quốc gia Việt Nam) hay không. Theo tôi, nên cho phép điều này, với điều kiện có trả phí, bởi đây nguồn thông tin có giá trị cao trong việc đánh giá khách hàng, giúp giảm thiểu rủi ro.
Chỉ số ít doanh nghiệp được “bật đèn xanh”
- Để đáp ứng được đầy đủ những tiêu chí xét duyệt mà dự thảo đưa ra, theo ông, DN P2P phải chuẩn bị những gì?
Để được xét duyệt tham gia Sandbox, trước hết, các DN P2P cần phải hoàn thiện đầy đủ hồ sơ đăng ký theo dự thảo của NHNN bao gồm: Đơn đăng kí tham gia; Giấy phép thành lập hoặc giấy chứng nhận đăng kí doanh nghiệp và không đang trong quá trình chia, tách, hợp nhất, sáp nhập, chuyển đổi, giải thể, phá sản; Văn bản mô tả về cơ cấu tổ chức và quản lý điều hành đối với giải pháp Fintech đăng kí thử nghiệm; Đề án mô tả giải pháp Fintech.
Ngoài ra, các DN P2P Lending cũng nên chuẩn bị các nội dung sau: vốn điều lệ; danh mục các sản phẩm; qui trình kết nối nhà đầu tư và bên vay vốn, vai trò của công ty kết nối tài chính; qui trình quản trị rủi ro; việc kết nối với các ngân hàng để vận hành hoạt động kết nối tài chính; việc kết nối với các công ty công nghệ tài chính quốc tế; vấn đề thu hồi nợ cho nhà đầu tư; vấn đề vay tiền trên cơ sở thế chấp hay tín chấp; vấn đề lãi suất và phí…
- Khoảng bao nhiêu % doanh nghiệp P2P có thể đáp ứng được các tiêu chí nói trên, thưa ông?
Hiện nay thị trường có khoảng 100 công ty P2P, trong đó có khoảng 40 công ty hoạt động trong khuôn khổ pháp luật hiện hành. Theo ước tính của tôi thì trong số 40 công ty này chỉ có một số ít công ty đáp ứng được các tiêu chí mà Dự thảo đã đề ra.
Mặc dù hiện chưa rõ cơ quan nào sẽ phụ trách việc nhận và duyệt xét hồ sơ (NHNN hay Bộ Tài chính hay Bộ Tư pháp hay một cơ quan nào khác), nhưng với những điều kiện đã được nêu lên trong dự thảo thì có thể nói “cửa vào” Sandbox rất hẹp.
- Xin cảm ơn ông!
Có thể bạn quan tâm
Rủi ro tiềm ẩn từ các doanh nghiệp P2P Trung Quốc
06:30, 10/12/2020
Ba vấn đề cần quan tâm trên nền tảng P2P Lending
16:56, 03/11/2020
Doanh nghiệp P2P oằn mình giải bài toán “bùng nợ"
06:00, 24/09/2020
Doanh nghiệp P2P "dài cổ" ngóng cơ chế thử nghiệm
06:00, 15/09/2020
Từ Zalo Bank lại ngóng pháp lý cho P2P
06:00, 01/07/2020