TS Trần Đình Thiên: "Cần xác định đúng vị trí của doanh nghiệp tư nhân!"

Hằng Hà - Ảnh: Nguyễn Long 22/12/2018 16:22

Doanh nghiệp trẻ là "hiện thân" của kinh tế tư nhân và gánh vác vai trò "cứu" nền kinh tế, tuy nhiên định hình vai trò chưa tương xứng và những trói buộc khiến doanh nghiệp không thể phát triển.

Chia sẻ tại Tọa đàm “Doanh nhân trẻ 25 năm cùng khát vọng Việt Nam” chiều ngày 22/12, Chuyên gia kinh tế Trần Đình Thiên nhận định, cột mốc năm 2018 là thời điểm nhìn lại của quá trình phát triển kinh tế đất nước, chuẩn bị cho 20-25 năm tới, đặc biệt với thế hệ doanh nhân trẻ.

Theo TS Trần Đình Thiên,p/vị trí của kinh tế tư nhân hay doanh nghiệp trẻ cần được xác định lại.

Theo TS Trần Đình Thiên, vị trí của kinh tế tư nhân hay doanh nghiệp trẻ cần được xác định lại.

Cấu trúc nền kinh tế “có vấn đề”

Nhìn lại chặng đường trước, ông Thiên cho rằng, 30 năm qua đã thể hiện được sứ mệnh của doanh nhân. Đội ngũ doanh nhân trẻ rất đặc biệt trong sự dịch chuyển kinh tế đất nước so với giai đoạn khủng hoảng kinh tế trước đó.

“Sứ mệnh của kinh tế tư nhân là “cứu” nền kinh tế này, mà kinh tế tư nhân của ta toàn là doanh nghiệp “trẻ”, tức hoàn toàn non nớt. Chưa bao giờ lịch sử phát triển của đất nước lại oai hùng như 30 năm qua. Doanh nhân trẻ phải làm cho lãnh đạo Chính phủ, Bộ, ngành, địa phương hiểu được sứ mệnh đó để họ có thay đổi cách nhìn nhận và hỗ trợ, chứ không phải dựa vào cơ chế xin-cho.” - ông Thiên nhấn mạnh.

Tuy nhiên theo ông Thiên, mặc dù “cứu” nền kinh tế nhưng tư nhân vẫn chưa được công nhận vai trò từ thời điểm 30 năm trước. “Lực lượng kinh tế chủ đạo vẫn là doanh nghiệp nhà nước và doanh nghiệp đầu tư nước ngoài”, ông Thiên chia sẻ và cho rằng đây là việc cần phải suy nghĩ.

Theo ông Thiên, kinh tế của chúng ta đi chậm có nhiều lý do, trong đó có lý do là khu vực tư nhân không được phát triển, doanh nghiệp trẻ không được phát huy hết năng lực. Do đó, ông Thiên cho rằng, ngay cả khi nói “kinh tế tư nhân là động lực quan trọng” cũng là chưa đủ, vị trí của kinh tế tư nhân hay doanh nghiệp trẻ cần được xác định lại.

Cùng với đó, ông Thiên khẳng định, 30 năm qua, có nhiều doanh nghiệp trẻ lớn đã thể hiện được vai trò quan trọng. Thậm chí phải bàn thảo thêm về sứ mệnh của doanh nghiệp, doanh nhân trẻ có là trụ cột?

Bởi, theo ông Thiên, khi nhìn về sự đóng góp của các thành phần kinh tế có thể thấy có thực trạng rất lạ lùng là đóng góp GDP của khu vực hộ gia đình là 32%, doanh nghiệp nhà nước là 27%, doanh nghiệp đầu tư nước ngoài 20%, khu vực doanh nghiệp tư nhân cho đến nay là chưa đến 8%.

“Một nền kinh tế thị trường bình thường thì khu vực kinh tế tư nhân phải 60-70%, ở Mỹ thậm chí là 80%, trong khi đó, của ta, sau 30 năm phát triển kinh tế thị trường, doanh nghiệp tư nhân chỉ đóng góp có 8%. Vấn đề là khu vực đóng góp chủ yếu vào nền kinh tế là hộ gia đình, tức khu vực không chính thức và năng lực còn non yếu. Cùng với đó, khu vực đóng góp lớn thứ hai là nhà nước thì lại được đánh giá là yếu và còn kém hiệu quả. Trong khi đó lực lượng chính, khu vực linh hồn là doanh nghiệp tư nhân lại chỉ có 8%. Điều này cho thấy, cấu trúc nền kinh tế đang có những vấn đề mà khó để cạnh tranh vè hội nhập”, ông Thiên phân tích.

Do đó, theo ông Thiên chúng ta cần cách tiếp cận phát triển doanh nghiệp kiểu khác. Doanh nghiệp tư nhân hay doanh nghiệp trẻ là linh hồn của nền kinh tế, giải quyết các vấn đề phát triển cần được định hình lại sứ mệnh doanh nghiệp trẻ.

Có thể bạn quan tâm

  • "Phát triển kinh tế tư nhân là một bứt phá cho tăng trưởng kinh tế năm tới"

    02:18, 18/12/2018

  • Khu vực kinh tế tư nhân gia tăng cả “chất và lượng”

    Khu vực kinh tế tư nhân gia tăng cả “chất và lượng”

    07:00, 27/11/2018

  • CPTPP sẽ khuyến khích kinh tế tư nhân phát triển

    CPTPP sẽ khuyến khích kinh tế tư nhân phát triển

    12:38, 01/11/2018

  • Kinh tế tư nhân “đầu tàu” phát triển

    Kinh tế tư nhân “đầu tàu” phát triển

    11:14, 16/09/2018

Định hình lại chiến lược phát triển

Đặt vấn đề tại sao sau 30 năm, kinh tế tư nhân hay doanh nghiệp trẻ của Việt Nam vẫn chưa phát triển, ông Thiên cho rằng: "Cần định hình lại chiến lược phát triển kinh tế đặc biệt là kinh tế tư nhân mà hiện hình là doanh nghiệp trẻ. Bởi trói buộc nhiều cơ chế khiến họ không thể lớn được”.

Một lần nữa, vị chuyên gia kinh tế khẳng định, đây là thời điểm Việt Nam cần tận dụng và có chiến lược phát triển doanh nghiệp Việt.

Tọa đàm “Doanh nhân trẻ 25 năm cùng khát vọng Việt Nam” chiều ngày 22/12

Tọa đàm “Doanh nhân trẻ 25 năm cùng khát vọng Việt Nam” chiều ngày 22/12.

Bởi theo ông Thiên, hướng phát triển tương lai của Việt Nam cũng sôi sục, chuẩn bị cho hội nhập nhưng cải cách chậm quá, chưa có giải pháp cụ thể, chưa thực sự đẩy mạnh phong trào khởi nghiệp công nghệ cao… “Khởi nghiệp cũng cần sự tỉnh táo và cảnh báo tránh lãng phí tài nguyên. Những cuộc chơi trong bối cảnh cách mạng 4.0 cần sự nỗ lực bền bỉ và những giải pháp đúng đối tượng, không phải mang tính phong trào”, ông Thiên khẳng định.

Trên thực tế, ông Thiên đánh giá, phong trào khởi nghiệp đang bị hạ thành lập nghiệp, để ai cũng làm được, như vậy vai trò đòn bẩy sẽ giảm đi, cổ động mạnh nhưng cần đúng hướng.

Đặc biệt, theo ông Thiên, kinh tế Việt Nam đang có đà tốt, như chúng ta mới tăng trưởng khoảng 7% nhưng ổn định kinh tế vĩ mô tốt. “Hai năm liền đạt như vậy với cách phát triển ổn định, không hì hục nỗ lực cho tăng trưởng cao mà phải ổn định kinh tế vĩ mô là rất tốt. Như vậy cách đặt vấn đề cho tăng trưởng đã khác và bền vững hơn”, ông Thiên nhận định.

Do đó, giữa bối cảnh kinh tế thế giới đang bất ổn, ông Thiên cho rằng việc trước tiên Việt Nam cần phải làm là giữ ổn định kinh tế vĩ mô. Bởi ổn định kinh tế vĩ mô sẽ là điểm sáng, giữ được lòng tin và hưởng lợi từ thu hút đầu tư và mậu dịch. Khi tạo được niềm tin thì thế đàm phán của Việt Nam cũng sẽ cao lên.

Thứ hai, nỗ lực cho hai năm tới vẫn là cải cách thể chế, đặt ra các mục tiêu cam kết. “Hai Nghị quyết đầu năm của Chính phủ đang được bàn thảo đã được Thủ tướng yêu cầu ghi ngay các việc, chỉ tiêu, cam kết các Bộ phải làm để gây áp lực cho các Bộ, ngành, có chế tài chứ không phải không làm được thì thôi”, ông Thiên cho biết.

Thứ ba, thế giới đang bước sang giai đoạn mới, hai thế lực lớn của kinh tế thế giới đang va chạm tới toàn diện các mặt tài chính, công nghệ… “Điều này làm cấu trúc kinh tế thế giới rung chuyển khi Mỹ và Trung Quốc chiến tranh thương mại, làm các chuỗi dịch chuyển, Việt Nam có bám vào được không? Những dòng đầu tư từ Trung Quốc đang dịch chuyển ra ngoài, vậy họ có vào ta không?”, ông Thiên đặt vấn đề. Bởi theo ông Thiên, những dịch chuyển đó luôn là công nghệ đẳng cấp cao hơn.

“Chúng tôi cho rằng đây là điểm chuyển chứa đựng thời cơ cho Việt Nam bứt lên. Giúp Việt Nam thoát khỏi những ràng buộc vào bên ngoài như đầu tư nước ngoài và dòng xuất nhập khẩu giá trị không cao”, ông Thiên nói..

Phân tích cụ thể, ông Thiên cho rằng, chiến tranh thương mại Mỹ - Trung mấu chốt là tranh giành quyền lãnh đạo, điều phối kinh tế thế giới. Cái gì mà làm Trung Quốc lớn lên thì Mỹ đang tìm cách thu lại. Việt Nam phải phân tích và có phương hướng, doanh nhân trẻ cần nắm bắt cơ hội này.

(0) Bình luận
Nổi bật
Mới nhất
TS Trần Đình Thiên: "Cần xác định đúng vị trí của doanh nghiệp tư nhân!"
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO