TS Vũ Tiến Lộc: Đội ngũ doanh nhân xứng đáng là những anh hùng

THANH TÂM 13/10/2020 11:00

TS Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) khẳng định: Doanh nhân xứng đáng là những dũng sĩ, những anh hùng thời nay.

Bức thư Bác Hồ gửi giới Công thương cách đây tròn 75 năm được lật dở lại, cùng những hình ảnh của Tuần lễ Vàng năm 1945, cuộc gặp gỡ giữa Hồ Chủ tịch với các nhà tư sản Hà Nội ngày 19/8/1945, ngay sau khi Chính phủ lâm thời nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa được thành lập. Đặc biệt, các câu chuyện về cụ Trịnh Văn Bô, cụ Bạch Thái Bưởi, cụ Nguyễn Sơn Hà, cụ Ngô Tử Hạ... – những người đã đóng góp hàng ngàn lượng vàng cho ngân khố, giúp Chính phủ có tiền trong những ngày đầu được nhắc đến...

Tự hào doanh nhân Việt

- Thưa ông, Ngày Doanh nhân Việt Nam năm 2020 thực sự đặc biệt khi cả nền kinh tế đang dồn sức vừa chống dịch bệnh, vừa phục hồi và phát triển kinh tế; doanh nghiệp, doanh nhân cũng đang trong thời khắc khó khăn…

Khi cùng nhau bàn về các hoạt động kỷ niệm Ngày Doanh nhân Việt Nam, chúng tôi nghĩ, cần phải nhìn lại hành trình của doanh nhân Việt.

Chúng ta mới có 16 năm tôn vinh doanh nhân Việt, nhưng những người kinh doanh ở Việt Nam đã có một hành trình dài, đầy vinh quang, nhưng cũng thăng trầm, đầy máu và cả nước mắt.

Ông Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam

Ông Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam

Nhờ có Vua tàu thủy Bắc kỳ Bạch Thái Bưởi, mới có danh tiếng đội tàu của người Việt lan khắp Đông Dương, lan từ Hồng Kông tới Singapore; nhờ có sơn dầu của cụ Nguyễn Sơn Hà mà các hãng sơn của người Pháp, người Hoa phải e dè, chùn bước…

Các cụ đã bắt đầu phá đi tâm lý vốn không trọng người buôn bán, trong xã hội trọng học hành, thi cử…

Điều quan trọng, họ đã khẳng định và lan tỏa khát vọng làm giàu và tính cách độc lập, tự chủ của dân tộc. Nhiều văn bản có ghi lại câu nói của cụ Bạch khi bị các hãng tàu nước ngoài chèn lấn rằng, mình là người Việt, kinh doanh trên đất nước mình, phục vụ cho đồng bào mình thì cớ sao, người Việt Nam lại không ủng hộ mình? Trong vòng 6 năm, Tàu Bưởi đã bắt các đối thủ bỏ cuộc…

Họ là những doanh nhân dân tộc, là những người kinh doanh đặt lợi ích của dân tộc, của đất nước lên trên hết. Đó là lớp doanh nhân muốn gánh vác một phần trách nhiệm lớn của đất nước và cùng đất nước đứng trước những thử thách của thời đại.

Như ông khẳng định: “Chúng ta đang có một thế hệ doanh nhân đặc biệt”. Nhận định này có thể hiểu thế nào, thưa ông?

Ngày nay, những trải nghiệm của cộng đồng doanh nhân Việt, cộng với những chuyển dịch của nền kinh tế trên con đường đi cùng với thế giới, sự đa dạng của văn hóa, phong phú của xã hội... đã hình thành nên giá trị khác biệt của doanh nhân Việt Nam.

Nếu phát huy hết, tôi tin, thế hệ doanh nhân hiện tại không chỉ có những đặc sắc riêng có, mà còn tạo nên sức cạnh tranh mới cho doanh nhân Việt, cho nền kinh tế.

Có thể thấy rõ ngay trong lúc này, khi dịch bệnh đang làm đứt gãy các chuỗi giá trị, kinh tế thế giới vẫn trong thế không thể dự báo, kinh tế Việt Nam vẫn tăng trưởng dương. Phần lớn doanh nghiệp vẫn cố giữ vững, bảo đảm việc làm, thu nhập cho người lao động, tìm kiếm cơ hội, thị trường mới... dù họ không tiếp cận được các gói hỗ trợ của Nhà nước

Tôi thấy chưa bao giờ, doanh nhân Việt lại thực sự đau đáu về các mô hình phát triển, về tái cấu trúc và cả về phát triển bền vững như bây giờ. Họ muốn có mặt trong hành trình đi đến hạnh phúc, thịnh vượng của đất nước

Thế hệ doanh nhân hiện tại có sự khác biệt lớn hơn so với thế hệ đầu tiên, đó là họ chọn kinh doanh vì đam mê, vì muốn được khẳng định giá trị của mình.

Gần đây, khi tôi đọc các cuốn giới thiệu của nhiều doanh nghiệp, tập đoàn tư nhân lớn, họ nói đến trái tim, đến con người, đến cộng sự, người lao động trước khi nói đến khách hàng, đến mục tiêu lợi nhuận... Các doanh nghiệp nhỏ, thậm chí siêu nhỏ cũng thay đổi, tìm cách kết nối với thị trường toàn cầu nhờ cá thể hóa sản phẩm, cá thể hóa khách hàng…

Doanh nghiệp đang dịch chuyển theo mô hình phát triển liên kết, bền vững, bao trùm, thuận thiên, gắn kết giữa công nghệ và truyền thống…, bám theo những định hướng, chiến lược phát triển của đất nước... Và họ cũng mong có môi trường thể chế thuận lợi để thực hiện nhanh các kế hoạch này.

Khát vọng vượt lên

- Nền kinh tế Việt Nam đang trong trạng thái bình thường mới, một phần vì COVID-19, nhưng nhiều chuyên gia kinh tế cho rằng, trạng thái mới của nền kinh tế Việt Nam còn ở nghĩa một chặng đường 5 năm-10 năm mới đang được thiết kế trong bối cảnh mới. Trong trạng thái này, ông có thể nói gì về doanh nhân Việt Nam thời... bình thường mới?

Bàn chủ tọa chương trình đối thoại “Đảng với doanh nhân” - với Chủ đề: “Trách nhiệm của doanh nhân xây dựng đất nước hùng cường - Kiến nghị với Đảng và kỳ vọng của doanh nhân vào Đại hội lần thứ XIII của Đảng.”

Bàn chủ tọa chương trình đối thoại “Đảng với doanh nhân” - với Chủ đề: “Trách nhiệm của doanh nhân xây dựng đất nước hùng cường - Kiến nghị với Đảng và kỳ vọng của doanh nhân vào Đại hội lần thứ XIII của Đảng" diễn ra chiều 9/10.

Lúc này, tôi muốn chia sẻ về sức chống chịu của doanh nghiệp Việt Nam, về khả năng thích nghi, ứng phó với những bất định của thị trường. Tất nhiên, điều đầu tiên phải nói đến Chính phủ đã kiểm soát bệnh dịch rất tốt. Song, COVID-19 đã buộc hàng ngàn doanh nghiệp phải dừng lại, đóng cửa.

Nhưng, nền kinh tế Việt Nam vẫn đang tăng trưởng dương. Phần lớn doanh nghiệp vẫn cố giữ vững, bảo đảm công ăn, việc làm, thu nhập cho người lao động, tìm kiếm cơ hội, thị trường mới... dù họ không thể tiếp cận được các gói hỗ trợ của Nhà nước. Tôi thấy chưa bao giờ doanh nhân Việt lại bàn nhiều và thực sự đau đáu về các mô hình phát triển, về quản trị rủi ro, về tái cấu trúc và cả về phát triển bền vững như bây giờ. Tôi cảm nhận được khát vọng thực sự của họ về sự vượt lên, thay đổi.

Mới đây, tờ Asia Times đã gọi Việt Nam là một ngoại lệ với mức tăng trưởng ấn tượng, nhờ các biện pháp chống dịch nhanh chóng và hiệu quả. HSBC tin rằng, Việt Nam sẽ đạt mức tăng trưởng nhanh nhất khu vực vào năm 2021. Nhiều tập đoàn đa quốc gia cũng đang tìm đến Việt Nam như một điểm đến an toàn, hấp dẫn.

Nếu không có sức chống chịu tốt, phẩm chất linh hoạt của doanh nghiệp, doanh nhân Việt Nam, tôi tin chúng ta không có được những kết quả này. Những tố chất này đang làm nên sức chống chịu của nền kinh tế, hơn thế nữa, tạo nên giá trị cốt lõi năng lực cạnh tranh của Việt Nam. Bây giờ, sự hấp dẫn của Việt Nam không còn chỉ là vị trí địa chính trị, dân số vàng, thị trường nội địa lớn và còn là sức chống chịu, khả năng linh hoạt của doanh nghiệp, doanh nhân Việt Nam.

- COVID-19 như một lần thử lửa và rất có thể, sẽ có những thay đổi lớn trong giới kinh doanh Việt, thưa ông?

Thế hệ doanh nhân Việt bây giờ rất đặc biệt. Họ có trải nghiệm không phải ở nền kinh tế nào cũng có được.

Thế hệ doanh nhân đầu tiên sau Đổi mới, nhiều người ra đời trong chiến tranh, lớn lên trong bao cấp, bị thúc ép làm kinh doanh để thoát nghèo, là nhân chứng trong cuộc của gần như toàn bộ quá trình đổi mới, hội nhập kinh tế của Việt Nam.

Thế hệ thứ hai, một phần là những người kế nghiệp, nhưng phần lớn là người chọn kinh doanh là sự nghiệp, được đào tạo bài bản, tiếp cận với tư duy kinh doanh hiện đại, chuyên nghiệp...

Thế hệ khởi nghiệp sáng tạo đang bừng dậy với nhiều khát vọng được trải nghiệm, được cống hiến.

Tất cả cùng mang trong mình những trải nghiệm, phẩm chất mà ở nhiều quốc gia, phải mất nhiều thế kỷ mới đúc rút được. Đó là tinh thần quyết liệt, khắc khổ, dũng cảm của người lính chiến trong chiến tranh. Đó là sự trăn trở giữa cái mới và cái cũ, giữa lạc hậu, bảo thủ và đòi hỏi sáng tạo của thời đổi mới. Đó là những lấn cấn, chồng lấn cảm xúc giữa văn minh lúa nước, giữa văn hóa Việt Nam, văn hóa phương Đông và kinh tế thị trường hiện đại của thế giới. Đó là sự va chạm giữa công nghệ hiện đại và sự phát triển thuận thiên...

- Điều gì khiến ông nghĩ vậy?

Hãy nhìn vào những lý giải của các doanh nghiệp khi không tiếp cận các gói hỗ trợ doanh nghiệp bị tác động bởi COVID-19. Họ chọn giữ người lao động, chứ không chọn sa thải để được hưởng hỗ trợ.

Hãy nghe các doanh nhân nói về phát triển bền vững một cách thuyết phục, chứ không hề xáo rỗng, lý thuyết.

Lý do thứ nhất, không thực hiện phát triển bền vững, doanh nghiệp không thể bán hàng chocác đối tác khó tính như EU, Nhật Bản, Mỹ. Nhưng lý do chính là tâm thế của đội ngũ doanh nhân đang chuyển hướng.

Tôi có dịp đọc nhiều cuốn sách giới thiệu của doanh nghiệp lớn, họ nói đến con người, nói đến trái tim, nói đến cộng sự, người lao động trước khi nói đến khách hàng. Họ nói đến chinh phục những người đi cùng doanh nghiệp, nhưng lao động cống hiến cho sự phát triển của doanh nghiệp trước khi nói đến chinh phục khách hàng... Họ cũng nói đến cảm xúc hạnh phúc khi mang lại hạnh phúc cho người khác.

Một doanh nghiệp phát triển trên nền tảng hạnh phúc, tuân thủ các tiêu chí phát triển bền vững, thuận với tự nhiên có thể đi chậm những chắc chắn sẽ đến thành công...Hơn thế, thế giới sẽ còn bất thường, có thể sẽ không còn cuộc chiến tranh giữa con người, mà đại họa của môi trường, dịch bệnh, mà COVID-19 có thể là một chỉ báo, chọn con đường phát triển bền vững, dựa trên nền tảng hạnh phúc sẽ tạo nên những sức chống chịu cao, linh hoạt nhưng đầy sức sáng tạo.

Tôi tin đây sẽ là hình ảnh của doanh nhân Việt trong những năm tới mà các nhà hoạch định chính sách, các địa phương cần phải lưu tâm khi xây dựng kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm tới.

Những trải nghiệm của cộng đồng doanh nhân Việt, cộng với những chuyển dịch cả nền kinh tế trên con đường đi cùng với thế giới, sự đa dạng của văn hóa, phong phú của xã hội... đã hình thành nên giá trị khác biệt của cộng đồng doanh nhân Việt Nam. Giá trị này không chỉ phát huy trong bối cảnh COVID-19 hiện tại mà còn trong thế giới đang biến đổi khó lường, làm thay đổi nhiều quy trình, chuẩn mực kinh doanh truyền thống.

Có thể là một câu hỏi ngược dòng, nhưng cũng đang có một bộ phận doanh nhân đang lợi dụng cơ chế, lợi dụng cả công nghệ để kiếm lời...

Doanh nhân - trọc phú có không, có! Người giàu lên nhanh chóng nhờ sân sau, sân trước không ít. Mới đây, hàng loạt doanh nhân lừa đảo bằng công nghệ, làm khổ bao gia đình... Nhưng họ không đại diện cho cộng đồng doanh nhân Việt và đó cũng không phải là con đường của những doanh nhân, doanh nghiệp muốn đi dài. Nhưng ở một góc độ nào đó, sự tồn tại của những người này có lý do từ sự thiếu đồng bộ của cơ chế, chính sách, sự chưa hoàn thiện của thể chế kinh tế thị trường.

Tôi còn nhớ, khi đi trao đổi về những thách thức, cơ hội mà các hiệp định tự do thế hệ mới, như CPTPP, EVFTA mang đến cho doanh nghiệp Việt Nam, nhiều doanh nhân nói với tôi, họ không sợ rủi ro hội nhập, không ngại cạnh tranh khi mở cửa thị trường. Ở Việt Nam, cuộc chiến với rủi ro thể chế mới là điều đáng lo nhất.

- Nhưng rủi ro thể chế cộng với những khó khăn trong kinh doanh có thể sẽ làm niềm tin kinh doanh xói mòn ít nhiều, thưa ông?

Niềm tin của doanh nhân bấp bênh là lỗi của thể chế chưa hoàn thiện, nhưng quan trọng hơn là tư duy, cách ứng xử của nhà nước, của công chức với người kinh doanh. Trong môi trường kinh doanh mà sân trước sân sau chi phối các quyết định đầu tư, kinh doanh; khi mà soi xét các dự án, quyết định đầu tư theo cách lấy giá trị hôm nay để cân đo, đong đếm cho ngày hôm qua; khi mà vẫn còn hình sự hóa các giao dịch kinh tế...hay khi công chức vẫn thờ ơ với khó khăn của người kinh doanh, thì niềm tin kinh doanh khó vững vàng.

Lấy ngay ví dụ là thực hiện các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi COVID-19. Phần lớn doanh nghiệp không tiếp cận được vì các điều kiện, tiêu chí được xây dựng thiếu thực tiễn, các cơ quan quản lý nhà nước không sâu sát với những khó khăn mà người kinh doanh đang đối mặt. Thủ tướng thì sốt ruột nhắc nhở, doanh nghiệp như ngồi trên đống lửa, cơ quan công quyền thì ở đâu đó vẫn ung dung.

Ngay trong nhiệm kỳ này, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã nhiều lần nói “thể chế, thể chế và thể chế”, cùng với nhiều chỉ đạo về cắt giảm quy định làm khó doanh nghiệp. Chính phủ thực sự nhìn thấy nút thắt đang níu kéo khát vọng của doanh nhân, khiến doanh nghiệp Việt Nam khó lớn, khó đi dài.

Nhưng chính trong thời COVID-19 này, mọi sự thay đổi sẽ nhanh hơn rát nhiều nếu quyết tâm. Có thể dịch bệnh diễn biến khó lường làm nhiều chỉ tiêu tăng trưởng không đạt được, nhưng những chỉ tiêu về cải cách thể chế, cải thiện môi trường kinh doanh thì nhất thiết phải hoàn thành và hoàn thành vượt mức. Khó khăn thường là thời điểm thích hợp cho sự đồng thuận để thay đổi, để vượt lên. Niềm tin kinh doanh sẽ trở lại cùng với các hành động cụ thể ở tất cả các cấp, các địa phương.

- Xin cảm ơn ông!

Có thể bạn quan tâm

  • Doanh nhân Bạch Thái Bưởi và chiến lược “đứng trên vai người khổng lồ”

    Doanh nhân Bạch Thái Bưởi và chiến lược “đứng trên vai người khổng lồ”

    05:00, 13/10/2020

  • Doanh nhân với sứ mệnh phụng sự Tổ quốc

    Doanh nhân với sứ mệnh phụng sự Tổ quốc

    05:00, 13/10/2020

  • “Tấm lòng vàng” của doanh nhân Việt

    “Tấm lòng vàng” của doanh nhân Việt

    04:08, 13/10/2020

  • Triết gia và doanh nhân!

    Triết gia và doanh nhân!

    12:36, 11/10/2020

(0) Bình luận
Nổi bật
Mới nhất
TS Vũ Tiến Lộc: Đội ngũ doanh nhân xứng đáng là những anh hùng
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO