4 bệnh viện: Bạch Mai, Chợ Rẫy, Việt Đức, K thí điểm cơ chế tự chủ từ 19/5/2019. Tuy nhiên, điều lo ngại nhất là khi các bệnh viện tự chủ toàn bộ, có dẫn tới tình trạng lạm thu hoặc tăng giá dịch vụ?
Ông Bùi Sỹ Lợi, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Về các vấn đề xã hội của Quốc hội cho rằng, tự chủ không có nghĩa gây khó khăn cho người bệnh, đẩy giá khám chữa bệnh tăng lên. Mục tiêu là tạo ra cơ chế rất thông thoáng, cởi mở và chất lượng chăm sóc sức khỏe cho người bệnh phải tốt hơn rất nhiều so với không tự chủ.
Giá dịch vụ có bị đẩy lên?
Theo ông Nguyễn Nam Liên, Vụ trưởng Vụ Kế hoạch-Tài chính(Bộ Y tế), Bộ Y tế đã ban hành dự thảo thông tư hướng dẫn khung xây dựng giá, còn quyết định cụ thể thuộc các bệnh viện. Có một số giá dịch vụ được quy định tối đa để phù hợp với nhiều loại hình bệnh viện và các loại hình dịch vụ khác.
“Ví dụ giá giường bệnh có nhiều mức, loại một phòng, một giường tối đa giá 4 triệu đồng/ngày; hoặc những buồng bệnh có phòng khách, phòng giường bệnh, để đáp ứng với nhu cầu của những người có thu nhập cao. Nhưng tôi khẳng định phần lớn bệnh viện sẽ xây dựng các gói dịch vụ có mức giá khác nhau để phù hợp khả năng chi trả của mọi tầng lớp, đối tượng. Với việc cho phép các bệnh viện vay vốn, huy động vốn để đầu tư khu vực khám chữa bệnh theo yêu cầu, mời chuyên gia nước ngoài thì sẽ "giữ chân" được người bệnh đang có nhu cầu ra nước ngoài chữa bệnh” – ông Liên nói.
Có thể bạn quan tâm
01:02, 13/08/2019
21:49, 25/05/2019
01:00, 08/03/2019
19:02, 22/08/2019
00:00, 20/08/2019
Ông Bùi Sĩ Lợi cho rằng, nên nghiên cứu nhiều gói dịch vụ BHYT khác nhau. Người dân nào có nguyện vọng được chăm sóc tốt hơn thì trả dịch vụ cao hơn, nhưng phải cân đối với thu nhập của người dân Việt Nam.
Đại diện lãnh đạo Bệnh viện Bạch Mai cho biết, mọi hoạt động của bệnh viện này phải tôn trọng và tuân thủ quy định của pháp luật. Bệnh viện phải căn cứ vào khung giá do Bộ Y tế ban hành, nhu cầu đa dạng của tầng lớp nhân dân, quy luật giá trị, bù đắp được chi phí...
Hiện nay, người có thẻ BHYT khám chữa bệnh ở bệnh viện Bạch Mai chiếm tỷ lệ lớn nhất, nên bệnh viện phải chăm lo và đảm bảo đủ nhu cầu cho những bệnh nhân này. Còn đối với những đối tượng có thu nhập cao, có khả năng chi trả, Việt kiều ở nước ngoài về chữa bệnh và cả người nước ngoài, bệnh viện sẽ xây dựng khung giá khám chữa bệnh theo yêu cầu phù hợp.
Sắp tới Bệnh viện Bạch Mai sẽ đưa cơ sở, trung tâm khám bệnh với công suất 6.000 bệnh nhân/ngày, ký hợp tác với một đơn vị của Nhật Bản, vận hành cơ sở 2 ở thành phố Phủ Lý (Hà Nam) với quy mô 1.000 giường bệnh... là cơ sở ban đầu để phát triển cho nhu cầu khám chữa bệnh theo yêu cầu.
Tự chủ có dẫn đến lạm thu?
Trên thực tế, các bệnh viện đã huy động vốn xã hội hoá để mua sắm trang thiết bị, và có tình trạng lạm dụng các chỉ định xét nghiệm, điều trị không cần thiết. Dư luận cho rằng vì phải đầu tư, hạch toán tính đúng, tính đủ cho nên bệnh viện phải “tận thu” dẫn đến chi phí khám chữa bệnh tăng lên.
Về vấn đề này, ông Bùi Sĩ Lợi cho rằng tuy được trao quyền tự chủ, nhưng các bệnh viện công này vẫn phải coi sứ mệnh phục vụ nhân dân là chính, mà không nên lấy phúc lợi, “lợi nhuận doanh nghiệp” để đẩy giá lên cao
Về giá dịch vụ, ông Nguyễn Nam Liên cho rằng, còn có sự vướng mắc giữa giá khám chữa bệnh BHYT và giá do nhà nước quy định hiện nay, chúng ta đang trên lộ trình tính đúng, tính đủ. Hiện nay chỉ mới tính chi phí trực tiếp vào tiền lương, chưa tính khấu hao. Chính vì thế, đối với khu vực xã hội hóa bắt buộc phải tính cả khấu hao và chi phí khác giá cao hơn nên tạo ra sự chênh lệch giá.
Với lộ trình tính đầy đủ các chi phí, khấu hao vào giá dịch vụ y tế thì vấn đề xã hội hóa rất thuận lợi và tạo hành lang pháp lý rất tốt để cho các bệnh viện thực hiện. Nhà nước không cần phải đầu tư trang thiết bị mà sẽ hỗ trợ cho người dân mua thẻ BHYT, nâng mệnh giá BHYT, quỹ BHYT lớn hơn để chi trả giá dịch vụ đầy đủ, đúng với thị trường hơn.
Dẫn thực tế đi giám sát nhận được được ý kiến cho rằng, vì xã hội hoá đầu tư máy móc, thiết bị hiện đại và chỉ có bệnh viện đấy có cho nên giá dịch vụ của bệnh viện nâng lên, không ai kiểm soát, kiểm tra, dẫn đến chi phí cho người khám chữa bệnh cao lên, ông Bùi Sĩ Lợi nhấn mạnh: “Xã hội hoá đầu tư máy móc, thiết bị hiện đại mà nhà nước không có khả năng để đầu tư là điều rất đúng, rất trúng và rất cần thiết. Nhưng khi xã hội hoá đầu tư, người ta quan tâm đến vấn đề lợi nhuận và thu hồi vốn, cho nên việc phân bổ khấu hao tài sản cố định làm thế nào để đảm bảo không đẩy giá dịch vụ tăng lên. Đây là vấn đề quan trọng. Tôi mong rằng ngành y tế phải nghiên cứu xử lý vấn đề này”.
Ông Bùi Sĩ Lợi cũng đề xuất thêm, Bộ Y tế cần nghiên cứu trình Chính phủ để khuyến khích các tổ chức quỹ bảo hiểm tư nhân, BHXH mở rộng các gói dịch vụ y tế cao hơn của gói dịch vụ y tế cơ bản của nhà nước cung cấp đáp ứng yêu cầu tối thiểu cần thiết để không một người nào rơi xuống dưới mức chăm sóc y tế cơ bản. Còn lại, người có thu nhập cao, người có điều kiện người ta có thể đóng cao hơn để khi vào bệnh viện được hưởng gói dịch vụ cao hơn.