Phương Tây dùng đến quy tắc tối huệ quốc đã là con bài ngặt nghèo nhất. Liệu Nga có bị dồn vào chân tường?
>>Kinh tế Nga, dầu thô, cấm vận và nguy cơ vỡ nợ
Nhóm các nền kinh tế công nghiệp hàng đầu thế giới (G7) và một số quốc gia châu Âu chính thức tiến thêm một nấc trong các hoạt động chống lại Nga: Tước bỏ quy tắc tối huệ quốc.
Quy tắc này thường được áp dụng trong lĩnh vực thương mại và đầu tư, theo đó người nước ngoài và pháp nhân nước ngoài được hưởng các quyền và ưu đãi ngang bằng mà nước sở tại dành cho người nước ngoài và pháp nhân nước ngoài của bất kỳ nước thứ ba nào.
Tối huệ quốc là một biểu hiện đặc sắc của toàn cầu hóa. Mục đích đảm bảo cho các công dân và pháp nhân của các quốc gia các điều kiện và cơ hội ngang nhau trong các quan hệ kinh tế, thương mại, đồng thời xoá bỏ mọi sự kì thị, phân biệt đối xử với các lý do khác nhau trong hoạt động thương mại quốc tế.
Ví dụ, trong điều kiện bình thường, nhà đầu tư Nga cũng có thể được hưởng ưu đãi đầu tư giống như nhà đầu tư Mỹ tại thị trường Mỹ; hoặc hàng hóa Nga cũng được hưởng mức thuế, phí ngang với hàng của nhà sản xuất Mỹ tại thị trường Mỹ.
Tước bỏ tối huệ quốc là bước khởi động để “phân biệt đối xử” với thương mại Nga tại các quốc gia G7 và có thể toàn châu Âu. Hàng hóa Nga có thể bị đánh thuế cao hơn, thậm chí không được nhập cảng; doanh nghiệp Nga có thể bị phong tỏa tài sản, dừng hoạt động,…
Nếu Chính phủ Nga đáp trả tương tự với hàng hóa, doanh nghiệp thuộc khối G7 thì chiến tranh thương mại Nga - phương Tây sẽ nổ ra, dù quy mô khó lớn hơn thương chiến Trung - Mỹ, nhưng tính chất vô cùng nghiêm trọng.
Bởi vì, cuộc chiến thương mại này được pháp luật cao nhất của G7 bảo hộ (Quốc hội thông qua), chứ không phải đơn phương như Tổng thống Mỹ từng ra lệnh áp thuế vào hàng hóa Trung Quốc.
Khi không còn nguyên tắc tối huệ quốc, mối quan hệ giữa các quốc gia trở về con số 0, mọi công sức xây dựng hòa bình, hợp tác bị phá bỏ hoàn toàn, không khác gì ngoại giao thời kỳ đồ đá!
Việc tước bỏ quy chế tối huệ quốc của Nga mở đường cho Hoa Kỳ và các đồng minh áp đặt thuế quan đối với nhiều loại hàng hóa của Nga, điều này sẽ gây thêm áp lực lên nền kinh tế vốn đang rơi vào “suy thoái sâu”.
EU ban bố lệnh cấm nhập khẩu sắt thép từ Nga, cấm các khoản đầu tư mới từ EU vào lĩnh vực năng lượng Nga. Tại Mỹ, rượu, kim cương và hải sản “Made in Russia” chính thức cấm lưu hành.
Năm ngoái xuất nhập khẩu của Nga 785 tỷ USD, thặng dư thương mại 198 tỷ USD. Trong số 11 thị trường xuất khẩu lớn nhất thì có 8 nước ở khu vực châu Âu như Đức, Hà Lan, Ý, Anh,…
Buôn bán với Trung Quốc đạt 140,7 tỷ USD, thị trường truyền thống SNG chỉ chiếm 12%. Châu Âu và Mỹ là đối tác kinh tế chủ yếu của Nga, nên đòn trừng phạt này có sức sát thương cực lớn với kinh tế Nga.
Moscow bắt đầu đáp trả, ngưng xuất khẩu 200 mặt hàng, không bán gỗ đến 43 quốc gia có thái độ không thân thiện với Nga về “chiến dịch quân sự đặc biệt” tại Ukraine.
Tình hình diễn biến rất mau chóng, ngày càng có xu hướng tiêu cực, đặc biệt xung đột kinh tế và ngoại giao sâu sắc giữa Nga và châu Âu, Mỹ đẩy trật tự cũ đến bờ vực sụp đổ.
Dùng đến quy tắc tối huệ quốc đã là con bài ngặt nghèo nhất trong quan hệ quốc tế. Đó là khi lớp mặt nạ “lịch sự tối thiểu” hoàn toàn bị lột xuống, các bên không còn xem nhau là gì cả!
Có thể bạn quan tâm
Chiến sự Nga - Ukraine khiến châu Âu bất an
05:30, 10/03/2022
Chiến sự Nga - Ukraine và nghịch lý cấm vận
04:30, 09/03/2022
Kinh tế Nga, dầu thô, cấm vận và nguy cơ vỡ nợ
05:00, 11/03/2022
Trung Quốc và thế cuộc Nga - Ukraina
04:50, 20/02/2022
Ukraina từng ăn “bánh vẽ” như thế nào?
04:00, 17/02/2022
Vì sao Mỹ - Nga “dị mộng” về Ukraina?
05:14, 16/02/2022