Với sự tham gia thuyết phục của Mỹ, cuối năm 1994, Ukraine giao nộp hoàn toàn vũ khí hạt nhân cho Nga theo thỏa thuận Budapest.
>>Vì sao Nga - Mỹ "dị mộng" về Ukraine?
Liên Xô sụp đổ dẫn đến sự li khai của 11 nước Cộng hòa để lại hậu quả đến tận ngày nay. Một trong những vấn đề rất nhức đầu với Nga và phương Tây là kho vũ khí hạt nhân khổng lồ nằm rải rác ở các nước ly khai sau năm 1991.
Ukraine từng là cứ địa công nghiệp quốc phòng chủ yếu của Liên Xô, chính vì thế Kiev hiển nhiên thừa hưởng mọi thứ tồn tại trên lãnh thổ hơn 600.000km2, di sản quân sự đáng giá và đáng sợ nhất là 1.240 đầu đạn hạt nhân nằm ngoài tầm điều khiển của chiếc “vali hạt nhân”, vật bất ly thân của các Tổng Bí thư Liên Xô ngày trước và Tổng thống Putin hiện nay.
Sẽ thế nào nếu Ukraine dở chứng với chừng ấy vũ khí hủy diệt hàng loạt? Người Nga nơm nớp lo sợ nếu anh bạn láng giềng trở nên “bất trị”, cả châu Âu cùng nỗi lo tương tự
Belarus, Kazakhstan tự nguyện giao nộp vũ khí hạt nhân cho Moscow, nhưng giới chức Ukraina thời điểm đó, đứng đầu là Tổng thống Leonid Kravchuk có ý định trở thành cường quốc hạt nhân phòng ngừa mối nguy một ngày nào đó bị Kremlin bắt nạt.
Với sự tham gia thuyết phục của Mỹ, cuối năm 1994, Ukraina giao nộp hoàn toàn vũ khí hạt nhân cho Nga theo thỏa thuận được ký tại Thủ đô Budapest (Hungary).
Kể từ thời điểm đó, về thực chất Ukraine không còn là mối đe dọa với bất kỳ bên nào. Thậm chí quốc gia này liên tục lâm vào khủng hoảng chính trị, rối loạn xã hội vì phong trào ly khai, lực lượng đối lập thân Nga tích cực hoạt động.
Washington đã dẫn dắt Kiev như thế nào nếu không phải là một lời hứa nào đó giúp bảo đảm an ninh như gia nhập NATO, trở thành đồng minh của Mỹ, chẳng hạn!?
Đã nhiều năm rồi, nguyện vọng gia nhập NATO của Ukraine chưa được phê duyệt, Kiev mắc kẹt dưới sự kiềm tỏa của Moscow. Nếu quyết tâm ngả về phía Tây, họ sẽ bị đánh đòn, nhưng nếu không làm vậy, họ chẳng thể an tâm sống bên cạnh nước Nga.
Đặt lại vấn đề, nếu như ngày trước Kiev không nhẹ dạ cả tin thì bây giờ không ai có thể “lên tiếng” với họ, ít nhất tiềm lực quốc phòng vững mạnh là điều kiện đầu tiên giúp giữ vững quyền tự chủ.
Quan điểm “không phổ biến vũ khí hạt nhân” là sự bất công điển hình do các nước lớn áp đặt lên nước nhỏ. Tại sao Mỹ, Nga, Trung Quốc, Ấn Độ,…có thể sở hữu - với mục đích quốc phòng an ninh, thì tại sao những nước khác không có quyền này - với lý do tương tự? Vì sao không thể phi hạt nhân hóa hoàn toàn trên hành tinh này?
Nếu nhìn Ukraina và nghĩ về Triều Tiên, cũng khó lòng trách ông Kim cớ sao mãi ôm khư khư quan điểm “quốc phòng là then chốt của then chốt” trong nhiệm vụ bảo vệ quốc gia, dân tộc!
Mỹ, Nga hay bất cứ cường quốc nào cũng có toan tính của riêng họ. Lịch sử đã chứng minh, tất cả mối quan hệ lớn nhỏ đều vận hành trên cơ sở lợi ích quốc gia, dân tộc.
Các cường quốc, họ từng đã chà đạp lên luật pháp quốc tế để đạt mục đích và chẳng hiếm khi họ lại dùng chính miếng “bánh vẽ” luật pháp quốc tế để dẫn dụ các nước nhỏ phải khuất phục.
Người Mỹ đã từng bỏ chạy khỏi châu Á, rút khỏi Trung Đông, Bắc Phi khi lời hứa “văn minh, dân chủ, thịnh vượng” còn dở dang. Bây giờ, Washington một lần nữa quay lại châu Á với viễn cảnh bày ra không kém hấp dẫn!
Bài học Ukraine cho thấy, không thể dựa vào ai để có độc lập, chủ quyền - cái giá rất đắt, phải trả bằng xương máu. Người Ukraina đã rơi vào bàn tính của các nước lớn. Nếu chiến sự xảy ra chẳng ai xả thân cứu họ ngoại trừ chính họ!
Có thể bạn quan tâm