Phát triển xanh, bền vững là tầm nhìn đúng đắn mang tính chiến lược nhưng thực tế nhiều doanh nghiệp chưa biết bắt đầu từ đâu trong một quy trình hoàn toàn mới mẻ.
Vậy nên “sản phẩm phát thải thấp” là bước cụ thể hóa gần gũi hơn với doanh nghiệp. Nói cách khác, doanh nghiệp được chỉ định phải đầu tư như thế nào, sản xuất ra sao để có thể tạo ra sản phẩm hạn chế tối đa tác hại đến môi trường sinh thái.
Gạo thế hệ mới là ví dụ. Mới đây lô gạo 500 tấn gắn mác “phát thải thấp” của Công ty cổ phần nông nghiệp công nghệ cao Trung An chính thức xuất khẩu sang thị trường Nhật Bản, nếu tính theo giá CIF lên tới 1.000 USD/tấn, gần gấp 3 lần so với gạo thông thường.
Sau lô gạo đầu tiên này, dự kiến đến tháng 10/2025 sẽ có thêm lô gạo ST25 với 3.000 tấn đạt chứng nhận phát thải thấp sẽ được xuất khẩu sang Australia. Trong tương lai đây là con đường cái quan để gạo Việt giữ được vị trí trên thị trường thế giới.
Hiệp hội ngành hàng lúa gạo Việt Nam (Vietrisa) cho biết, đến thời điểm hiện tại, có 7 doanh nghiệp Việt Nam được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng nhãn hiệu “gạo Việt xanh phát thải thấp” với tổng khối lượng 19.200 tấn.
Cơ cấu tỷ trọng gạo phát thải thấp vẫn còn quá khiêm tốn so với tổng khối lượng xuất khẩu 9 triệu tấn gạo vào năm 2024. Cơ hội nhìn thấy trước mắt: Nếu tăng tỷ trọng xuất khẩu gạo phát thải thấp, có thể mang về giá trị cao trong khi giảm khai thác tài nguyên đất, nước,…
Những lợi ích được nhà chuyên môn định lượng cụ thể, trên mỗi ha đất ứng dụng quy trình công nghệ canh tác “phát thải thấp” sẽ giảm được chi phí 1,6 triệu đồng; giảm giá thành sản xuất 578 đồng/kg, lợi nhuận cao hơn 5,3 triệu đồng; giảm phát thải bình quân 4,92 tấn CO2.
Dung lượng thị trường cho gạo phát thải thấp ngày càng mở rộng và ổn định, nhu cầu loại gạo này tại các thị trường đẳng cấp cao như châu Âu, Nhật Bản, Hàn Quốc, Úc, Hoa Kỳ, Tây Á chỉ mới đáp ứng được rất ít. Trong khi thị trường gạo thông thường rất dễ bị ảnh hưởng bởi cung cầu bất cân xứng.
Nhưng, để có tương lai tươi sáng cho ngành lúa gạo, hiện tại vẫn còn quá nhiều “khâu”, “nút thắt” cần gỡ bỏ. Đơn cử như gạo phát thải thấp mới là “sáng kiến” của một vài doanh nghiệp nhạy bén tiên phong; chứ chưa phải là ý chí tự thân của nền kinh tế nông nghiệp.
Năm 2023 Việt Nam ban hành “Đề án phát triển bền vững 1 triệu ha chuyên canh lúa chất lượng cao và phát thải thấp gắn với tăng trưởng xanh vùng ĐBSCL đến năm 2030” - Đây là Đề án đầu tiên trên thế giới về sản xuất 1 triệu ha lúa gạo chất lượng cao, phát thải thấp ở quy mô cấp chính phủ chỉ đạo.
Trọng tâm của chiến lược xây dựng thương hiệu gạo phát thải thấp nói riêng và nền nông nghiệp xanh, bền vững nói chung - chính là người nông dân. Mọi con số sẽ vô nghĩa nếu chủ nhân của nông thôn và nông nghiệp không có thu nhập tốt hơn từ sản phẩm do mình làm ra.
Chính vì thế, 500 tấn hay 5.000 tấn gạo phát thải xuất khẩu chỉ mới là nỗ lực của nhà doanh nghiệp; khi và chỉ khi có lực lượng sản xuất nông dân cùng tham gia và hưởng lợi thì lúc đó nông nghiệp mới thực sự phát triển bền vững.