Tường minh chứng cứ dữ liệu điện tử

MINH KHÔI thực hiện 24/10/2023 15:19

Pháp luật tố tụng hình sự và dân sự vẫn còn một số qui định chưa tương thích với Luật Giao dịch điện tử (GDĐT), đặc biệt các qui định liên quan việc xác định giá trị chứng cứ của dữ liệu điện tử.

Đó là nhận định của Luật sư Nguyễn Trọng Hiệp – Giám đốc Công ty Luật HPVN với DĐDN về một số bất cập đối với chứng cứ dữ liệu điện tử.

>>Luật Giao dịch điện tử (sửa đổi): “Gỡ khó” cho chuyển đổi số

Thưa Luật sư, Luật GDĐT sửa đổi sẽ có hiệu lực từ ngày 01/7/2024 với nhiều nội dung mới. Theo quan điểm của ông thì quy định liên quan việc xác định giá trị chứng cứ của dữ liệu điện tử chưa tương thích với pháp luật tố tụng hình sự (TTHS) và dân sự?

Đúng vậy! Điều 11 Luật GDĐT sửa đổi quy định: “Thông điệp dữ liệu có giá trị dùng làm chứng cứ theo quy định của Luật này và pháp luật về tố tụng”. Được hiểu là thông điệp dữ liệu có giá trị dùng làm chứng cứ phải thỏa mãn 2 điều kiện: phù hợp với pháp luật về giao dịch điện tử và phù hợp với pháp luật về tố tụng. Theo đó, nếu thông điệp dữ liệu đó không đáp ứng các tiêu chí về chứng cứ dữ liệu điện tử trong tố tụng thì không thể coi là chứng cứ, cho dù chứng cứ đó thỏa mãn được các tiêu chí của pháp luật về giao dịch điện tử.

Trong khi đó quy định về cách xác định giá trị chứng cứ của dữ liệu điện tử trong tố tụng hình sự (khoản 3 Điều 99 BLTTHS 2015) căn cứ vào “cách khởi tạo, lưu trữ hoặc truyền gửi dữ liệu điện tử; cách thức bảo đảm và duy trì tính toàn vẹn của dữ liệu điện tử; cách thức xác định người khởi tạo và các yếu tố phù hợp khác”. Có thể thấy pháp luật TTHS không hoặc chưa sử dụng thuật ngữ “thông điệp dữ liệu” như pháp luật giao dịch điện tử.

Liên quan đến xác định giá trị chứng cứ dữ liệu điện tử theo Luật GDĐT sửa đổi, BLTTHS năm 2015 cũng chưa có quy định khái niệm “phương tiện điện tử” và “thiết bị lưu trữ dữ liệu điện tử”. Sự thiếu vắng về khái niệm và không đồng nhất về thuật ngữ sẽ làm khó chủ thể khi tham gia tố tụng.

Ngoài ra, nội dung điều chỉnh về cách xác định giá trị chứng cứ của dữ liệu điện tử trong BLTTHS có phần làm cho người sử dụng chứng cứ rất khó đánh giá bởi không thể biết được đâu là chứng cứ có giá trị cao, thấp hay ngang bằng nhau khi so sánh giá trị với nhau để sử dụng tranh tụng, buộc tội, gỡ tội hay kết tội hoặc làm căn cứ để đưa ra các quyết định, xử sự, hành vi tố tụng khác.

>>Luật Giao dịch điện tử 2023: Giúp doanh nghiệp giao kết trên môi trường số đảm bảo pháp lý

Ông có thể giải thích rõ hơn sự thiếu vắng về khái niệm và không đồng nhất về thuật ngữ giữa Luật GDĐT và các luật khác?

Bộ luật Tố tụng dân sự (TTDS) 2015 và Luật Tố tụng hành chính (TTHC) năm 2015 cũng xác định “dữ liệu điện tử” là một trong các nguồn để thu thập chứng cứ trong giải quyết các vụ án dân sự và hành chính.

Tuy nhiên, thế nào là “dữ liệu điện tử” và “thông điệp dữ liệu điện tử” thì Bộ luật TTDS và Luật TTHC đều chưa qui định rõ. Điều này sẽ làm khó chủ thể tham gia tố tụng, cơ quan tiến hành tố tụng và cơ quan có chức năng khi xác định chứng cứ để giải quyết vụ án dân sự, hành chính và vụ việc.

Mặt khác, nếu như thông điệp dữ liệu trong TTDS và TTHC được nhận diện qua các hình thức thể hiện: trao đổi dữ liệu điện tử, chứng từ điện tử, thư điện tử, điện tín, điện báo, fax; thì trong Luật GDĐT sửa đổi (khoản 1 Điều 7), quy định việc nhận diện thông điệp dữ liệu còn được thể hiện qua các hình thức khác, như: văn bản điện tử, tài liệu điện tử, hợp đồng điện tử và hình thức trao đổi dữ liệu điện tử khác theo quy định của pháp luật.

Sự mở rộng về hình thức nhận diện thông điệp dữ liệu điện tử là sẽ làm phong phú nguồn chứng cứ khi thu thập nhưng sẽ làm khó cho đương sự và cơ quan có chức năng trong việc thu thập, khai thác chứng cứ để khiếu nại, khởi kiện và giải quyết vụ án, vụ việc khi mà còn nhiều thuật ngữ chưa được giải thích trong Luật GDĐT sửa đổi, như: Thế nào là hình thức “trao đổi dữ liệu điện tử”, “văn bản điện tử”, “tài liệu điện tử”…

Từ những bất cập như đã phân tích ở trên, ông có thể đưa ra một số đề xuất, kiến nghị?

Trong kỷ nguyên số ngày nay, dữ liệu điện tử đã trở thành một nguồn chứng cứ quan trọng giúp các chủ thể tham gia tố tụng phát hiện, tìm kiếm, khai thác, thu thập chứng cứ nhằm sử dụng trong quá trình giải quyết các vụ việc, vụ án hình sự, dân sự, hành chính. Với những bất cập nêu trên, tôi xin đưa ra một số đề xuất:

Một là, sửa đổi, bổ sung cụm từ “độ tin cậy” và “thông điệp dữ liệu” vào nội dung điều chỉnh tại Điều 99 BLTTHS 2015 là cần thiết.

Hai là, cần sớm có văn bản dưới luật làm rõ nội hàm các thuật ngữ quy định trong Luật GDĐT sửa đổi: “trao đổi dữ liệu điện tử”, “văn bản điện tử”, “tài liệu điện tử”; và sự tương thích về nội hàm của các thuật ngữ “dữ liệu điện tử” và “thông điệp dữ liệu” được quy định trong TTDS và TTHC.

Ba là, từ sự bất cập trong các văn bản tố tụng hình sự, dân sự, hành chính, theo tôi cần sử dụng thống nhất và trong giải thích thuật ngữ “thông điệp dữ liệu” hay “dữ liệu điện tử”… đều là chứng cứ điện tử.

Bốn là, khi đề cập đến khái niệm hoặc thuật ngữ “dữ liệu điện tử” dưới góc độ là một trong các nguồn chứng cứ điện tử thì cũng cần quy định một cách tường minh hơn.

Trân trọng cảm ơn ông!

Có thể bạn quan tâm

  • Luật Giao dịch điện tử 2023: Giúp doanh nghiệp giao kết trên môi trường số đảm bảo pháp lý

    Luật Giao dịch điện tử 2023: Giúp doanh nghiệp giao kết trên môi trường số đảm bảo pháp lý

    11:00, 25/08/2023

  • Luật Giao dịch điện tử (sửa đổi): “Gỡ khó” cho chuyển đổi số

    Luật Giao dịch điện tử (sửa đổi): “Gỡ khó” cho chuyển đổi số

    04:30, 29/06/2023

  • Sửa Luật Giao dịch điện tử: Hạn chế mở rộng phạm vi điều chỉnh với lĩnh vực đất đai

    Sửa Luật Giao dịch điện tử: Hạn chế mở rộng phạm vi điều chỉnh với lĩnh vực đất đai

    11:30, 30/05/2023

  • Cần bổ sung trách nhiệm nhà cung cấp trong giao dịch điện tử

    Cần bổ sung trách nhiệm nhà cung cấp trong giao dịch điện tử

    10:49, 30/05/2023

  • Sửa Luật Giao dịch điện tử: Một số quy định chưa đảm bảo tính khả thi

    Sửa Luật Giao dịch điện tử: Một số quy định chưa đảm bảo tính khả thi

    04:00, 30/05/2023

(0) Bình luận
Nổi bật
Mới nhất
Tường minh chứng cứ dữ liệu điện tử
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO