Liên kết phát triển Logistics - Động lực tăng trưởng kinh tế vùng Đông Nam Bộ

Diendandoanhnghiep.vn Tạp chí Diễn đàn Doanh nghiệp, Hiệp Hội VLA và Sở Công Thương Tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu phối hợp tổ chức Diễn đàn: Liên kết phát triển Logistics - Động lực tăng trưởng kinh tế vùng Đông Nam Bộ.

>> [TRỰC TIẾP] Diễn đàn: Liên kết phát triển Logistics - Động lực tăng trưởng kinh tế vùng Đông Nam Bộ

Nghị quyết số 24-NQ/TW ngày 07/10/2022  của Bộ Chính trị về “phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng Đông Nam bộ đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045” đã xác định mục tiêu, đến năm 2030, Đông Nam Bộ trở thành vùng phát triển năng động, có tốc độ tăng trưởng kinh tế cao, động lực tăng trưởng lớn nhất cả nước; trung tâm khoa học - công nghệ và đổi mới sáng tạo, công nghiệp công nghệ cao, logistics và trung tâm tài chính quốc tế có tính cạnh tranh cao trong khu vực với tốc độ tăng trưởng GRDP bình quân giai đoạn 2021 - 2030 đạt khoảng 8 - 8,5%. Tầm nhìn 2045, Đông Nam Bộ trở thành vùng phát triển, có tiềm lực kinh tế mạnh, cơ cấu kinh tế hiện đại; trung tâm khoa học - công nghệ và đổi mới sáng tạo, công nghiệp công nghệ cao, logistics và trung tâm tài chính quốc tế thuộc nhóm đầu của khu vực và thế giới; kết cấu hạ tầng hiện đại, đồng bộ.

Nhằm hiện thực mục tiêu của Nghị quyết số 24-NQ/TW đã được cụ thể hoá tại các nhiệm vụ của Hội đồng điều phối vùng Đông Nam Bộ do Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính làm Chủ tịch, đồng thời nhận diện những khó khăn và đề xuất các giải pháp thúc đẩy ngành logistics theo hướng liên kết vùng, phát triển xứng tầm với tiềm năng… Được sự chỉ đạo của Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI); UBND Tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu, Tạp chí Diễn đàn Doanh nghiệp, Hiệp Hội Doanh nghiệp Dịch vụ Logistics Việt Nam (VLA) và Sở Công Thương Tỉnh Bà Rịa Vũng Tàu phối hợp tổ chức Diễn đàn:

LIÊN KẾT PHÁT TRIỂN LOGISTICS – ĐỘNG LỰC TĂNG TRƯỞNG KINH TẾ VÙNG ĐÔNG NAM BỘ

- Thời gian: 13h30-17h30, thứ Sáu, ngày 8/9/2023

- Địa điểm: Trung tâm hội nghị tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu

Tham dự Diễn đàn, về phía Lãnh đạo các Bộ, ngành trung ương và địa phương, có: Ông Nguyễn Văn Thọ, Chủ tịch UBND tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu; Ông Phạm Tấn Công, Chủ tịch Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI);  Ông Mai Ngọc Thuận - Phó Chủ tịch HĐND tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu; Ông Dương Văn Thắng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Tây Ninh; Ông Nguyễn Công Vinh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu; Ông Võ Tân Thành, Phó Chủ tịch VCCI; Ông Bùi Thiên Thu, Cục trưởng Cục đường thuỷ nội địa Việt Nam, Bộ Giao thông Vận tải; Ông Nguyễn Đình Việt, Phó Cục trưởng Cục trưởng Cục Hàng hải Việt Nam, Bộ Giao thông Vận tải; Ông Trần Thanh Hải, Phó Cục trưởng Cục Xuất Nhập khẩu, Bộ Công Thương

Về phía các chuyên gia, diễn giả tham dự chương trình, có: Ông Thomas Sim, Phó Chủ tịch Cấp cao Liên đoàn Giao nhận Vận tải Quốc tế (FIATA); TS. Trần Thị Hồng Minh, Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý Kinh tế Trung ương (CIEM); Ông Đào Trọng Khoa, Phó Chủ tịch Liên đoàn Giao nhận Vận tải ASEAN (AFFA), Phó Chủ tịch thường trực Hiệp hội Doanh nghiệp dịch vụ Logistics Việt Nam (VLA); Ông Phạm Hoài Chung, Phó Viện trưởng phụ trách Viện Chiến lược và Phát triển Giao thông Vận tải, Bộ Giao thông Vận tải; Ông Trần Chí Dũng, Trưởng ban Công nghệ và Đổi mới sáng tạo VLA, Uỷ ban chuyển đổi số và phát triển bền vững Liên đoàn Giao nhận Vận tải ASEAN (AFFA); Ông Richard Oliver Szuflak, Tổng Giám đốc Tập đoàn DP World tại Việt Nam; Ông Nguyễn Xuân Kỳ, Tổng Giám đốc Cảng Quốc tế Cái Mép (CMIT); Ông Đoàn Hồng Quân, Giám đốc điều hành Khối Logistics LEC Group; Ông Nguyễn Gia Hồng, Giám đốc HDBank Vũng Tàu; Ông Trần Thoang, Giám đốc CT-Strategies Việt Nam.

Các vị lãnh đạo thăm gian hàng trong khuôn khổ Diễn đàn Liên kết phát triển Logistics - Động lực tăng trưởng kinh tế vùng Đông Nam Bộ.

Về phía Ban tổ chức, có: Ông Nguyễn Văn Đồng, Giám đốc Sở Công Thương tỉnh Bà Rịa Vũng Tàu; Nhà báo Nguyễn Linh Anh, Phó Tổng Biên tập phụ trách Tạp chí Diễn đàn Doanh nghiệp; Ông Đặng Vũ Thành, Phó Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp dịch vụ Logistics Việt Nam.

Ban tổ chức trân trọng cảm ơn đại diện các hiệp hội doanh nghiệp, hiệp hội ngành hàng và Hiệp hội Doanh nghiệp các tỉnh Đông Nam Bộ: TP HCM, Tây Ninh, Đồng Nai, Bình Dương, Bình Phước. Ban tổ chức cũng hân hạnh chào đón lãnh đạo các Hiệp hội doanh nghiệp nước ngoài: EuroCham, AmCham, KoCham, JICA, Ngân hàng thế giới, các Ngân hàng, tổ chức tín dụng. Đặc biệt là hơn 300 lãnh đạo các Tập đoàn, Tổng Công ty, Doanh nghiệp logistics về cảng biển, cơ sở hạ tầng kho bãi, vận tải, các hãng tàu trong và ngoài nước, các doanh nghiệp xuất nhập khẩu vùng Đông Nam Bộ và các vùng lân cận…

Liên kết phát triển Logistics - Động lực tăng trưởng kinh tế vùng Đông Nam Bộ

Toàn cảnh Diễn đàn Liên kết phát triển Logistics - Động lực tăng trưởng kinh tế vùng Đông Nam Bộ.

Để tổ chức chương trình thành công, Ban tổ chức xin cảm ơn sự đồng hành, hỗ trợ của các doanh nghiệp: Công ty CP Hàng tiêu dùng Phúc Sinh; Công ty TNHH Hàng không Lữ hành Việt Nam (Vietravel Airlines); Công ty TNHH Giao nhận – Vận chuyển Quốc tế Trường Hải (Thilogi); Ngân hàng Thương mại Cổ phần Phát triển Thành phố Hồ Chí Minh (HD BANK); Công ty TNHH Giải pháp Logistics DTK; Công ty Cổ phần Cung ứng và Dịch vụ kỹ thuật hàng hải (Maserco) và đông đảo các doanh nghiệp đồng hành.

Chương trình hiện được truyền hình trực tiếp trên Tạp chí Diễn đàn Doanh nghiệp điện tử (diendandoanhnghiep.vn), Trang fanpage của Tạp chí Diễn đàn Doanh nghiệp, Kênh Youtube Tạp chí Diễn đàn Doanh nghiệp TV, Website Vla.com.vn cùng nhiều trang web, fanpage về xuất nhập khẩu, logistics…

>> LOGISTICS VÙNG ĐÔNG NAM BỘ: Còn nhiều tiềm năng và cơ hội phát triển

CÒN NHIỀU TIỀM NĂNG VÀ CƠ HỘI PHÁT TRIỂN

Phát biểu tại Diễn đàn, ông Phạm Tấn Công - Chủ tịch VCCI đánh giá, Đông Nam Bộ là thị trường đầy tiềm năng và hấp dẫn cho ngành logistics phát triển, bởi tính sơ bộ, hoạt động thương mại của vùng diễn ra sôi động, đóng góp khoảng 45% tổng khối lượng hàng hóa và hơn 60% khối lượng hàng container thông qua hệ thống cảng biển Việt Nam.

Theo Chủ tịch VCCI Phạm Tấn Công, ngành logistics của vùng Đông Nam Bộ còn có nhiều tiềm năng và cơ hội phát triển hơn nữa trong những năm tới đây thông qua một loạt chủ trương, chính sách mới của Đảng và Nhà nước được ban hành gần đây.

Chủ tịch VCCI Phạm Tấn Công

Chủ tịch VCCI Phạm Tấn Công

Theo đó, Nghị quyết số 24-NQ/TW ngày 07/10/2022  của Bộ Chính trị về “phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng Đông Nam Bộ đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045” đã xác định mục tiêu đến năm 2030 “Đông Nam Bộ trở thành vùng phát triển năng động, có tốc độ tăng trưởng kinh tế cao, động lực tăng trưởng lớn nhất cả nước; trung tâm khoa học - công nghệ và đổi mới sáng tạo, công nghiệp công nghệ cao, logistics và trung tâm tài chính quốc tế có tính cạnh tranh cao trong khu vực”.

Nghị quyết cũng nêu rõ định hướng: “Phát triển mạnh, đồng bộ hệ thống logistics cấp quốc gia, quốc tế gắn với cảng biển; đầu tư phát triển hệ thống logistics cảng và cảng trung chuyển quốc tế tại tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu; Hình thành khu Thương mại tự do gắn với cảng biển tại khu vực Cái Mép Hạ; và ưu tiên phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng KTXH, đặc biệt là kết cấu hạ tầng giao thông”.

Bên cạnh đó, ngày 09/01/2023, Quốc hội ban hành Nghị quyết số 81/2023/QH15 về quy hoạch tổng thể quốc gia thời kỳ 2021-2030 tầm nhìn đến năm 2050, trong đó định hướng: “Tập trung phát triển cảng Cái Mép - Thị Vải thực sự trở thành cảng trung chuyển quốc tế, gắn với hành lang kinh tế xuyên Á.”

Đặc biệt, ngày 11/7/2023, Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định số 825/QĐ-TTg thành lập Hội đồng điều phối vùng Đông Nam Bộ. Việc Thủ tướng Chính phủ làm Chủ tịch Hội đồng điều phối vùng cũng cho thấy tầm quan trọng của yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội ở Đông Nam Bộ. Đáng lưu ý, 2 trong 10 nhóm nhiệm vụ trọng tâm của Hội đồng được nêu rõ “Điều phối trong lĩnh vực đô thị, logistics, dịch vụ chất lượng cao gồm trung tâm tài chính, trung tâm logistics vùng, khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số”.

“Hiện tại vùng Đông Nam Bộ có khoảng 14.800 doanh nghiệp cung ứng dịch vụ logistics, chiếm gần 50% tổng số doanh nghiệp logistics cả nước. Đây là một tỷ trọng rất cao, trong đó, tập trung chủ yếu tại TP.HCM với hơn 11.000 doanh nghiệp, Bình Dương gần 1.700 doanh nghiệp và Đồng Nai hơn 1.200 doanh nghiệp. Vùng đảm nhận 45% tổng khối lượng hàng hóa và hơn 60% khối lượng hàng container của cả nước thông qua hệ thống cảng Cát Lái (Thành phố Hồ Chí Minh), Cái Mép-Thị Vải (Bà Rịa-Vũng Tàu)”, Chủ tịch VCCI Phạm Tấn Công thông tin. 

Cũng theo Chủ tịch VCCI Phạm Tấn Công, Nghị quyết 24-NQ/TW của Bộ Chính trị cũng chỉ ra một hạn chế của vùng Đông Nam Bộ là “Mạng lưới kết cấu hạ tầng cấp vùng, liên vùng, nhất là hạ tầng giao thông kết nối nội vùng và liên vùng còn thiếu, yếu, chưa đồng bộ, ảnh hưởng đến sự phát triển và sức lan toả của vùng”.

Ông Công cho rằng, hiện nay các doanh nghiệp trong ngành logistics đã có sự đầu tư khá tốt về hạ tầng và công nghệ. Tuy nhiên, doanh nghiệp không thể tự kết nối hạ tầng giữa các tỉnh, thành trong vùng, giữa khu sản xuất chế biến, khu công nghiệp với cảng, sân bay và giữa vùng với các thị trường. Các doanh nghiệp có thể đầu tư vào chính cơ sở của mình như kho, bãi, cảng, v.v. nhưng về kết nối thì doanh nghiệp không làm được.

Ngoài ra, Nghị quyết 24-NQ/TW của Bộ Chính trị cũng đưa ra chủ trương “Hình thành Khu thương mại tự do gắn với cảng biển tại khu vực Cái Mép Hạ”, đây là một chủ trương mới, nhằm tạo không gian đặc thù, tạo động lực thúc đẩy phát triển vùng Đông Nam Bộ, đóng vai trò làm “đầu tàu” kéo theo sự phát triển của cả Vùng và cả nước.

“Để đạt mục tiêu có cảng trung chuyển quốc tế, cần có các khu thương mại tự do để trợ lực, tạo sức thu hút cho hàng hóa đến cảng, trong đó, liên kết nội vùng, liên vùng có vai trò đặc biệt quan trọng”, Chủ tịch VCCI Phạm Tấn Công đánh giá.

Ông Công cũng cho rằng, việc hình thành phát triển khu thương mại tự do sẽ giúp tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu nói riêng và vùng Đông Nam Bộ nói chung tạo đột phá trong phát triển kinh tế bởi các lợi ích hình thành một hệ sinh thái thương mại và logistics hoàn chỉnh để nâng cao sức cạnh tranh của địa phương và khu vực, thu hút các nhà đầu tư trong nước và nước ngoài, thúc đẩy phát triển sản xuất, thương mại, dịch vụ trực tiếp tại nội khu thương mại tự do, tạo ra cơ hội mời gọi các doanh nghiệp hàng đầu thế giới tới tham gia hoạt động và đầu tư.

Do đó, ông đánh giá cao, việc Tạp chí Diễn đàn Doanh nghiệp cùng với Hiệp Hội Doanh nghiệp Dịch vụ Logistics Việt Nam (VLA) đã có sáng kiến phối hợp với Sở Công thương, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu tổ chức Diễn đàn Liên kết phát triển logistics hôm nay.

Chủ tịch VCCI Phạm Tấn Công đề nghị các đại biểu tham dự Diễn đàn tích cực trao đổi thông tin, thảo luận về định hướng phát triển logistics của tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu nói riêng và các địa phương Vùng Kinh tế trọng điểm phía Nam; nhận diện điểm nghẽn trong chuỗi hoạt động logistics; nhận diện khó khăn trong phát triển của doanh nghiệp logistics của Vùng; đồng thời bàn về các giải pháp thúc đẩy liên kết vùng, phát triển chuỗi logistics vùng Đông Nam Bộ; mô hình quốc tế về phát triển liên hợp cảng kết hợp khu thương mại tự do - gọi cho mô hình lý tưởng cho Khu thương mại tự do Cái Mép Hạ; hoàn thiện hạ tầng logistics cho phát triển vận tải đa phương thức…

“Tôi tin tưởng, các vị lãnh đạo các địa phương trong vùng, các chuyên gia trong và ngoài nước và chính các doanh nghiệp tham dự Diễn đàn ngày hôm nay sẽ cùng nhau tìm ra các giải pháp để định hướng quy hoạch, liên kết phát triển nhằm tăng sức cạnh tranh cho ngành logistics cũng như biến tiềm năng ngành này trở thành động lực tăng trưởng kinh tế vùng Đông nam Bộ”, Chủ tịch VCCI Phạm Tấn Công chia sẻ thêm.

>> LOGISTICS VÙNG ĐÔNG NAM BỘ: Phát huy 3 cực tăng trưởng quan trọng của Vùng

PHÁT HUY 3 CỰC TĂNG TRƯỞNG QUAN TRỌNG CỦA VÙNG 

Phát biểu tại Diễn đàn, ông Nguyễn Văn Thọ - Chủ tịch UBND tỉnh Bà Rịa- Vũng Tàu cho biết, từ lâu, Bà Rịa - Vũng Tàu đã là một trong ba cực tăng trưởng quan trọng của Vùng kinh tế trọng điểm Đông Nam Bộ, là cửa ngõ ra biển của các tỉnh phía Nam, có điều kiện thuận lợi về hệ thống hạ tầng cảng biển, gần sân bay quốc tế Long Thành đang được xây dựng, và mạng lưới giao thông đường bộ tương đối hoàn thiện, các dự án kết nối với vùng hậu phương như cao tốc Biên Hòa-Vũng Tàu, đường Vành đai 4 Thành phố Hồ Chí Minh, hệ thống giao thông liên cảng Cái Mép-Thị Vải và đường sắt kết nối kinh tế vùng và vươn ra khu vực quốc tế. Đặc biệt, Bà Rịa - Vũng Tàu là tỉnh có nhiều bến cảng nhất thuộc khu vực phía Nam. 

Ô

Ông Nguyễn Văn Thọ - Chủ tịch UBND tỉnh Bà Rịa- Vũng Tàu.

Với các điều kiện thuận lợi về phát triển logistics nêu trên, ngành logistics đã được xác định trong Nghị quyết đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ VI, lần thứ VII là một trong 4 trụ cột kinh tế của tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu; là động lực để thúc đẩy sự phát triển kinh tế xã hội của tỉnh trong thời gian tới. Đặc biệt, tại Nghị quyết số 24-NQ/TW (Nghị quyết 24) ngày 07 tháng 10 năm 2022 của Bộ Chính trị về phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng Đông Nam Bộ đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 một lần nữa khẳng định tiềm năng của tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu trong lĩnh vực logistics khi xác định “tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu là khu vực phát triển mạnh các ngành kinh tế biển: cảng biển, logistics, … Hình thành khu thương mại tự do gắn với cảng biển tại khu vực Cái Mép Hạ… tiếp tục phát triển, hiện đại hóa Cảng cửa ngõ quốc tế Cái Mép – Thị Vải thành cảng quốc tế trung chuyển lớn, có tầm cỡ khu vực Châu Á và quốc tế”.

Triển khai thực hiện Nghị quyết 24, tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu được giao xây dựng 02 Đề án lớn để tạo động lực phát triển ngành logistics, có tác động lan toả không chỉ cho tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu và cho cả vùng Đông Nam Bộ. Đó là: Đề án nghiên cứu khu thương mại tự do gắn với cảng biển tại khu vực Cái Mép Hạ và Đề án tiếp tục phát triển, hiện đại hóa Cảng cửa ngõ quốc tế Cái Mép – Thị Vải thành cảng quốc tế trung chuyển lớn, có tầm cỡ khu vực Châu Á và quốc tế.

Cũng theo ông Thọ, diễn đàn ngày hôm nay mang ý nghĩa vô cùng quan trọng với tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu nói riêng và vùng Đông Nam Bộ nói chung. Đây là dịp để địa phương có cơ hội được lắng nghe ý kiến của các chuyên gia đầu ngành về logistics trong và ngoài nước nhằm triển khai Nghị quyết 24 trong lĩnh vực logistics một cách hiệu quả, thiết thực và thành công.

Dịch vụ logistics trên địa bàn tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu được đánh giá là đa dạng, từ vận tải, kho bãi và dịch vụ hỗ trợ khác với toàn tỉnh có hơn 300 doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ vận chuyển hàng hóa; và kinh doanh dịch vụ kho bãi logistics. Về hạ tầng logistics cảng biển, cụm cảng Cái Mép – Thị Vải là cụm cảng chính của cảng biển Bà Rịa – Vũng Tàu, hiện đã có 24 dự án đi vào hoạt động với tổng công suất thiết kế là 129 triệu tấn/năm, có tiềm năng là cửa ngõ quan trọng không chỉ của Việt Nam mà còn của khu vực Đông Nam Á. Hiện, cụm cảng này đã đón được siêu tàu container lớn nhất thế giới có tải trọng 232.000 DWT vào tháng 03 năm nay.

Mặc dù vậy, theo đánh giá của Bộ Công Thương tại Báo cáo Logistics Việt Nam 2022, trình độ phát triển của các dịch vụ logistics tại tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu vẫn chưa đáp ứng được yêu cầu của một trung tâm quan trọng của khu vực Đông Nam Bộ về vân tải biển và cả vận tải đa phương thức. Hệ thống dịch vụ kho bãi, trung tâm logistics sau cảng chưa theo kịp xu thế; thiếu hụt các dịch vụ logistics như mạng lưới dịch vụ kho hàng hoá tổng hợp, ICD, kho lạnh, dịch vụ về container, đóng gói hàng theo yêu cầu, …

Do đó, ông Thọ cho rằng, đây cũng là một trong những điểm nghẽn mà tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu rất mong các nhà đầu tư, các công ty kinh doanh dịch vụ logistics quan tâm để khắc phục hạn chế này, nhằm khơi thông, hiến kế cho ngành dịch vụ được ví như mạch máu của các ngành công nghiệp tại Bà Rịa – Vũng Tàu và khu vực.

Trong thời gian tới, ngành dịch vụ vận tải, logistics tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu được dự báo sẽ có sự tăng trưởng mạnh mẽ cùng với việc hình thành các tuyến giao thông quan trọng nối liền khu vực Đông Nam Bộ và Tây Nam Bộ và lợi thế về khoảng cách của tỉnh với sân bay quốc tế Long Thành khi BRVT chỉ cách sân bay khoảng 30km.

"Chúng tôi đã định hướng phát triển khu vực dọc sông Thị Vải – Cái Mép đến cao tốc Biên Hoà – Vũng Tàu – đường vành đai 4 thành vùng công nghiệp – dịch vụ - đô thị cảng biển, tập trung các trung tâm logistics, khu thương mại tự do, cảng cạn cung cấp dịch vụ vận tải kho bãi gắn với hệ thống cảng biển Cái Mép – Thị Vải và sân bay quốc tế Long Thành".

Chủ tịch UBND tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu hy vọng Diễn đàn ngày hôm nay sẽ là một dịp để các doanh nghiệp ngành logistics, doanh nghiệp đầu tư hạ tầng cảng, khu thương mại tự do, các đơn vị có liên quan về giải pháp phát triển logistics vùng Đông Nam Bộ giao lưu, trao đổi với các chuyên gia, nhà khoa học, các Hiệp hội doanh nghiệp tạo ra mạng lưới doanh nghiệp logistics mạnh mẽ hơn tại tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu nói riêng và vùng Đông Nam Bộ nói chung. Qua đó, góp phần xây dựng Đông Nam Bộ trở thành vùng phát triển thông minh, hiện đại, hội nhập quốc tế sâu rộng, phát triển nhanh, bền vững, hài hòa giữa các tiểu vùng và các địa phương trong vùng trong tương lai.

>> LOGISTICS VÙNG ĐÔNG NAM BỘ: Gỡ "điểm nghẽn" trong chuỗi hoạt động

GỠ "ĐIỂM NGHẼN" TRONG CHUỖI HOẠT ĐỘNG

Theo ông Đặng Vũ Thành, Hiệp hội Doanh nghiệp dịch vụ Logistics Việt Nam, vùng Đông Nam Bộ là đầu tàu kinh tế, hạ tầng gần như tốt nhất, cần phải tận dụng lợi thế đó để làm tốt hơn, nhanh hơn nữa.

Ông Đặng Vũ Thành cho rằng, nếu xem hoạt động logistics là một cỗ máy thì muốn cho cỗ máy này hoạt động trơn tru sẽ phải xem xét các cấu phần cấu thành gồm: phần cứng, phần mềm, công nghệ và con người vận hành.

Ông Đặng Vũ Thành - Phó Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp dịch vụ Logistics Việt Nam.

Ông Đặng Vũ Thành - Phó Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp dịch vụ Logistics Việt Nam.

Về câu chuyện hạ tầng và góc độ liên kết, ông Thành cho rằng, vùng Đông Nam Bộ là đầu tàu kinh tế, hạ tầng gần như tốt nhất của quốc gia và cần phải tận dụng lợi thế đó để phải làm tốt hơn, nhanh hơn nữa. Về tính liên kết, tại Bà Rịa – Vùng Tàu nói riêng, các hoạt động cảng biển, LCD, kho bãi, kho vận… đang tương đối độc lập nhất định mà thiếu đi việc liên kết với nhau. Do đó, việc liên kết vùng lại càng hạn chế hơn, như liên kết các vùng khác như TP HCM, Bình Dương, Đồng Nai…

“Tính liên kết của hạ tầng đối với khu vực này có thể và cần phải thúc đẩy mạnh hơn, đồng thời có chính sách đồng bộ để có môi trường sinh thái cho hoạt động liên kết logistics” – ông Thành nói.

Về hành lang pháp lý, các quy định, nghị định liên quan, ông Thành cho rằng, trong khoảng 5-7 năm trở lại đây, chúng ta đã có nhiều cải tiến tích cực, tuy nhiên, vẫn cần thiết đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, khuyến khích tối đa các dịch vụ tại khu vực này.

Về công nghệ, hiện đang được đầu tư khá tốt về công nghệ quản lý kho, quản lý bãi… đây là một xu hướng rất tích cực để bắt nhịp vào nền kinh tế trong nước và xu hướng chung của thế giới.

Về nguồn nhân lực, Phó Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp dịch vụ logistics Việt Nam cho rằng, Bà Rịa – Vũng Tàu cần quan tâm chỉ đạo nhiều hơn để tập trung đầu tư phát triển nguồn nhân lực đáp ứng cho nhu cầu phát triển hiện đại của ngành dịch vụ này.

"Đích cuối cùng của kinh doanh là mục tiêu tăng doanh thu, tăng lợi nhuận, nộp ngân sách, tạo công ăn việc làm cho người lao động. Do đó, chúng ta phải đẩy nhanh nguồn hàng thông qua việc liên kết vùng, nguồn hàng tại chỗ và nguồn hàng trung chuyển. Tôi cho rằng cần ưu tiên tuyệt đối cho nguồn hàng tại chỗ, trước khi đẩy mạnh nguồn hàng trung chuyển” – ông nhấn mạnh. 

>> LOGISTICS VÙNG ĐÔNG NAM BỘ: Liên kết vùng phát triển chuỗi logistics

LIÊN KẾT VÙNG PHÁT TRIỂN CHUỖI LOGISTICS

Phát biểu tại Diễn đàn, ông Trần Thanh Hải - Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu, Bộ Công Thương cho biết: Đông Nam Bộ là khu vực trọng điểm phát triển kinh tế, thu hút đầu tư nước ngoài, kim ngạch xuất khẩu chiếm 1/3 kim ngạch xuất nhập khẩu cả nước.

Bên cạnh lợi thế về sản xuất công nghiệp, xuất khẩu, Đông Nam Bộ còn lợi thế rất lớn về lĩnh vực logistics. Trước hết là lợi thế về hạ tầng hạ tầng giao thông và hạ tầng logistics với 2 cụm cảng lớn là cụm cảng TP Hồ Chí Minh và cụm cảng Bà Rịa - Vũng Tàu và sắp tới là Cần Giờ - cảng trung chuyển trong tương lai. 

ông Trần Thanh Hải - Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu, Bộ Công Thương

Ông Trần Thanh Hải - Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu, Bộ Công Thương.

Ở Đông Nam Bộ có sân bay Tân Sơn Nhất  - là sân bay có lưu lượng hàng hóa và hành khách lớn nhất cả nước và sắp tới là sân bay Long Thành tạo sức hút cho ngành logistics hàng không của đất nước. Về đường bộ có các quốc lộ huyết mạch, tuyến đường cao tốc đã và sẽ hình thành trong tương lai để nối sang nước bạn Campuchia.

Trung tâm logistics cũng tập trung nhiều ở Thành phố Hồ Chí Minh, Bình Dương, Đồng Nai, Bà Rịa -Vũng Tàu từ hình thức kho bãi đến trung tâm logistics hiện đại hơn.

Khu vực Đông Nam Bộ cũng tập trung nhiều doanh nghiệp logistics với số lượng từ 13.000 - 15.000 doanh nghiệp, trong đó, TP Hồ Chí Minh chiếm 3/4 doanh nghiệp và nhiều doanh nghiệp logistics FDI, tạo động lực cho sự phát triển của ngành trong cả nước.

Đề cập đến một số xu hướng phát triển của ngành, ông Trần Thanh Hải tóm tắt bằng 3 cụm từ: xanh hóa, số hóa và tự động hóa.

Về xu hướng xanh hóa, tại hội nghị COP26, Thủ tướng đã cam kết cân bằng phát thải vào năm 2050, chúng ta đã nhận thấy vai trò quan trọng của xanh hoá. Phần nhiều các doanh nghiệp hiện nằm trong một chuỗi cung ứng và đó là chuỗi cung ứng xanh. Nếu doanh nghiệp không xanh sẽ loại khỏi chuỗi cung ứng, dù chúng ta ở loại hình doanh nghiệp nào vì khách hàng sẽ không chọn, nhất là các khách hàng lớn tại châu Âu, Hoa Kỳ.

Xu hướng số hóa và tự động hóa cũng đang hiện hữu. Những kho thông minh đã hình thành, không cần con người mà điều khiển bằng robot và tự động. Hoặc hệ thống cảng, không cần xe mà vận chuyển container bằng xe không người lái, điều khiển từ xa. Mô hình này đã xuất hiện tại Trung Quốc, Singapore và sẽ trở thành tiêu chuẩn phổ biến…

Bên cạnh đó, một số xu hướng khác là phát triển trung tâm logistics đa tầng do diện tích đất thu hẹp, nhất là tại những khu vực có giá trị như Đông Nam Bộ không có diện tích để mở rộng; kết nối trung tâm logistics như khu công nghiệp để khắc phục tình trạng phân tán, mất tính liên kết; khu thương mại tự do thu hút thêm các nhà đầu tư; cảng trung chuyển…

Thông tin về chính sách phát triển logistics của Việt Nam, ông Trần Thanh Hải cho biết: Bộ Công Thương đang phối hợp với các bộ ngành liên quan xây dựng chiến lược phát triển logistics trong 10 năm tới dự kiến sẽ ban hành trong năm 2024. Bên cạnh đó, các bộ ngành có liên quan có các chính sách thúc đẩy phát triển hạ tầng, nâng cao sức cạnh tranh của doanh nghiệp, hỗ trợ địa phương…

Với các địa phương trong khu vực Đông Nam Bộ, ông Trần Thanh Hải đề xuất một số gợi ý để thúc đẩy phát triển liên kết logistics vùng. Đó hoàn thiện chính sách hạ tầng, trong đó nhận thức đúng đắn về vai trò logistics là ngành trọng điểm trong phát triển kinh tế xã hội của địa phương để xác định tầm nhìn rõ ràng; đầu tư hạ tầng kết nối tạo hệ sinh thái hỗ trợ vận chuyển tốt hơn; tăng tính liên kết đến các khu vực xung quanh như Tây Nam Bộ, Tây Nguyên và các quốc gia lân cận để phát huy thế mạnh.

Bên cạnh đó, các tỉnh cần có chính sách thông thoáng, cải cách thủ tục hành chính tạo môi trường kinh doanh thuận lợi cho doanh nghiệp logistics phát triển.

>> LOGISTICS VÙNG ĐÔNG NAM BỘ: Bà Rịa - Vũng Tàu có đủ yếu tố để xây dựng một khu thương mại tự do

BÀ RỊA - VŨNG TÀU CÓ ĐỦ YẾU TỐ ĐỂ XÂY DỰNG MỘT KHU THƯƠNG MẠI TỰ DO

Ông Thomas Sim - Phó Chủ tịch cấp cao Liên đoàn Giao nhận Vận tải Quốc tế (FIATA) cho biết, Hà Nội - Việt Nam gần biên giới phía Bắc, là trung tâm vận chuyển hàng hóa thuận lợi sang Trung Quốc, thậm chí còn lớn hơn cả thượng hải bắc kinh. 

Ông Thomas Sim cho rằng, sự thuận lợi hóa và tự do hóa thương mại là rất quan trọng đối với nền kinh tế thế giới. Từ khi có container là thay đổi vận chuyển hàng hóa thế giới. Thế giới đang đi con đường vững chắc bằng các công nghệ mới như AI, và đang tiến bộ một cách thần tốc.

“Hàng hóa trung chuyển thay đổi. Nền kinh tế nhu cầu lớn tăng cường khả năng cạnh tranh là rất cần thiết. Hoặc là tự thay đổi hoặc bị thay thế”, ông Thomas Sim chia sẻ.

Ông Thomas Sim - Phó Chủ tịch cấp cao Liên đoàn Giao nhận Vận tải Quốc tế (FIATA)

Ông Thomas Sim - Phó Chủ tịch cấp cao Liên đoàn Giao nhận Vận tải Quốc tế (FIATA)

Ông Thomas Sim đánh giá, dịch vụ cảng ngày càng cạnh tranh hơn, làm giảm chi phí, tăng giá trị gia tăng. Trên thế giới hiện có nhiều loại cảng như: cảng khô, cảng đặc chủng…

“Khu thương mại tự do (Ftz) là khái niệm thú vị mang đến những giá trị gia tăng. Tôi vui mừng khi nhận thấy và khuyến khích Bà Rịa - Vũng tàu xây dựng kỹ năng quan trọng  cho người lao động, đây là yếu tố tạo sự thành công của Ftz và cũng là điểm kết nối với cụm logistics thế giới” - Ông Thomas Sim nói.

Theo ông Thomas Sim, Ftz là hình thức có thể thu hút vốn đầu tư FDI hiệu quả, đồng thời mở rộng sự thú vị của các quốc gia. Các quốc gia có thể lựa chọn việc trung chuyển hàng hóa ra nước ngoài, tuy nhiên, vẫn còn rời rạc.

Ông Thomas Sim cho rằng, có nhiều mô hình Ftz đang hoạt động hiệu quả ở nhiều quốc gia trên thế giới có thể xem xét áp dụng cho Bà Rịa - Vũng Tàu. 

“Tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu có đầy đủ các yếu tố để có thể xây dựng một khu thương mại tự do. Tuy nhiên, việc vận hành chính sách, thay đổi tư duy vẫn còn nhiều khó khăn, nhưng vẫn có thể vượt qua. Bà Rịa - Vũng Tàu có rất nhiều thay đổi tốt hơn. Quản lý cần chặt chẽ nhưng vẫn cần độ thoáng nhất định”, ông Thomas Sim đánh giá.

Ông cũng cho rằng, Hà Nội là một trung tâm xuất khẩu lớn và xung xung quanh cũng có nhiều khu xuất khẩu lớn hỗ trợ. Ftz khuyến khích nhiều liên kết phát triển khu vực và Việt Nam có thể tận dụng Hiệp định CPTPP.

Theo ông Thomas Sim, năng lực giao thông vận tải rất quan trọng trong Ftz vì cần 1 khu rất lớn và vận chyển hàng hóa thuận lợi. Việt Nam có sự ổn định về vĩ mô. Do đó, Ftz sẽ kết hợp một cách toàn diện với mục tiêu quốc tế lẫn Việt Nam.

“Một số yếu tố có thể dẫn đến thành công với Ftz là chính sách, cơ sở hạ tầng và quản trị. Vai trò của các cảng cũng rất quan trọng, thúc đẩy hàng hóa xuất khẩu, chuyển dịch, đặc biệt là trong giai đoạn vừa qua, càng thấy tầm quan trọng của cảng”, ông Thomas Sim nhấn mạnh.

Bên cạnh đó, ông cho rằng, cảng nội địa cũng là cánh tay nối dài của Ftz. Do đó, cần có những chính sách đặc biệt. Nếu làm không tốt thì giống như mua dây trói mình. Nhiều nước bị mắc kẹt không phát triển tiếp được.

Ông Thomas Sim cũng nêu một số mô hình cụm cảng thành công trên thế giới như Singapore, một quốc gia rất gần gũi và có vị trí tương đồng với Việt Nam. Chính phủ Singapore luôn có cái nhìn trước thời cuộc nên dụng 6 terminal và 1 siêu cảng, đủ năng lực vận chuyển quốc tế tới 2024.

Cảng Rotterdam cũng là một cụm cảng rất thành công của Hà Lan, gần bắc hải, khu vực delta, thu hút đầu tư từ EU và phục vụ cho chính khu vực này.

“Một yêu tố quan trọng là “Cụm cảng”. Cụm cảng khổng lồ là những khu chuyên biệt đành cho các ngành khác nhau. Cụm cảng sẽ mang lại giá trị rất cao cho từng ngành. Bà Rịa - Vũng Tàu có thể phát triển theo hướng này”, ông Thomas Sim chia sẻ thêm.

HOÀN THIỆN HẠ TẦNG LOGISTICS CHO PHÁT TRIỂN VẬN TẢI ĐA PHƯƠNG

Phiên thảo luận thứ nhất với chủ đề: Hoàn thiện hạ tầng logistics cho phát triển vận tải đa phương thức do những khách mời đại diện cho các bộ ban ngành, các Hiệp hội, doanh nghiệp cùng bàn thảo vấn đề xung quanh việc hoàn thiện hệ thống hạ tầng logistics Đông Nam Bộ với 3 trọng tâm lớn là vận tải biển, vận tải bộ và thuỷ nội địa. Ông Nguyễn Linh Anh - Phó Tổng Biên tập Phụ trách Tạp chí Diễn đàn Doanh nghiệp điều phối phiên.

Các vị diễn giả tại phiên thảo luận

Các vị diễn giả tại phiên thảo luận chủ đề: Hoàn thiện hạ tầng logistics cho phát triển vận tải đa phương thức.

Ông Nguyễn Linh Anh - Phó Tổng Biên tập Phụ trách Tạp chí Diễn đàn Doanh nghiệp

Ông Nguyễn Linh Anh - Phó Tổng Biên tập Phụ trách Tạp chí Diễn đàn Doanh nghiệp

Chia sẻ tại phiên thảo luận, ông Nguyễn Xuân Kỳ - Tổng Giám đốc Cảng Quốc tế Cái Mép (CMIT) đề xuất tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp cảng biển và hạ tầng sau cảng.

Khoảng 3 năm trước doanh nghiệp gặp phải rất nhiều các khó khăn, vưỡng mắc. Năm 2020, Chỉ số CPPI (Container Port Performance Index) do Ngân hàng Thế giới World Bank và tổ chức IHS Markt công bố lần đầu (các năm sau do Ngân hàng Thế giới và tổ chức S&P Global Market Intelligence xếp hạng).

Năm 2021: Cái Mép xếp hạng thứ 11 về chỉ số CPPI (theo kiểu tính thống kê) hoặc thứ 13 (theo kiểu tính kỹ thuật); Năm 2022: Cái Mép xếp hạng thứ 12 về chỉ số CPPI.

ông Nguyễn Xuân Kỳ - Tổng Giám đốc Cảng Quốc tế Cái Mép (CMIT)

Ông Nguyễn Xuân Kỳ - Tổng Giám đốc Cảng Quốc tế Cái Mép (CMIT)

Cái Mép có số lượng tuyến dịch vụ tàu mẹ đi Mỹ và châu Âu hơn hẳn các nước khác khu vực Đông Nam Á (chỉ sau Malaysia và Singapore vì đây là 2 hub). Kích cỡ tàu vào Cái Mép gia tăng nhanh chóng, gần 40% số tuyến dịch vụ khai thác tàu kích cỡ trên 132,000 DWT. Tất cả các biện pháp đưa ra là câu chuyện cảng nước sâu. Toàn bộ hàng hoá chủ yếu tập trung ở Đồng Nai, Bình Dương, và nếu không có hai địa phương này thì không thể giúp cho ngành Logistics tỉnh Bà Rịa -Vũng Tàu phát triển.

Do đó, để tận dụng tốt lợi thế cảng nước sâu Cái Mép -Thị Vải, giúp tăng quy mô kim ngạch xuất nhập khẩu và mở rộng ngành hàng xuất nhập khẩu, giúp ngành logistics tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu phát triển (depot, ICD, CFS, trucking, kho bãi,...), chúng tôi kiến nghị: 

Một là, đảm bảo các tuyến đường giao thông kết nối vùng;

Hai là, sớm hình thànhg khu thương mại tự do (FTZ) tại Cái Mép – Thị Vải;

Ba là, điều chỉnh Thông tư số 54 của Bộ GTVT về giá xếp dỡ tại Thị Vải- Cái Mép;

Bốn là, Bộ Tài Chính đang dự thảo Thông tư quy định giám sát Hải quan đối với hàng hoá vận chuyển giữa các cảng Cái Mép, như: Cho phép tất cả các loại hàng hoá được vận chuyển giữa các cảng Cái Mép; Bỏ seal Hải Quan – khi container được vận chuyển bằng các xe tải có thiết bị theo dõi hành trình; Cho phép thay đổi thông tin cảng dỡ hàng, cảng đích trước khi hàng hoá được giao ra khỏi cảng Cái Mép thay vì trước khi tàu cập như hiện nay; Dự kiến Hiệu lực ngay khi ban hành; Kiến nghị Bộ Tài Chính / Tổng cục Hải quan sớm ban hành Thông tư này.

Tại phiên thảo luận, ông Bùi Thiên Thu, Cục trưởng Cục đường thuỷ nội địa, Bộ Giao thông Vận tải cho biết, các tuyến đường thủy nội địa kết nối trực tiếp đến các cảng biển giúp gom và rút hàng hóa rất hiệu quả; đặc biệt là giữa cảng biển Cái Mép, các cảng biển khác khu vực Đông Nam Bộ với nguồn hàng Đồng bằng sông Cửu Long và nước bạn Campuchia.

Theo nghiên cứu vào năm 2021 của USAID trên tuyến vận tải Cát Lái - Cái Mép, chi phí trung bình của phương thức vận tải đường thủy chỉ bằng 25% so với đường bộ. Chi phí này hiện nay còn thấp hơn nữa do từ tháng 8/2022, TP. Hồ Chí Minh miễn phí sử dụng hạ tầng cảng biển đối với hàng hóa Campuchia được vận chuyển bằng đường thủy nội địa.

ông Bùi Thiên Thu, Cục trưởng Cục đường thuỷ nội địa, Bộ Giao thông Vận tải

Ông Bùi Thiên Thu, Cục trưởng Cục đường thuỷ nội địa, Bộ Giao thông Vận tải

Cũng theo ông Thu, một số điểm thuận lợi của đường thủy nội địa có thể thấy: Mức độ ô nhiễm môi trường chỉ bằng khoảng 30% so với đường bộ; tỷ lệ tử vong do tai nạn giao thông rất thấp so với đường bộ .

Về khó khăn, đầu tư cho kết cấu hạ tầng đường thủy nội địa chưa tương xứng với tiềm năng và đóng góp của vận tải đường thủy nội địa. Mặc dù đóng góp khoảng 20% sản lượng vận tải của toàn ngành giao thông, nhưng nguồn vốn đầu tư cho vào đây so với tổng đầu tư ngành giao thông vận tải còn chiếm tỷ lệ chưa đến 5% (cả ngân sách nhà nước và đầu tư tư nhân).

Từ đó, ông Bùi Thiên Thu đưa ra một số nhóm giải pháp.

Thứ nhất: Nhóm giải pháp về đơn giản hóa thủ tục hành chính gồm: Thực hiện thủ tục điện tử cho sà lan, phương tiện thủy nội địa khi vào cảng biển; Đơn giản hóa thủ tục thông quan hàng hóa quá cảnh, trung chuyển đi Campuchia.

Thứ hai: Nhóm giải pháp tăng kết nối giữa cảng biển cửa ngõ với vận tải thủy nội địa như đề xuất thí điểm cho phép phương tiện VR-SI hoạt động tuyến từ Cửa Tiểu đến Cái Mép - Thị Vải, giúp hàng hóa vận chuyển giữa Cái Mép - Thị Vải và Đồng bằng sông Cửu Long, Campuchia không phải qua kênh Chợ Gạo (đang bị quá tải), từ đó nâng cao năng lực vận tải, tăng doanh thu, giảm chi phí; Xóa bỏ các nút thắt về tĩnh không các cầu vượt sông đối với vận tải container bằng đường thủy nội địa, đảm bảo sà lan 200 TEU hoạt động thuận lợi giữa Cái Mép và Cát Lái. Hay, xây dựng bến sà lan chuyên dụng tại cảng Cái Mép - Thị Vải để đáp ứng nhu cầu dự kiến tăng cao về vận chuyển container bằng sà lan trên sông giữa Cát Lái và Cái Mép - Thị Vải…

Thứ ba: Nhóm giải pháp liên kết ngành và liên kết vùng.

Về liên kết ngành: Tăng cường sự phối hợp giữa bộ, ngành ở Trung ương như Bộ Giao thôngVvận tải, Bộ Công Thương, Bộ Tài chính, các Bộ quản lý chuyên ngành trong quá trình xây dựng, điều chỉnh chính sách liên quan đến phát triển logistics; đặc biệt đối với các nội dung như tiêu chuẩn kĩ thuật, kiểm dịch, thuế, hải quan….

Liên kết giữa các chính sách của chính quyền địa phương với các bộ, ngành cũng cần tăng cường hơn, nếu sự phối hợp giữa bộ, ngành và các địa phương không tốt sẽ có những chính sách ảnh hưởng đến mục tiêu của ngành logistics. Mặt khác, ở khía cạnh xây dựng và thực thi chính sách, thể chế đòi hòi phải có sự liên kết chặt chẽ giữa các bộ, ngành và địa phương.

Về liên kết vùng: Chính sách quản lý nhà nước của các địa phương trong khu vực cần có sự đồng bộ vì lợi ích và sự phát triển chung của toàn vùng.

Cục Đường thủy nội địa Việt Nam ủng hộ về việc thành lập Hiệp hội Doanh nghiệp Logistics Bà Rịa - Vũng Tàu, là đầu mối của các doanh nghiệp dịch vụ logistics trên địa bàn để phối hợp với cơ quan quản lý nhà nước trong việc xây dựng, sửa đổi quy hoạch, chính sách liên quan đến dịch vụ vận tải, phát triển; cũng như phản ánh đến các cơ quan quản lý nhà nước chuyên ngành về giao thông vận tải, hải quan, biên phòng, y tế, kiểm dịch động thực vật về những khó khăn, vướng mắc trong quá trình sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp hội viên.

“Nếu chúng ta đi nhanh thì đi một mình, nhưng nếu muốn đi xa thì đi cùng nhau” – ông nhấn mạnh.

Ông Đào Trọng Khoa - Phó Chủ tịch Liên đoàn Logistics Đông Nam Á (AFFA), Chủ tịch DTK Logistics Solutions cho biết: Cải thiện hạ tầng mềm mang lại hiệu quả lâu dài và có tính bền vững. Cảng Cái Mép chẳng hạn, nâng hạng vị trí xếp hạng thông qua ứng dụng giải pháp chuyển đổi số.

Ông Đào Trọng Khoa - Phó Chủ tịch Liên đoàn Logistics Đông Nam Á (AFFA), Chủ tịch DTK Logistics Solutions

Ông Đào Trọng Khoa - Phó Chủ tịch Liên đoàn Logistics Đông Nam Á (AFFA), Chủ tịch DTK Logistics Solutions

Hiện các bộ, ngành, doanh nghiệp nỗ lực chuyển đổi số nhưng thiếu đồng bộ và liên kết hài hoà trong tổng thể chung. Đơn cử, các doanh nghiệp logistics Việt Nam tương tác với hãng tàu, cảng biển đều có giải pháp riêng nên buộc phải nhớ rất nhiều tên, mật khẩu truy cập. Do đó, việc xây dựng nền tảng số chung có ý nghĩa quan trọng. Tại Quyết định 749/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Kế hoạch Chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 đã nhấn mạnh: phát triển nền tảng số là giải pháp đột phá để thúc đẩy chuyển đổi số nhanh hơn, giảm chi phí, tăng hiệu quả.

Theo ông Đào Trọng Khoa, cách đây 5 năm, qua trao đổi, các cảng hàng đầu Việt Nam cho biết đang xây dựng hệ thống cộng đồng cảng biển; một số doanh nghiệp lớn đã có hệ thống như vậy. Nếu có mô hình này sẽ tối ưu hoá quy trình hoạt động, tăng hiệu quả kinh doanh lâu dài.

Chia sẻ thêm về những lợi ích của hệ thống cộng đồng cảng biển thông qua chuyển đổi số ở mô hình của cảng Barcelona, ông Đào Trọng Khoa cho biết: mô hình này có nhiều lợi ích như cắt giảm chi phí hoạt động, tăng doanh thu, phát triển bền vững, giảm phát thải carbon với lượng phát thải tương đương với lượng phát thải của ngành bán lẻ vùng Catalan. Bên cạnh đó, giảm thời gian chờ đợi của các xe tải thông qua cửa ngõ, giảm thời gian giao dịch của nhân viên logistics.

Việc chuyển đổi số của cảng Barcelona tương đương với việc trồng hơn 230.000 cây xanh, 316 ha diện tích rừng mới.

Ở góc độ doanh nghiệp, ông Đào Trọng Khoa nhận thấy các doanh nghiệp đang đẩy mạnh chuyển đổi số theo xu hướng chung nhưng cách tiếp cận không theo hệ thống mà đang giải quyết theo vấn đề trước mắt. Là nhà tư vấn, ông Đào Trọng Khoa thông tin: hiện nay các giải pháp chuyển đổi số đã sẵn sàng, các doanh nghiệp nhỏ và vừa có thể ứng dụng, chỉ cần cách nhìn nhận có tính hệ thống, áp dụng từng phần, theo từng giai đoạn, doanh nghiệp sẽ có công cụ mang lại hiệu quả lâu dài trong tương lai.

Với các doanh nghiệp đang mong muốn chuyển đổi số để nâng cao sức cạnh tranh, ông Đào Trọng Khoa nhấn mạnh: doanh nghiệp cần tiếp cận giải pháp chuyển đổi số theo hệ thống và xác định việc ứng dụng công nghệ không nên xem là chi phí mà là đầu tư cho hoạt động tương lai.

Có mặt tại phiên thảo luận, ông Nguyễn Đình Việt, Phó Cục trưởng Cục trưởng Cục Hàng hải Việt Nam, Bộ Giao thông Vận tải cho biết, tại Nghị Quyết số 24-NQ/TW ngày 07/10/2022 của Bộ Chính trị về phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng Đông Nam Bộ đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 đã đánh giá “Đông Nam Bộ là vùng kinh tế năng động, sáng tạo, đi đầu trong đổi mới và phát triển, đóng góp lớn vào tăng trưởng kinh tế, xuất khẩu, thu ngân sách nhà nước và giải quyết việc làm của cả nước”. 

Ông Nguyễn Đình Việt, Phó Cục trưởng Cục trưởng Cục Hàng hải Việt Nam, Bộ Giao thông Vận tải

Ông Nguyễn Đình Việt, Phó Cục trưởng Cục trưởng Cục Hàng hải Việt Nam, Bộ Giao thông Vận tải

Bởi vậy, những năm qua, Đông Nam Bộ là khu vực luôn được Nhà nước đặc biệt quan tâm phát triển hạ tầng giao thông vận tải, trong đó có hạ tầng cảng biển nhằm tạo động lực để Đông Nam Bộ phát huy thế mạnh, đảm bảo vai trò đầu tàu về kinh tế và hội nhập.

Trải qua 20 năm phát triển theo Quy hoạch, Cảng biển Bà Rịa - Vũng Tàu đã định hình là một cảng biển cửa ngõ quan trọng của Vùng và Quốc gia với tổng chiều dài cầu bến khoảng trên 20 km, công suất thiết kế là 150-170 triệu tấn/năm. Trong đó có 8 bến cảng chuyên dụng xếp dỡ container tại Cái Mép – Thị Vải với công suất 8,3- 8,67 triệu TEU/năm.

Song song với đầu tư hạ tầng bến cảng biển, hạ tầng luồng hàng hải, các hệ thống hỗ trợ bảo đảm an toàn hàng hải cũng được quan tâm đầu tư, thiết lập trong đó tuyến luồng hàng hải Vũng Tàu – Thị Vải được đầu tư nạo vét năm 2012 với độ sâu từ phao 0 đến bến cảng bến cảng ODA Cái Mép đạt -14m, và đến bến cảng ODA Thị Vải đạt độ sâu đến -12m.

Bên cạnh những kết quả đã đạt được, quá trình phát riển cảng biển Bà Rịa – Vũng Tàu thời gian qua, vẫn có một số tồn tại hạn chế sau:

Hạ tầng giao thông kết nối cảng chậm được triển khai: Tuyến đường liên cảng Cái Mép - Thị Vải đến này vẫn chưa hoàn thành (đang thi công cầu Phước An); Cao tốc bến Lức Long Thành và tuyến đường nối với bến cảng Cái Mép – Thị Vải chậm tiến độ; tuyến Quốc lộ 51 hạn chế về năng lực chưa đáp ứng yêu cầu tiếp/rút hàng đến cảng nên tình trạng ùn tắc giao thông thường xuyên xảy ra;

Thiếu hạ tầng logistics (trung tâm phân phối; các depot cho xe tải, công rỗng; cảng cạn...) để hỗ trợ khai thác cảng biển, điều này làm cho giao thông thêm phức tạp, tổ chức vận tải gặp nhiều khó khăn.  

Chuẩn tắc luồng tàu chưa đáp ứng nhu cầu thực tế: Hiện nay các tàu thuyền vào rời các bến cảng khu vực Cái Mép đến 232.000 DWT, tuy nhiên tuyến luồng đến thời điểm hiện tại vẫn giữ nguyên chuẩn tắc công bố từ năm 2012 cho tàu đến 80.000 DWT, làm hạn chế năng lực của các bến cảng. Các tàu trọng tải lớn có nhu cầu cập cảng vẫn phải thực hiện các thủ tục thử nghiệm tạm thời, đòi hỏi các giải pháp quản lý, vận hành phức tạp.   

Phát triển các dịch vụ cảng biển (Hải Quan, kiểm dịch, tài chính bảo hiểm...) thiếu đồng bộ về quy mô và tiến trình thực hiện.

Việc triển khai đầu tư cho của từng doanh nghiệp cảng trước đây với chiều dài mỗi bến cảng khoảng 600m, khi tiếp nhận các tàu biển trọng tải lớn như hiện nay với chiều dài đến 400m thì với chiều dài còn lại chỉ có thể tiếp nhận tàu trọng tải dưới 20.000 DWT.

Vấn đề cạnh tranh nội vùng liên quan đến nhu cầu, lợi ích của từng địa phương đều mong muốn phát triển cảng để thúc đẩy các hoạt động kinh tế cũng tác động đến sự phát triển của Cái Mép – Thị Vải. Mặt khác vấn đề cạnh tranh giữa các cảng biển cũng ảnh hưởng đến công tác quản lý về giá, phí nói chung, trong đó có các bến cảng khu vực Cái Mép – Thị Vải.

Do đó, tại Diễn đàn, ông Việt kiến nghị một số giải pháp nhằm đẩy mạnh đầu tư kết nối, nhất là kết nối sâu cảng, kết nối tuyến đường cái mép hạ và sau cái mép hạ, là những giải pháp cần tiến hành.

Theo đó, Bộ Giao thông Vận tải đầu tư nâng cấp luồng 15.5, chậm nhất là đến quý I/2024, vừa tạo hành lang an toàn hơn vừa thu hút hơn, giúp giảm chi phí vận tải. Với khu trung tâm, cần nghiên cứu các kho hàng (depot), rất quan trọng, để xe tải tạo khu bến đỗ, container rỗng. Nếu kho hàng đủ tầm, lưu trữ sẽ rất hiệu quả

Về cảng cạn, hiện hiện đại nhất, quy mô nhất là Phú Mỹ 3, địa phương đã đồng bộ cảng với các kết nối khác rất tốt, là mô hình để học hỏi. Về phần mềm: Cần có sự đồng bộ liên quan tới hải quan, chuyển dịch, thuế, tài chính ngân hàng, cần có hệ sinh thái đồng bộ để tăng thu hút đầu tư, hàng hóa.

Ông Phạm Hoài Chung – Phó Viện trưởng phụ trách Viện Chiến lược và Phát triển Giao thông Vận tải, Bộ Giao thông Vận tải, đúc kết “5 cái nhất” xác lập vai trò chiến lược của vùng Đông Nam Bộ:

Đông Nam Bộ là vùng đóng góp vào GDP cả nước cao nhất; Là vùng có nhiều khu công nghiệp lớn nhất nước; Có tốc độ đô thị hóa nhanh nhất; Có lượng hàng hóa container chiếm phần lớn nhất; Có 2 hub logistics lớn nhất nước là cảng hàng không Long Thành, cảng biển Cái Mép.

“Từ những điều này, tôi nhận thấy Vũng Tàu và các tình trong vùng sẽ tạo thành vùng tăng trưởng lớn nhất nước”, ông Chung nói.

Ông Phạm Hoài Chung – Phó Viện trưởng phụ trách Viện Chiến lược và Phát triển Giao thông Vận tải, Bộ Giao thông Vận tải

Ông Phạm Hoài Chung – Phó Viện trưởng phụ trách Viện Chiến lược và Phát triển Giao thông Vận tải, Bộ Giao thông Vận tải.

Theo ông Chung, tốc độ phát triển kinh tế thời gian qua của TP. HCM có dấu hiệu giảm nhưng Bà Rịa - Vũng Tàu lại tăng lên. Như vậy, có thể thấy, Bà Rịa -Vũng Tàu rất nhiều tiềm năng.

“Sự phát triển phải đi liền với sự gắn kết địa phương trong vùng. Trục kết nối từ cửa khẩu xuyên Á đang được nghiên cứu đầu tư, lượng hàng từ Campuchia, qua Tây Ninh sẽ tới qua cảng Vũng Tàu này. Các hướng trục cao tốc đang hình thành là một điểm sáng.

Tuy nhiên, vận tải đường sắt trong vùng là một điểm yếu, phương thức vận tải đường sắt là điểm nghẽn. Theo kinh nghiệm thế giới, việc gom hàng đường sắt cho đường biển rất quan trọng, thường chiếm 80% cho gom hàng biển. Nhưng vận tải đường sắt quốc gia chỉ mới có 1 tuyến Bắc – Nam khai thác trên khổ đường đơn 1.000m chạy chung vận chuyển hàng hóa và hành khách, hạn chế vận tải hàng hóa bằng đường sắt, tuyến đường sắt tốc độ cao, các tuyến đường sắt chuyên dùng kết nối đến cảng biển mới dừng ở mức nghiên cứu, đường sắt đô thị chưa phát triển.

Chi phí xếp dỡ cũng là vấn đề hạn chế, cần nghiên cứu xem xét thay đổi cho phù hợp hơn để hấp dẫn các nhà đầu tư cảng biển về đầu tư, thu hút các “đại bàng” cảng biển về làm tổ”, ông Chung nêu.

YÊU CẦU LIÊN KẾT, NHẤT LÀ TRONG VẤN ĐỀ LOGISTICS KHI HÌNH THÀNH KHU THƯƠNG MẠI TỰ DO

Phiên thảo luận thứ hai với chủ đề tập trung là liên kết để hình thành Khu thương mại tự do – đây được đánh giá là đột phá cho sự phát triển logistics cũng như kinh tế của Đông Nam Bộ nói chung và tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu nói riêng. Ông Trần Chí Dũng, Uỷ ban chuyển đổi số và phát triển bền vững Liên đoàn Giao nhận Vận tải ASEAN (AFFA) điều phối phiên thảo luận.

Các vị diễn giả tại phiên thảo luận thứ hai.

Các vị diễn giả tại phiên thảo luận thứ hai.

Ông Trần Chí Dũng, Uỷ ban chuyển đổi số và phát triển bền vững Liên đoàn Giao nhận Vận tải ASEAN (AFFA)

Ông Trần Chí Dũng, Uỷ ban chuyển đổi số và phát triển bền vững Liên đoàn Giao nhận Vận tải ASEAN (AFFA)

Đề dẫn phiên thảo luận thứ hai, ông Nguyễn Công Vinh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu cho biết: Thực hiện nghị quyết số 24 của Bộ Chính Trị và Nghị quyết số 54 của Chính phủ về phát triển vùng Đông Nam Bộ đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, một lần nữa khẳng định tiềm năng của tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu trong lĩnh vực logistics khi xác định “tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu là khu vực phát triển mạnh các ngành kinh tế biển: cảng biển, logistics, … Hình thành khu thương mại tự do gắn với cảng biển tại khu vực Cái Mép Hạ… tiếp tục phát triển, hiện đại hóa Cảng cửa ngõ quốc tế Cái Mép – Thị Vải thành cảng quốc tế trung chuyển lớn, có tầm cỡ khu vực Châu Á và quốc tế “.

Tuy nhiên, theo ông Nguyễn Công Vinh, việc phát triển khu thương mại tự do gắn với cảng biển Cái Mép -Thị Vải vẫn có nhiều thách thức hạn chế như: kết cấu hạ tầng giao thông kết nối chưa được đầu tư kịp thời; hệ thống cảng biển tuy được quy hoạch nhưng triển khai được đồng bộ khiến lợi thế vươn ra cửa ngõ chưa được phát huy đầy đủ, nhất là quy hoạch vùng kinh tế; cơ chế hợp tác của vùng chưa được hiệu quả và thông suốt….

Tại phiên thảo luận này, ông Vinh mong muốn với các chuyên gia đầu ngành, các nhà quản lý, doanh nghiệp sẽ chia sẻ và đưa ra các giải pháp quý báu. Để từ đó, các địa phương có thể tìm kiếm các giải pháp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc không chỉ cho các doanh nghiệp logistics nói riêng mà còn đối với vấn đề liên kết hoàn thiện hạ tầng logistics vận tải đa phương thức vùng Đông Nam Bộ nói chung. 

TS. Trần Thị Hồng Minh - Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương nhấn mạnh tầm quan trọng của khu vực Đông Nam Á với sự phát triển kinh tế xã hội của đất nước. Năm 2022, khu vực Đông Nam Á đã đóng góp 30% GDP của cả nước. Có được kết quả này, các địa phương trong vùng thực hiện hiệu quả liên kết vùng, nhất là dịch vụ logistics.

TS. Trần Thị Hồng Minh - Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương

TS. Trần Thị Hồng Minh - Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương

Tuy nhiên, bên cạnh đó còn có một số điểm nghẽn cản trở sự phát triển của địa phương và khu vực, cần có giải pháp tăng cường thể chế liên kết vùng thông qua việc hình thành và xây dựng khu Thương mại tự do gắn với cảng biển. Đây là một trong những lợi thế của các địa phương và của tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu.

Về thể chế, Đảng và Nhà nước đã có chính sách quan trọng thúc đẩy liên kết vùng, nhất là vùng Đông Nam Bộ. Mới đây nhất, năm 2022, Bộ Chính trị có Nghị quyết số 24 về phát triển vùng; Chính phủ có Nghị quyết số 57 về tăng cường thể chế liên kết vùng. Với cơ sở pháp lý này tạo lực đà mang tính chất là nền tảng tạo điều kiện cho sự phát triển của vùng.

Trong năm nay, Hội đồng điều phối vùng khu vực Đông Nam Bộ đã được thành lập, Thủ tướng Chính phủ là Chủ tịch Hội đồng. Đây là lực đẩy cơ chế, thể chế liên kết vùng khu vực Đông Nam Bộ tốt hơn.

Ngoài ra, xây dựng khu Thương mại tự do gắn với cảng biển với tỉnh, là cơ hội quan trọng, phải cố gắng không bỏ lỡ. Khu Thương mại tự do có cơ chế đặc biệt, tạo điều kiện cho hàng hoá các nước, trong đó có cả các nước không có Hiệp định Thương mại tự do với Việt Nam có thể đến thực hiện các khâu sản xuất, chế biến, xuất khẩu đến các nước khác và nhập khẩu hàng hoá vào Việt Nam.

Với những thuận lợi căn bản liên quan đến miễn thuế xuất nhập khẩu, nếu tỉnh làm được có thể thu hút được nhiều nhà đầu tư.

Bà Minh cũng cho biết, khu Thương mại tự do liên quan đến chuyển đổi số, gắn với cải cách, tạo thuận lợi trong hải quan, triển khai thương mại không giấy tờ, xuyên biên giới. Đây là nội dung đang được Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương phối hợp với Uỷ ban Kinh tế xã hội châu Á - Thái Bình Dương thực hiện. Thực hành thương mại không giấy tờ, xuyên biên giới chắc chắn mang lại hiệu quả cả về thủ tục hành chính, chi phí thời gian, chi phí tài chính, nguồn lực. Lợi thế này các tỉnh Đông Nam Bộ và tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu cần nắm bắt.

Khu Thương mại tự do cũng là môi trường thuận lợi để thực hành cơ chế thử nghiệm như cơ chế liên quan đến kinh tế tuần hoàn.

Để thực hiện khu Thương mại tự do đúng nghĩa và khai thác hết tiềm năng, lợi ích, các địa phương cần khảo sát kỹ lưỡng gắn với quy hoạch địa phương, quy hoạch vùng cùng sự tham gia tích cực của doanh nghiệp. Về tư duy, cần tư duy cởi mở hơn, áp dụng mô hình quản trị mới, rà soát chính sách… Đặc biệt, có cơ chế thúc đẩy các dịch vụ, trong đó có dịch vụ logistics.

Ông Richard Oliver Szuflak – Tổng Giám đốc Tập đoàn DP World Việt Nam chia sẻ, Công ty DP World đang vận hành khoảng 20 FTZ trong toàn cầu. Nổi tiếng nhất là ở Dubai, có khoảng 6.000 ha, liên kết chặt chẽ với cảng biển. Có nhiều FTZ nữa ở Ấn Độ, Bắc Mỹ, Châu Phi. Ông cho biết DP World cũng rất quan tâm tới cơ hội tại Việt Nam.

Ông Richard Oliver Szuflak – Tổng Giám đốc Tập đoàn DP World Việt Nam

Ông Richard Oliver Szuflak – Tổng Giám đốc Tập đoàn DP World Việt Nam

“Đầu tiên, nói về logistics chúng ta cần định nghĩa thuật ngữ rõ ràng để thống nhất. “Special economic zone” hay FTZ là 1 khu vực không cần rộng lắm, có thể kiểm soát được và điểm quan trọng là có sức cạnh tranh. Điều này không dễ cho nhiều quốc gia. Nhưng DP World đã hoạt động nhiều nơi trên thế giới mà không gặp vấn đề gì về pháp luật. 

Tại Việt Nam hiện tại chưa có FTZ như thế nhưng cũng có nhiều người đang cố thực hiện 1 hành lang pháp lý cho nó, nếu được thì Bà Rịa - Vũng Tàu sẽ là 1 tỉnh tiên phong”, ông nói.

Ông cũng cho biết thêm, để triển khai FTZ, cũng cần thiết lập 1 ban quản lý chuyên biệt minh bạch để vận hành riêng. Mô hình này nhiều nước rất ủng hộ và cũng rất thành công. 

Theo ông, trong vòng 5 năm tới các chính quyền, các nhà hoạch định, ban quản lý cũng cần có tầm nhìn xa hơn. Nếu triển khai FTZ thì các bên đều sẽ có lợi ích chung trong mô hình này.

“Tôi đề xuất một lộ trình 6 bước, đơn giản hóa việc triển khai một FTZ. Tuy khó nhưng nếu phân kỳ các bước ra thì có thể từng bước thực hiện được”, Tổng Giám đốc DP World đề xuất. 

Ông Đoàn Hồng Quân – Giám đốc Logistics LEC Group cho biết: hoạt động tại cảng Cái Mép - Thị Vải hơn 11 năm và đã có chỗ đứng trên thị trường. Từ góc độ doanh nghiệp, muốn thu hút nguồn hàng, trong giai đoạn khó khăn, từ lãnh đạo đến nhân viên các bộ phận, phòng ban đều phải tìm kiếm khách hàng và chắt chiu từng đơn hàng.

Ông Đoàn Hồng Quân – Giám đốc Logistics LEC Group

Ông Đoàn Hồng Quân – Giám đốc Logistics LEC Group

Bên cạnh đó, doanh nghiệp đang thực hiện liên kết ở cấp vi mô với nhau. Trước hết là liên kết ngang giữa các doanh nghiệp cùng lĩnh vực với nhau. Ở cụm cảng Cái Mép - Thị Vải, nguồn hàng nông sản hồi phục nhanh hơn hàng contener nhưng do đang bước vào mùa mưa, các đội vận tải gom xe chạy hàng khi thời tiết thuận lợi, tranh thủ chạy hàng cho kịp tiến độ. Trong liên kết ngang, theo ông Đoàn Hồng Quân, doanh nghiệp còn thực hiện hàng đổi hàng lẫn nhau

Bên cạnh liên kết ngang, LEC Group còn thực hiện liên kết dọc. Trong cụm cảng Cái Mép - Thị Vải có 22 bến cảng, doanh nghiệp có hợp tác chiến lược sâu rộng với các cảng qua đó góp phần giảm chi phí lưu kho, thậm chí miễn phí kho từ 3-5 ngày cho khách hàng; giảm phí khai thác bến cảng… Mỗi doanh nghiệp giảm một chút, theo ông Đoàn Hồng Quân cũng góp phần mang lại lợi ích tương đối cho khách hàng.

Trong tương lai, ông Đoàn Hồng Quân cho biết, doanh nghiệp muốn xây dựng trạm dịch vụ tại đường liên cảng phục vụ hậu cần, bảo dưỡng xe. 

Ông Nguyễn Gia Hồng, Giám Đốc HDBank Vũng Tàu chia sẻ về Cơ chế vốn xanh cho logistics xanh và Khu Thương mại tự do. Ông Hồng cho biết, logistics cũng chính là một lĩnh vực ưu tiên cụ thể trong hoạt động của HDBank thời gian qua, trong tầm nhìn phát triển thời gian tới.

Ông Nguyễn Gia Hồng, Giám Đốc HDBank Vũng Tàu

Ông Nguyễn Gia Hồng, Giám Đốc HDBank Vũng Tàu

Theo đó, trong những năm qua, ngành Logistics Việt Nam đã có bước tiến đáng kể với tốc độ bình quân từ 14-16%/năm, quy mô 40-42 tỷ USD/năm. Số lượng các doanh nghiệp và chất lượng kinh doanh dịch vụ logistics ngày càng tăng lên. Mặc dù vậy, qua thực tế hoạt động, HDBank nhận thấy ngành logistics Việt Nam vẫn đang phải đối mặt với nhiều thách thức như: chi phí logistics còn cao; thiếu sự liên kết giữa các doanh nghiệp dịch vụ logistics với nhau và với các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh, doanh nghiệp xuất nhập khẩu; đặc biệt là cơ sở hạ tầng còn yếu do hạn chế về tiềm lực về tài chính dẫn đến việc đưa doanh nghiệp logistic Việt Nam tiến ra thị trường nước ngoài còn chưa đáng kể.

Trước thực tế này, HDBank nhận thức rõ vai trò, yêu cầu về tính kịp thời và hiệu quả trong hỗ trợ và đồng hành cùng các khách hàng của mình; từ đó để cùng hướng tới tối ưu nguồn vốn và sử dụng vốn, tín dụng, cùng chủ động với các giải pháp tài chính phù hợp để góp phần nâng cao khả năng cạnh tranh của các doanh nghiệp Logistics Việt Nam. Trách nhiệm và tự hào là một ngân hàng thương mại từ TP.HCM – thành phố mang tên Bác, khởi sinh từ khu vực Đông Nam Bộ, qua hơn 3 thập kỷ xây dựng và phát triển, HDBank đang không ngừng mở rộng hoạt động trên phạm vi cả nước, đồng hành cùng Chính phủ, doanh nghiệp, cộng đồng… phát triển kinh tế đất nước, an sinh xã hội.

Với năng lực tài chính vững vàng, đáp ứng các chuẩn mực quốc tế trong hoạt động, có sự hậu thuẫn và kết nối chặt chẽ với các định chế tài chính hàng đầu thế giới để đa dạng và linh hoạt nguồn vốn hỗ trợ doanh nghiệp, HDBank hiện một trong những ngân hàng thương mại hàng đầu và chủ động trong góp phần thúc đẩy các nguồn lực phát triển kinh tế đất nước, chú trọng các động lực cho tăng trưởng như xuất khẩu và Logistics…

“HDBank mong muốn tiếp tục tăng cường hơn nữa mối quan hệ chặt chẽ với cộng đồng doanh nghiệp, với các hiệp hội và các đầu mối chuyên trách để cùng góp phần thực hiện mục tiêu chung “Liên kết phát triển Logistics”, cùng thúc đẩy các động lực phát triển kinh tế khu vực Đông Nam Bộ” – ông Hồng nhấn mạnh.

fd

Ông Thoang Trần, Giám đốc CT - Strategies Việt Nam 

Ông Thoang Trần, Giám đốc CT - Strategies Việt Nam cho rằng, khu Thương mại tự do tại các nước và các địa phương không giống nhau cũng không chuyển giao công nghệ, vận hành… Dẫn thực tế trên thế giới, ông Thoang Trần thông tin, nhiều quốc gia phát triển các ngành công nghiệp và logistics thường sở hữu các khu Thương mại tự do.

Đây được coi là một trong những trụ cột vững chắc phát triển của các quốc gia. Vì vậy, để đi nhanh và bắt kịp các nước trong ngành công nghệ cao và logistics hiện đại, Việt Nam cần có cách tiếp cận mới, toàn diện, đột phá với các chính sách cởi mở để xây dựng khu Thương mại tự do. 

ông Võ Tân Thành – Phó Chủ tịch VCCI

Ông Võ Tân Thành – Phó Chủ tịch VCCI 

Phát biểu kết luận tại Diễn đàn, ông Võ Tân Thành – Phó Chủ tịch VCCI cho biết, trải qua hơn 4 tiếng đồng hồ với tinh thần làm việc hết sức khẩn trương, nghiêm túc, diễn đàn được nghe rất nhiều thông tin quý báu từ các diễn giả là các chuyên gia, nhà nghiên cứu, đại diện nhà doanh nghiệp, các lãnh đạo các địa phương…

Tựu chung lại, chúng ta đều thống nhất rằng vùng Đông Nam Bộ là vùng rất quan trọng với phát triển kinh tế đất nước. Thứ nhất, đây là vùng mà dân số chỉ chiếm có 17%, đất đai chiếm khoảng 7% tuy nhiên lại có đóng góp rất lớn với 32% GDP và 45% ngân sách cả nước, xuất khẩu lớn,

Vai trò của logistics với vùng Đông Nam Bộ rất là quan trọng. Tuy nhiên, trong thời gian vừa qua thì việc phát triển của logistics vùng Đông Nam Bộ vẫn có những điểm nghẽn nhất định mà tại diễn đàn chúng ta đã chỉ ra đó là: hệ thống kết cấu hạ tầng, đặc biệt là kết cấu hạ tầng về giao thông nhất là giao thông nội vùng, giao thông liên vùng chưa phát triển đồng bộ và hiện nay nhà nước vẫn đang tích cực đầu tư.

Thứ hai, chưa có các trung tâm logistics lớn. Chi phí logicstics cao cũng làm giảm khả năng cạnh tranh cho xuất khẩu.

Nhà nước cần có chính sách tháo gỡ đặc biệt là chính sách khuyến khích doanh nghiệp đầu tư mạnh vào lĩnh vực logistics nhất là xây dựng các kết cấu hạ tầng, giao thông, hàng không, kho bãi… Đặc biệt, nhà nước phải có những tháo gỡ về mặt thủ tục hành chính liên quan tới các vướng mắc trong lĩnh vực logistics, qua đó có thể giải phóng nhanh hàng hóa cho xuất khẩu, giảm chi phí cho doanh nghiệp nhất là các thủ tục liên quan tới thông quan hàng hóa.

Thứ ba, liên quan đến đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao của ngành, cần có chính sách bổ sung để phát triển.

Thứ tư, tăng cường liên kết nội vùng, trong vùng, liên kết doanh nghiệp sản xuất vẫn chưa chặt chẽ và sự cần thiết phải có sự kết nối trong thời gian tới.

Ông Thành cũng cho biết, sau diễn đàn này, VCCI sẽ tập hợp được đầy đủ các ý kiến được đưa ra trình bày, thảo luận tại Diễn đàn này, đồng thời đề xuất kiến nghị để làm sao tạo điều kiện chính sách tối đa cho doanh nghiệp logistics và để ngành logistics phát triển mạnh mẽ.

RA MẮT BAN VẬN ĐỘNG THÀNH LẬP HIỆP HỘI LOGISTICS BÀ RỊA - VŨNG TÀU

Để hoàn thiện hệ thống logistics của vùng nói chung cũng như tỉnh Bà Rịa Vũng Tàu nói riêng, rất cần sự hoạt động tiên phong, tích cực và hiệu quả của các doanh nghiệp logistics trên địa bàn, những “chiến sĩ xung kích” trên mặt trận kinh tế.

Và 1 trong 10 nhóm nhiệm vụ trọng tâm của Hội đồng điều phối vùng Đông Nam Bộ do Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính làm Chủ tịch cũng đã nêu rõ “thúc đẩy, hỗ trợ hình thành và phát triển Hiệp hội doanh nghiệp và các Hiệp hội ngành hàng, Hiệp hội liên minh…”. VCCI, VLA với vai trò đồng hành, hỗ trợ các doanh nghiệp, hiệp hội doanh nghiệp địa phương đánh giá cao và ủng hộ tỉnh Bà Rịa Vũng Tàu trong việc thành lập Hiệp hội logistics tỉnh Bà Rịa Vũng Tàu.

RA MẮT BAN VẬN ĐỘNG THÀNH LẬP HIỆP HỘI LOGISTICS BÀ RỊA - VŨNG TÀU

Ra mắt Ban vận động thành lập Hiệp hội Logistics Bà Rịa - Vũng Tàu 

Hiệp hội logistics tỉnh sẽ trở thành tiếng nói của cộng đồng doanh nghiệp logistics của tỉnh, là cầu nối giữa chính quyền và doanh nghiệp, làm tốt công tác phản biện chính sách, hỗ trợ hội viên doanh nghiệp phát triển. Hôm nay, tại Diễn đàn này, Ban tổ chức chính thức ra mắt Ban vận động thành lập Hiệp hội Logistics Bà Rịa Vũng Tàu, đặt nền móng đầu tiên cho việc thành lập Hiệp hội logistics của tỉnh.

Để làm nên thành công của Diễn ngày hôm nay, không thể thiếu sự đồng hành của các nhà tài trợ. Ban tổ chức xin trân trọng cảm ơn các nhà tài trợ sau đã đồng hành cùng Diễn đàn “LIÊN KẾT PHÁT TRIỂN LOGISTICS – ĐỘNG LỰC TĂNG TRƯỞNG KINH TẾ VÙNG ĐÔNG NAM BỘ”: Công ty CP Hàng tiêu dùng Phúc Sinh; Công ty TNHH Hàng không Lữ hành Việt Nam (Vietravel Airlines); Công ty TNHH Giao nhận – Vận chuyển Quốc tế Trường Hải (Thilogi); Ngân hàng thương mại cổ phần Phát triển Thành phố Hồ Chí Minh (HD BANK); Công ty TNHH Giải pháp logistics DTK; Công ty Cổ phần Cung ứng và Dịch vụ kỹ thuật hàng hải (Maserco)

Tài trợ hỗ trợ: Đề án: Phục hồi và phát triển hoạt động SXKD do Trung tâm Thông tin Kinh tế - VCCI làm đầu mối; Công ty TNHH Connexion Việt Nam (DIBEE); CÔNG TY CỔ PHẦN VIETJETAIR CARGO (Vietjet Aircargo); Tổng công ty Tân Cảng Sài Gòn (Tân cảng sài gòn); Công Ty CP Giao Nhận Vận Tải Con Ong (Bee logistics); Công Ty TNHH KCTC Vietnam (KCTC); Công ty TNHH DGS Logistics (DGS); Tổng công ty Phân bón và Hoá chất Dầu khí (PVFCCo); Công ty Cổ phần Dầu nhờn PVOIL (PVOIL LUBE); Tổng công ty cổ phần Đầu tư phát triển Xây dựng (DIC); Công ty Cổ phần Sonadezi Châu Đức; Công ty CP Tập đoàn LEC (LEC Group); Công ty TNHH Phatta (Phatta).

  

Đánh giá của bạn:

Mời các bạn tham gia vào group Diễn đàn Doanh nghiệp để thảo luận và cập nhật tin tức.

Bạn đang đọc bài viết Liên kết phát triển Logistics - Động lực tăng trưởng kinh tế vùng Đông Nam Bộ tại chuyên mục Thời sự của Tạp chí Diễn đàn doanh nghiệp. Liên hệ cung cấp thông tin và gửi tin bài cộng tác: email toasoan@dddn.com.vn, hotline: 0985698786,
Bình luận
Bạn còn /500 ký tự
Xếp theo: Thời gian | Số người thích
SELECT id,type,category_id,title,description,alias,image,related_layout,publish_day FROM cms_post WHERE `status` = 1 AND publish_day <= 1714376409 AND in_feed = 1 AND top_home <> 1 AND status = 1 AND publish_day <= 1714376409 ORDER BY publish_day DESC, id DESC LIMIT 0,11
1 2 3 4 5 6 7 8 9 10