Hiện nay, doanh nghiệp có nhu cầu tuyển dụng nhân lực 4.0 là rất lớn và không yêu cầu bằng cấp, tuy nhiên, đòi hỏi người lao động phải có kỹ năng và năng lực tốt.
Đó là một trong những chia sẻ quan trọng được các chuyên gia chỉ ra tại chương trình "Giải pháp đào tạo nhân lực công nghệ thông tin cho cách mạng Công nghiệp 4.0", mới đây do Bộ Giáo dục và Đào tạo Việt Nam phối hợp cùng Tập đoàn Aptech thực hiện.
Theo đó, hiện nay, đang có sự mất cân bằng trong thị trường lao động. Bởi, doanh nghiệp vẫn đang trong hành trình đi tìm kiếm tài năng, trong khi sinh viên thì vẫn cứ thất nghiệp. Vấn đề ở đây đó là những thứ doanh nghiệp cần ở người lao động lại có khoảng cách xa so với đầu ra của sinh viên.
Là người có kinh nghiệm tiếp xúc với các thị trường lao động ở thành phố, vùng sâu vùng xa của Việt Nam cũng như các nước khác trong khu vực, bà Lê Hồng Nhi – Quản lý chương trình hỗ trợ cộng đồng khu vực Đông Nam Á của Microsoft nhận định: Nhìn chung, các sinh viên sau khi ra trường, mặc dù kiến thức chuyên môn, kiến thức nền tốt vì được đào tạo bài bản, tuy nhiên, khi tuyển dụng, doanh nghiệp thường mất rất nhiều thời gian mới tìm kiếm được nhân lực phù hợp. Đặc biệt là nhân lực trong những ngành nghề mới về khoa học dữ liệu, công nghệ mới AI, kỹ sư an ninh mạng… đang rất thiếu.
Không chỉ thiếu hụt nhân lực cho các ngành này, mà theo bà Lê Hồng Nhi, các sinh viên còn mắc phải một điểm yếu đó là thiếu việc tiếp nhận học hỏi những với xu hướng mới, công nghệ mới - những gì nhà tuyển dụng cần.
Dẫn chứng một trong những điểm thiếu hụt về kỹ năng, bà Lê Hồng Nhi cho biết rằng, đang có sự khác biệt về trình độ tiếp cận công nghệ thông tin, công nghệ số giữa khu vực thành thị và nông thôn.
Cụ thể, nếu như thanh thiếu niên ở khu vực thành thị có điều kiện được tiếp cận sớm, hoặc thậm chí được tham gia đào tạo tại các lớp học bài bản, được dậy kỹ năng công nghệ trong nhà trường thì một số lượng rất lớn các thanh thiếu niên ở những vùng những tỉnh lân cận Hà Nội như Hòa Bình, Hải Phòng, Quảng Ninh đặc biệt, vùng cao, vùng đồng bằng sông Cửu Long thì khả năng tiếp cận công nghệ số, công nghệ thông tin của thanh thiếu niên rất hạn chế. Có những học sinh học hết cấp 2 song vẫn chưa có kỹ năng về sử dụng máy tính.
Trong bối cảnh thế giới đang thay đổi từng ngày, tiến tới những công nghệ cao hơn như AI, IoT, blockchain, big data thì khoảng cách tiếp cận số hóa đang là vấn đề. Đặc biệt, không chỉ riêng Việt Nam mà hơn một nửa dân số thế giới chưa có điều kiện tiếp cận máy tính hoặc smartphone.
Vì vậy, việc đưa công nghệ thông tin và kỹ thuật số vào nhà trường là hết sức cần thiết. Về phía sinh viên không chỉ học những thứ mang tính mô phạm nữa mà đòi hỏi từ các tập đoàn công nghệ. Bởi các công việc giản đơn sẽ được thay thế bằng máy móc, đòi hỏi những kỹ năng cao hơn, như kỹ năng lập trình, kỹ năng lập trình kéo thẻ, coding…
Trong khi những kỹ năng này thanh thiếu niên Việt Nam đang rất hạn chế. Vì vậy, nên cố gắng phổ cập những kỹ năng này bởi, sau này không chỉ kỹ sư lập trình mới cần kỹ năng này mà tất cả các ngành nghề khác từ bác sỹ, nhà thiết kế thời trang, nhân viên phục vụ nhà hàng, khách sạn … đều có kỹ năng coding cơ bản.
Có chung góc nhìn, ông Nguyễn Quang Vinh - Giám đốc Trung tâm Công nghệ lõi của Tập đoàn Viettel, người từng trải qua các môi trường làm việc từ học thuật, nghiên cứu, đến các tập đoàn nhận định, sinh viên Việt Nam nói chung, đặc biệt là sinh viên công nghệ thông tin nói riêng có đặc điểm là rất thông minh, chăm chỉ, có những sinh viên rất xuất sắc giỏi chuyên môn, kỹ năng. Tuy nhiên, những sinh viên này lại thiếu định hướng chiến lược bản thân hoặc định hướng một cách không rõ ràng. Vì vậy, đối với nhà tuyển dụng đây cũng được coi là một điểm "trừ" của ứng viên.
Bên cạnh đó, ông Nguyễn Quang Vinh cũng chỉ ra, nguồn nhân lực những kỹ sư công nghệ thông tin còn thiếu kỹ năng làm việc làm trong môi trường toàn cầu.
Có thể bạn quan tâm
05:04, 21/06/2019
15:44, 19/06/2019
14:00, 19/06/2019
00:00, 15/06/2019
19:39, 12/06/2019
07:38, 03/06/2019
Để làm việc được trong môi trường như vậy, theo ông Nguyễn Quang Vinh trước tiên sinh viên cần ngoại ngữ tốt và khả năng thích nghi về sự thay đổi của môi trường, trong bối cảnh của cuộc cách mạng mới này. Nếu các sinh viên không có nền tảng kiến thức tốt để thích nghi nhanh với sự thay đổi của môi trường thì sinh viên rất dễ bị lạc hậu.
Dẫn chứng về ý nghĩa của của việc ứng dụng công nghệ, ông Nguyễn Quang Vinh cho biết, trong thực tiễn kinh doanh đã cho thấy, nhiều tập đoàn công nghệ lớn đã từng thành công nhưng vì không áp dụng công nghệ một cách nhanh nhạy, hoặc chậm có thể dẫn tới phá sản hoặc phải “bán mình”. Vì vậy việc trang bị kiến thức nền tảng về ngoại ngữ, kỹ năng thích ứng với sự thay đổi nhanh chóng của môi trường là những điều rất quan trọng.
Ngoài ra, "sinh viên cũng cần chuẩn bị những kỹ năng khác như sự sáng tạo, khả năng chịu được áp lực đặc biệt có thể làm việc được trong môi trường đa ngành nghề đa văn hóa, để sinh viên có điều kiện khẳng định mình ở môi trường quốc tế", Giám đốc Trung tâm Công nghệ lõi của Tập đoàn Viettel nhấn mạnh.
Tuy nhiên, đó là ở góc độ người lao động, nhìn ở góc độ rộng hơn, ông Chu Tuấn Anh - Giám Đốc Hệ thống Đào tạo Lập trình viên Quốc tế Aptech – “Như chia sẻ của đại diện Viettel, các doanh nghiệp sẵn sàng tài trợ, đầu tư cho các trường đại học, máy móc, công nghệ, chỉ mong các trường đại học cập nhật chương trình giáo dục đào tạo, và công nghệ đáp ứng nhu cầu của doanh nghiệp”.