Trở thành Tổng thống thứ 47 của Mỹ, ông Donald Trump được kỳ vọng mang đến làn gió mới đặc biệt về kinh tế trong nhiệm kỳ tái lập tới đây.
Các thị trường tài chính quốc tế hầu hết đều tưng bừng tăng trong phiên giao dịch trùng ngày bầu cử. Nhóm chỉ số chứng khoán Mỹ khép phiên 5/11 theo giờ địa phương, với chỉ số công nghiệp Dow Jones tăng 1% lên 42.221,88 điểm; Chỉ số tổng hợp S&P 500 tăng 1,2% lên 5.782,76 điểm; Chỉ số công nghệ Nasdaq tăng 1,4% lên 18.439,17 điểm.
Tại thị trường châu Âu, chỉ số CAC 40 ở Paris (Pháp) tăng 0,5% lên 7.407,15 điểm. Chỉ số DAX 30 tại thị trường Frankfurt (Đức) tăng 0,6% lên 19.256,27 điểm. Chỉ số FTSE tại thị trường chứng khoán London (Vương quốc Anh) đóng cửa giảm 0,1% xuống 8.172,39 điểm.
Ở thị trường châu Á, sắc xanh không bao phủ hoàn toàn nhưng Nikkei 225 của Nhật +2,16%, đóng cửa tại 39.428,50 điểm. Nhóm chỉ số Hang Seng của Hồng Kông và Trung Quốc đang ghi nhận sắc đỏ. Thị trường Việt Nam ghi nhận VN-Index tăng 1,05 điểm (0,08%) lên 1.245,76 điểm, còn chỉ số HNX-Index tăng 0,40 điểm (0,18%) lên 224,86 điểm.
Cũng trong phiên giao dịch 5/11, ngày ông Trump đã có bài phát biểu mừng chiến thắng trước những người bầu cử cho ông, Bitcoin đã thiết lập kỷ lục mới hơn 75.300 USD. Thị giá hiện tại theo đó đang cao hơn khoảng 2,1% so với mốc cũ 73.750 USD hồi giữa tháng 3. Kéo theo sau còn có các loại tiền số khác cùng tăng vọt. Trước đó, tiền số liên tục tăng được giới đầu tư cho rằng là những tín hiệu "đặt cược" vào khả năng thắng cử của ông Trump.
US Dollar Index (DXY) trong phiên này có sự suy yếu đi so với đồng euro, đồng bảng Anh và đồng yen của Nhật Bản. Tuy nhiên, theo giờ EST, DXY mở cửa phiên 6/11 đã bật lên trên 105.
Cuộc thắng cử ngoạn mục của ông Trump nhìn chung được giới đầu tư nhận định là động lực có thể sẽ khiến đồng bạc xanh tăng giá trở lại. Đi cùng, các chính sách thuế có thể ảnh hưởng đến một số nền kinh tế. Theo đó, xuất hiện mối lo về áp lực đối với mục tiêu ổn định tỷ giá của Việt Nam cũng như mối lo về nguy cơ trở lại danh sách thao túng tiền tệ - làm hẹp dư địa và bắt buộc nhà điều hành thận trọng hơn điều hành tiền tệ ngoại hối, bên cạnh khả năng xuất hiện các mức áp thuế mới lên một số mặt hàng xuất khẩu.
Tuy nhiên, theo đánh giá của VPBankS, nhìn lại thời kỳ ông Trump làm Tổng thống ở nhiệm kỳ đầu tiên (Trump 1.0), Việt Nam là số ít trong các quốc gia tại khu vực Đông Nam Á hưởng lợi trong cuộc chiến thương mại Trade war 1.0 do ông khởi xướng. VPBankS cho rằng nếu ông Trump tiếp tục thắng cử và Mỹ áp đặt thuế 60% đối với Trung Quốc, Việt Nam có thể gia tăng thị phần xuất khẩu sang Mỹ, nhờ lợi thế về các mặt hàng mà Mỹ đã áp thuế với Trung Quốc, dựa trên chiến lược ‘’Trung Quốc +1” của các nhà đầu tư. Bên cạnh đó, lĩnh vực BĐS khu Công nghiệp có thể hưởng lợi nhờ làn sóng chuyển nhà máy tiếp tục tăng mạnh theo dòng vốn FDI.
Lưu ý rằng ngoại tệ thu được từ xuất khẩu và vốn từ FDI chảy vào, là những nguồn đóng góp cung ngoại hối của Việt Nam. Khi cung dồi dào, không gây căng thẳng thanh khoản, dự trữ ngoại hối dồi dào, áp lực đối với việc mất giá tiền Đồng cũng sẽ giảm bớt.
VPBankS lưu ý dù vậy, Trung Quốc sẽ chuyển hướng xuất khẩu sang các thị trường khác có mức thuế thấp hơn hoặc không có thuế nhập khẩu như các nước Đông Á hoặc Đông Nam Á để xử lý hàng tồn kho. Đây là động thái sẽ tạo áp lực cạnh tranh không nhỏ lên các nhà sản xuất trong nước.
Bên cạnh đó, Trung Quốc có thể chuẩn bị một kịch bản phá giá đồng Nhân dân tệ, điều đó có thể gây bất lợi khi tạo áp lực và thúc đẩy tỷ giá của Việt Nam tăng mạnh trong bối cảnh đồng USD có thể tăng giá.
Về vốn đầu tư gián tiếp - giao dịch tài sản, các chuyên gia cũng cho rằng, tiếp tục có xu hướng bán ròng nhưng phân hóa tại thị trường Châu Á như Đài Loan, Hàn Quốc, , Ấn Độ, Indonesia, Thái Lan, Việt Nam,… Những biến động gần đây của dòng vốn trước ảnh hưởng từ sự mạnh lên của đồng USD làm tỷ giá thị trường Châu Á biến động cùng với căng thẳng địa chính trị gia tại Hàn Quốc và Bắc Triều Tiên, Trung Đông cũng khiến dòng tiền thận trọng hơn.
Một thuận lợi trong tương lai của Việt Nam là đang đến gần với mục tiêu nâng hạng thị trường chứng khoán lên mới nổi, với định giá của thị trường đang hấp dẫn, có thể giúp “cân bằng” lực hút giữa đồng bạc xanh tăng giá với kỳ vọng tỷ suất sinh lợi trên thị trường, trên cơ sở triển vọng lợi nhuận cao và mức chia cổ tức đạt trên 20%.
Ở thời kỳ Trump 2.0 tới đây, cơ bản theo VPBankS dự báo, việc tăng thuế nhập khẩu và giảm thuế trong nước có thể kéo lạm phát tăng và khiến lãi suất tăng trở lại, giúp đồng bạc xanh trở có giá trị hơn các đồng tiền tệ khác.
Goldman Sachs đề xuất áp thuế nhập khẩu của Trump có tác động mạnh hơn đến châu Âu - đối tác thương mại chủ chốt của Mỹ và Trung Quốc và có thể khiến giá euro giảm 10%, tức không còn đắt hơn USD.
Đồng yen là một trong những loại tiền tệ dễ bị ảnh hưởng nhất khi ông Trump đắc cử lần thứ hai, do chênh lệch lớn về lãi suất giữa Mỹ và Nhật Bản.
Ngoài ra, tính độc lập của Fed cũng đang thu hút sự quan tâm khi ông Trump đã từng bày tỏ mong muốn tác động vào hoạt động của Fed và điều này có thể làm suy yếu khả năng hoạt động độc lập của NHTW này khi ông tái đắc cử.
“Fed hoạt động độc lập với chính trị gia, giúp USD giữ vị trí là tiền tệ dự trữ của thế giới và chính phủ Mỹ có khả năng đi vay mạnh tay bằng cách phát hành trái phiếu lãi suất thấp. Do đó, bất kỳ nỗ lực nào nhằm suy yếu sự độc lập của Fed đều có khả năng làm rung chuyển thị trường tài chính toàn cầu và gây bất ổn cho USD - đồng tiền thống trị thương mại, dự trữ thế giới”, VPBankS ghi chú.
Dù vậy, khi ông Trump đắc cử ở cuộc bầu cử vừa qua, thì chính quyền Biden vẫn đang trong giai đoạn chưa khép lại nhiệm kỳ, sẽ cần một thời gian để chuyển giao quyền lực. Với Fed, nhiều nhà đầu tư đang chờ đợi một đợt cắt giảm lãi suất khác của các Thống đốc các bang ngay thứ Năm (7/11) này, trong bối cảnh lạm phát hạ nhiệt. Từ nay đến cuối năm, theo tiến trình của Fed với khả năng cắt giảm lãi suất kế tiếp, cộng với yếu tố sau cùng khi các cuộc giằng co về bầu cử đã có kết quả rõ ràng, thì những tác động đẩy giá lên đồng bạc xanh theo giới chuyên môn cũng được kỳ vọng giảm.
Tại Việt Nam, ghi nhận sau phiên giao dịch 4/11 với lãi suất liên ngân hàng kỳ hạn qua đêm nóng bỏng tới 6,20%, NHNN đã mạnh tay hỗ trợ cho hệ thống, tổng cộng các phiên vừa qua đã chủ động bơm ròng tới 50.000 tỷ thông qua OMO, đưa lãi suất liên ngân hàng (kỳ hạn qua đêm và 1 tuần) đã về lại vùng dễ thở: 4,5% - 4,7%. Theo đánh giá chung của giới chuyên môn, NHNN đang điều hành linh hoạt các công cụ hỗ trợ và thanh khoản thị trường đảm bảo, tỷ giá trong biên độ kiểm soát và sẽ ổn định, giảm từ cuối tháng 11 - cuối năm.