Đang hiển thị
Tỉnh thành khác
Tỷ giá và thị trường ngoại hối ổn định tác động tích cực đến hoạt động sản xuất kinh doanh và hoạt động xuất nhập khẩu, giúp tín dụng tăng tích cực hơn.
Đến cuối tháng 8/2024, tổng dư nợ tín dụng trên địa bàn TP. Hồ Chí Minh đạt trên 3,7 triệu tỷ đồng, tăng 0,75% so với tháng trước; tăng 4,68% so với cuối năm và tăng 11,28% so với cùng kỳ năm trước.
Như vậy, sau khi giảm nhẹ vào tháng 7/2024 (giảm 0,09%), tín dụng tháng 8/2024 đã tăng trở lại. So với cùng kỳ này các năm trước, 8 tháng đầu năm 2023 tín dụng trên địa bàn tăng 3,26% so với cuối năm; năm 2022 tăng 11,29%; năm 2021 tăng 5,68% và năm 2020 tăng 3,6%.
Phân tích hoạt động tín dụng trên địa bàn 8 tháng đầu năm, có thể thấy một số xu hướng và kết quả đạt được cụ thể sau:
Thứ nhất, tín dụng ngoại tệ chiếm tỷ trọng thấp trong tổng dư nợ tín dụng, chiếm khoảng 3,6% và giảm liên tục trong những tháng gần đây, song đã tăng trưởng trở lại trong tháng 8/2024, với mức tăng 0,8%. Diễn biến này phù hợp với tình hình hoạt động xuất nhập khẩu trên địa bàn Thành phố và diễn biến tích cực của tỷ giá. Trong đó, tỷ giá và thị trường ngoại hối ổn định, cũng là yếu tố tác động tích cực đến hoạt động sản xuất kinh doanh nói chung và hoạt động xuất nhập khẩu nói riêng.
Thứ hai, hoạt động tín dụng ngân hàng trên địa bàn tiếp tục tập trung nhiệm vụ hỗ trợ doanh nghiệp. Trong đó, cơ cấu lại nợ giữ nguyên nhóm nợ theo cơ chế của Thông tư 02 và Thông tư 06 tiếp tục được thực hiện nhằm tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, giảm áp lực trả nợ vay, duy trì sản xuất và tạo lập dòng tiền để phát triển. Đến nay, trên địa bàn đã có gần 43 nghìn khách hàng, doanh nghiệp được cơ cấu lại nợ, với tổng dư nợ đạt 41.498 tỷ đồng. Đặc biệt, giải ngân gói tin dụng ưu đãi thông qua chương trình kết nối ngân hàng doanh nghiệp đạt ở mức cao, 8 tháng đầu năm đã giải ngân đạt 425.659 tỷ đồng, bằng 83,3% so với quy mô gói tín dụng đăng ký từ đầu năm, với 146.906 khách hàng được hỗ trợ (giảm lãi suất cho vay; cơ cấu lại nợ giữ nguyên nhóm nợ; cho vay lãi suất ưu đãi và cho vay xuất nhập khẩu…).
Thứ ba, cho vay 5 nhóm ngành lĩnh vực là động lực tăng trưởng kinh tế, gồm: lĩnh vực xuất khẩu nhập khẩu; doanh nghiệp nhỏ và vừa; lĩnh vực nông nghiệp nông thôn; công nghiệp hỗ trợ và doanh nghiệp ứng dụng công nghệ cao tiếp tục duy trì tốc độ tăng trưởng dương trong 8 tháng đầu năm. Đến nay, tổng dư nợ cho vay 5 nhóm ngành đạt 1.688 tỷ đồng, tăng 0,7% với tháng 7/2024. Trong đó, dư nợ cho vay doanh nghiệp nhỏ và vừa tiếp tục giữ tỷ trọng cao, chiếm 82% tổng dư nợ trong 5 nhóm ngành này trên địa bàn.
Bên cạnh đó, phân tích theo thị phần và khối các tổ chức tín dụng (NHTM Nhà nước, NHTM cổ phần, Ngân hàng liên doanh, Ngân hàng nước ngoài, Công ty tài chính) đặt trong mối liên hệ với tăng trưởng tín dụng của mỗi TCTD và của hệ thống các tổ chức tín dụng, thì dư nợ tín dụng của khối NHTM cổ phần và NHTM Nhà nước vẫn chiếm tỷ trọng cao trong tổng dư nợ tín dụng trên địa bàn và đạt tốc độ tăng trưởng cao hơn các khối khác.
Đây sẽ là yếu tố quan trọng trong việc góp phần tăng trưởng tín dụng những tháng cuối năm, khi các TCTD trong khối này được tăng hạn mức tăng trưởng tín dụng, tạo điều kiện đáp ứng nhu cầu vốn cho hoạt động sản xuất, kinh doanh thương mại, dịch vụ.